« CÓ MỘT MỐI LIÊN HỆ GIỮA TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG VÀ LINH ĐẠO KITÔ GIÁO »

Written by xbvn on Tháng Mười 16th, 2019. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Thế Giới, Tý Linh

Có nhiều phong trào bất tuân dân sự nổi lên ở Pháp, đặc biệt trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chống lại sự hâm nóng khí hậu. Michel Lafouasse, đặc trách phong trào « Pax Christi » (« Bình an của Chúa Kitô ») ở giáo phận Nice và là thành viên của Ủy ban bất bạo động của Pax Christi Pháp, giải thích cái nhìn của Kitô giáo về khái niệm « bất tuân » này.

 

 

Một người đóng vai Chúa Giêsu trong cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, với tấm bảng ghi “Ta không muốn chết vì tội lỗi các ngươi một lần nữa”

La Croix : Giáo hội nói gì về việc bất tuân dân sự ?

Michel Lafouasse : Một trong những bản văn nền tảng của Giáo hội về vấn đề này là thông điệp của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII “Pacem in terris” (“Hòa bình dưới thế”), mà ngài công bố vào dịp Công đồng Vatican II, ngay trước khi ngài qua đời vào tháng 4/1963. Những gì ngài nói là rất rõ ràng : « Quyền bính được đòi hỏi bởi trật tự luân lý phát xuất từ Thiên Chúa. Vì thế, nếu xảy ra là các vị lãnh đạo ban hành những luật lệ hay dùng những biện pháp trái với trật tự luân lý này, và do đó, trái với ý muốn của Thiên Chúa, thì những quy định này không thể bó buộc các lương tâm, vì phải tuân phục Thiên Chúa hơn là người phàm ». Nói tóm lại, ngài nói với chúng ta rằng các Kitô hữu có thể biện hộ cho quyền phản đối lương tâm nếu họ đối diện với một luật bất công, trái với lề luật của Thiên Chúa. Từ đó tầm quan trọng biện phân tốt sự đúng đắn của chính nghĩa và cũng đảm bảo cho mình phương thức hành động.

La Croix : Làm thế nào biện phân rằng  chính nghĩa mà ta bảo vệ là đúng đắn ?

M. L. : Tôi sẽ dựa vào sáu tiêu chí được José Bové và Gilles Luneau đưa ra trong cuốn sách « Pour la désobéissance civique » của họ (« Bàn về việc bất tuân dân sự »). Để một hành động được gọi là bất tuân, thì phải « cùng nhau » : một hành vi kháng cự tập thể, bất bạo động, trong sáng, nhân vị và trách nhiệm, vô vị lợi và cùng đường. Về điều này, Chúa Giêsu là một mẫu gương tuyệt vời về sự phản đối lương tâm đúng đắn. Chúa Giêsu là vị vua bất bạo động của vương quốc bất bạo động ! Chúng ta thấy rõ điều này trong mối tương quan mà ngài bàn về luật Môise. Ngài đẩy lề luật đến chỗ kiện toàn của nó : trong ý muốn của Chúa Cha, có luật yêu thương, vốn hiến mạng sống mình để cứu rỗi người khác. Trong hành vi bất tuân, ta biết rằng ta chịu một mối nguy. Chúa Giêsu đã biết rõ điều đó khi Ngài chữa lành một người bệnh vào một ngày Sabbát. Khi tranh cãi về luật Tôra, Ngài khơi lên những ước muốn giết chết Ngài.

La Croix : Bất tuân, trong bất bạo động, vì thế căn bản là Kitô giáo không ?

M. L. : Đúng vậy. Tin Mừng đã là nguồn mạch của nhiều phong trào bất bạo động. Gandhi, nhà trí thức vĩ đại, đã từng đọc các sách Tin Mừng. Ta cũng biết rằng ông đã từng trao đổi với văn hào Léon Tolstoï. Văn hào hẳn đã từng truyền lửa bất bạo động cho ông khi ông khám phá hòn ngọc của các Tin Mừng : « Các con hãy cầu nguyện cho kẻ thù ». Dó đó, rõ ràng có một mối liên hệ giữa linh đạo Kitô giáo và sự bất bạo động. Nhưng than ôi, ngày nay ta không thấy tốt hơn bao nhiêu ! Ở Pháp, xem ra việc bất tuân không ở trong não trạng Kitô hữu. Người ta xin các Kitô hữu cầu xin Chúa để Ngài làm điều đó thay cho chúng ta. Vậy mà, chính chúng ta phải hành động, được soi dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường : Ngài đã đi đến chỗ hiến dâng hoàn toàn mạng sống của mình. Nếu chúng ta có một đức tin vững vàng, thì chúng ta sẽ tham dự vào những cuộc chiến đấu to lớn của thế giới này đề làm cho công lý ngự trị. Đức Phanxicô mời gọi chúng ta như thế. Vào năm 2017, ngài đã gởi một sứ điệp nhân ngày thế giới hòa bình lần thứ 50 : « Tôi đảm bảo rằng Giáo Hội Công giáo sẽ đồng hành với mọi mong muốn xây dựng hòa bình, bao hàm cả sự bất bạo động chủ động và sáng tạo ».

La Croix : « Bất bạo động sáng tạo » nghĩa là gì ?

M. L. : Điều đó có nghĩa rằng ở giữa lòng sự bất bạo động, có lòng thương xót. Vào năm 1983, các Giám mục Đức quốc đã công bố một bức thư : « Công lý xây dựng hòa bình ». Trong đó các ngài gợi lên một tinh thần « bất bạo động sáng tạo ». Khi có một sự bất công, thì điều đó gây nên những nỗi đau khổ. Do đó, người ta tìm cách thuyết phục kẻ quyền lực ngừng lại. Vì điều đó không được, nên phải ngang qua sự bó buộc bất bạo động. Ở đâu có lòng thương xót can thiệp, thì ở đó sự bó buộc phải được thực hiện trong sự tôn trọng những người chiến bại. Vì, nếu cuộc chiến thành công, thì có lẽ những người này sẽ có thể hoán cải và, đến lượt họ, tham gia với những người đấu tranh. Lòng thương xót thì sáng tạo : tiếp nối hành vi sáng tạo của Thiên Chúa, nó tham dự vào việc làm cho công trình tạo dựng nên hài hòa.

Tý Linh chuyển ngữ (theo nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30