ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI, TRUYỀN THỐNG VÀ CÁC TRẠM HẢI QUAN GIÁO SĨ

Written by xbvn on Tháng Mười Một 12th, 2023. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tín lý, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Suy tư về những câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin liên quan đến việc cử hành Bí tích Rửa tội và những người chuyển giới và đồng tính luyến ái.

Andrea Tornielli, giám đốc biên tập truyền thông Vatican

Thánh Cyprianô, Giám mục Carthage tử đạo năm 258, tham gia vào một Thượng hội đồng Giám mục Châu Phi, đã nhận xét rằng “không được từ chối lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa đối với bất cứ người nào sinh ra trong cuộc đời này”. Thánh Augustinô đã viết: “Các trẻ nhỏ được mang đến để lãnh nhận ân sủng thiêng liêng, không phải bởi những người bồng ẵm chúng trên tay (dù trong trường hợp họ là những tín hữu tốt) cũng như bởi toàn thể các thánh và các tín hữu [ …] Chính toàn thể Mẹ Hội Thánh, người Mẹ đang ở trong các thánh của mình, đang hành động, bởi vì chính toàn thể Mẹ Hội Thánh đã sinh ra họ, mọi người và mỗi người.”

Hai tuyên bố này của các Giáo Phụ chứng thực tính nhưng không hoàn toàn của Bí tích Rửa tội, đồng thời tương đối hóa vai trò của cha mẹ và người đỡ đầu (“nếu họ là những tín hữu tốt”), những người cầu xin Bí tích và mang đứa trẻ đến. Những lời khẳng định này làm sáng tỏ hơn những lời khẳng định khác, những câu trả lời gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin cho các câu hỏi của một Giám mục Brazil về Bí tích Rửa tội.

Thông tri được ký bởi Đức Hồng y Victor Manuel Fernandéz và được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, cho thấy sự hòa hợp rõ ràng với huấn quyền giáo hoàng gần đây. Thật vậy, Đức Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cánh cửa các Bí tích, đặc biệt là cánh cửa của Bí tích Rửa tội, không được đóng kín, và Giáo hội không bao giờ được biến thành một trạm hải quan, nhưng trái lại phải đón tiếp và đồng hành với mỗi người trên những con đường gập ghềnh của cuộc đời.

Trong bối cảnh rất phân cực vốn là đặc điểm của Giáo hội ngày nay, những câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin đã gây ra những phản ứng đối kháng, đặc biệt là từ những người lo sợ rằng việc thừa nhận bí tích rửa tội cho con cái của các cặp vợ chồng đồng tính (con nuôi hoặc con của một một trong hai người, có thể do mang thai hộ), cái gọi là “hôn nhân đồng tính” và việc thực hành “cho thuê tử cung” được coi là hợp pháp về mặt luân lý. Vẫn theo các nhà phê bình, cũng theo nghĩa này mà cần phải nhận ra việc nới lỏng luật làm cha mẹ đỡ đầu trong Bí tích Rửa tội, mà bộ trình bày dưới một hình thức có vấn đề.

Trước hết, thật thú vị khi lưu ý một đoạn trong thông tri, trong đó nhắc lại rằng các câu trả lời được công bố trong những ngày này “về thực chất, đang đề nghị lại nội dung cơ bản của những gì đã được Bộ này khẳng định trong quá khứ”. Đây là những tuyên bố trước đó vẫn được giữ bí mật (một trong số đó cũng được trích dẫn trong thông tri) vốn có từ triều đại giáo hoàng này và những triều đại giáo hoàng trước đó. Hơn nữa, những trích dẫn đầu tiên của hai Giáo Phụ ở đầu bài viết này, cùng với nhiều trích dẫn khác, đều được chứa đựng trong một tài liệu công khai của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, lúc đó do Đức Hồng y Franjo Šeper, người Croatia, và Đức Tổng Giám mục Jérôme Hamer, Dòng Đa Minh, hướng dẫn. Đây là một huấn thị được thánh Gioan Phaolô II phê chuẩn vào tháng 10 năm 1980, trong đó ngài trả lời cho một loạt phản đối chống lại việc cử hành Bí tích Rửa tội cho trẻ em, bằng cách nhắc lại tầm quan trọng của “một thực hành lâu đời” có nguồn gốc tông truyền không được bỏ qua.

Đối với những người ngày nay từ chối Bí tích Rửa tội cho con cái của các cặp đồng tính vì khi rửa tội cho chúng, Giáo hội sẽ khiến việc kết hợp đồng tính hoặc việc thực hành thuê tử cung trở nên hợp pháp về mặt luân lý, tài liệu năm 1980 trên thực tế đã gián tiếp trả lời theo cách tương tự, khi khẳng định rằng “việc thực hành Bí tích Rửa tội cho trẻ em mang tính chất Tin Mừng đích thực, bởi vì nó có giá trị chứng tá; quả thế, nó biểu lộ sự ân cần của Thiên Chúa và tính nhưng không của tình yêu bao trùm cuộc đời chúng ta: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là Người đã yêu thương chúng ta… Chúng ta yêu thương vì chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước tiên”. Ngay cả nơi người lớn, những đòi hỏi mà việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội yêu cầu không được làm cho quên rằng không phải do những công trạng mà chúng ta đã thực hiện, nhưng nhờ lòng thương xót của Người, mà Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng việc tắm trong sự tái sinh và sự đổi mới của Chúa Thánh Thần.”

Huấn thị được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phê chuẩn cách đây 43 năm rõ ràng đã tính đến sự thay đổi bối cảnh xã hội và sự tục hóa: “Các mục tử có thể thấy mình trước sự hiện diện ​​của các bậc cha mẹ không còn đức tin mấy và thỉnh thoảng vẫn thực hành đạo, hoặc thậm chí cả những bậc cha mẹ không phải là Kitô hữu, những người, vì những lý do đáng được cân nhắc, yêu cầu rửa tội cho con cái mình”.

Làm thế nào để hành động trong những trường hợp như vậy? Trong khi tiêu chuẩn – hôm qua và hôm nay – vẫn còn giá trị, theo đó việc rửa tội cho trẻ em được cử hành nếu có cam kết giáo dục chúng theo đường lối Kitô giáo, thì tài liệu năm 1980 đã nêu rõ về vấn đề này: “Về vấn đề bảo đảm, cần phải xem xét rằng bất kỳ sự đảm bảo nào mang lại niềm hy vọng có cơ sở cho việc giáo dục Kitô giáo cho trẻ em đều đáng được coi là đầy đủ”. Việc thực hành đang có hiệu lực tại các giáo xứ chứng thực rằng giống như Đấng Nazarêen, không mệt mỏi tìm kiếm từng con chiên lạc, chỉ cần có một phụ huynh cam kết trước Giáo hội không đóng cửa là đủ.

Ngày nay, chẳng phải là cần phải tin nhiều hơn vào hoạt động ân sủng diễn ra qua các Bí tích vốn không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo mà là phương thuốc chữa trị cho tội nhân sao? Chẳng phải là chúng ta cần xem xét kỹ hơn những trang Tin Mừng trong đó xuất hiện Chúa Giêsu là Đấng yêu thương trước, tha thứ trước, ôm hôn với lòng thương xót trước, và chính trong cái ôm này mà tâm hồn mọi người được thúc đẩy hướng tới sự hoán cải sao?

Và một lần nữa, đâu là lỗi của trẻ thơ? Bất kể chúng đến thế gian bằng cách nào, chúng luôn là những thụ tạo được Chúa yêu thương và trân trọng. Do đó, chẳng phải sẽ tốt hơn nếu tập trung vào mặt tích cực, tức là việc mọi người cầu xin Bí tích Rửa tội trong bối cảnh hậu Kitô giáo, nơi mà càng ngày càng hiếm việc điều đó xảy ra chỉ đơn giản theo phong tục?

Thật an ủi khi đọc lại những lời của một vị Giám mục vĩ đại của thế kỷ XX, được phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 năm 1978 về Luise Brown, đứa bé đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm. Ngài tố cáo nguy cơ chứng kiến ​​sự ra đời của các “nhà máy trẻ em” bị tách biệt khỏi bối cảnh gia đình, và giải thích rằng ngài chỉ chia sẻ “một phần nào” tâm huyết với trải nghiệm này. Nhưng cuối cùng, ngài gửi “những lời chúc nồng nhiệt nhất đến đứa trẻ” và một tư tưởng yêu thương đến các bậc cha mẹ: “Tôi không có quyền lên án họ: về mặt chủ quan, nếu họ hành động với ý hướng ngay thẳng và thiện chí, thì họ thậm chí có thể có được công lao to lớn trước nhan Thiên Chúa vì những gì họ đã quyết định và yêu cầu các bác sĩ thực hiện”. Vị Giám mục này tên là Albino Luciani, ngài là Thượng phụ của Venise, một tháng sau ngài sẽ trở thành Giáo hoàng Gioan-Phaolô I và hôm nay ngài là Chân phước.

——————————————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican news)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30