BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC CUỘC HỘI NGỘ GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X : GIA ĐÌNH LÀ NƠI ĐẦU TIÊN CHÚNG TA HỌC BIẾT YÊU THƯƠNG

Written by xbvn on Tháng Sáu 29th, 2022. Posted in Gia đình, Giáo dân, Giáo lý, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài giảng thánh lễ bế mạc cuộc Hội ngộ Gia đình Thế giới lần thứ X hôm 25/6/2022, do ĐHY Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, chủ tế, Đức Thánh Cha đã tái khẳng định  vẻ đẹp của gia đình và kêu gọi bảo vệ nó khỏi sự độc hại của sự dửng dưng và chủ nghĩa cá nhân, và đồng thời giữ gìn « ADN » của gia đình là « lòng hiếu khách và tinh thần phục vụ ».

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Trong khuôn khổ cuộc Hội ngộ Gia đình Thế giới lần thứ X, đây là thời điểm để tạ ơn. Với lòng biết ơn,  hôm nay chúng ta mang đến trước nhan Thiên Chúa – như trong phần dâng lễ long trọng – tất cả những gì Chúa Thánh Thần đã gieo vào anh chị em, các gia đình thân mến. Một số người trong anh chị em đã tham dự vào những thời điểm suy tư và chia sẻ, ở đây, tại Vatican. Một số khác đã hướng dẫn và sống chúng tại các giáo phận của mình, theo kiểu chòm sao rộng lớn. Tôi hình dung sự phong phú kinh nghiệm, dự định, ước mơ, cùng với đó không thiếu những lo âu và bấp bênh. Giờ đây, chúng ta dâng tất cả những điều đó cho Chúa, và xin Ngài nâng đỡ anh chị em bằng sức mạnh và tình yêu của Ngài. Anh chị em là những người cha, người mẹ, con cái, ông bà, chú bác và cô dì ; anh chị em là những người lớn, trẻ em, người trẻ, người cao tuổi ; mỗi người với một kinh nghiệm khác nhau về gia đình, nhưng tất cả mọi người có cùng một niềm hy vọng và lời cầu nguyện : xin Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ gia đình của anh chị em và tất cả các gia đình trên thế giới.

Thánh Phaolô, trong Bài đọc II, đã nói với chúng ta về tự do. Tự do là một trong những thiện ích được  đánh giá cao và được tìm kiếm nhất bởi con người hiện đại và đương đại. Mỗi người đều muốn được tự do, không bị điều kiện hóa, không bị giới hạn, và do đó khao khát thoát khỏi mọi hình thức « tù ngục » : văn hóa, xã hội, kinh tế. Thế nhưng, biết bao nhiêu người thiếu đi sự tự do lớn lao nhất : tự do nội tâm ! Thánh Tông đồ nhắc nhở các Kitô hữu chúng ta rằng trước hết đó là một ân huệ, khi ngài thốt lên : « Chính để chúng ta được tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta » (Ga 5, 1). Tự do đã được ban tặng cho chúng ta. Tất cả chúng ta được sinh ra với nhiều điệu kiện, nội tại và ngoại tại, và nhất là có khuynh hướng ích kỷ, tức là đặt mình làm trung tâm và làm theo lợi ích của mình. Nhưng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ này. Để tránh mọi nghi ngờ, thánh Phaolô cảnh báo chúng ta rằng sự tự do được Thiên Chúa ban cho chúng ta không phải là sự tự do giả tạo và viển vông của thế gian, mà trên thực tế là « một cái cớ cho tính xác thịt » (Gl 5, 13). Không, sự tự do mà Chúa Kitô đạt được cho chúng ta bằng giá máu của Ngài hoàn toàn hướng đến tình yêu, để – như thánh Tông đồ đã nói và đang nói với chúng ta hôm nay – anh em « hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau » (ibid.).

Tất cả anh chị em, những đôi vợ chồng, khi thành lập gia đình của mình, với ân sủng của Chúa Kitô, anh chị em đã can đảm lựa chọn không sử dụng tự do cho chính mình, nhưng để yêu thương những người mà Thiên Chúa đã đặt bên cạnh anh  chị em. Thay vì sống như những « hòn đảo », anh chị em đã dấn thân « phục vụ lẫn nhau ». Đó là cách tự do được sống trong gia đình ! Không có « hành tinh » hay « vệ tinh » nào di chuyển trên quỹ đạo của riêng nó. Gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, ra khỏi chính mình để đón tiếp người khác và gần gũi với họ. Nó là nơi đầu tiên mà chúng ta học biết yêu thương.

Thưa anh chị em, nếu chúng ta lặp lại điều đó với nhiều xác tín, thì chúng ta biết rõ rằng, trên thực tế, không phải lúc nào cũng như vậy, vì nhiều lý do và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và khi khẳng định vẻ đẹp của gia đình, chúng ta cảm thấy hơn bao giờ hết rằng chúng ta phải bảo vệ nó. Chúng ta đừng để nó bị ô nhiễm bởi chất độc của tính ích kỷ, của chủ nghĩa cá nhân, của nền văn hóa dửng dưng và vứt bỏ, và như thế đừng để nó mất đi « ADN » của nó là lòng hiếu khách và tinh thần phục vụ.

Mối tương quan giữa các ngôn sứ Êlia và Êlisê, được trình bày trong Bài đọc I, khiến chúng ta nghĩ đến mối tương quan giữa các thế hệ, đến « sự chuyển giao chứng tá » giữa cha mẹ và con cái. Mối tương quan này trong thế giới hôm nay không phải đơn giản và nó thường là nguồn lo âu. Cha mẹ sợ con cái không thể được định hướng trong sự phức tạp và lộn xộn của xã hội chúng ta, nơi mọi thứ dường như hỗn độn và bấp bênh, và cuối cùng chúng sẽ lạc lối. Nỗi sợ hãi này khiến một số bậc cha mẹ lo lắng, số khác thì quá bảo vệ, và đôi khi cuối cùng nó thậm chí còn ngăn chặn ước muốn mang lại sự sống mới cho thế giới.

Thật hữu ích khi chúng ta suy nghĩ về mối tương quan giữa Êlia và Êlisê. Trong lúc khủng hoảng và lo sợ cho tương lai, Êlia đã nhận lệnh từ Thiên Chúa để xức dầu cho Êlisê làm người kế vị mình. Thiên Chúa cho Êlia hiểu rằng thế giới không kết thúc với ông và Ngài truyền cho ông chuyển giao sứ mạng của mình cho người khác. Đó là ý nghĩa của cử chỉ được mô tả trong bản văn : Êlia ném áo choàng của mình lên vai Êlisê, và từ lúc đó môn đệ thế chỗ của thầy để tiép tục sứ vụ ngôn sứ ở Israel. Như thế, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài tin tưởng vào Êlisê trẻ tuổi.

Thật quan trọng đối với các bậc cha mẹ khi suy ngẫm cách hành động của Thiên Chúa ! Thiên Chúa yêu thương người trẻ, nhưng không vì thế mà Ngài bảo vệ họ khỏi mọi rủi ro, mọi thách thức và mọi đau khổ. Ngài không lo lăng, cũng không siêu bảo vệ ; trái lại, Ngài tin tưởng vào họ và mời gọi mỗi người đạt tới tầm cao của cuộc sống và sứ mạng. Chúng ta hãy nghĩ đến đứa cậu bé Samuen, đến chàng thiếu niên Đavít, đến chàng thanh niên Giêrêmia ; đặc biệt hãy nghĩ đến Đức Trinh Nữ Maria. Các bậc cha mẹ thân mến, Lời Chúa chỉ đường cho chúng ta : đừng bảo vệ con cái khỏi những bất ổn và đau khổ dù là nhỏ nhất, nhưng tìm cách truyền cho chúng niềm đam mê cuộc sống, thắp sáng nơi họ ước muốn tìm thấy ơn gọi của mình và đón nhận sứ mạng lớn lao mà Thiên Chúa đã nghĩ cho họ. Chính khám phá này đã làm cho Êlisê can đảm, quyết tâm và biến ông thành người trưởng thành. Việc từ giã cha mẹ và giết bò làm lễ tế là những dấu chỉ cho thấy Êlisê đã hiểu rằng « giờ đây đến lượt ông », rằng đã đến lúc đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa và tiếp tục những gì ông đã thấy thực hiện nơi thầy của mình. Và ông sẽ can đảm thực hiện điều đó cho đến chết. Các bậc cha mẹ thân mến, nếu anh chị em giúp con cái khám phá và đón nhận ơn gọi của chúng, thì anh chị em sẽ thấy rằng chúng sẽ được « chiếm lấy » bởi sứ mạng này và chúng sẽ có sức mạnh đương đầu và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đối với một nhà giáo dục, cách tốt nhất để giúp người khác tiếp tục ơn gọi của họ, đó là đón nhận ơn gọi của chính mình bằng tình yêu trung thành. Đó là những gì mà các môn đệ đã chứng kiến Chúa Giêsu làm, và bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một thời điểm tiêu biểu, khi Chúa Giêsu, « kiên quyết đi lên Giêrusalem » (Lc 9, 51), biết rõ rằng Ngài sẽ bị kết án và bị giết ở đó. Và trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu bị cư dân Samari từ chối, một sự từ chối gây nên phản ứng phẫn nộ của Giacôbê và Gioan, nhưng Ngài chấp nhận, bởi vì điều đó là một phần của ơn gọi của Ngài. Lúc đầu, Ngài đã bị khước từ ở Nadarét, giờ đây ở Samari, và cuối cùng Ngài sẽ bị khước từ ở Giêrusalem. Chúa Giêsu chấp nhận tất cả những điều đó bởi vì Ngài đến để gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Cũng thế, không có gì khích lệ hơn đối với con cái khi thấy cha mẹ mình sống hôn nhân và gia đình như một sứ mạng, cách trung thành và kiên nhẫn, bất chấp những khó khăn, những lúc đau buồn và thử thách. Và những gì xảy ra cho Chúa Giêsu ở Samari vẫn diễn ra trong mọi ơn gọi Kitô hữu, kể cả ơn gọi gia đình. Có những lúc cần phải mang trên mình những chống đối, những khép kín, những hiểu lầm xuất phát từ tâm hồn con người và, với ân sủng của Chúa Kitô, biến chúng thành việc đón nhận người khác, thành tình yêu nhưng không.

Ngay sau đoạn này, vốn mô tả cho chúng ta, theo một nghĩa nào đó, về « ơn gọi của Chúa Giêsu », Tin Mừng trình bày cho chúng ta ba tiếng gọi khác, ba ơn gọi của các môn đệ khao khát theo Chúa Giêsu. Người đầu tiên được mời gọi đừng tìm kiếm một nơi ở ổn định, một nơi ở an toàn khi theo Thầy, Đấng « không có chỗ tựa đầu » (Lc 9, 58). Bước theo Chúa Giêsu có nghĩa là đặt mình vào chuyển động và luôn chuyển động, « trong hành trình » với Ngài xuyên qua những biến cố của cuộc đời. Điều này càng đúng hơn nữa với đối với anh chị em, các đôi vợ chồng ! Anh chị em cũng thế, khi đón nhận tiếng gọi hôn nhân và gia đình, anh chị em đã rơi bỏ « tổ ấm » của mình và bắt đầu một cuộc hành trình mà anh chị em không thể biết trước tất cả các giai đoạn, và duy trì anh chị em chuyển động liên tục, với những hoàn cảnh luôn mới mẻ, những biến cố bất ngờ, những điều ngạc nhiên. Con đường với Chúa là như thế. Nó năng động, không thể đoán trước và luôn là một khám phá tuyệt vời. Chúng ta hãy nhớ rằng sự nghỉ ngơi của bất cứ môn đệ nào của Chúa Giêsu chính là mỗi ngày thực thi ý muốn của Thiên Chúa, dù ý muốn đó như thế nào.

Người môn đệ thứ hai được mời gọi đừng « trở về chôn cất kẻ chết của mình » (cc. 59-60). Đây không phải là bỏ giới răn thứ tư, vốn luôn luôn có giá trị. Trái lại, đó là một lời mời gọi trước hết hãy tuân phục giới răn thứ nhất : yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Người môn đệ thứ ba cũng vậy, được kêu gọi bước theo Chúa Kitô cách kiên quyết và hết lòng, không « ngoái lại đằng sau », ngay cả để từ biệt người thân của mình (x. 61-62).

Các gia đình thân mến, anh chị em cũng được mời gọi đừng có những ưu tiên khác, « đừng ngoái lại đằng sau », tức là đừng tiếc nuối cuộc sống trước đây, sự tự do trước đây, với những ảo tưởng lừa dối của nó : Cuộc sống bất động khi, tiếc nuối quá khứ, nó không đón nhận sự mới mẻ của tiếng gọi của Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu kêu gọi, ngay cả về hôn nhân và gia đình, Ngài đòi hỏi nhìn về phía trước và Ngài luôn đi trước chúng ta trên hành trình, Ngài luôn đi trước chúng ta trong tình yêu và phục vụ. Những ai bước theo Ngài không phải thất vọng !

Anh chị em thân mến, các bài đọc mà Phụng vụ đề nghị cho chúng ta hôm nay, một cách quan phòng, tất cả đều nói về ơn gọi vốn chính là chủ đề của cuộc Hội ngộ Gia đình Thế giới lần thứ X : « Tình yêu gia đình : ơn gọi và con đường nên thánh ». Với sức mạnh của Lời hằng sống này, tôi khuyến khích anh  chị em kiên quyết tiếp tục hành trình của tình yêu gia đình, bằng cách chia sẻ với tất cả các thành viên trong gia đình niềm vui của tiếng gọi này.

Ước gì tình yêu mà anh chị em đang sống với nhau luôn được rộng mở, hướng ngoại, có khả năng « chạm » đến những người yếu đuối nhất và những người bị tổn thương mà anh chị em gặp gỡ trong suốt cuộc hành trình : mong manh về thể xác và mong manh trong tâm hồn. Quả thế, tình yêu gia đình cũng cần được thanh tẩy và được củng cố khi nó được trao ban.

Giáo hội ở với anh  chị em, hơn thế nữa, Giáo hội ở trong anh chị em ! Quả thế, Giáo hội được sinh ra từ một Gia đình, gia đình Nadarét, và Giáo hội được chủ yếu làm nên bởi các gia đình. Xin Chúa giúp đỡ anh chị em mỗi ngày  luôn hiệp nhất, bình an và vui tươi, bằng cách cho mọi người thấy rằng Thiên Chúa là tình yêu và là hiệp thông sự sống.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30