BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG 2022 : ĐẶT MÌNH VÀO TRƯỜNG HỌC CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Written by xbvn on Tháng Sáu 6th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Phụng vụ, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, hôm 5/6/2022, do ĐHY Giovanni Battista Re chủ tế, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần « dạy chúng ta bắt đầu từ đâu, đi theo con đường nào và bước đi như thế nào » trong hành trình cuộc đời của chúng ta. Vì thế, ngài cho thấy Chúa Thánh Thần là « động cơ » và « ký ức » của đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Đức Thánh Cha mời gọi « chúng ta hãy đặt mình vào trường học của Chúa Thánh Thần, để Ngài dạy chúng ta mọi sự. Chúng ta hãy cầu xin Ngài mỗi ngày, để Ngài nhắc cho chúng ta luôn khởi đi từ cái nhìn của Thiên Chúa đối với chúng ta, tiến tới trong những chọn lựa của chúng ta bằng cách lắng nghe tiếng Ngài, bước đi cùng nhau, trong Giáo hội, ngoan ngoãn với Ngài và mở ra cho thế giới ».

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng mà chúng ta đã lắng nghe, Chúa Giêsu khẳng định mang lại cho chúng ta hy vọng và đồng thời khiến chúng ta suy nghĩ. Ngài nói với các môn đệ : « Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em » (Ga 14, 26). Chúng ta ngạc nhiên bởi những lời « mọi sự » và « mọi điều » này ; và chúng ta tự hỏi : theo nghĩa nào Chúa Thánh Thần ban sự hiểu biết mới mẻ và đầy đủ này cho những ai đón nhận Ngài ? Đó không phải là vấn đề về số lượng hay một vấn đề học thuật : Thiên Chúa không muốn biến chúng ta thành những bộ bách khoa toàn thư hay những học giả. Không. Đó là một vấn đề về chất lượng, về viễn cảnh, về sự nhạy bén. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhìn mọi sự một cách mới mẻ, theo cái nhìn của Chúa Giêsu. Tôi sẽ diễn tả nó như thế này : trên hành trình lớn lao của cuộc sống, Ngài dạy chúng ta bắt đầu từ đâu, đi theo con đường nào và bước đi như thế nào. Có Chúa Thánh Thần nói với chúng ta bắt đầu từ đâu, đi theo con đường nào và bước đi như thế nào, phong cách « bước đi như thế nào ».

Trước tiên, bắt đầu từ đâu. Quả thế, Chúa Thánh Thần cho chúng ta thấy điểm xuất phát của đời sống thiêng liêng. Nó là gì ? Chúa Giêsu nói về điều này trong câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay : « Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy » (c. 15). Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em sẽ giữ : đó là lôgíc của Chúa Thánh Thần. Chúng ta thường nghĩ ngược lại : nếu chúng ta giữ, thì chúng ta yêu mến. Chúng ta có thói quen nghĩ rằng tình yêu chủ yếu phát xuất từ việc tuân giữ của chúng ta, từ khả năng của chúng ta, từ lòng sùng đạo của chúng ta. Thay vào đó, Chúa Thánh Thần nhắc cho chúng ta rằng, nếu không có tình yêu ở nền tảng, thì mọi điều khác sẽ vô ích. Và tình yêu này không nảy sinh từ nhiều khả năng của chúng ta, tình yêu này là quà tặng của Ngài. Ngài dạy chúng ta yêu thương, và chúng ta phải cầu xin món quà này. Chính Thánh Thần tình yêu đặt tình yêu vào trong chúng ta, chính Ngài khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương và dạy cho chúng ta yêu thương. Cách nào đó, Ngài là « động cơ » của đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chính Ngài khiến mọi thứ chuyển động trong chúng  ta. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu bằng Chúa Thánh Thần hay với Chúa Thánh Thần hay qua Chúa Thánh Thần, thì chúng ta không thể lên đường.

Chính Ngài nhắc cho chúng ta điều đó, vì Ngài là ký ức của Thiên Chúa, là Đấng nhắc cho chúng ta mọi lời của Chúa Giêsu (x. c. 26). Và Chúa Thánh Thần là một ký ức năng động, khơi dậy và làm sống lại tình thương của Thiên Chúa trong tâm hồn. Chúng ta đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong sự tha thứ tội lỗi, khi chúng ta được tràn đầy sự bình an, sự tự do, sự an ủi của Ngài. Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng ký ức thiêng liêng này. Chúng ta luôn nhớ về những gì không ổn : thường vang lên trong chúng ta tiếng nói nhắc cho chúng ta những thất bại và thiếu sót, tiếng nói nói với chúng ta : « Hãy nhìn xem, một sa ngã khác, một thất vọng khác, bạn sẽ không bao giờ đạt được, bạn không thể làm được ». Đó là một điệp khúc xấu xa và nguy hiểm. Trái lại, Chúa Thánh Thần nhắc nhở hoàn toàn khác điều đó : « Con đã vấp ngã ? Nhưng, con là con cái của Thiên Chúa, con là thụ tạo duy nhất, được chọn, quý giá, con đã vấp ngã, nhưng con luôn được yêu thương : ngay cả khi con mất niềm tin vào bản thân con, thì Thiên Chúa vẫn tin tưởng con ! » Đó là ký ức của Chúa Thánh Thần, những gì Chúa Thánh Thần liên lỉ nhắc nhở chúng ta : Thiên Chúa nhớ đến bạn. Bạn sẽ đánh mất ký ức về Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không quên bạn : Ngài liên lỉ nhớ đến bạn.

Nhưng bạn có thể phản đối : đó là mỹ ngôn, nhưng tôi có nhiều vấn đề, nhiều vết thương và lo lắng vốn không được giải quyết bằng những lời an ủi dễ dàng ! Tốt, chính ở đó mà Chúa Thánh Thần yêu cầu có thể bước vào. Bởi vì Ngài, Đấng An Ủi, Ngài là một Thánh Thần chữa lành, Ngài là Thánh Thần phục sinh và Ngài có thể biến đổi những vết thương vốn nung đốt bạn từ bên trong này. Ngài dạy chúng ta không xóa những ký ức về những con người và hoàn cảnh đã làm tổn hại chúng ta, nhưng là sống với chúng bằng sự hiện diện của Ngài. Ngài cũng đã làm như thế với các Tông đồ và với các thất bại của họ. Họ đã bỏ rơi Chúa Giêsu trước cuộc Thương khó, Phêrô đã chối Ngài, Phaolô đã bách hại các Kitô hữu : bao nhiêu sai lầm, bao nhiêu mặc cảm tội lỗi ! Và chúng ta, chúng ta nghĩ đến những sai lầm của chúng ta : bao nhiêu sai lầm, bao nhiêu mặc cảm tội lỗi ! Một mình, không có lối thoát. Một mình, không ; với Đấng An Ủi, có. Bởi vì Chúa Thánh Thần chữa lành ký ức : Ngài chữa lành ký ức. Như thế nào ? Bằng cách đặt những gì quan trọng ở đầu danh sách : ký ức về tình yêu thương của Thiên Chúa, cái nhìn của Ngài về chúng ta. Như thế, Ngài xếp đặt trật tự trong cuộc sống : Ngài dạy chúng ta đón nhận chính mình, Ngài dạy chúng ta tha thứ cho bản thân. Không dễ để tha thứ cho  chính mình : Chúa Thánh Thần dạy chúng ta con đường này, Ngài dạy chúng ta hòa giải với quá khứ. Ngài dạy chúng ta bắt đầu lại.

Ngoài việc nhắc nhở chúng ta về điểm xuất phát, Chúa Thánh Thần còn dạy chúng ta con đường phải theo. Ngài nhắc nhở chúng ta về điểm xuất phát, nhưng bây giờ Ngài dạy chúng ta theo con đường nào. Chúng ta biết được điều đó từ Bài đọc II, trong đó thánh Phaolô giải thích rằng những ai « để cho Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn » (Rm 8, 14) « sẽ cư xử không phải theo xác thịt nhưng theo Thánh Thần » (c. 4). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần, ở ngã ba của cuộc sống, sẽ gợi ý con đường  tốt nhất phải theo. Vì thế, điều quan trọng là biết phân định tiếng nói của Ngài với tiếng nói của thần dữ. Cả hai đều nói với chúng ta : học cách phân định để hiểu đâu là tiếng nói của Chúa Thánh Thần, để nhận ra tiếng nói đó và đi theo con đường, đi theo những điều mà Ngài nói với chúng ta.

Chúng ta hãy lấy một vài ví dụ : Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ nói với bạn rằng mọi sự đều ổn trên con đường của bạn. Ngài sẽ không bao giờ nói với bạn, bởi vì điều đó không thật. Không, Ngài sửa chữa bạn, Ngài cũng dẫn bạn đến chỗ khóc cho tội lỗi của bạn ; Ngài thúc đẩy bạn thay đổi, chống lại sự dối trá và tính hai mặt của bạn, cho dầu điều đó đòi hỏi nỗ lực, chiến đấu nội tâm và hy sinh. Trái lại, ác thần thúc đẩy bạn luôn làm những gì bạn thích và muốn ; nó dẫn bạn đến chỗ tin rằng bạn có quyền sử dụng tự do như bạn muốn. Nhưng lúc đó, khi bạn thấy mình với sự trống rỗng trong tâm hồn – kinh nghiệm cảm nhận sự trống rỗng trong tâm hồn này là tồi tệ : nhiều người trong chúng ta đã cảm nhận được nó ! – và bạn, khi bạn ở lại với sự trống rỗng trong tâm hồn, thì nó buộc tội bạn : ác  thần buộc tội bạn, nó trở thành kẻ buộc tội, và nó ném bạn xuống đất, nó hủy hoại bạn. Chúa Thánh Thần, Đấng sửa chữa bạn trên hành trình của bạn, không bao giờ để bạn thất vọng, không bao giờ, Ngài nắm lấy tay bạn, an ủi và luôn khích lệ bạn.

Một lần nữa, khi bạn nhận thấy sự cay đắng, bi quan và những tư tưởng buồn chán khuấy động nơi bạn – bao nhiêu lần chúng ta đã rơi vào đó rồi ! – khi những điều này xảy đến, thật tốt để biết rằng nó không bao giờ đến từ Chúa Thánh Thần. Không bao giờ : sự cay đắng, lòng bi quan, những tư tưởng buồn chán không đến từ Chúa Thánh Thần. Chúng đến từ thần dữ, vốn dễ dãi thoải mái trong tính tiêu cực và thường sử dụng chiến lược này : nó nuôi dưỡng sự bất bao dung, não trạng thấy mình là nạn nhân, nó khiến người ta nhu cầu cảm thấy thương hại cho chính mình – đó thật là tồi tệ, cảm giác thương hại chính mình này, nhưng bao nhiêu lần…-, và nhu cầu thương hại chính mình, lòng thèm muốn phản ứng với các vấn đề bằng cách chỉ trích, đổ lỗi cho người khác. Nó làm cho chúng ta lo lắng, nghi ngờ và than vãn.  Lời than vãn chính là ngôn ngữ của ác thần : nó dẫn bạn đến chỗ than vãn, nó luôn là một kẻ buồn bã, với một tinh thần của đám tang. Những lời than vãn…Trái lại, Chúa Thánh Thần mợi gọi chúng ta đừng bao giờ mất niềm tin và luôn bắt đầu lại. Hãy chỗi dậy !, hãy chỗi dậy ! Ngài luôn ban ơn can đảm : hãy chỗi dậy ! Và Ngài nắm lấy tay bạn : hãy chỗi dậy ! Bằng cách nào ? Bằng cách lôi kéo chúng ta trước, mà không chở đợi một ai khác bắt đầu. Và rồi, bằng cách mang lại cho mỗi người mà chúng ta gặp gỡ niềm hy vọng và niềm vui, chứ không phải sự than vãn ; đừng bao giờ ghen tỵ với người khác, không bao giờ ! Thánh Kinh nói, ghen tỵ là cánh cửa mà ác thần xâm nhập : bởi sự ghen tỵ của ma quỷ, sự dữ đã xâm nhập vào thế giới. Đừng bao giờ ghen tỵ, đừng bao giờ ! Chúa Thánh Thần làm điều tốt cho bạn, nhưng Ngài khiến bạn vui mừng vì thành công của người khác : « Thật tuyệt vời ! Nhưng thật tuyệt vời khi nó đã diễn ra tốt đẹp như thế… ».

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần rất cụ thể, chứ không duy tâm : Ngài muốn chúng ta tập trung vào ở đây và bây giờ, vì nơi chúng ta đang ở và thời gian chúng ta đang sống là những nơi của ân sủng. Nơi ân sủng là nơi cụ thể hôm nay : ở đây, bây giờ. Bằng cách nào ? Đó không phải là những tưởng tượng mà chúng ta có thể nghĩ đến, và Chúa Thánh Thần luôn đưa bạn đến điều cụ thể. Trái lại, thần dữ muốn làm chúng ta quên đi ở đây và bây giờ, muốn dẫn chúng ta đi nơi khác : nó thường làm chúng ta bám vào quá khứ : những tiếc nuối, hoài niệm, những gì mà cuộc sống đã không cho chúng ta. Hoặc nó phóng chiếu chúng ta vào tương lai, nuôi dưỡng sự sợ hãi, sự lo sợ, ảo tưởng, hy vọng hão huyền. Chúa Thánh Thần thì không, Ngài dẫn chúng ta đến yêu thích ở đây và bây giờ, trong sự cụ thể : không phải một thế giới lý tưởng, một Giáo hội lý tưởng, không phải một dòng tu lý tưởng, nhưng những gì đang tồn tại, dưới ánh sáng của mặt trời, trong sự minh bạch, trong sự đơn sơ. Thật là khác biệt với ác thần, xúi giục nói sau lưng, chuyện ngồi lê đôi mách, buôn chuyện : ngồi lê đôi mách là một thói quen xấu, hủy hoại căn tính của mọi người.

Chúa Thánh Thần muốn chúng ta cùng nhau, Ngài thiết lập chúng ta với tư cách là Giáo hội và hôm nay – khía cạnh thứ ba và sau cùng – Ngài dạy Giáo hội bước đi như thế nào. Các môn đệ đã tự nhốt mình trong Nhà Tiệc ly, rồi Chúa Thánh Thần ngự xuống và đưa họ đi ra. Không có Chúa Thánh Thần, họ vẫn ở giữa họ, với Chúa Thánh Thần, họ mở ra cho tất cả mọi người. Vào mỗi thời đại, Chúa Thánh Thần đảo ngược các sơ đồ của chúng ta và mở chúng ta ra cho sự mới mẻ của Ngài. Luôn có sự mới mẻ của Thiên Chúa, vốn là sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần ; Ngài luôn dạy cho Giáo hội sự cần thiết sống còn của việc đi ra, sự cần thiết sinh lý của việc loan báo, của việc không khép kín nơi chính mình : của việc không phải là một bầy đàn củng cố sự đóng cửa lại, nhưng là một đồng cỏ rộng mở để mỗi người có thể được nuôi dưỡng tù vẻ đẹp của Thiên Chúa ; Ngài dạy chúng ta trở thành một ngôi nhà đón tiếp không có vách ngăn. Trái lại, óc trần tục thúc đẩy chúng ta chỉ tập trung vào các vấn đề của mình, lợi ích của mình, về sự cần thiết phải tỏ ra thích đáng, về việc bảo vệ quyết liệt sự thuộc về quốc gia và phe nhóm của chúng ta. Chúa Thánh Thần thì không : Ngài mời gọi quên mình và mở ra cho  tất cả mọi người. Và như thế Ngài trẻ hóa Giáo hội. Hãy lưu ý : chính Ngài trẻ hóa Giáo hội, chứ không phải chúng ta. Chúng ta cố gắng hóa trang cho Giáo hội một chút : điều đó không giúp ích gì. Ngài trẻ hóa Giáo hội. Vì Giáo hội không được lập trình và các dự án hiện đại hóa là không đủ. Có Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi nỗi ám ảnh về những trường hợp khẩn cấp và mời gọi chúng ta đi theo những con đường cũ và luôn luôn mới, con đường của chứng tá, con đường của sự nghèo khó, của sứ mạng, để giải thoát chúng ta khỏi chính mình và sai chúng ta đi vào thế giới.

Và cuối cùng – điều kỳ lạ – Chúa Thánh Thần là tác giả của sự phân chia, thậm chí của tiếng ồn ào, của một sự lộn xộn nào đó. Chúng ta hãy nghĩ đến vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần : tác giả tạo ra sự phân chia các ngôn ngữ, thái độ…đó là sự ồn ào ! Nhưng cùng cách thức, Ngài là tác giả của sự hài hòa. Ngài phân chia theo nhiều loại đặc sủng, nhưng là một sự phân chia giả, vì sự phân chia đích thực là một phần của sự hài hòa. Ngài tạo ra sự phân chia với các đặc sủng và Ngài  tạo ra sự hài hòa với tất cả sự phân chia này, và đó là sự phong phú của Giáo hội.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đặt mình vào trường học của Chúa Thánh Thần, để Ngài dạy chúng ta mọi sự. Chúng ta hãy cầu xin Ngài mỗi ngày, để Ngài nhắc cho chúng ta luôn khởi đi từ cái nhìn của Thiên Chúa đối với chúng ta, tiến tới trong những chọn lựa của chúng ta bằng cách lắng nghe tiếng Ngài, bước đi cùng nhau, trong Giáo hội, ngoan ngoãn với Ngài và mở ra cho thế giới. Xin được như nguyện.

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31