BÀI GIẢNG THÁNH LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ CỦA ĐỨC PHANXICÔ TẠI PREŠOV , SLÔVAKIA: “MỘT KITÔ GIÁO KHÔNG THẬP GIÁ LÀ TRẦN TỤC VÀ TRỞ NÊN VÔ ÍCH”

Written by xbvn on Tháng Chín 14th, 2021. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Bao nhiêu lần chúng ta chẳng khao khát một Kitô giáo của những kẻ chiến thắng, một Kitô giáo hiếu thắng có tầm rộng lớn và tầm quan trọng, nhận được vinh quang và danh dự? Nhưng một Kitô giáo không thập giá là trần tục và trở nên vô ích”.

Đức Phanxciô cảnh giác về một cám dỗ trong đời sống đức tin Kitô hữu như thế trong bài giảng thánh lễ Suy tôn Thánh Giá, hôm 14/9/2021, tại Prešov, Slôvakia. Và ngài cũng mời gọi khám phá “vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa” từ nơi thập giá Chúa Kitô, và “mở tâm hồn của chúng ta cho Ngài”.

Quả thế, đối với Đức Thánh Cha, “thập giá không muốn trở thành một ngọn cờ được kéo lên, nhưng là nguồn mạch thuần khiết của một cách sống mới.” Vì thế,  ngài kêu gọi “chúng ta đừng giảm thiểu thập giá thành một đồ vật sùng kính, càng không được giảm thiểu thành một biểu tượng chính trị, một dấu hiệu về tầm quan trọng tôn giáo và xã hội”. Đúng hơn, Thập giá như một cuốn sách cần phải được mở ra, được đọc để cho “tình yêu của Chúa Kitô chinh phục và biến đổi chúng ta”. Nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan, đó là “xem thấy” và “làm chứng” cho tình yêu của Thiên Chúa nơi thập giá của Chúa Giêsu.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Thánh Phaolô tuyên bố : “Chúng tôi rao giảng một Đấng Mêsia chịu đóng đinh […], sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Mặt khác, thánh Tông đồ không che giấu rằng thập giá, trong con mắt khôn ngoan của người đời, biểu thị một điều hoàn toàn khác: nó là “ô nhục”, “điên rồ” (1 Cr 1, 23-24). Thập giá là một công cụ chết chóc, thế nhưng sự sống đã đến từ thập giá. Nó đã là điều mà không ai muốn nhìn, thế nhưng nó mạc khải cho chúng ta vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Dân thánh của Thiên Chúa tôn kính thập giá, và Phụng vụ cử hành thập giá trong thánh lễ hôm nay. Tin Mừng của thánh Gioan nắm tay chúng ta và giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm này. Quả thế, chính Thánh sử đứng đó, dưới chân thập giá. Ngài chiêm ngắm Chúa Giêsu, đã chết, bị treo trên cây gỗ, và ngài viết: “Người xem thấy việc này đã làm chứng” (Ga 19, 35). Thánh Gioan xem thấylàm chứng.

Trước hết, có việc xem thấy. Nhưng thánh Gioan đã thấy gì dưới thập giá? Chắc chắn những gì người khác đã thấy: Chúa Giêsu, Đấng vô tội và tốt lành, chết cách tàn nhẫn giữa hai kẻ bất lương: một trong nhiều bất công, một trong nhiều hy sinh đẫm máu mà không thay đổi lịch sử, bằng chứng không biết thứ mấy cho thấy tiến trình của các sự kiện trên thế giới không thay đổi. Những người tốt lành bị gạt sang một bên, và những kẻ xấu xa lại thành đạt và  thịnh vượng. Trước con mắt thế gian, thập giá là một thất bại. Và chúng ta cũng có nguy cơ dừng lại ở cái nhìn bề ngoài đầu tiên này, vốn không chấp nhận lôgíc của thập giá; không chấp nhận Thiên Chúa cứu chúng ta khi cho phép sự dữ của thế gian trút giận lên Ngài. Không chấp nhận, dù là bằng lời nói, một Thiên Chúa yếu đuối và chịu đóng đinh, và mơ về một thiên chúa mạnh mẽ và chiến thắng. Đó là một cám dỗ to lớn. Bao nhiêu lần chúng ta chẳng khao khát một Kitô giáo của những kẻ chiến thắng, một Kitô giáo hiếu thắng có tầm rộng lớn và tầm quan trọng, nhận được vinh quang và danh dự? Nhưng một Kitô giáo không thập giá là trần tục và trở nên vô ích.

 Trái lại, thánh Gioan đã nhìn thấy nơi thập giá công trình của Thiên Chúa. Ngài đã nhận thấy vinh quang Thiên Chúa nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh. Ngài đã nhìn thấy rằng, bất chấp những vẻ bề ngoài, Ngài không phải là một người thua cuộc, nhưng Ngài là Thiên Chúa tự nguyện hiến dâng cho mỗi người. Tại sao Ngài đã làm như thế? Ngài hẳn có thể cứu mạng mình, Ngài hẳn đã có thể tránh xa lịch sử khốn khổ và tàn nhẫn nhất của chúng ta. Trái lại, Ngài đã muốn bước vào đó, dìm mình vào đó. Vì thế, Ngài đã chọn con đường khó khăn nhất: thập giá. Bởi vì không được có ai trên trái đất phải tuyệt vọng đến độ không thể gặp được Ngài, ngay cả ở đó, trong sự lo âu, trong tăm tối, trong việc bị bỏ rơi, trong nỗi ô nhục của sự khốn khổ và những lầm lỗi của mình. Chính ở đó, nơi mà chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa không thể ở đó, thì Thiên Chúa lại ở đó. Để cứu bất cứ ai đang tuyệt vọng, Ngài đã muốn chịu đựng sự tuyệt vọng. Để biến nỗi đau khổ cay đắng nhất của chúng ta trở thành của Ngài, Ngài đã kêu lên trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài bỏ con?” (Mt 27, 46: Tv 22, 1). Một tiếng kêu cứu. Ngài cứu bởi vì Thiên Chúa đã biến chính việc bị bỏ rơi của chúng ta thành của Ngài. Và bây giờ, cùng với Ngài, chúng ta không còn cô độc nữa, không bao giờ.

Chúng ta có thể học cách nhìn thấy vinh quang nơi thập giá như thế nào ? Một  số vị thánh đã dạy rằng thập giá như là một cuốn sách cần phải mở ra và đọc để biết. Mua một cuốn sách, lướt mắt nhìn qua và trưng bày ở nhà thì không đủ. Cũng thế đối với thập giá : nó được vẽ hay được khắc nơi mỗi góc trong các nhà thờ của chúng ta. Chúng ta không còn đếm thánh giá được nữa : trên cổ, ở nhà, trên xe, trong túi quần. Nhưng điều đó chẳng được ích gì nếu chúng ta không dừng lại để nhìn ngắm Đấng chịu đóng đinh và nếu chúng ta không mở tâm hồn cho Ngài, nếu chúng ta không để cho mình ngạc nhiên trước những vết thương vì chúng ta, nếu tâm hồn chúng ta không dâng trào cảm xúc và nếu chúng ta không than khóc trước vị Thiên Chúa bị tổn thương vì yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta không làm như thế, thì thập giá vẫn là một cuốn sách chưa được đọc, mà chúng ta biết rõ tựa đề và tác giả của nó, nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống. Chúng ta đừng giảm thiểu thập giá thành một đồ vật sùng kính, càng không được giảm thiểu thành một biểu tượng chính trị, một dấu hiệu về tầm quan trọng tôn giáo và xã hội.

Từ việc chiêm ngắm Chúa chịu đóng  đinh phát sinh bước thứ hai : làm chứng. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, thì khuôn mặt của Ngài bắt đầu được phản chiếu trên khuôn mặt của chúng ta : những đường nét của Ngài trở thành đường nét của chúng ta, tình yêu của Chúa Kitô chinh phục và biến đổi chúng ta. Tôi nghĩ đến các vị tử vì đạo đã làm chứng nơi quốc gia này về tình yêu Chúa Kitô vào nhưng  thời điểm rất khó khăn, khi mọi sự khuyên im lặng, ẩn núp, đừng tuyên xưng đức tin. Nhưng họ đã không thể, họ không thể không làm chứng. Bao nhiêu người quảng đại đã đau khổ và chết ở đây, ở Slôvakia, vì danh Chúa Giêsu ! Một chứng tá được thực hiện bằng tình yêu dành cho Đấng mà từ lâu họ đã chiêm ngắm. Đến độ nên giống Ngài, ngay cả trong cái chết.

Nhưng tôi cũng nghĩ đến thời đại chúng ta trong đó những cơ hội làm chứng không hề thiếu. Ở đây, nhờ ơn Chúa, không ai bách hại các Kitô hữu như trong quá nhiều nơi trên thế giới. Nhưng chứng tá có thể bị ảnh hưởng bởi tính trần tục và tính tầm thường. Trái lại, thập giá đòi hỏi một chứng tá rõ ràng. Bởi vì thập giá không muốn trở thành một ngọn cờ được kéo lên, nhưng là nguồn mạch thuần khiết của một cách sống mới. Cách nào ? Cách của Tin Mừng, của các Mối Phúc. Chứng nhân có thánh giá trong tâm hồn, chứ không chỉ ở cổ, thì không xem ai là kẻ thù cả, nhưng họ nhìn thấy mọi người như là những anh chị em mà Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống. Chứng nhân của thập giá không nhớ lại những điều sai trái trong quá khứ và không rên rỉ về hiện tại. Chứng nhân của thập giá không sử dụng những con đường mưu mẹo và quyền lực thế gian : họ không muốn áp đặt, bản thân và những người thân của mình, nhưng hiến mạng sống cho người khác. Họ không tìm kiếm lợi ích riêng cho mình để rồi tiếp đến tự cho mình là một người sùng đạo : Đó sẽ là một tôn giáo hai mặt, chứ không phải chứng tá của Thiên Chúa bị đóng đinh. Chứng nhân của thập giá theo đuổi một chiến lược duy nhất : tình yêu khiêm hạ. Họ không mong đợi những cuộc khải hoàn chiến thắng ở dưới đất này, bởi vì họ biết rằng tình yêu Chúa Kitô đang sinh hoa trái trong đời sống thường ngày và làm cho mọi sự trở nên mới mẻ từ bên trong, như hạt giống rơi xuất đất, chết đi và trổ sinh hoa trái.

Anh chị em thân mến, anh chị em đã thấy những chứng nhân. Anh chị em giữ kỷ niệm thân thương về những người đã cho anh chị em bú mớm và làm cho anh chị em lớn lên trong đức tin. Những con người khiêm hạ, và đơn sơ, đã hiến dâng mạng sống bằng cách yêu thương cho đến cùng. Chính họ là những anh hùng của chúng ta, những anh hùng giữa đời thường, và chính cuộc sống của họ đã làm thay đổi lịch sử. Các chứng nhân sinh ra những chứng nhân khác bởi vì họ là những người trao ban sự sống. Đức tin được làn truyền như thế : không phải bằng quyền lực của thế gian, nhưng bằng sự khôn ngoan của thập giá ; không phải bằng những cơ cấu, nhưng bằng chứng tá. Và hôm nay, Chúa, bằng sự thinh lặng đầy rung cảm trên thập giá, đang hỏi tất cả chúng ta, Ngài cũng hỏi bạn, bạn, bạn, tôi : « Con muốn trở thành chứng nhân của Ta không ? »

Trên đồi Canvê, Thánh Mẫu Thiên Chúa đã ở với thánh Gioan. Không ai như Mẹ đã mở cuốn sách thập giá và đã làm chứng cho thập giá qua tình yêu khiêm hạ. Qua lời cầu bàu của Mẹ, chúng ta hãy cầu xin ơn hoán cải cái nhìn của tâm hồn hướng về Đấng chịu đóng đinh. Như thế, đức tin của chúng ta sẽ có thể phát triển tròn đầy, như thế, nhưng hoa trái của chứng tá của chúng ta sẽ chín muồi.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30