BÀI GIÁO LÝ VỀ HANG ĐÁ GIÁNG SINH Ở GRECCIO, TRƯỜNG HỌC VỀ SỰ TIẾT ĐỘ VÀ NIỀM VUI

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 20th, 2023. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Trong khi gia đình của chúng ta đang được trang trí bằng hang đá Giáng Sinh, thật tốt khi quay trở lại nguồn gốc của biểu tượng này. 800 năm trước, vào Lễ Giáng sinh năm 1223, thánh Phanxicô đã tạo ra cảnh Chúa Giáng Sinh sống động đầu tiên. Ý định của ngài không phải là tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mà là khơi dậy sự ngạc nhiên trước sự khiêm nhường tột độ của Chúa, nỗi khó khăn mà ngài đã trải qua vì yêu thương chúng ta, trong hang đá Bêlem nghèo khó.

Hang đá Giáng Sinh trước hết là một trường học về sự tiết độ vốn có nhiều điều để nói với chúng ta, và có nguy cơ biến mất, chìm đắm trong chủ nghĩa tiêu thụ, vốn làm xói mòn ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh, nơi Chúa Giêsu đến hiến mình trong cảnh nghèo khó. Hang đá Giáng Sinh đến để nhắc lại cho chúng ta biết điều gì là quan trọng, Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta, chúng ta phải đặt con người lên trước sự vật. Cuối cùng, cảnh Chúa Giáng Sinh nói với chúng ta đặc biệt về niềm vui, một niềm vui đến từ sự gần gũi cụ thể của Thiên Chúa, Đấng không bỏ mặc chúng ta cô đơn nhưng an ủi chúng ta, và ôm lấy toàn bộ cuộc sống của chúng ta, trong vẻ đẹp cũng như những nỗi đau khổ của nó. Chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu trong hang đá để cũng cảm nghiệm được niềm vui lớn lao này.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 20/12/2023 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Tám trăm năm trước, vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1223, thánh Phanxicô đã tổ chức hang đá Giáng Sinh sống động ở Greccio. Trong khi các hang đá Giáng Sinh đang được chuẩn bị hoặc hoàn thiện tại các gia đình và những nơi khác, thật tốt cho chúng ta khi khám phá lại nguồn gốc của chúng.

Máng cỏ ra đời như thế nào? Ý định của thánh Phanxicô là gì? Ngài nói thế này: “Tôi muốn miêu tả Hài Nhi sinh ra ở Bêlem, và, cách nào đó, muốn nhìn bằng con mắt của thân xác những khó khăn mà chính Người đã gặp phải vì thiếu những thứ cần thiết cho một hài nhi: Người được đặt trong máng cỏ và Người nằm trên đống rơm giữa bò lừa như thế nào” (Tommaso da Celano, Vita prima, XXX, 84: FF 468). Thánh Phanxicô không mong muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, nhưng qua hang đá Giáng Sinh, để khơi dậy sự ngạc nhiên trước sự khiêm nhường tột độ của Chúa, trước những khó khăn mà Người phải chịu, vì yêu thương chúng ta, trong hang đá nghèo khổ ở Bêlem. Trên thực tế, người viết tiểu sử về thánh Phanxicô Assidi lưu ý: “Trong cảnh tượng cảm động đó, sự đơn sơ của Tin Mừng tỏa sáng, sự nghèo khó được ca ngợi, sự khiêm nhường được thuật lại. Và Greccio đã trở nên giống như một Bêlem mới” (ibid., 85).

Tôi đã nhấn mạnh một từ, “ngạc nhiên”. Và điều này rất quan trọng. Nếu chúng ta, những Kitô hữu, nhìn vào máng cỏ như một điều đẹp đẽ, như một điều gì đó mang tính lịch sử, thậm chí là tôn giáo, và cầu nguyện, thì điều này vẫn chưa đủ. Trước mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, trước sự giáng sinh của Chúa Giêsu, chúng ta cần có thái độ ngạc nhiên thờ phượng này. Nếu, trước các mầu nhiệm, tôi không đi đến chỗ ngạc nhiên này, thì đức tin của tôi chỉ là hời hợt; một “đức tin tính toán”. Đừng quên điều này.

Và một đặc điểm của hang đá Giáng Sinh là nó được hình thành như một trường học về sự tiết độ. Và điều này có rất nhiều điều để nói với chúng ta. Thật vậy, ngày nay, nguy cơ không còn nhìn thấy những gì quan trọng trong cuộc sống là rất lớn và nghịch lý thay, lại gia tăng vào dịp Lễ Giáng Sinh – não trạng về Lễ Giáng Sinh đã thay đổi – đắm chìm trong một chủ nghĩa tiêu thụ làm xói mòn ý nghĩa của nó. Chủ nghĩa tiêu thụ của Lễ Giáng sinh. Đó là đúng, việc anh chị em muốn tặng quà, điều đó tốt thôi, đó là một cách, nhưng việc điên cuồng đi mua sắm sẽ thu hút sự chú ý đến nơi khác và không có sự tiết độ đó của Lễ Giáng sinh. Chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ: lòng kính cẩn trước máng cỏ. Đôi khi không có không gian nội tâm nào cho sự ngạc nhiên mà chỉ để tổ chức những bữa tiệc, để có những bữa tiệc.

Và hang đá Giáng Sinh đã được tạo ra để đưa chúng ta trở lại với điều quan trọng: với Thiên Chúa, Đấng đến cư ngụ giữa chúng ta. Đó là lý do tại sao việc nhìn vào hang đá Giáng Sinh là điều quan trọng, bởi vì nó giúp chúng ta hiểu được điều gì quan trọng cũng như các mối quan hệ xã hội của Chúa Giêsu vào thời điểm đó, gia đình, thánh Giuse và Đức Maria, và những người thân yêu, các mục đồng. Con người trước sự vật. Và chúng ta thường đặt sự vật lên trước con người. Điều này không ổn.

Nhưng hang đá Giáng Sinh ở Greccio, ngoài sự tiết độ mà chúng ta nhìn thấy, còn nói về niềm vui. Vì niềm vui là điều khác biệt với vui chơi. Nhưng vui chơi không phải là điều xấu nếu được thực hiện trên những con đường tốt. Đó không phải là điều xấu, đó là một điều nhân văn. Nhưng niềm vui còn sâu sắc hơn. Nhân văn hơn. Và đôi khi có cám dỗ muốn vui chơi mà không có niềm vui; vui chơi bằng cách gây ồn ào, nhưng niềm vui không có ở đó. Nó hơi giống hình ảnh chú hề, cười nói vui vẻ, khiến người ta cười, nhưng trong lòng lại buồn bã. Niềm vui là gốc rễ của sự vui chơi Giáng Sinh tốt lành.

Và về sự tiết độ, biên niên sử ngày xưa viết: “Và ngày vui vẻ đến, thời điểm vui mừng! […] Phanxicô […] rạng rỡ […]. Mọi người đổ xô đến vui mừng với một niềm vui mà họ chưa từng nếm trải trước đây […]. Mọi người trở về nhà ngập tràn niềm vui khôn tả” (Vita prima, XXX, 85-86: FF 469-470). Sự tiết độ, sự ngạc nhiên, dẫn bạn đến niềm vui, niềm vui đích thực, chứ không phải niềm vui giả tạo.

Nhưng niềm vui Giáng Sinh này đến từ đâu? Chắc chắn không phải từ việc đã mang quà về nhà hay trải qua những lễ mừng xa hoa. Không, đó là niềm vui trào dâng từ tâm hồn khi người ta chạm một cách hữu hình vào sự gần gũi của Chúa Giêsu, sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng không để chúng ta cô đơn, nhưng an ủi chúng ta. Gần gũi, dịu dàng và trắc ẩn, đó là ba thái độ của Thiên Chúa. Và nhìn vào cảnh Chúa Giáng Sinh, cầu nguyện trước hang đá Giáng Sinh, chúng ta có thể cảm nghiệm được những điều này từ Chúa, Đấng giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Anh chị em thân mến, hang đá Giáng Sinh giống như một cái giếng nhỏ từ đó có thể kín múc sự gần gũi của Thiên Chúa, nguồn hy vọng và niềm vui. Hang đá Giáng Sinh giống như một Tin Mừng sống động, một Tin Mừng tại gia. Giống như cái giếng trong Thánh Kinh, nó là nơi gặp gỡ, nơi chúng ta mang đến cho Chúa Giêsu những mong đợi và lo lắng của cuộc sống, giống như các mục đồng ở Bêlem và dân chúng Greccio đã làm. Mang đến cho Chúa Giêsu những mong đợi và lo lắng của cuộc sống.

Nếu, trước hang đá Giáng Sinh, chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta yêu quý, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được “niềm vui lớn lao” (Mt 2, 10), một niềm vui đến từ việc chiêm niệm, từ tinh thần ngạc nhiên mà tôi đi đến để chiêm ngưỡng các mầu nhiệm này.

Chúng ta hãy đến trước hang đá Giáng Sinh. Mọi người hãy nhìn xem và cho phép trái tim của anh chị em cảm nhận được điều gì đó bên trong. Cảm ơn anh chị em.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31