BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 10. SỰ AN ỦI ĐÍCH THỰC

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 3rd, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

“Sự an ủi đích thực là một hình thức xác nhận rằng chúng ta đang làm những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, chúng ta đang bước đi trên con đường của Ngài, tức là trên con đường của sự sống, niềm vui và bình an. Quả thế, sự phân định không chỉ liên quan đến những gì tốt hay điều tốt nhất có thể, nhưng còn điều gì tốt cho tôi ở đây và bây giờ : như thế, tôi được mời gọi lớn lên, bằng cách đặt ra giới hạn cho những đề nghị khác, quyến rũ nhưng không thực tế, để không bị lừa phỉnh trong khi tìm kiếm điều tốt thực sự.” Đức Phanxicô giải thích như thế về sự an ủi đích thực trong bài giáo lý thứ 10 về sự phận định, hôm 30/11/2022.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh : sự an ủi đích thực giúp cho « không sai lầm trong khi tìm kiếm sự thiện đích thực của chúng ta ». Vậy làm thế nào nhận ra nó ? Bằng cách chứng thực rằng « khởi đầu, ở giữa và kết thúc » của tư tưởng là « hoàn toàn tốt », tức là « hướng đến sự thiện » và đi kèm với « tình cảm đối với Chúa và tha nhân ».

« Phong cách của kẻ thù »  « khởi đi từ những gì thân thiết nhất đối với chúng ta và tiếp đến nó lôi kéo chúng ta đến với nó từng chút một : sự dữ bí mật xâm nhập mà người đó không nhận ra ». Cần phải học hỏi « từ kinh nghiệm, từ những gì xảy ra cho chúng ta » thông qua một « sự kiên nhẫn xem xét nhưng không thể thiếu về nguồn gốc và sự thật của các tư tưởng của chúng ta ». Vì càng biết mình, chúng ta càng nhận ra « những mật khẩu » của ma quỷ, « những cánh cửa xâm nhập vào tâm hồn chúng ta, là những điểm mà chúng ta nhạy cảm nhất », để đề phòng hơn.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chi em !

Trong bài suy tư của chúng ta về sự phân định, và cách riêng về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là « an ủi », mà chúng ta đã nói đến vào thứ Tư vừa rồi, chúng ta tự hỏi : làm thế nào nhận ra sự an ủi đích thực ? Đó là một câu hỏi rất quan trọng để phân định tốt, để đừng sai lầm trong việc tìm kiếm sự thiện đích thực của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy một vài tiêu chí trong một đoạn văn trong Linh Thao của thánh Inhaxiô Loyola. Ngài nói : « Nếu trong tư tưởng khởi đầu, ở giữa và kết thúc đều hoàn toàn tốt, hoàn toàn hướng về điều tốt, thì đó là dấu hiệu của thần lành. Nhưng nếu diễn tiến của tư tưởng chúng ta cuối cùng dẫn đến điều gì đó xấu xa, hay phân tâm, hay ít tốt hơn so với dự định ban đầu của linh hồn, hay làm suy yếu, gây lo lắng và bối rối cho linh hồn bằng cách lấy đi sự bình an, yên tĩnh và thư thái mà nó có trước đây, thì đó là dấu hiệu rõ ràng nó bắt nguồn từ thần dữ » (số 333). Vì thực sự như vậy : có một sự an ủi đích thực, nhưng cũng có những an ủi không đích thực. Và đó là lý do tại sao cần phải hiểu rõ con đường của sự an ủi : nó đến thế nào và nó dẫn tôi về đâu ? Nếu nó dẫn tôi đến điều gì đó ít tốt hơn, điều gì đó không tốt, thì đó không phải là sự an ủi đích thực, chúng ta có thể nói, nó là « giả tạo ».

Đó là những chỉ dẫn quý giá, đáng được giải thích vắn gọn. Khởi đầu hướng về điều thiện  nghĩa là gì, như thánh Inhaxiô nói về sự an ủi tốt ? Chẳng hạn, tôi có ý nghĩ cầu nguyện, và tôi nhận thấy rằng nó đi kèm với tình cảm đối với Chúa và tha nhân, nó mời gọi thực hiện những hành vi quảng đại, bác ái : đó là khởi đầu tốt. Mặt khác, có thể xảy ra rằng ý nghĩ này nổi lên để trốn tránh một công việc hay một nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi : mỗi lần tôi phải rửa bát hay lau nhà, tôi lại rất muốn đi cầu nguyện : Điều đó xảy đến, trong cac tu viện. Nhưng cầu nguyện không phải là trốn tránh nhiệm vụ của mình, trái lại, nó là một sự trợ giúp để thực hiện sự tốt lành mà chúng ta được mời gọi thực hiện, ở đây và bây giờ. Đó là về khởi đầu.

 Tiếp đến là ở giữa : thánh Inhaxiô nói rằng khởi đầu, ở giữa và kết thúc đều phải tốt. Khởi đầu là như thế : tôi muốn cầu nguyện để không rửa bát đĩa : hãy đi, hãy rửa bát đĩa rồi đi cầu nguyện. Tiếp đến là ở giữa, tức là cái đến sau, cái nối tiếp ý nghĩ này. Vẫn với ví dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người Pharisêu làm trong dụ ngôn (x. Lc 18,9-14), tôi có khuynh hướng tự mãn và khinh thường người khác, có lẽ với một đầu óc hiềm thù và hay cau có, thì đó là những dấu hiệu cho thấy thần dữ đã sử dụng ý nghĩ này như một chìa khóa để thâm nhập vào tâm hồn tôi và truyền cảm xúc của nó cho tôi.  Nếu tôi đi cầu nguyện và tâm trí tôi xảy đến ý nghĩ của người Pharisêu nổi tiếng kia – « lạy Chúa, con cảm ơn Chúa, vì con cầu nguyện, con không như những người này, họ không tìm kiếm Chúa, không cầu nguyện với Chúa », – thì lời cầu nguyện này sẽ kết thúc tồi tệ. Sự an ủi khi cầu nguyện này là để cảm thấy mình như một con công trước mặt Thiên Chúa. Và đó là ở giữa không ổn.

Và rồi có sự kết thúc. Khởi đầu, ở giữa và kết thúc. Kết thúc là một khía cạnh mà chúng ta đã từng đề cập, tức là : ý nghĩ này dẫn tôi về đâu ? Chẳng hạn, có thể xảy ra rằng tôi làm việc vất vả vì một công trình tốt đẹp và xứng đáng, nhưng điều đó khiến tôi không còn cầu nguyện nữa,  bởi vì tôi bận bịu với quá nhiều thứ, tôi thấy mình ngày càng trở nên hung hăng và giận dữ, tôi có ấn tượng rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào tôi, đến độ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Ở đây, rõ ràng là hành động của thần dữ. Tôi bắt đầu cầu nguyện và rồi trong khi cầu nguyện, tôi cảm thấy mình là toàn năng mà mọi sự phải ngang qua tay tôi vì tôi là người duy nhất có khả năng thực hiện mọi việc : rõ ràng thần lành không có ở đó. Cần phải xem xét kỹ lưỡng con đường cảm xúc của chúng ta và con đường của những cảm xúc tốt lành, của sự an ủi, vào thời điểm mà tôi muốn làm điều gì đó. Khởi đầu như thế nào, ở giữa như thế nào và kết thúc như thế nào.

Phong cách của kẻ thù – khi nói đến kẻ thù, chúng ta nói đến ma quỷ, bởi vì ma quỷ tồn tại, có ma quỷ ! – phong cách của nó, chúng ta biết rồi, hệ tại thể hiện bản thân cách xảo trá, đeo mặt nạ : nó khởi đi từ những gì thân thiết nhất đối với chúng ta và tiếp đến nó lôi kéo chúng ta đến với nó từng chút một : sự dữ bí mật xâm nhập mà người đó không nhận ra. Và theo thời gian, sự dịu dàng trở thành cứng rắn : tư tưởng này cho thấy bản chất thực sự của nó.

Từ đó, tầm quan trọng của việc kiên nhẫn xem xét nhưng không thể thiếu này về nguồn gốc và sự thật của những tư tưởng của mình ; đó là một lời mời gọi học hỏi từ kinh nghiệm, từ những gì xảy đến với chúng ta, để không tiếp tục lặp lại những sai lầm tương tự. Càng biết mình, chúng ta càng nhận ra nơi thần dữ xâm nhập, « những mật khẩu » của nó, những cánh cửa đi vào tâm hồn chúng ta, là những điểm mà chúng ta nhạy cảm hơn, để lưu ý đến chúng trong tương lai. Mỗi người chúng ta đều có những điểm nhạy cảm hơn của mình, những điểm yếu hơn trong nhân cách của mình : và thần dữ xâm nhập qua đó và nó dẫn chúng ta đi trên một con đường sai lầm, hay nó dẫn chúng ta lạc khỏi con đường đích thực và đúng đắn. Tôi đi cầu nguyện, nhưng nó khiến tôi xa rời với việc cầu nguyện.

Chúng ta có thể nhân tăng các ví dụ theo ý muốn, phản ảnh về những ngày sống của chúng ta. Đó là lý do tại sao việc kiểm điểm lương tâm hằng ngày là rất quan trọng : trước khi kết thúc ngày sống của mình, hãy dừng lại một chút. Điều gì đã xảy ra ? Không phải trên các nhật báo, không phải trong cuộc sống, nhưng điều gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi ? Và việc kiểm điểm này là quan trọng, đó là nỗ lực quý báu để đọc lại kinh nghiệm sống từ một quan điểm cụ thể. Thật quan trọng để ý thức được những gì đang diễn ra, đó là dấu hiệu cho thấy ân sủng của Thiên Chúa hành động trong chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tự do và ý thức. Chúng ta không cô độc : chính Chúa Thánh Thần ở với chúng ta. Chúng ta nhận thấy mọi thứ đã diễn ra như thế nào.

Sự an ủi đích thực là một hình thức xác nhận rằng chúng ta đang làm những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, chúng ta đang bước đi trên con đường của Ngài, tức là trên con đường của sự sống, niềm vui và bình an. Quả thế, sự phân định không chỉ liên quan đến những gì tốt hay điều tốt nhất có thể, nhưng còn điều gì tốt cho tôi ở đây và bây giờ : như thế, tôi được mời gọi lớn lên, bằng cách đặt ra giới hạn cho những đề nghị khác, quyến rũ nhưng không thực tế, để không bị lừa phỉnh trong khi tìm kiếm điều tốt thực sự.

Thưa anh chị em, cần phải hiểu biết, tiến bộ trong sự hiểu biết những gì đang diễn ra trong tâm hồn tôi. Và đó là lý do tại sao cần phải kiểm điểm lương tâm để xem điều gì đã xảy ra hôm nay. « Hôm nay, tôi đã tức giận, tôi đã không làm điều này… » : nhưng tại sao ? Vượt lên trên lý do tại sao, đó là tìm kiếm gốc rễ của những sai lầm này. « Hôm nay, tôi đã hạnh phúc, nhưng cũng thấy phiền lòng vì tôi đã phải giúp đỡ mọi người, nhưng cuối cùng tôi cũng cảm thấy toại nguyện khi giúp đỡ : đó là Chúa Thánh Thần. Học cách đọc trong cuốn sách của tâm hồn chúng ta điều gì đã xảy ra trong ngày sống. Hãy thực hiện điều đó, chỉ hai phút thôi, nhưng nó sẽ giúp ích cho anh chị em, tôi đảm bảo với anh chị em.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : ZENIT)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30