BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 10. KIÊU NGẠO

Written by xbvn on Tháng Ba 6th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, trong hành trình về những tật xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta dừng lại ở thói kiêu ngạo. Nó hệ tại sự tán dương bản thân, sự tự phụ và háo danh dẫn đến việc coi người khác thấp kém hơn. Thực ra, trong sự dữ này, tội cơ bản được ẩn giấu, đó là sự tự phụ phi lý muốn trở nên giống như Thiên Chúa. Tội nguyên tổ được kể lại trong sách Sáng Thế ký là tội kiêu ngạo. Các tác giả tu đức lưu ý hậu quả chính của nó: sự hủy hoại tình cảm huynh đệ vốn gắn kết con người với nhau. Vì một lý do không nghĩa lý gì, kẻ kiêu ngạo xét đoán người khác cách vô phương cứu chữa.

Những ai nhượng bộ cho tật xấu này đều xa rời Thiên Chúa. Chúa Giêsu, trong Tin Mừng, đã ban cho chúng ta rất ít giới luật đạo đức, nhưng Người kiên quyết ở sự kiện không xét đoán người lân cận. Đối mặt với kẻ kiêu ngạo, việc đối thoại thường tỏ ra bất khả thi vì nó không còn hiện diện với chính mình nữa. Khi đó cần phải kiên nhẫn với họ vì một ngày nào đó tòa nhà của họ sẽ sụp đổ. Cuối cùng, thật vô ích khi muốn đánh cắp một cái gì đó từ Thiên Chúa, Đấng muốn cho đi tất cả. Ơn cứu rỗi ngang qua sự khiêm nhường, đó là phương thuốc thực sự. Trong bài Magnificat, Đức Maria ca ngợi cách Thiên Chúa dẹp tan phường kiêu ngạo. Ước gì Mùa Chay giúp chúng ta chiến đấu chống lại tính kiêu ngạo của mình.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 6/3/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Bài giáo lý hôm nay sẽ được đọc bởi Đức ông [Pierluigi Giroli, I.C., từ Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh], một trong những người giúp đỡ tôi, vì tôi vẫn còn bị cảm và không thể đọc tốt. Cảm ơn anh chị em!

Trong hành trình giáo lý về các tật xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta đến với tật xấu cuối cùng: kiêu ngạo. Người Hy Lạp cổ đại định nghĩa nó bằng một từ có thể dịch là “sự huy hoàng thái quá”. Quả thế, kiêu ngạo là tự tán dương mình, tự cao tự đại, háo danh. Thuật ngữ này cũng xuất hiện trong hàng loạt tật xấu mà Chúa Giêsu liệt kê để giải thích rằng sự dữ luôn xuất phát từ lòng người (x. Mc 7,22). Người kiêu ngạo là người nghĩ rằng mình cao hơn nhiều so với thực chất của mình; người băn khoăn về việc được coi trọng hơn người khác, luôn muốn thấy công lao của mình được công nhận, coi thường người khác, coi họ thấp kém hơn mình.

Từ mô tả đầu tiên này, chúng ta thấy tật xấu kiêu ngạo rất gần với thói háo danh mà chúng ta đã trình bày lần trước. Tuy nhiên, nếu thói háo danh là một căn bệnh của cái tôi con người, thì nó vẫn là một căn bệnh trẻ con khi so sánh với khả năng tàn phá mà thói kiêu ngạo có thể gây ra. Khi phân tích sự điên rồ của con người, các đan sĩ thời cổ đại đã nhận ra một trật tự nào đó trong chuỗi các sự dữ: người ta bắt đầu với những tội thô thiển nhất, chẳng hạn như tật mê ăn uống, và đi đến những con quái vật đáng lo ngại nhất. Trong mọi tật xấu, kiêu ngạo là nữ hoàng vĩ đại. Không phải ngẫu nhiên mà trong Thần khúc, Dante xếp nó vào tầng luyện ngục đầu tiên: những ai nhượng bộ tật xấu này đều rời xa Thiên Chúa, và việc sửa chữa sự dữ này đòi hỏi thời gian và công sức, hơn bất kỳ cuộc chiến nào khác mà người Kitô hữu được mời gọi.

Trên thực tế, tội cơ bản nằm trong sự dữ này, đó là sự tự phụ phi lý muốn trở nên giống như Thiên Chúa. Tội của tổ tiên chúng ta, được kể lại trong sách Sáng Thế ký, thực ra là tội kiêu ngạo. Kẻ cám dỗ nói với họ: “Ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần” (St 3, 5). Các tác giả tu đức chú ý nhiều hơn đến việc mô tả những hậu quả của tính kiêu ngạo trong cuộc sống hàng ngày, minh họa việc nó hủy hoại các mối quan hệ giữa con người với nhau như thế nào, nhấn mạnh đến việc sự dữ này đầu độc tình cảm huynh đệ ra sao, mà lẽ ra phải kết hợp con người lại với nhau.

Sau đây là danh sách dài các triệu chứng cho thấy rằng chúng ta đã sa vào tật kiêu ngạo. Đó là một sự dữ vốn có một ngoại hình rõ ràng: kẻ kiêu ngạo thì ngạo mạn, nó có một “cái gáy cứng”, tức là cứng cổ không cúi xuống. Đó là một người nhanh chóng phán xét với thái độ khinh thường: vì một lý do không nghĩa lý gì, họ đưa ra những xét đoán không thể thay đổi đối với những người khác, những người mà đối với họ dường như là những kẻ kém cỏi và bất tài hết thuốc chữa. Với sự kiêu ngạo của mình, họ quên rằng Chúa Giêsu, trong các sách Tin Mừng, đã ban cho chúng ta rất ít giới luật đạo đức, nhưng Người không khoan nhượng với một trong số đó: không bao giờ được xét đoán. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang đối mặt với một kẻ kiêu ngạo, khi đưa ra một lời phê bình mang tính xây dựng đối với họ, hoặc một nhận xét hoàn toàn vô hại, thì họ phản ứng một cách thái quá, như thể chúng ta đã xúc phạm đến vẻ uy nghi của họ: họ nổi cơn thịnh nộ, la hét, cắt đứt mối quan hệ với người khác một cách oán hận.

Không thể làm được gì nhiều với một người mắc bệnh kiêu ngạo. Không thể nói chuyện với họ, chứ đừng nói đến sửa sai họ, bởi vì suy cho cùng, họ không còn hiện diện với chính mình nữa. Chỉ cần kiên nhẫn với họ, vì một ngày nào đó tòa nhà của họ sẽ sụp đổ. Tục ngữ của Ý có câu: “Kiêu ngạo ra đi bằng ngựa và trở về bằng đi bộ”. Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu đối diện với nhiều người kiêu ngạo, và Người thường vạch trần tật xấu này ngay cả ở những người giấu rất kỹ. Thánh Phêrô phô trương lòng trung thành trong mọi thử thách của mình: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (x. Mt 26, 33). Nhưng chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ trải có kinh nghiệm giống như những người khác, cũng sợ hãi khi đối mặt với cái chết mà ngài không tưởng tượng lại đến gần đến vậy. Vì vậy, Phêrô thứ hai, người không còn vênh váo nhưng đã khóc bằng những giọt nước mắt đau buồn, sẽ được Chúa Giêsu chăm sóc và cuối cùng sẽ có khả năng gánh được gánh nặng của Giáo hội. Trước đó, ngài đã thể hiện một sự tự phụ mà tốt hơn hết là không nên bộc lộ; trái lại, giờ đây, ngài là một người môn đệ trung thành mà, như một dụ ngôn đã nói, ông chủ có thể đặt “coi sóc tất cả tài sản của mình” (Lc 12, 44).

Ơn cứu độ ngang qua sự khiêm nhường, một phương thuốc đích thực cho mọi hành vi kiêu ngạo. Trong bài Magnificat, Đức Maria ca ngợi Thiên Chúa, Đấng bằng quyền năng của mình, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chẳng ích gì khi đánh cắp thứ gì đó từ Thiên Chúa, như những kẻ kiêu ngạo hy vọng như thế, bởi vì cuối cùng, Ngài muốn ban cho chúng ta mọi thứ. Đó là lý do tại sao thánh tông đồ Giacôbê, khi nói với cộng đoàn của mình đang bị tổn thương bởi những đấu tranh nội bộ nảy sinh từ lòng kiêu ngạo, đã viết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, và ban ân sủng cho kẻ khiêm nhường.” (Gc 4, 6).

Anh chị em thân mến, vì thế, chúng ta hãy tận dụng Mùa Chay này để chiến đấu chống lại thói kiêu ngạo của mình.

—————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30