BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT. BÀI 15: CHÚNG TA ĐỪNG TRỞ NÊN MỆT MỎI

Written by xbvn on Tháng Mười Một 11th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

“Chúng ta là những Kitô hữu tự do, tự do, không bám lấy quá khứ theo nghĩa xấu của từ, không bị trói buộc vào những thực hành. Sự tự do Kitô hữu là những gì làm cho chúng ta lớn lên.” Đó là lời nhắc nhở của Đức Phanxicô trong bài giáo lý về Thư gởi tín hữu Galát và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài về Thư này, hôm 10/11/2021.

Và nếu chúng ta bị cám dỗ mỏi mệt, “khó khăn để ngoan ngoãn theo Chúa Thánh Thần”, thì Đức Thánh Cha khuyên lắng nghe lời “thánh Augustinô đã gợi ý làm thế nào phản ứng trong hoàn cảnh này. Đây là những gì ngài nói: “Niềm tin vào Chúa Kitô nơi tâm hồn bạn giống như Chúa Kitô trên con thuyền. Bạn nghe những lời lăng nhục, bạn mệt mỏi, bạn u sầu, và Chúa Kitô ngủ. Hãy đánh thức Chúa Kitô dậy, hãy đánh thức đức tin của bạn! Ngay cả trong hoạn nạn bạn vẫn có thể làm được điều gì đó. Hãy đánh thức đức tin của bạn. Chúa Kitô thức giấc và nói với bạn…Vì thế, hãy đánh thức Chúa Kitô…Hãy tin những gì đã được nói với bạn, và sẽ có sự yên bình lớn lao trong tâm hồn bạn” (Bài giảng 63).”

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đã đến phần cuối của bài giáo lý về Thư gởi tín hữu Galát. Chúng ta đã có thể suy tư nhiều về nội dung khác được chứa đựng trong bản văn này của thánh Phaolô! Lời Thiên Chúa là một nguồn suối vô tận. Và trong thư này, thánh Tông đồ đã nói với chúng ta với tư cách là một người loan báo Tin Mừng, một nhà thần học và là một mục tử.

Thánh Giám mục Inhaxiô Antiôkia đã dùng một kiểu nói rất đẹp khi ngài viết: “Có một Thầy Dạy duy nhất, Người đã nói và nó được thực hiện; trong khi thậm chí những điều mà Người đã làm trong âm thầm cũng xứng đáng với Chúa Cha. Ai có lời của Chúa Giêsu, thì thực sự có thể nghe được ngay cả chính sự thinh lặng của Người” (Thư gởi tín hữu Êphêsô, 15, 1-2). Chúng ta có thể nói rằng thánh Phaolô Tông đồ có khả năng mang lại tiếng nói cho sự thinh lặng này của Thiên Chúa. Những trực giác độc đáo nhất của ngài giúp chúng ta khám phá sự mới mẻ đáng kinh ngạc được chứa đựng trong sự mạc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài là một thần học gia đích thực đã chiêm ngắm mầu nhiệm của Chúa Kitô và đã truyền đạt mầu nhiệm này với trí thông minh sáng tạo của ngài. Và ngài cũng có khả năng thực thi sứ mạng mục tử của mình đối với cộng đoàn bối rối và hoang mang. Ngài đã làm điều này bằng những phương pháp khác nhau: thỉnh thoảng ngài sử dụng sự mỉa mai, tính cương nghị, sự dịu dàng…Ngài đã cho thấy thẩm quyền của mình với tư cách là một Tông đồ, nhưng đồng thời ngài không che giấu sự yếu đuối trong tính cách của mình. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thực sự đi vào tâm hồn ngài: cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô Phục Sinh đã chinh phục và biến đổi toàn bộ cuộc đời ngài, và ngài đã dành toàn bộ đời mình để phục vụ Tin Mừng. Đây là Phaolô.

Thánh Phaolô không bao giờ quan niệm về Kitô giáo bằng những từ ngữ an nhàn, thiếu sự cay đắng và sức mạnh – trái lại. Với niềm đam mê như thế, ngài đã bảo vệ sự tự do mà Chúa Kitô mang lại mà ngày nay điều đó vẫn còn làm cho chúng ta xúc động, đặc biệt nếu chúng ta nghĩ về nỗi đau khổ và sự cô đơn mà ngài đã phải chịu đựng. Ngài đã xác tín rằng ngài nhận được một tiếng gọi mà một mình ngài có thể đáp lời; và ngài muốn giải thích cho các tín hữu Galát rằng họ cũng được kêu gọi đến sự tự do đó vốn đã giải thoát họ khỏi mọi hình thức nô lệ bởi vì nó làm cho họ trở nên những người thừa kế lời hứa xưa và, trong Chúa Kitô, trở nên con cái của Thiên Chúa. Và ý thức về những rủi ro mà khái niệm tự do này mang lại, ngài đã không bao giờ giảm thiểu những hậu quả. Ngài ý thức về những rủi ro mà sự tự do Kitô giáo mang lại. Nhưng ngài không giảm thiểu những hậu quả. Với lòng can đảm gan dạ (parrahesia), nghĩa là cách can đảm, ngài lặp đi lặp lại với các tín hữu hằng sự tự do không đời nào ngang bằng với sự trác táng, nó cũng không dẫn đến những hình thức tự phụ tự mãn. Đúng hơn, thánh Phaolô đặt sự tự do trong sự che chở của tình yêu và đặt cơ sở cho việc thực thi kiên định nó trên việc phục vụ của đức ái. Toàn bộ cái nhìn này được đặt trong bức tranh toàn cảnh của một cuộc sống theo Chúa Thánh Thần, Đấng hoàn thiện Lề luật được Thiên Chúa ban cho Israel và ngăn ngừa việc lại rơi vào tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Nhưng cám dỗ là luôn  đi ngược lại, đúng không? Một định nghĩa về người Kitô hữu được tìm thấy trong Thánh Kinh nói rằng Kitô hữu chúng ta không phải là loại người đi ngược lại, quay đầu lại. Đây là một định nghĩa rất đẹp. Và cám dỗ là quay lại để được an toàn hơn. Và trong trường hợp này, quay lại với Lề luật, bất chấp sự sống mới của Chúa Thánh Thần. Đây là những gì thánh Phaolô dạy chúng ta: việc hoàn thành Lề luật đích thực được tìm thấy trong sự sống này của Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Và sự sống này của Chúa Thánh Thần chỉ có thể được sống trong tự do. Sự tự do Kitô hữu. Đây là một trong những  điều đẹp nhất, đẹp nhất.

Vào cuối cuộc hành trình giáo lý này, đối với tôi, dường như có một thái độ kép có thể nổi lên trong chúng ta. Một mặt, giáo huấn của thánh Tông đồ tạo nên sự nhiệt tình trong chúng ta; chúng ta cảm thấy bị lôi cuốn lập tức đi theo con đường dự do, “tiến bước nhờ Thần Khí”. Tiến bước nhờ Thần Khí luôn làm cho chúng ta tự do. Mặt khác, chúng ta ý thức về những giới hạn của  chúng ta bởi vì hằng ngày chúng ta luôn cảm thấy thật khó khăn để ngoan ngoãn theo Chúa Thánh Thần, đầu hàng trước hoạt động ích lợi của Người. Rồi sự mệt mỏi có thể làm giảm bớt sự nhiệt tình. Chúng ta cảm thấy nản lòng, yếu đuối, đôi khi cảm thấy bị cho là thứ yếu so với lối sống trần tục. Khi đề cập đến đoạn Tin Mừng về cơn bão trên biển hồ, thánh Augustinô đã gợi ý làm thế nào phản ứng trong hoàn cảnh này. Đây là những gì ngài nói: “Niềm tin vào Chúa Kitô nơi tâm hồn bạn giống như Chúa Kitô trên con thuyền. Bạn nghe những lời lăng nhục, bạn mệt mỏi, bạn u sầu, và Chúa Kitô ngủ. Hãy đánh thức Chúa Kitô dậy, hãy đánh thức đức tin của bạn! Ngay cả trong hoạn nạn bạn vẫn có thể làm được điều gì đó. Hãy đánh thức đức tin của bạn. Chúa Kitô thức giấc và nói với bạn…Vì thế, hãy đánh thức Chúa Kitô…Hãy tin những gì đã được nói với bạn, và sẽ có sự yên bình lớn lao trong tâm hồn bạn” (Bài giảng 63). Ở đây, thánh Augustinô nói rằng  trong những lúc khó khăn, đó là như việc chúng ta đang ở trên chiếc thuyền vào thời điểm bão tố. Và các Tông đồ đã làm gì? Họ đã đánh thức Chúa Kitô. Đánh thức Chúa Kitô đang ngủ và bạn đang ở trong bão tố, nhưng Người có đó. Đây là điều duy nhất chúng ta có thể làm vào những thời điểm khủng hoảng: đánh thức Chúa Kitô đang ở trong chúng ta, nhưng đang ngủ giống như [Người đã ngủ] trên thuyền. Đó là chính xác như thế này. Chúng ta phải đánh thức Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta và chỉ khi đó chúng ta mới có thể chiêm ngắm mọi sự bằng đôi mắt của Người vì Người nhìn thấy xa hơn cơn bão tố. Qua ánh mắt thanh thản đó, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh mà chính bản thân chúng ta cũng không thể hiểu được.

Trong cuộc hành trình đầy thách đố nhưng đầy quyến rũ này, thánh Tông đồ nhắc cho chúng ta rằng chúng ta không thể để mình mệt mỏi khi làm điều thiện. “Chúng ta đừng mệt mỏi khi làm điều thiện” (Gl 6, 9). Chúng ta phải tin tưởng rằng Chúa Thánh  Thần luôn đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta và ban cho chúng ta sự nâng đỡ mà chúng ta cần. Vì thế, chúng ta hãy học biết cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn! “Vậy, thưa Cha, Chúa Thánh Thần được cầu khẩn như thế nào? Con biết cách cầu nguyện với Chúa Cha bằng Kinh Lạy Cha. Con biết cách cầu nguyện với Đức Maria bằng Kinh Kính Mừng. Con biết cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng Lời cầu nguyện với các Vết Thương Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng với Chúa Thánh Thần…Lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là gì?” Lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là tự phát: nó cần phát xuất từ tâm hồn của anh chị em. Đây là từ khóa: xin Ngài ngự đến. Xin Ngài ngự đến. Nhưng chính anh chị em cần nói điều đó bằng chính những lời của anh chị em. Xin ngự đến,  bởi vì con đã gặp khó khăn. Xin ngự đến, bởi vì con đang ở trong bóng tối. Xin ngự đến, bởi vì con không biết phải làm gì. Xin Ngài ngự đến, bởi vì con sắp ngã. Xin Ngài ngự đến. Xin Ngài ngự đến. Đây là từ ngữ của Chúa Thánh Thần – cách kêu cầu Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy học biết cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên. Chúng ta  có thể làm điều này bằng những lời đơn sơ vào những thời điểm khác nhau trong ngày sống. Và chúng ta có thể mang theo chúng ta, có lẽ bên trong cuốn Tin Mừng trong túi chúng ta, lời cầu nguyện tuyệt đẹp mà Giáo hội đọc trong ngày Lễ Hiện Xuống: “Muôn lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến trần gian, tự trời cao gửi xuống, nguồn ánh sáng tỏa lan. Lạy Cha kẻ bần hàn, Đấng tặng ban ân điển, và soi dẫn nhân tâm, cúi xin Ngài ngự đến. Đấng an ủi tuyệt diệu, Thượng Khách của tâm hồn, ôi ngọt ngào êm dịu…” Và nó tiếp tục như thế, đó là một lời cầu nguyện rất đẹp. Nhưng chỉ khi anh chị em có lời cầu nguyện này – hoặc nếu anh chị em không thể tìm thấy nó, thì ý chính của lời cầu nguyện là “Xin Ngài ngự đến”, như Đức Mẹ và các Tông đồ đã cầu nguyện trong những ngày mà Chúa Kitô lên Trời. Các ngài một mình ở trong Phòng trên, cầu xin: Xin Ngài ngự đến, xin Thánh Thần ngự đến. Sẽ tốt cho chúng ta để cầu nguyện thường xuyên như thế. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến. Và với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ bảo vệ sự tự do của chúng ta. Chúng ta là những Kitô hữu tự do, tự do, không bám lấy quá khứ theo nghĩa xấu của từ, không bị trói buộc vào những thực hành. Sự tự do Kitô hữu là những gì làm cho chúng ta lớn lên. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta tiến bước nhờ Thần Khí, trong tự do và vui tươi bởi vì khi Chúa Thánh Thần đến, thì niềm vui, niềm vui đích thực sẽ đến. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

 

 

Ca tiếp liên Veni Sancte Spiritus (bản dịch CGKPV)

Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
xin ngự đến trần gian,
tự trời cao gửi xuống,
nguồn ánh sáng tỏa lan.

Lạy Cha kẻ bần hàn,
Đấng tặng ban ân điển,
và soi dẫn nhân tâm,
cúi xin Ngài ngự đến.

Đấng ủi an tuyệt diệu
thượng khách của têm hồn,
ôi ngọt ngào êm dịu
dòng suối mắt chảy tuôn.

Khi vất vả lao công,
Ngài là nơi an nghỉ,
gío mát đuổi cơn nồng,
tay hiền lau gịot lệ.

Ôi hào quang linh diệu,
xin chiếu giãi ánh hồng, vào tâm hồn tín hữu,
cho rực rỡ trinh trong.

Không thần lực phù trì
kẻ phàm nhân cát bụi,
thật chẳng có điều chi
mà không là tội lỗi.

Hết những gì nhơ bẩn,
xin rửa cho sạch trong, tưới gội nơi khô cạn,
chữa lành mọi vết thương.

Cứng cỏi uốn cho mềm,
lạnh lùng xin sưởi ấm,
những đường nẻo sai lầm,
sửa sang cho ngay thẳng.

Những ai hầng tin tưởng
trông cậy Chúa vững vàng,
dám xin Ngài rộng lượng,
bảy ơn thánh tặng ban.

Nguyện xin Chúa thưởng công
cuộc đời dày đức độ,
ban niềm vui muôn thuở
sau giờ phút lâm chung.

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30