BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ : BÀI 13. ÔNG NICÔĐÊMÔ. « MỘT NGƯỜI GIÀ RỒI, LÀM SAO CÓ THỂ SINH RA ĐƯỢC ? » (Ga 3, 4)

Written by xbvn on Tháng Sáu 9th, 2022. Posted in Gia đình, Giáo lý, Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý ngày thứ Tư 8/6/2022 của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã giải thích cho ông Nicôđêmô rằng để nhìn thấy Nước Thiên Chúa, cần phải “sinh ra từ ơn trên”. Người Pharisêu đáng kính này muốn biết Chúa Giêsu và đã bí mật đến gặp Ngài, nhưng ông khó hiểu được sự tái sinh mà Chúa Giêsu đã nói với ông, vì ông đã già.

Trên thực tế, “sự sinh ra từ ơn trên”, vốn cho phép chúng ta vào Nước Thiên Chúa, là một sự sinh ra trong Thánh Thần, một sự ngang qua dòng nước đến miền Đất hứa.

Sự phản đối của ông Nicôđêmô rất bổ ích cho chúng ta. Chúng ta có thể đảo ngược nó, dưới ánh sáng những lời của Chúa Giêsu, để khám phá ra ở đó một sứ mạng riêng của tuổi già, khác xa với nỗi ám ảnh tuyệt vọng về một thân xác bất khả hư nát trong đó huyền thoại về tuổi  trẻ vĩnh hằng khước từ thực tại của tuổi già và trong đó người  ta mong đợi mọi thứ từ thuốc men và mỹ phẩm. Việc tìm kiếm một sự hạnh phúc chính đáng nào đó không được chuyển sang huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh hằng này.

Quả thế, cuộc sống trong xác phàm ở trần gian này có điều gì đó chưa hoàn thành, bởi vì cuộc sống này là một sự khởi đầu, không phải là một sự hoàn thành. Đức tin, vốn cho phép chúng ta “nhìn thấy Nước Thiên Chúa”, hướng chúng ta đến Cõi Vĩnh Hằng. Và tuổi già không phải hoài niệm về sự sinh ra trong thời gian, nhưng là  tình yêu đối với đích đến cuối cùng của chúng ta. Theo nghĩa này, tuổi già có một vẻ đẹp độc đáo: nó khiến chúng ta tiến bước tới Cõi Vĩnh Hằng.

——————————————

Dưới đây là toàn văn bài giáo lý :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong số những nhân vật cao tuổi thích đáng nhất trong các sách Tin Mừng là ông Nicôđêmô – một trong những nhà lãnh đạo Do Thái – người, muốn biết Chúa Giêsu, đã đến gặp Ngài vào ban đêm, dù trong vòng bí mật (x. Ga 3, 1-21). Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, cốt lõi của sự mạc khải của Chúa Giêsu và sứ mạng cứu độ của Ngài nổi lên khi Ngài nói, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (c.16).

Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng để “nhìn thấy Nước Thiên Chúa”, một người cần “được sinh ra một lần nữa nhờ ơn trên” (x.c. 3). Điều này không có nghĩa là bắt đầu lại từ khi sinh ra, lặp lại việc chúng ta đi vào thế giới, hy vọng rằng một sự tái nhập thể mới sẽ mở ra cơ hội có một cuộc sống tốt hơn. Sự lặp lại vốn không có ý nghĩa gì. Đúng hơn, nó sẽ làm trống rỗng tất cả ý nghĩa của cuộc sống chúng ta, xóa nó đi như thể nó là một thử nghiệm thất bại, một giá trị đã hết hiệu lực, một cảm giác mất mát lãng phí. Không,  đó không phải là điều này, việc được sinh ra một lần nữa này mà Chúa Giêsu nói đến. Nó là điều gì khác. Cuộc sống này thật quý giá trong mắt Thiên Chúa – nó xác định chúng ta như là những người được Thiên Chúa dịu dàng yêu thương. “Việc sinh lại nhờ ơn trên” vốn cho phép chúng ta “đi vào” Nước Thiên Chúa là một cuộc sinh ra trong Thánh Thần, một cuộc đi qua dòng nước hướng về đất hứa của một công trình tạo dựng được giao hòa bằng tình yêu của Thiên Chúa. Đó là một cuộc tái sinh từ trên nhơ ân sủng của Thiên Chúa. Nó không phải được tái sinh một lần khác về mặt thể lý.

Ông Nicôđêmô hiểu lầm về cuộc sinh ra này, và cho tuổi già như là bằng chứng rõ ràng của sự bất khả thi của mình: con người không thể tránh khỏi già đi, ước mơ về một tuổi trẻ vĩnh hằng dứt khoát biến đi, sự hao mòn là bến đợi của mọi cuộc sinh ra trong thời gian. Làm thế nào chúng ta có thể hình dung một số phận dưới hình thức một cuộc sinh ra? Ông Nicôđêmô  đã nghĩ như thế và không tìm ra cách nào để hiểu được lời của Chúa Giêsu. Sự tái sinh này, nó là gì?

 Sự phản đối của ông Nicôđêmô rất bổ ích cho chúng ta. Quả thế, chúng ta có thể đảo ngược nó, dưới ánh sáng những lời của Chúa Giêsu, để khám phá ra ở đó một sứ mạng riêng cho tuổi già. Quả thật, tuổi già không những không phải một trở ngại cho sự sinh ra từ ơn trên mà Chúa Giêsu nói đến, nhưng nó trở thành thời điểm thích hợp để soi sáng nó, bằng cách giải thoát nó khỏi sự hiểu lầm về một niềm hy vọng đã mất. Thời đại của chúng ta và nền văn hóa của chúng ta, vốn cho thấy một khuynh hướng đáng lo ngại khi coi việc sinh ra của một đứa bé đơn giản là một vấn đề sản xuất và tái sản xuất sinh học của con người, tiếp đến nuôi dưỡng huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh hằng như nỗi ám ảnh – tuyệt vọng – về một thân xác bất khả hư nát. Tại sao tuổi già – về nhiều mặt – lại bị coi thường như vậy? Bởi vì nó mang lại bằng chứng không thể chối cãi thách thức huyền thoại này, vốn muốn chúng ta quay trở lại bụng của người mẹ, để được trẻ đời đời trong thân xác.

Kỹ thuật để mình bị cám dỗ bởi huyền thoại này về mọi mặt: trong khi chờ đợi chiến thắng sự chết, chúng ta có thể giữ cho thân xác sống nhờ thuốc men và mỹ phẩm, có tác dụng làm chậm, che giấu, hủy bỏ tuổi già. Dĩ nhiên, một điều là hạnh phúc, điều khác là nuôi dưỡng huyền thoại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự nhầm lẫn giữa hai điều này gây ra cho chúng ta một sự nhầm lẫn nào đó về tinh thần. Nhầm lẫn hạnh phúc với việc nuôi dưỡng huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh hằng. Người ta làm rất nhiều để lấy lại tuổi trẻ này: trang điểm rất nhiều, phẫu thuật rất nhiều để tỏ ra trẻ trung. Tôi nhớ những lời nói của một nữ diễn viên khôn ngoan người Ý, Magnani, khi người ta nói với cô rằng cô cần phải xóa nếp nhăn và cô đã trả lời: “Không, đừng chạm đến chúng! Phải mất rất nhiều năm để có được chúng: đừng chạm đến chúng!” Như thế, các nếp nhắn là biểu tượng của kinh nghiệm, biểu tượng của cuộc sống, biểu tượng của sự trưởng thành, biểu tượng của con đường từng trải. Đừng chạm đến chúng để trở nên trẻ trung, nhưng chỉ trẻ về khuôn mặt: điều quan trọng, đó là toàn thể nhân cách, điều  quan trọng, đó là tâm hồn, và  tâm hồn vẫn còn nguyên với sự trẻ trung của rượu ngon này, rượu càng lâu càng ngon.

Cuộc sống trong xác phàm là một điều “chưa hoàn thành” rất đẹp: như một số tác phẩm nghệ thuật, chính trong sự chưa hoàn thiện của chúng, lại có sức hấp dẫn độc đáo. Bởi vì cuộc sống ở trần gian là một “sự khởi đầu”, không phải là một “sự hoàn thành”: chúng ta bước vào thế giới như thế, với tư cách là những con người thật, đang già đi nhưng vẫn luôn chân thật. Nhưng cuộc sống trong xác phàm là một không gian và thời gian quá chóng tàn để giữ nguyên vẹn và hoàn tất phần quý giá nhất của cuộc sống chúng ta trong thời gian của thế giới. Chúa Giêsu nói, đức tin, đón nhận lời loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa mà chúng ta được dự định, có một hiệu quả phi thường đầu tiên. Nó cho chúng ta “nhìn thấy” Nước Thiên Chúa. Chúng ta phải có khả năng thực sự nhìn thấy nhiều dấu chỉ về niềm hy vọng hoàn thành của chúng ta đối với những gì mà, trong cuộc sống của chúng ta, mang dấu chỉ về đích đến vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.

Đó là những dấu chỉ về tình yêu của Tin Mừng, được Chúa Giêsu soi sáng về nhiều mặt. Và nếu chúng ta có thể “nhìn thấy” chúng, thì chúng ta cũng có thể “vào” Nước Thiên Chúa, ngang qua Chúa Thánh Thần nhờ nước tái sinh.

Tuổi già là điều kiện, được ban cho nhiều người trong chúng ta, trong đó phép lạ của sự sinh ra từ ơn trên này có thể được đồng hóa cách mật thiết và trở nên khả tín đối với cộng đồng nhân loại: nó không thông truyền nỗi hoài niệm về sự sinh ra trong thời gian, nhưng là tình yêu dành cho đích đến cuối cùng. Trong viễn cảnh này, tuổi già có một vẻ đẹp độc đáo: chúng ta đi về Cõi Vĩnh Hằng. Không ai có thể vào lại trong dạ mẹ, ngay cả khi sử dụng cái thay thế nó về mặt công nghệ và tiêu thụ. Điều đó không mang lại sự khôn ngoan, điều đó không dẫn đến một con đường hoàn thành, đó là giả tạo. Sẽ là rất buồn ngay cả khi nó có thể. Người già tiến về phía trước, người già đi về đích điểm, hướng về thiên đàng của Thiên Chúa, người già bước đi bằng sự khôn ngoan của cả một cuộc đời. Vì thế, tuổi già là một thời gian đặc biệt để giải thoát tương lai khỏi ảo tưởng kỹ trị về sự sống còn của sinh học và người máy, nhưng nhất là bởi vì nó mở ra cho sự dịu dàng của cung lòng sáng tạo và sinh thành của Thiên Chúa. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh lời này: sự dịu dàng của người cao tuổi. Hãy quan sát một cụ ông hay cụ bà, cách họ nhìn cháu của mình, cách họ ôm ấp cháu của mình: sự dịu dàng này, tự do trước mọi thử thách của con người, vốn đã vượt qua những thử thách của con người và có khả năng trao ban tình yêu cách nhưng không, sự gần gũi đầy yêu thương đối với nhau. Sự dịu dàng này mở ra cánh cửa để hiểu được sự dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên rằng Thánh Thần của Thiên Chúa là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Thiên Chúa là như thế, Ngài biết cách ôm ấp. Và tuổi già giúp chúng ta hiểu được chiều kích dịu dàng này của Thiên Chúa. Tuổi già là thời gian đặc biệt để giải thoát tương lai khỏi ảo tưởng kỹ trị, đó là thời gian của sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng tạo thành, vạch ra con đường cho tất cả chúng ta.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta mở lòng lại cho sứ mạng thiêng liêng – và văn hóa – của tuổi già này, vốn giao hòa chúng ta với sự sinh ra từ ơn trên. Khi chúng ta nghĩ đến tuổi già theo cách này, lúc đó chúng ta tự nhủ: làm thế nào mà nền văn hóa vứt bỏ này quyết định loại bỏ người cao tuổi, bằng cách coi họ như vô dụng? Người cao tuổi là sứ giả của tương lai, người cao tuổi là sứ giả của sự dịu dàng, người cao tuổi là sứ giả của sự khôn ngoan về một cuộc sống được đảm nhận. Chúng ta hãy tiến về phía trước và hãy quan tâm đến người cao tuổi.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30