CÁCH ĐÂY 60 NĂM, CUỘC GẶP GỠ Ở GIÊ-RU-SA-LEM ĐÃ LÀM THAY ĐỔI CẢ THIÊN NIÊN KỶ

Written by xbvn on Tháng Một 23rd, 2024. Posted in Thế Giới

Đức Giáo hoàng Phao-lô VI và Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras đã gặp nhau ở sườn núi Oliu vào tháng 1 năm 1964.

Trong suốt cuộc hành hương lịch sử đến Thánh Địa của Đức Giáo Hoàng Rôma và Đức Thượng phụ Đại kết của Constantinople, các thành viên của các phương tiện truyền thông đã tiến đến vị Thượng phụ, Đức Athenagoras, và hỏi rằng “Tại sao ngài lại đến Giê-ru-sa-lem?”. Ngài đáp lại: “Để nói lời ‘Chào buổi sáng’ với người anh em thân yêu của tôi, Đức Giáo hoàng. Các bạn phải nhớ rằng đã 500 năm rồi kể từ khi chúng tôi nói chuyện với nhau lần cuối”.

Thật vậy, lần sau cùng một Vị Giáo hoàng Rôma và Đức Thượng phụ Constantinople gặp nhau là vào năm 1438, tại Công đồng Florence, một nỗ lực chấm dứt cuộc Đại ly giáo vốn đã xảy ra vào thế kỷ 11. Sau Florence, đã xảy ra nhiều thế kỷ sau đó về việc một linh mục Công giáo tham gia vào phong trào đại kết gọi là ‘sự im lặng băng giá’.

Nhưng vào ngày 5 tháng 1 năm 1964, Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã gặp Đức Thượng phụ Athenagoras tại Núi Oliu ở Giê-ru-sa-lem. Vào dịp kỷ niệm lần thứ 60 này, những vị kế nhiệm đáng kính của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Đại kết Bartôlômêô I vẫn giữ một tình thân hữu bền chặt, và cuộc đối thoại thần học quốc tế giữa các Giáo hội Công giáo và Chính thống có thể nhìn lại các thập kỷ của sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng tăng trên con đường tiến đến niềm hy vọng hồi phục sự hiệp thông trọn vẹn giữa các Giáo hội.

Chính cuộc hành hương đến Giê-ru-sa-lem năm 1964 đã mở ra cánh cửa cho một cuộc đối thoại như thế.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và Đức Thượng phụ là câu chuyện chính trên tờ New York Times ngày 6 tháng 1 năm 1964

Đức Phao-lô VI lên ngôi Giáo hoàng được 6 tháng thì ngài công bố ý định thực hiện cuộc hành hương đến Thánh Địa. Chuyến đi sẽ làm cho ngài trở thành vị Giáo hoàng Rôma đầu tiên sử dụng chuyên cơ để di chuyển, và cũng là vị đầu tiên trong hơn 150 năm đi ra khỏi lãnh thổ nước Ý.

Cha Ronald G.Roberson, CSP, nguyên phó giám đốc Văn phòng Đại kết và Liên tôn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết:  “Khi Tòa Thượng phụ Đại kết ở Istanbul biết được sự thật việc Đức Giáo hoàng đang lên kế hoạch đến Giê-ru-sa-lem và Thánh Địa, thì Đức Athenagoras đã công bố rằng ngài cũng dự tính đến đó để gặp Đức Giáo hoàng”. “Vì thế, sáng kiến thực sự đến từ phía Chính thống giáo Hy Lạp”.

Khi Đức Athenagoras đến dinh Đại diện Tông toà ở Giê-ru-sa-lem, nơi Đức Giáo hoàng đang lưu lại, thì Đức Phao-lô bước xuống cầu thang, và hai nhà lãnh đạo tinh thần đã gặp nhau ở phía dưới.

Cha Roberson nói với Aleteia: “Theo một nhân chứng, với những giọt nước mắt tuôn rơi, các ngài tự động giang rộng vòng tay và ôm lấy nhau trong Đức Ki-tô. Các ngài ôm nhau thật chặt trong từng phút giây trôi qua với đầy cảm xúc mãnh liệt. Và rồi các ngài tiến vào sảnh tiếp tân, nơi hai chiếc ghế giống nhau đã được chuẩn bị sẵn. Hai vị ngồi cùng nhau, chỉ mỗi hai người, và nói chuyện riêng trong khoảng 14 phút. Với điều đó, hàng thế kỷ im lặng được phá vỡ và một điểm phát xuất mới đã bắt đầu cho một Kỷ nguyên Ki-tô giáo mới”.

Đức Phao-lô VI trở lại thăm Đức Athenagoras vào ngày hôm sau, khi vị này đang ở tại nơi cư trú ở Tòa Thượng phụ Hy Lạp tại Giê-ru-sa-lem. Cha Roberson cho hay: “Lần này, hai con người này đã chào nhau cứ như thể họ là bạn lâu năm rồi”.

Con đường đầy sỏi đá

Linh mục này cho biết các cuộc nghiên cứu lịch sử gần đây đã tiết lộ nhiều hơn về cuộc gặp gỡ này. “Trên thực tế, giờ đây có vẻ như lời cam kết hoà giải của Đức Thượng phụ Athenagoras với Giáo Hội Công giáo mạnh hơn với những gì chúng ta từng biết vào thời điểm đó. Cuộc nghiên  cứu gần đây trong kho lưu trữ của Đức Hồng y (Johannes) Willebrands (Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về việc Cổ võ sự Hiệp nhất Ki-tô giáo) đã tiết lộ rằng vào năm 1969, Đức Thượng phụ đã bày tỏ ước ao cử hành Thánh Thể với Đức Phao-lô VI”.

Roberson thuật lại: Đức Hồng y Willebrands nói với Đức Thượng phụ rằng Đức Phao-lô đã từng nói, “Tôi rất sẵn lòng du hành đến vùng Cực Bắc để gặp gỡ Đức Thượng phụ và cử hành cùng với ngài”. “Đức Athenagoras đáp lời, “Không cần thiết để đi đến Cực Bắc đâu. Vương Cung thánh đường Thánh Phê-rô là được rồi””.

Và dẫu vậy, cuộc gặp lịch sử và những gì diễn ra sau đó không hề được đảm bảo. Cha Radu Bordeeianu, một linh mục Chính Thống giáo dạy thần học ở Đại học Duquesne và là thành viên của Ban tư vấn Thần học Chính Thống – Công giáo Bắc Mỹ, nói rằng đường đến Giê-ru-sa-lem là một con đường đầy sỏi đá cho cả phía Rôma lẫn Constantinople, lên đến những giai đoạn lên kế hoạch cho Công đồng Vatican. Rôma muốn mời các quan sát viên không phải Công giáo đến Công đồng, và để mời những quan sát viên Chính Thống giáo Đông phương liên hệ với Toà Thượng phụ Constantinople – vốn được xem là primus inter pares (người đứng đầu đồng cấp).

Constantinople bắt đầu làm việc hướng đến sự đáp trả lời mời đó vào tháng Chín năm 1961, nhưng một Hội nghị toàn Chính Thống giáo trên đảo Rhodes dường như đã đạt được sự đồng thuận rằng một lời đáp trả như vậy đòi hỏi sự nhất trí từ phía tất cả các Giáo hội Chính thống độc lập.

Tuy nhiên, Giáo hội Chính Thống giáo Nga không hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ.

Cha Bordeianu nói với Aleteia: “Moscow – hãy nhớ, thời điểm đó đang trong chế độ cộng sản – xem Đức Thượng phụ Athenagoras như một công cụ do Mỹ chỉ định, bởi Đức Athenagoras đã từng dành thời gian ở Hoa Kỳ (với tư cách Tổng Giám mục Chính thống giáo Hy Lạp của Nam Mỹ và Bắc Mỹ”. “Và về cơ bản, có một cuộc chiến ý thưc hệ giữa Nga và khối Đông phương và thế giới phương Tây, bao gồm cả Vatican. Vì thế, Toà Thượng phụ Moscow đã thật sự tác động nhiều Giáo hội trong tầm ảnh hưởng của nó, như Rumani, Bulgaria, Serbia, Georgia, không gửi các quan sát viên”.

Cha nói tiếp, Vatican trở nên không hài lòng với việc thiếu đi quyền lực thuyết phục của Đức Thượng phụ Athenagoras với các Giáo hội Chính Thống giáo khác, “vốn không thực sự công bằng bởi vì, nói theo thuật ngữ chuyên môn, các Giáo hội Chính thống giáo là độc lập”. Đức Athenagoras chỉ có thể làm rất nhiều điều để thu hút các Giáo hôi độc lập khác tham gia, nhưng ngài không thể ra lệnh cho họ hợp tác.

Dẫu sao, Vatican cũng đã đề xướng cuộc đối thoại với một vài Giáo hội khác mà không cần đến sự trợ giúp của Đức Athenagoras. Đức Hồng y Willebrands đã đến Moscow, và sau khi Đức Athenagoras tuyên bố rằng sẽ không có Giáo hội Chính thống giáo nào gửi các quan sát viên đến Công đồng, thì hai quan sát viên của Giáo hội Chính Thống giáo Nga đã đến Rôma ngay sau khai mạc Công đồng năm 1962.

Cha Bordeianu nói: “Bạn có thể hình dung Đức Athenagoras đã cảm thấy bị bẽ mặt công khai như thế nào, bởi vì ngài đã công khai tuyên bố thay mặt toàn thể Giáo hội Chính Thống giáo rằng các quan sát viên phía Chính Thống giáo sẽ không đến, và trên thực tế, Vatican và Moscow đã làm việc sau lưng ngài, và các quan sát viên đã đến”.

Đức Athenagoras bị tổn thương nhiều đến mức khi Đức Phao-lô VI được tấn phong Giáo hoàng vào ngày 21 tháng 6 năm 1963, ngài đã không gửi đến một điện thư chúc mừng hay cử đại diện nào đến với buổi lễ.

“Các Giáo hội anh em”

Tại sao và bằng cách nào mà Đức Thượng phụ đã phục hồi khỏi sự tổn thương và sự bẽ mặt thì vẫn chưa rõ.

Cha Bordeianu nói: “Chúng ta không có bằng chứng lịch sử xác đáng để cho thấy điều gì đã giúp chữa lành mối quan hệ giữa Đức Athenagoras và Vatican”. “Theo những gì tôi có thể nói từ những nguồn mà tôi tìm đọc được, việc bầu chọn vị Giáo Hoàng mới (Đức Phao-lô VI) và mong ước của ngài để phục hồi lại những mối quan hệ đã đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề đó. Hơn nữa, Vatican cũng thật sự muốn Constantinople gửi các quan sát viên đến Công đồng. Vatican biết rằng Constantinople chiếm vị trí hàng đầu trong Chính Thống giáo và sự vắng mặt của họ – trong khi Moscow lại có mặt – thật sự mất cân bằng”.

Cha Bordeianu nói: chuyến đi của Đức Athenagoras đến gặp Đức Giáo hoàng tại Giê-ru-sa-lem sẽ củng cố ‘vị thế của Constantinope như là vị thế hàng đầu ở Đông phương hay ‘Rôma thứ Hai’, như họ thích gọi như thế”. “Và vì thế, giờ đây mối quan hệ đang hướng tới điểm mà Toà Thượng phụ Đại kết thực sự đã phái các quan sát viên đến hai phiên họp sau cùng của Công đồng”.

Linh mục này cho biết : những quan sát viên này đã “góp phần quan trọng” cho Vatican II. Không những thế, Đức Athenagoras đã bắt đầu lên kế hoạch, điều chẳng bao giờ thành hiện thực, để đến thăm Công đồng với tư cách là người đứng đầu của phái đoàn toàn Chính Thống giáo. Trong lá thư gửi cho Đức Phao-lô, ngài đã đề cập đến Rôma và Constantinople như là ‘những Giáo hội anh em’, một kiểu nói mà ngài đã sử dụng trong lá thư gửi cho Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Về sau, kiểu nói này được dùng trong Unitatis redingtegratio, sắc lệnh về Đại kết của Công đồng.

Cha Bordeianu cho biết, sau đó, Đức Athenagoras đã bày tỏ với Đức Phao-lô rằng họ ‘cần thực hiện nhiều cử chỉ ý nghĩa hơn nữa để hướng đến việc xích lại gần nhau, hướng tới việc đến với nhau”. “Và Đức Athenagoras có sáng kiến chấm dứt các vạ tuyệt thông vào năm 1054 này. Đó là một vấn đề hệ trọng bởi vì năm 1054 trở thành ngày chia ly mang tính biểu tượng giữa phương Đông và phương Tây, nhưng Đức Athenagoras nói rằng ‘không, đó là giữa Vatican và Constantinople. Không cần sự chấp thuận nào của các Giáo hội Chính Thống giáo khác’. Các bạn phải hiểu những gì đang xảy ra ở đây: về cơ bản ngài không còn bị giới hạn nữa bởi những gì mà Moscow muốn nói”.

Tại các buổi cử hành đồng thời ở Rôma và Istanbul, vào ngày 7 tháng 12 năm 1965, Đức Giáo hoàng và Đức Thượng phụ đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau từng được đưa ra năm 1054.

Nguồn gốc của hành động đó và cuộc đối thoại về thần học vốn đã được thực hiện kể từ đó có thể bắt nguồn từ trước cuộc gặp gỡ ở Giê-ru-sa-lem, với Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, người, với tư cách là Đại diện Tông Toà tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở nên say mê phụng vụ Byzantine mà ngài từng được cảm nghiệm ở Istanbul. Như Đức Phao-lô VI nói với Đức Athenagoras tại thành phố mà Chúa Ki-tô đã chết và phục sinh, “Cuộc gặp gỡ hiện tại đã được ước muốn từ thời vị Tiền nhiệm nơi ký ức bất tử của chúng ta, Đức Gioan XXIII, là người mà thực sự ngài đã dõi theo cách công khai với lòng kính trọng và yêu mến, và là người mà, hẳn không phải là không có đầu óc sáng suốt, ngài đã áp dụng những lời của thánh Gioan Tông đồ: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1, 6) ”.

Vị kế nhiệm nói tiếp, cái chết của Đức Gioan XXIII đã ngăn trở ngài “thực hiện những nguyện ước nơi lòng mình”, một cuộc gặp gỡ giữa Giáo hoàng Rôma và Thượng phụ Constantinople.

Đức Phao-lô nói: “Tuy nhiên, những lời của Đức Ki-tô: “Xin cho họ nên một”, vẫn không ngừng được thốt ra từ miệng của vị Giáo hoàng đã khuất”, “cho thấy rõ rằng ngài đã nhìn thấu được một trong những mục tiêu cấp bách nhất đối với mình và để hoàn thành được mục tiêu đó, ngài đã hiến dâng cơn hấp hối kéo dài và mạng sống quý giá của mình cho Thiên Chúa”.

——————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(theo John Burger,  Aleteia)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31