CHA OLIER VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Written by xbvn on Tháng Tám 27th, 2022. Posted in J.J.Olier, Thế Giới, Tìm Hiểu Hội Xuân Bích - Pour comprendre St - Sulpice, Xuân Bích Thế Giới, Xuân Bích Việt Nam

Cha Olier, con người hoán cải và cầu nguyện

Đời sống cầu nguyện chiếm một chỗ quan trọng trong đời sống của cha Olier.  Linh đạo ngài vạch ra cho Hội Linh Mục Xuân Bích là « Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô » và « Phó thác cho Chúa Thánh Thần », và dĩ nhiên, đối với ngài, một trong những phương thế để sống linh đạo này,  đó là đời sống cầu nguyện.

Trong cuốn « Giáo lý Kitô giáo cho đời sống nội tâm », xuất bản năm 1656, cha Olier đã diễn tả tầm quan trọng của việc cầu nguyện như sau : « Người ta không thể nói hết về việc cầu nguyện, vì nó là hành động quan trọng nhất của tất cả cuộc đời người Kitô hữu ».

Lời khẳng định này phát xuất từ kinh nghiệm bản thân của ngài. Quả thế, được lớn lên và giáo dục trong một bầu khí đạo đức rất thế tục, cha Olier đã sớm nhận ra được sự cần thiết của một sự hoán cải nội tâm. Đang khi gia đình muốn ngài làm linh mục như là cách thăng tiến bản thân và gia đình, và trước cảnh xuống cấp của hàng giáo sĩ thời bấy giờ, ngài cảm thấy sự cấp thiết của một cuộc canh tân đời sống Kitô hữu, trở về với một cuộc sống nội tâm đích thực, để sống hết mình cho Thiên Chúa. Điều đó được đánh dấu bởi những lần « trở lại » trong hành trình thiêng liêng của ngài. Lần thứ nhất, trong cuộc đi bộ hành hương Loretta, Rôma, xin Đức Mẹ chữa lành chứng mất thị giác, năm 1630, mà về sau ngài kể lại rằng không chỉ đôi mắt thể lý nhưng còn là đôi mắt tâm hồn của ngài nữa. Chính ở đó mà ngài cảm nhận « một sự khát khao mãnh liệt cầu nguyện ». Một biến cố khác không kém phần quan trọng trên hành trình thiêng liêng của ngài, đó là qua những lần tiếp xúc với Mẹ Agnès de Jésus, ở Langeac, cha Olier được dẫn vào sâu hơn đời sống chiêm niệm, và nhất là chính Nữ Tu viện trưởng này đã cho cha Olier biết rằng chính Mẹ đã « nhận được từ Đức Trinh Nữ Maria lệnh cầu nguyện » cho Ngài hoàn toàn trở lại. Chính ngài cũng ngạc nhiên khi nhận ra Mẹ Agnès chính là người nữ tu đã xuất hiện với ngài trong giấc mơ vài tháng trước đó (1). Nhưng cuộc trở lại dứt khoát nhất, chính là vào dịp tỉnh tâm vào năm 1636, chuẩn bị cho việc đi truyền giáo ở Auvergne. Ở đó, nhờ sự hướng dẫn của cha Condren, ngài khám phá ra kinh nghiệm thiêng liêng về sự nghèo nàn cũng như sự tự mãn thiêng liêng của mình, và đồng thời ý thức hơn về việc « phó thác cho Chúa Thánh Thần ». Quả thật, hơn ai hết, cha Condren hiểu rõ tính duy ý chí nơi con người của cha Olier, nên ngài chỉ cho cha Olier một lời khuyên duy nhất : « hãy phó thác hơn nữa cho Chúa Thánh Thần ». Và chính nơi cuộc tĩnh tâm này mà ngài đã khám phá ra nguồn mạch thiêng liêng của mọi đời sống kitô hữu : « Chúa Kitô cư ngụ nơi tâm hồn anh em nhờ đức tin » (Eph 3, 17). Ngài xác định : « đức tin là nguyên lý của việc Ngài cư ngụ, và Thánh Thần của Ngài hình thành Ngài (nơi chúng ta) bằng các nhân đức của Ngài». Về sau, vào năm 1642, ngài viết : « Để cho Thánh Thần Thiên Chúa hành động và không đặt ra cản trở nào, đó là điều duy nhất phải làm ».

Tất cả những kinh nghiệm thiêng liêng quý báu đó đã biến ngài thành con người cầu nguyện và không những thế, đó là ưu tiên hàng đầu của ngài trong việc đào tạo các linh mục tương lai. Cha Gilles Chaillot tóm lại những thái độ chủ yếu của đời sống nội tâm và cầu nguyện nơi cha Olier như sau :

+ Thái độ căn bản nhất là thái độ của Chúa Kitô Phục Sinh. Để là « người Kitô hữu đích thực », cần phải « chết đi cho chính mình và sống cho chỉ mình Thiên Chúa ». Điều đó có nghĩa là, như Thánh Phaolô nói, cần phải chết cho tội lỗi, từ bỏ chính mình trong mọi sự.

+ Từ thái độ căn bản đó, và cũng như các bậc thầy của Trường phái tu đức Pháp của thế kỷ XVII, cha Olier không ngừng ngại nói về một sự « hóa mình ra không trong tâm hồn » (anéantissement intérieur) của người Kitô hữu. Đó không phải là sự hủy hoại chính mình nhưng là mở ra cho sự sống tràn đầy của Chúa Giêsu.

+ Cha Olier khám phá ra nguồn mạch của việc « hóa mình ra không nội tâm » này nơi mầu nhiệm Thánh Thể. Thực tại bánh rượu « hóa ra không », hoàn toàn « hoán cải trở về với Chúa Kitô ».

+ Cuộc « trở lại với Chúa Kitô » này đối với Cha Olier không phải là một sự đơn giản bắt chước bề ngoài, nhưng mỗi Kitô hữu phải trở nên « bí tích của Chúa Kitô ». Và sự hiệp thông sâu xa này với Chúa Kitô không gì khác hơn là « phó thác cho Chúa Thánh Thần », Đấng biến đổi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Đời sống cầu nguyện của cha Olier như thế mang chiều kích Ba Ngôi và nhất là chiều kích Kitô học sâu xa. Và đó cũng là một trong những canh tân lớn lao của Trường phái tu đức Pháp. Chiều kích thần bí do đó không phải là đặc ân của một số người, nhưng mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước vào trong mối tương quan sâu thẳm này với Ba Ngôi Thiên Chúa. Và điều này, cha Olier đã đi trước cuôc canh tân mà Bernhard Haering hay Veritatis Splendor (số 19 ; 21…) mời gọi sau này trong thần học luân lý. Chẳng hạn, cha Bernhard Haering phát biểu : « Chúa Kitô là tất cả của đời sống luân lý Kitô hữu : Ngài là nguyên lý, trung tâm và cứu cánh. Luật của người Kitô hữu không gì khác hơn là là chính con người của Chúa Kitô… », « đời sống Kitô hữu là « việc bắt chước Chúa Kitô », đồng hình đồng dạng với con Thiên Chúa. Không phải là việc sao chép bên ngoài, thậm chí cũng không phải là bắt chước tình yêu vâng phục của Ngài đối với Cha, nhưng trước hết là « bước theo Chúa Kitô », sống trong Chúa Kitô. Đó sẽ là viễn ảnh chủ yếu của thần học luân lý này : đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nhờ các bí tích và nhờ sự triển nở sự sống thần linh nơi chúng ta » (2).

Vả lại, đối với Cha Olier, chiều kích Ba Ngôi và Kitô học của đời sống cầu nguyện cần phải được mở ra trong chiều kích giáo hội và xã hội. Chiều kích thiêng liêng không tách rời với chiều kích tông đồ. Chính trong đời sống cầu nguyện mà ngài cảm thấy lòng ao ước cầu nguyện cho và với Giáo Hội hơn nữa, và nhất là các Kitô hữu là « những người mang Chúa Kitô » cho anh em của mình qua cuộc sống thường ngày. Chính như thế mà việc thờ phượng Thiên Chúa mới đạt đến sự hoàn hảo.

Phương pháp cầu nguyện của cha Olier

Thái độ từ bỏ chính mình « trở lại với Chúa Giêsu » trong đời sống cầu nguyện đã đưa cha Olier đến khám phá ra một phương pháp cầu nguyện có tính cách Kitô học riêng của ngài, bởi vì chỉ việc « hóa mình ra không » mới có thể « lôi kéo Chúa Giêsu » vào đó. Đối với ngài, cần phải hiện diện trước nhan Thiên Chúa như là « những người hành khất nghèo nàn ». Nhờ đó, việc cầu nguyên hệ tại việc « có Chúa trước mặt, trong tâm hồn và trên đôi bàn tay ». Đó là ba giai đoạn của việc cầu nguyện hay kết hiệp với Chúa Kitô mà cha Olier đã ghi lại trong cuốn « Giáo lý kitô giáo cho đời sống nội tâm » năm 1656 và trong « Dẫn vào đời sống và các nhân đức kitô giáo » năm 1657.

+ « Chúa Giêsu ở trước mặt » (Jésus devant les yeux).

Giai đoạn đầu tiên của việc cầu nguyện là sự tôn thờ (adoration). Trung thành với viễn ảnh tôn giáo của đời sống kitô hữu, đối với cha Olier, cứu cánh « đầu tiên và chủ yếu » của mọi lời cầu nguyện « là tôn thờ và vinh danh Thiên Chúa ». Và điều đó, nơi con người của Chúa Giêsu, « Người Thờ Phượng » Chúa Cha cách độc nhất và hoàn hảo. Vì thế, chỉ cần nói với Ngài : « Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa là lời ca ngợi của con, con vui mừng nơi những lời ca ngợi mà Chúa dâng lên cho Chúa Cha, con kết hợp và hiến mình cho Chúa để tôn thờ Chúa Cha và để cầu xin Cha nhờ Chúa và cùng với Chúa ». Hay tốt hơn, chúng ta ở yên thinh lặng trước nhan Ngài, với những tâm tình thờ phượng sâu thẳm nơi tâm hồn. Đây là giai đoạn chúng ta chiêm ngắm những lời nói, việc làm, cử chỉ của Chúa Giêsu và những tâm tình của Ngài đối với Cha mà Tin Mừng vẽ ra trước mắt chúng ta và qua đó chúng ta tôn thờ Ngài.

+ « Chúa Giêsu trong tâm hồn » (Jésus dans le cœur).

Đối với cha Olier, giai đoạn này đưa chúng ta bước vào trong chính sự tôn thờ của Chúa Giêsu đối với Cha của Ngài. Không chỉ dừng lại ở mức độ chiêm ngắm, nhưng chúng ta còn bước vào trong chính sự hiệp thông này của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Giai đoạn này là trung tâm của việc suy gẫm cầu nguyện. Nó như là giai đoạn mời gọi chúng ta nên một và đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Đây cũng chính là hoạt động sâu thẳm của Chúa Thánh Thần. Đối với vị sáng lập Hội linh Mục Xuân Bích, theo nghĩa mạnh của từ, thì sự « hiệp thông thiêng liêng » này, trong chừng mực việc tham dự vào những hồng ân riêng của Ngài mà Thiên Chúa ban cho cho chúng ta, tùy thuộc vào « sự tác động thâm sâu duy nhất của Thánh Thần của Ngài ». Do đó, nó hệ tại việc « hít thở Thánh Thần », « khẩn cầu Người thương đến trong tâm hồn chúng ta, để làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trao ban chúng ta cho Ngài để được chiếm lấy và linh động bởi sức mạnh của Ngài ».

Cuối cùng, nó cũng hệ tại việc « ở yên thinh lặng bên Ngài », trong sự chờ đợi khiêm tốn và tin tưởng « sự xức dầu thần linh của Ngài». Đối với cha Olier, một sự kết hiệp như thế không hề là công việc « tưởng tượng » hay của « sự hiểu biết cảm giác », nhưng là « bằng lòng với đức tin đơn sơ và chỉ đức ái, chứ không muốn cảm thấy điều gì khác ». Đó chính là kinh nghiệm phó thác cho Thánh Thần của cha Olier : « linh hồn (cầu nguyện) cần phải yên tĩnh thư thái để đón nhận những hồng ân và sự thông truyền của Thiên Chúa, chứ đừng muốn hành động theo mình hay có những nỗ lực làm hỏng đi những tác động thuần khiết và thánh thiện của Thánh Thần nơi nó ». Chúng ta sẽ hiểu được lời khẳng định này của cha Olier nếu chúng ta nhớ đến kinh nghiệm cay đắng về sự tự mãn thiêng liêng, cuộc khủng hoảng mà ngài gặp phải, để rồi từ đó rút ra bài học là chỉ dựa vào sức con người thì sẽ thất bại.

+ « Chúa Giêsu trên tay » (Jésus dans les mains).

Giai đoạn sau cùng của việc cầu nguyện này là giai đoạn trong đó chúng ta thu lượm « hoa trái » hoàn toàn nhưng không của sự hiệp thông thiêng liêng và bí tích với Chúa Giêsu. Khác với một số phương pháp cầu nguyện khác, ở đây cha Olier không nói về « những quyết tâm » phải có, nhưng thay vào đó, ngài nói về sự mở rộng giai đoạn này trong « suốt cả ngày ». Ngài dùng từ ngữ « cộng tác » (coopération). Theo ngài, đó là một từ ngữ cho thấy cách mình nhiên hơn « sức mạnh của Thánh Thần mà chúng ta tùy thuộc trong những việc làm tốt lành hơn là ý chí của chúng ta ». Đối với ngài, ý chí của chúng ta « không thể làm được gì » nếu nó không được « củng cố » bởi « quyền năng hiệu quả của Thánh Thần ». Điều quan trọng, theo cái nhìn của cha Olier, đó là « kết thúc việc cầu nguyện bằng việc từ bỏ và bằng việc phó thác hoàn toàn chính mình cho Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ là ánh sáng, tình yêu và sức mạnh của chúng ta », hơn là tự định ra « những lời hay ho » dự kiến trước « những dịp mà người ta sẽ thực hiện chúng trong ngày ».

Với giai đoạn này, có thể nhận thấy rằng, đối với cha Olier, việc cầu nguyện không phải là một sự trốn chạy cuộc sống, nhưng là một sự trải rộng trong suốt cả ngày những hồng ân mà chúng ta lãnh nhận được từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta không lạ gì điều đó khi biết rằng tinh thần tông đồ cũng là một trụ cột quan trọng nơi linh đạo mà ngài đặt ra cho Hội. Việc nối kết tu đức vào luân lý cũng là một canh tân quan trọng mà thông điệp Veritatis Splendor (số 26…) muốn nhắm đến. Ở đây, một lần nữa tư tưởng của cha Olier tiếp tục có tính cách thời sự.

Tuy nhiên, cha Olier không dừng lại cách cứng nhắc ở một phương pháp cầu nguyện, nếu việc tuân theo phương pháp này ngăn cản tự do của con người và tự do của Thánh Thần muốn thổi đâu thì thổi. Trung thành với trực giác « phó thác cho Chúa Thánh Thần », một lần nữa, ngài cho thấy, khi cần, thì cũng phải bỏ qua việc bám lấy phương pháp này. Viết thư cho một người con linh hướng của ngài, cha Olier nói : « Cha không gởi cho con phương pháp cầu nguyện gì nữa, bởi vì bây giờ đối với con nó đã ra vô dụng ». Cho một người khác, ngài viết : « phương pháp mà cha chỉ cho con (hệ tại) việc đơn giản nâng mình lên với Thiên Chúa trong sự hiện diện đơn hèn và trong sự chờ đợi những gì Người sẽ ban cho con…hãy chờ đợi Thánh Thần Thiên Chúa chạm lấy và gõ vào tâm hồn con bằng tia sáng của Người,và Người sẽ chỉ cho con ý muốn của Người, làm cho con biết những gì mà Người muốn con chú tâm trong việc cầu nguyện ».

Ngài lưu ý những cám dỗ đang rình rập người Kitô hữu trên con đường suy gẫm cầu nguyện. Điều cần phải tránh, đó là đừng quá hăng hái chú ý đến những từ ngữ, chủ đề cầu nguyện hay phương pháp mà quên đi điều cốt lõi. Đối với ngài, « miễn sao tâm hồn của con nhìn ngắm Thiên Chúa và chú tâm đến Ngài, điều đó là đủ cho việc cầu nguyện tốt. Việc cầu nguyện đơn giản nhất luôn luôn là việc tốt đẹp nhất ».

Lm. Phêrô Võ Xuân Tiến, PSS.

theo :

+ CHAILLOT, Gilles, Monsieur Olier : les grands maîtres à prier, éd. Feu Nouveau, coll. Cahiers sur l’oraison, 1995.

+ CHAILLOT, Gilles, Prier à Saint-Sulpice avec Jean-Jacques Olier, Desclée de Brouwer, 1995.

—————————————

(1) Cha Gilles Chaillot không xem cuộc gặp gỡ với Mẹ Agnès là một cuộc trở lại của cha Olier. Đó là một cuộc gặp gỡ đặc biệt, nhưng không có ý nghĩa gì về việc trở lại. Ngài chỉ nói đến 2 cuộc trở lại của cha Olier. Nơi chốn của cuộc trở lại thứ hai của cha Olier vẫn không rõ ràng.

(2) Trích trong BORDEYNE, Philippe, « Le renouveau biblique de la théologie morale : une fausse simplicité », in Bible et Morale, Cerf, coll. « Lectio Divina », 2003, p.36-37.

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30