CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH C: CHỨNG NHÂN

Written by xbvn on Tháng Năm 8th, 2013. Posted in Lm. Trần Việt Hùng, Năm C

Truyện kể: Thấy một thổ dân Phi Châu đang đọc sách. Một nhà buôn Âu Châu đi ngang qua, hỏi xem anh đọc gì? Anh đáp: Đọc Kinh Thánh. Nhà buôn cười cười nói: Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời rồi! Người Phi Châu đáp: Nếu ở đây mà Kinh Thánh lỗi thời, thì ông đã bị ăn thịt từ lâu rồi.

Kinh Thánh là lời mạc khải của Thiên Chúa ban cho con người.  Đọc Kinh Thánh giúp cho chúng ta nhận biết về chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dân tộc Do-thái được Thiên Chúa chọn lựa, cưu mang và phát triển là để đón nhận Đấng Cứu Thế. Sự hình thành của Kinh Thánh Cựu Ước kéo dài cả mấy ngàn năm đón chờ. Tuy dù dân tộc Do-thái được chuẩn bị cách rất cẩn thận qua Kinh Thánh mạc khải, qua các dấu chỉ và qua các lời tiên tri loan báo, nhưng nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Đấng mà cha ông bao năm mong chờ. Bởi lẽ các vị lãnh đạo tôn giáo như các Thượng tế, Thầy cả, Tư tế, Luật sĩ, Biệt phái, Nhóm Sađucêô và các Đầu mục, Kỳ lão đã dẫn dân đi lạc vào ngõ khác. Chúa Giêsu đã đến hoàn tất mọi lời Kinh Thánh loan báo về Ngài. Chúa đến không phải để hủy phá lề luật, nhưng làm cho nên trọn. Chúa Giêsu là phiến đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường. Ngài chính là cột trụ trung tâm duy nhất của mọi niềm tin.

Cuộc lữ hành trần thế của dân Do-thái tiến bước dần đến ơn cứu độ. Suy tư và não trạng chung của nhiều người vẫn còn bám víu vào những truyền thống và tục lệ cha ông. Vì thế, họ không dễ dàng mở cửa đón nhận những làn gió mới. Đạo Do-thái với những sinh hoạt tôn giáo, những hệ thống thần học, những luật lệ và những thực hành sống đạo đã ăn rễ sâu trong niềm tin. Một hệ thống tôn giáo quá nặng về phần tổ chức, sống vị luật và chú tâm hình thức. Tâm hồn họ dần rời xa cốt lõi của niềm tin là đời sống nội tâm. Nhiều người chỉ còn tôn thờ Thiên Chúa ngoài môi miệng nhưng lòng họ lại rời xa. Chúa Giêsu xuất hiện như cai gai trước mắt nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Chúa công khai giảng dạy tại trung tâm tôn giáo ở Giêrusalem. Chúa đã gặp gỡ mọi thành phần trong dân và đối diện với các nhóm lãnh đạo chuyên biệt. Chúa Giêsu tìm đưa dẫn họ về với căn cốt của đạo. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Sống đạo nội tâm. Sống đạo trong yêu thương, bác ái và vâng phục.

Chúa Giêsu đến để rao giảng tin mừng cứu độ. Chúa mời gọi mọi người sám hối vì Nước Trời đã gần kề. Thời gian đã viên mãn. Chúa thực hiện một cuộc vượt qua mới trong tinh thần mới. Chiếc xe thời gian đã đến, ai không bước lên, sẽ bị tụt lại sau. Mặc dầu có nhiều sự chống đối và chối từ, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh hy sinh cứu độ. Chúa hiến thân chịu chết và đã sống lại. Chúa Phục Sinh đã trở thành niềm hy vọng tuyệt đối cho nhiều người. Có rất nhiều người cùng đồng hành chia sẻ với cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Chúa không dấu diếm hay lừa dối những người tin theo Chúa, nhưng Chúa đã báo trước những sự khó khăn, sự bách hại, xua đuổi và chịu hy sinh đau khổ. Qua thánh giá khổ đau mới có thể bước vào vinh quang sự sống. Stêphanô là hoa qủa đầu mùa của niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh đã lãnh nhận triều thiên tử đạo.

Người ta thù ghét cả những người tin vào Chúa Kitô sống lại. Các nhà lãnh đạo tôn giáo là những người đầu tiên lên tiếng phủ nhận, phản đối và bách hại. Tác giả sách Tông Đồ công Vụ kể rằng trước khi bị ném đá cho chết, Stêphanô được đầy ơn Chúa Thánh Thần: Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”(Tđcv 7, 56). Stêphanô đã tuyên xưng đức tin một cách can đảm, dầu phải đối diện với sự đau khổ và sự chết kề bên. Ông đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Stêphano hiểu ý nghĩa lời dạy: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước trời là của họ. Nhưng những người đồng hương không thể chấp nhận một giáo lý mới của một người đã bị kết án tử hình: Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ôngrồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô (Tđcv 7, 57-58).

Stêphanô thấm nhuần Tin Mừng của Chúa: Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ (Tđcv 7, 60). Chúng ta biết máu của các vị thánh tử đạo là hạt giống ươm mầm đức tin. Thật vậy, sau cái chết của Stêphanô, ông Saolô đã được ơn trở lại. Saolô cùng đồng cảnh, đồng thuyền với nhóm đồng hương nhân danh đạo giáo để kết án ném đá Stêphanô. Chúa Giêsu phục sinh đã mở đường đưa dẫn ông Saulô trở về làm nhân chứng cho Ngài. Ông Saulô đã đổi đời và đổi tên thành tông đồ Phaolô. Phaolô trở thành một nhân chứng nhiệt thành. Không sợ gian nan, đau khổ và bách hại, ông đã sống chết cho niềm tin. Cả cuộc đời còn lại Phaolô đã không ngừng rao giảng Chúa Kitô phục sinh cho nhiều người. Ngài cũng đã chịu tử vì đạo và lấy máu đào chứng minh cho niềm tin sắt son.

Chúa Giêsu là kiên thuẫn, là đá tảng và là nơi nương náu cho những tâm hồn tìm kiếm Chúa. Chúa mời gọi mọi người lắng nghe và thực hành lời Chúa, họ sẽ được chia phần vinh quang hạnh phúc: Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một (Ga 17, 22). Chúa Giêsu yêu mến những người Chúa đã chọn và tất cả những ai thuộc về Chúa. Ngài muốn ấp ủ chúng ta như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Chúa đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành (Ga 17, 24).

Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được tẩy sách tội xưa và cùng được tham dự vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu và tất cả chúng ta là chỉ thể. Chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa trong một đoàn chiên theo một Chúa Chiên. Chúa cầu nguyện để mọi người nên một trong Chúa. Trở nên một trong ý nghĩa phổ quát.  Không phải nên một với người này, người kia hay nhóm này, nhóm nọ. Chúng ta nên một với Chúa Kitô để cùng tôn thờ Thiên Chúa Cha. Chúng ta cùng chia sẻ một niềm cậy trông và một niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu ngày sau. Chúng ta tuyên xưng chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Chúng ta tin nhận Chúa Kitô: Là An-pha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 22, 13).

Trong cuộc sống, chúng ta nhận biết rằng có rất nhiều tổ chức các tôn giáo khác nhau. Tuy các tôn giáo có khác nhau về cơ cấu, tổ chức và thực hành sống đạo nhưng cùng quy hướng về sự tôn thờ một Thiên Chúa và hy vọng cuộc sống vĩnh cửu ngày sau. Chúa Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Con đường dẫn lối vào Nước Trời tuy hẹp nhưng Chúa Giêsu đã đi trước và mở lối đưa đường. Chúa Giêsu phán: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14, 6). Chúa Kitô là trung tâm điểm qui tụ mọi niềm tin về một mối để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa, chúng con đã lãnh nhận hạt giống đức tin qua Bí tích Rửa Tội, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm sống niềm tin và hăng say làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Amen

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

————-

(Tđcv 7, 55-60; Kh 22, 12-14. 16-17. 20; Ga 17, 20-26).

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30