COP28: ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI THOÁT KHỎI VÒNG XOÁY TỰ HỦY DIỆT CỦA NHÂN LOẠI

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 2nd, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh, Pietro Parolin, trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia về khí hậu, đã lên bục phát biểu của COP28 để đưa ra thông điệp của Đức Phanxicô. Một chứng minh mạnh mẽ, kết hợp việc bảo vệ công trình tạo dựng và khoa học, nhằm khuyến khích việc ra quyết định có lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ giáo dục về lối sống bền vững và loại bỏ năng lượng hóa thạch.

Thật không may, tôi không thể có mặt giữa quý vị như tôi mong muốn, nhưng tôi ở với quý vị vì thời vận là rất nghiêm trọng.” Bài phát biểu của người lẽ ra phải là vị Giáo hoàng đầu tiên tham dự COP, hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được bắt đầu như thế.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, Đức Thánh Cha buộc phải hủy bỏ chuyến đi của mình. Vào ngày thứ Bảy 2/12/2023, chính ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa thánh, là người đã đọc bài phát biểu của Đức Phanxicô trước một cử tọa là 140 nguyên thủ quốc gia và chính phủ.

Hủy hoại công trình tạo dựng là một tội lỗi

Kể từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã tìm cách chứng minh rằng việc hủy hoại công trình tạo dựng là một tội lỗi. Chính về điểm này mà bài phát biểu của ngài đã mở đầu ở Dubai:

Tôi ở với quý vị vì sự tàn phá công trình tạo dựng là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, là một tội không chỉ là cá nhân mà còn mang tính cơ cấu, ảnh hưởng đến con người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, một mối nguy hiểm nghiêm trọng đè nặng lên mỗi người và có nguy cơ gây ra xung đột giữa các thế hệ.”

Chọn sự sống và tương lai

Ngài nói tiếp: “Tôi cùng với quý vị đặt ra câu hỏi mà chúng ta được kêu gọi trả lời ngay bây giờ: chúng ta đang hành động cho một nền văn hóa sự sống hay sự chết? Tôi khẩn thiết xin quý vị: chúng ta hãy chọn sự sống, chúng ta hãy chọn tương lai!

Nhắc lại rằng biến đổi khí hậu là do phát thải khí nhà kính có nguồn gốc từ con người, những lời của Đức Thánh Cha tố cáo “ý muốn sản xuất và sở hữu [vốn] đã biến thành nỗi ám ảnh và dẫn đến lòng tham không giới hạn, biến môi trường trở thành đối tượng của một sự khai thác bừa bãi.

Những trở ngại cho con đường bền vững

Tiếp tục phần chứng minh của mình, Đức Phanxicô liệt kê những trở ngại khiến những người ra quyết định đi theo con đường không bền vững đối với hệ sinh thái.

Trước tiên, “có những chia rẽ giữa chúng ta. Nhưng một thế giới được kết nối hoàn toàn, giống như thế giới ngày nay, không thể bị tách rời khỏi những người cai quản nó, với các cuộc đàm phán quốc tế “không thể tiến triển một cách có ý nghĩa do lập trường của các nước đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên công ích” (Thông điệp Laudato sì’, số 169). Chúng ta đang chứng kiến ​​những quan điểm cứng nhắc, thậm chí không linh hoạt, có xu hướng bảo vệ thu nhập của các cá nhân và doanh nghiệp của họ, đôi khi tự biện minh cho mình dựa trên những gì người khác đã làm trong quá khứ, với việc tuần hoàn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Nhưng bổn phận mà chúng ta được mời gọi thực hiện hôm nay không liên quan đến quá khứ nhưng là tương lai; một tương lai mà, dù chúng ta có muốn hay không, cũng sẽ thuộc về tất cả mọi người hoặc sẽ không thuộc về”.

Không phải lỗi của người nghèo

Tiếp đến là, “những mưu toan đổ trách nhiệm cho nhiều người nghèo và số lượng sinh sản đặc biệt là lạ lùng. Đây là những điều cấm kỵ nhất định phải chấm dứt. Đó không phải lỗi của người nghèo vì gần một nửa nghèo nhất thế giới chỉ chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải gây ô nhiễm, trong khi khoảng cách giữa một số người giàu và nhiều người nghèo chưa bao giờ quá lớn đến thế. Trên thực tế, những người nghèo là nạn nhân của những gì đang xảy ra: chúng ta hãy nghĩ đến các dân cư bản địa, nạn phá rừng, thảm kịch về nạn đói, tình trạng mất an toàn về nước và lương thực, cũng như các dòng người di cư phải chịu. Các cuộc sinh sản không phải là một vấn đề, nhưng là một nguồn tài nguyên: chúng không chống lại sự sống, nhưng vì sự sống, trong khi một số mô hình ý thức hệ và duy lợi, được áp đặt bằng găng tay nhung lên các gia đình và dân cư, biểu lộ những công cuộc thực dân thực sự. Không được trừng phạt sự phát triển của nhiều quốc gia vốn đã gánh nặng các khoản nợ kinh tế nặng nề, nhưng hãy xem xét tác động của một số quốc gia, chịu trách nhiệm về món nợ sinh thái đáng lo ngại đối với rất nhiều quốc gia khác (x. ibid., số 51-52 ). Cần tìm ra những phương tiện thích hợp để loại bỏ các khoản nợ tài chính đang đè nặng lên nhiều dân tộc khác nhau, cũng dưới ánh sáng của món nợ sinh thái vốn phải trả cho họ”.

Chủ nghĩa đa phương như một lối thoát

Trước những người ra quyết định có thể bị cám dỗ bỏ qua sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, Đức Phanxicô nhắc lại rằng đó cũng là chìa khóa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo nghĩa này, điều đáng lo ngại là sự nóng lên của hành tinh đi kèm với sự suy giảm chung của chủ nghĩa đa phương, với sự ngờ vực ngày càng tăng đối với cộng đồng quốc tế”.

Việc xây dựng lại chủ nghĩa đa phương cũng là điều cần thiết cho hòa bình: “Nhân loại đang lãng phí bao nhiêu năng lượng trong rất nhiều cuộc chiến đang diễn ra, như ở Israel và Palestin, ở Ucraina và ở nhiều nơi khác trên thế giới: những xung đột sẽ không giải quyết được vấn đề nhưng sẽ gia tăng chúng! Biết bao nguồn tài nguyên bị lãng phí vào việc trang bị vũ khí, vốn hủy hoại cuộc sống và tàn phá ngôi nhà chung!”, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh,  trước khi tiếp tục kêu gọi biến các quỹ dành cho vũ khí thành một quỹ toàn cầu để xóa đói.

Những câu trả lời cụ thể và mạch lạc

Xin vui lòng: chúng ta hãy tiến về phía trước, chúng ta đừng quay lại đằng sau. Ai cũng biết rõ rằng nhiều thỏa thuận và cam kết khác nhau được đưa ra “chỉ được thực hiện một cách kém cỏi vì không có cơ chế kiểm soát, xem xét định kỳ và xử phạt thích hợp trong trường hợp vi phạm” (Laudato si’ , số 167). Đây không còn là việc trì hoãn nữa mà là thực hiện chứ không chỉ mong muốn điều tốt đẹp cho con cái quý vị, công dân của quý vị, đất nước của quý vị, thế giới của chúng ta. Hãy là người kiến ​​tạo nên một chính sách đưa ra những câu trả lời cụ thể và mạch lạc, chứng minh sự cao quý trong vai trò của quý vị, phẩm giá của việc phục vụ mà quý vị thực hiện. Bởi vì chí ở đó mà quyền lực phục vụ, phải phục vụ. Chẳng ích gì nếu hôm nay bảo vệ một quyền bính mà ngày mai người ta sẽ chỉ ghi nhớ vì không có khả năng can thiệp khi cấp bách và cần thiết (x. ibid., số 57). Lịch sử sẽ biết ơn quý vị”.

COP này phải là một bước ngoặt

Việc xuất bản Tông huấn Laudate Deum vài tuần trước khi khai mạc COP28 này là một sự khích lệ và cảnh báo cho những người ra quyết định: “Hãy để COP này là một bước ngoặt: hãy để nó thể hiện ý chí chính trị rõ ràng và xác thực, dẫn đến sự tăng tốc mang tính quyết định của quá trình chuyển đổi sinh thái.

Trong COP28 vốn đã rất đặc biệt và mang tính lịch sử, Tòa Thánh đề xuất phát triển bốn trụ cột để thoát khỏi vòng xoáy tự hủy diệt mà nhân loại đã lao vào: hiệu quả năng lượng, các nguồn tái tạo, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và giáo dục các lối sống ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch này.

800 năm sau khi được sáng tác, Bài ca về các thụ tạo của thánh Phanxicô Assidi vẫn phải là nguồn cảm hứng cho nhân loại: “Sau đêm đấu tranh này, mang trong tâm hồn một cảm nghiệm thiêng liêng, ngài muốn ca ngợi Đấng Tối Cao về những thụ tạo mà ngài không còn nhìn thấy nữa, nhưng ngài cảm thấy là anh chị em của mình, bởi vì đến từ cùng một Cha và được chia sẻ với những người nam và người nữ khác.”

Và, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta hãy thoát ra khỏi đêm tối của những cuộc chiến tranh và sự tàn phá môi trường để biến tương lai chung thành bình minh của ánh sáng,” thông điệp của Đức Phanxicô kết thúc, trước những tiếng vỗ tay của các tham dự viên COP28.

Tý Linh 

(theo Marine Henriot – đặc phái viên Vatican News ở Dubai, và vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31