ĐHY FERNÁNDEZ COI VIỆC TRA TẤN HOẶC GIẾT NGƯỜI ĐỒNG TÍNH LÀ KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC

Written by xbvn on Tháng Tư 9th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Phái tính, Thế Giới, Tín lý, Tý Linh, Đạo đức sinh học

ĐHY Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã giới thiệu Tuyên ngôn “Dignitas infinita” tại Văn phòng Báo chí Tòa thánh; một tài liệu “nền tảng” để nhắc nhở chúng ta rằng “mỗi người đều có phẩm giá bất tước bỏ của mình”. ĐHY tuyên bố: “Đức Giáo hoàng sẽ không bao giờ nói từ ngai tòa (ex cathedra), ngài sẽ không bao giờ tạo ra một tín điều về đức tin hay một tuyên bố dứt khoát”. Về Fiducia Supplicans, một Tuyên ngôn “được khoảng 7 tỷ tín hữu lượt xem”, ĐHY chỉ ra rằng “Đức Giáo hoàng đã mở rộng khái niệm chúc lành”. Ngài cũng cảnh báo những hồng y, giám mục và linh mục nào coi Đức Phanxicô là dị giáo, đi ngược với truyền thống, đó là đang phản bội lời thề vâng phục Đức Thánh Cha vào ngày phong chức của mình.

Đáng lẽ nó phải được gọi là “Vượt quá mọi hoàn cảnh” để nhấn mạnh một sự kiện rằng mỗi cá nhân trên trái đất này, trong bất kỳ bối cảnh nào – dù sinh ra ở Ý, Ethiopia, Israel hay Gaza, ở hai bên biên giới, trong bất kỳ nền văn hóa hay điều kiện sống nào – đều có “phẩm giá giống nhau, vô hạn và bất khả tước bỏ“, và không có bất kỳ cuộc chiến tranh, sự phụ thuộc hay luật pháp nào trái với nhân quyền – như những luật lệ kết án tội ác đồng tính luyến ái – có thể loại bỏ hoặc làm suy yếu nó. Tiêu đề “Dignitas infinita” (Phẩm giá vô hạn) đã được chọn cho tài liệu này của Bộ, được xuất bản sau 5 năm làm việc, nhằm khởi động lại một cách trực tiếp hơn thông điệp luôn đanh thép của Kitô giáo: “Thiên Chúa yêu thương mỗi người… bằng một tình yêu vô hạn”. Đây là điều Đức Gioan Phaolô II đã nói với một nhóm người khuyết tật mà ngài gặp ở Đức, trong một trong những chuyến tông du của ngài. Một chi tiết được tiết lộ bởi Đức Hồng y Victor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin trong cuộc họp chiều ngày 8/4/2024, tại Văn phòng Báo chí Tòa thánh.

Fiducia Supplicans, hàng tỷ lượt xem

Trả lời thẳng thắn những câu hỏi trực tiếp từ các nhà báo, ĐHY đã tiết lộ hậu trường và chi tiết về quá trình biên soạn văn bản có “giá trị học thuyết cao” này, như đã được Tuyên ngôn Dominus Iesus thực hiện cách đây 24 năm và Fiducia Supplicans cách đây bốn tháng , Tuyên ngôn về ý nghĩa mục vụ của các lời chúc lành, trong đó đưa ra khả năng chúc lành cho các đôi bạn “bất quy tắc”, bao gồm cả các cặp đồng giới. Một vấn đề “chắc chắn ít trọng tâm hơn, ít quan trọng hơn” ở đây nhưng vẫn “rất được quan tâm” bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, người “muốn mở rộng sự hiểu biết về các lời chúc lành bên ngoài bối cảnh phụng vụ để phát triển tính phong phú mục vụ của chúng”, vì ngài có “quyền để làm như vậy,” Đức Hồng y Fernández nói thêm và dừng lại ở Fiducia Supplicans khi bắt đầu phát biểu để làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến Tuyên ngôn mà, theo các cuộc khảo sát bên ngoài, đã ghi nhận “hơn 7 tỷ lượt xem trên Internet, trái ngược với nhiều tài liệu mà chúng ta thậm chí còn không nhớ tên” và “đã nhận được sự đồng thuận của hơn 75% những người dưới 35 tuổi ở Ý”. Đây không phải là một “cuộc diễn thuyết phòng thủ”, như một số nhà báo có mặt trong văn phòng gợi ý, nhưng, Đức Hồng y người Argentina nói rõ, “thực tế, cho đến ngày hôm qua, tôi không có ý định nói bất cứ điều gì… nhưng những ngày này, tại Vatican và bên ngoài, người ta đã nói với tôi: chúng ta không thể làm như thể không có chuyện gì xảy ra, như thể chúng ta đang chạy trốn khỏi thực tại với tất cả những rắc rối đã xảy ra. Đây là lý do tại sao tôi mở rộng bài phát biểu của mình.”

Vấn đề đồng tính luyến ái đã được đề cập nhiều lần trong cuộc họp báo, không liên quan nhiều đến Fiducia Supplicans mà liên quan đến Dignitas Infinita, vốn kêu gọi tránh mọi “sự phân biệt kỳ thị bất công” hoặc “sự gây hấn và bạo lực” đối với người đồng tính, tố cáo “như là trái ngược với phẩm giá con người” sự kiện là ở một số quốc gia, người ta bị bắt, tra tấn, giết chết vì xu hướng tính dục của họ. ĐHY tuyên bố : “Chúng tôi ủng hộ việc phi hình sự hóa! Không còn nghi ngờ gì nữa về điều đó”. Một quan điểm đã được nhiều Giám mục bày tỏ và được Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin tái khẳng định, tố cáo tình trạng bạo lực được dự tính hợp pháp ở một số quốc gia, hoặc thừa nhận “như thể không có chuyện gì xảy ra”. Ngài nói : “Chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề lớn” và “một cuộc tấn công vào nhân quyền”, và đồng thời cho biết ngài “rụng rời” khi đọc những bình luận từ những người Công giáo ủng hộ luật chống đồng tính do chính quyền quân sự của một quốc gia như vậy ban hành: “Khi tôi đọc thấy điều đó, tôi đã muốn chết.”

Lập trường của Sách giáo lý

Đối với những người nhận xét rằng cần phải chỉnh sửa Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, vốn coi các hành vi đồng tính luyến ái là “hỗn độn nội tại” (mà nhiều người tin rằng sẽ gây ra bạo lực đối với người đồng tính), ĐHY trả lời rằng “ hỗn độn nội tại” quả thực là “một lối diễn tả mạnh mẽ (…) Nó đòi hỏi rất nhiều lời giải thích, có lẽ chúng ta nên tìm một lối diễn tả rõ ràng hơn”. Ngài nói tiếp, khi làm như vậy, Giáo hội muốn nhắc lại rằng “vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ giữa một người nam và một người nữ có thể ở bên nhau và có một mối quan hệ mật thiết từ đó một sự sống mới được sinh ra, là một điều gì đó không thể so sánh được với bất kỳ vẻ đẹp nào khác. Những hành vi đồng tính luyến ái có một đặc điểm vốn không thể phản ánh vẻ đẹp này, cho dù là từ xa”. Cùng quan điểm đó, Đức Hồng y nhắc lại việc bác bỏ lý thuyết về giống vì nó “làm nghèo đi tầm nhìn nhân văn”. Đối với ngài, “trong bối cảnh này, ý tưởng về hôn nhân đồng giới hay về việc xóa bỏ sự khác biệt dường như không chấp nhận được”.

Chuyển đổi giới tính, phá thai, mang thai hộ

Đức Hồng y cũng trả lời một số câu hỏi về chuyển đổi giới tính, được coi là “khuynh hướng muốn tạo ra thực tại” khiến con người cảm thấy mình “toàn năng” và nghĩ rằng “chỉ bằng trí thông minh và ý chí của mình, họ mới có khả năng xây dựng mọi thứ như thể  không có gì trước mặt họ”. “Tính nghiêm trọng” của vấn đề “trở nên đặc biệt” khi nói đến trẻ em phải điều trị bằng phẫu thuật hoặc nội tiết tố: quyền tự do của chúng trước tiên phải được “soi sáng”. Về vấn đề phá thai, gần đây được công nhận ở Pháp như một quyền trong Hiến pháp, ĐHY Fernández tuyên bố rằng “khi một đứa trẻ lớn lên trong bụng mẹ, đó có thể là một người nữ đang phát triển”, và vì thế, đó là một vấn đề về “quyền của một người nữ chống lại quyền của một người nữ khác”. Đối với Giáo hội, “quyền chính yếu là quyền nguyên thủy: quyền sống”. Về việc mang thai hộ, nói rằng với cách thực hành như vậy “đứa trẻ trở thành đối tượng của một ước muốn” không có nghĩa là “không hiểu được sự nhạy cảm của người mong muốn có một đứa con của chính mình”, Đức Hồng Y giải thích và đồng thời mời gọi “hãy vượt qua ước muốn này, bởi vì chúng ta đang nói về phẩm giá của nhân vị vốn cao cả hơn” và “phát triển những ước muốn theo một cách khác”, chẳng hạn như việc nhận con nuôi. Vả lại,như văn kiện lập luận, “ước muốn chính đáng có con không thể biến thành “quyền có con””.

Tái khám phá những hàm ý của phẩm giá vô hạn của nhân vị

Một lần nữa, Đức Hồng y Fernández trở thành người mang thông điệp trọng tâm trong đường lối mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô: chào đón “tất cả mọi người”, ngay cả những người “có suy nghĩ khác biệt về các vấn đề tình dục và hôn nhân”. Chúng ta không chỉ nói chuyện với “một thiểu số được chọn lựa vốn chấp nhận mọi điều Giáo hội nói”. Đặc biệt hơn nữa vì tài liệu ngày hôm nay, vốn tập trung vào “một trụ cột cơ bản của giáo huấn Kitô giáo”, sẽ có phạm vi phổ quát “bởi vì thế giới cần khám phá lại những hàm ý của “phẩm giá vô hạn của nhân vị để không bị lạc lối”. Đức Hồng Y người Argentina nói thêm, Dignitas infinita, mặc dù được làm phong phú thêm bởi 113 chú thích cuối trang từ Đức Phaolô VI đến Đức Phanxicô, nhưng không nhằm mục đích trở thành “một cẩm nang” của những điều đã được nói, nhưng là một công cụ “để thu thập và củng cố những gì đã được nói bởi các Đức Giáo hoàng gần đây nhất và để tổng hợp những điều mới mẻ do Đức Giáo hoàng hiện nay đưa ra về vấn đề cấu trúc tư tưởng Kitô giáo cổ điển và đương đại”.

Về chủ đề huấn quyền của Đức Phanxicô, ĐHY Tổng trưởng đã nhân cơ hội này để đề xuất một giải thích rõ ràng. “Một số người tôn thờ Đức Giáo hoàng cách đây vài năm giờ đây nói rằng ngài chỉ được lắng nghe khi ngài nói từ ngai tòa. Nếu không thì chúng ta có thể suy nghĩ. Nghe đây, Đức Giáo hoàng sẽ không bao giờ nói từ ngai tòa, ngài sẽ không bao giờ muốn tạo ra một tín điều về đức tin hay một tuyên bố dứt khoát. Tôi gần như chắc chắn 100% về điều đó. Chúng ta tin rằng ngoài đặc sủng bất khả ngộ, Đức Thánh Cha còn có sự trợ giúp thiêng liêng để hướng dẫn Giáo hội và soi sáng Giáo hội”. Và, Đức Hồng y nói tiếp, các hồng y, giám mục và linh mục phát biểu như vậy, những người “coi Đức Giáo hoàng như một kẻ dị giáo, chống lại truyền thống của Giáo hội”, đã phản bội lời thề vâng phục Đức Thánh Cha vào ngày phong chức của mình. Và, “một lần nữa, nếu một số người cho rằng Đức Phanxicô đang tiến quá nhiều bước về phía trước, thì chúng ta phải nhớ rằng trong nhiều trường hợp trong lịch sử, một Đức Giáo hoàng đã nói điều gì đó khác với người tiền nhiệm của ngài. Ví dụ gần đây nhất là án tử hình, mà Đức Phanxicô muốn bãi bỏ trong Sách giáo lý”.

Một kỷ niệm từ Buenos Aires

Cuối cùng, cuộc họp báo nhường chỗ cho một kỷ niệm cá nhân về thời kỳ, ở Buenos Aires, Đức Hồng y Fernández được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Đại học Công giáo: “Tôi nghĩ rằng mọi người đều chống lại tôi, hung dữ như thể tôi đang ở giữa bầy sói, không phải vì họ ghét tôi nhưng vì tôi đã thay đổi kế hoạch của họ. Tôi thấy mình đang ở trong một nơi mà tôi đang làm phiền họ vì mục tiêu của họ… Trong những trường hợp như vậy, chúng ta có xu hướng tự trách mình, trừng phạt bản thân, biến mất…”.

Tý Linh

(theo Salvatore Cernuzio – Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30