DIỄN TỪ CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC NỮ TU: NỮ TU LÀ MỘT NGƯỜI MẸ, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CÔ GÁI GIÀ

Written by xbvn on Tháng Năm 10th, 2013. Posted in Linh mục, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Hôm thứ Tư 8.5.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 900 thành viên của Hiệp Hội Quốc Tế các Nữ Tu Bề Trên Tổng Quyền (UISG) nhóm họp tại Rôma với chủ đề: “Sự phục vụ của quyền bính theo Tin Mừng”. Dịp này, Đức Thánh Cha đã có bài diễn văn dành cho các nữ tu sống đời thánh hiến, và dĩ nhiên không chỉ cho các nữ tu mà thôi. Dưới đây là diễn văn của ngài với những kiểu nói rất mạnh mẽ và ấn tượng.

Thưa Đức Hồng y đáng kính và là người anh em Giám mục thân mến,

Quý nữ tu thân mến!

Tôi hài lòng gặp gỡ quý chị em hôm nay và tôi xin chào mỗi người trong chị em, cám ơn quý chị em về những gì quý chị em làm để đời sống thánh hiến luôn là một ánh sáng trên con đường của Giáo Hội. Quý chị em thân mến, trước tiên, tôi xin cám ơn người anh em thân mến của tôi đây là ĐHY João Braz de Aviz, vì những lời ngài đã dành cho tôi, và tôi cũng hài lòng về sự hiện diện của vị thư ký của Bộ. Đối với tôi, chủ đề của cuộc hội nghị của quý chị em tỏ ra đặc biệt quan trọng đối với nhiệm vụ được giao phó cho quý chị em: “Việc phục vụ của quyền bính theo Tin Mừng”. Dưới ánh sáng của chủ đề này, tôi muốn đề nghị với quý chị em ba suy tư đơn sơ, mà tôi để cho quý chị em đào sâu về mặt cá nhân và cộng đoàn.

1. Vào bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ bằng những lời này: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15, 16), những lời vốn nhắc nhở cho mọi người, chứ không chỉ cho các linh mục, rằng ơn gọi luôn là một sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô đã kêu gọi chúng ta bước theo Ngài trong đời sống dâng hiến và điều đó có nghĩa là liên tục thực hiện một “cuộc xuất hành ra khỏi chính mình để tập trung đời sống của quý chị em vào Chúa Kitô và Tin Mừng, vào ý muốn của Thiên Chúa bằng việc  từ bỏ những kế hoạch của mình, để có thể nói với thánh Phaolô: “Không còn là tôi sống nữa, chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Ga 2,20).

“Cuộc xuất hành” ra khỏi chính mình này, đó là bắt đầu bước đi trên con đường thờ phượng và phục vụ. Một cuộc xuất hành dẫn chúng ta đến một con đường thờ phượng Chúa và phục vụ Ngài nơi các anh chị em của chúng ta. Thờ phượng và phục vụ: hai thái độ mà ta không thể tách rời, nhưng phải luôn đi đôi với nhau. Thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, không giữ gì lại cho mình: đó là “sự trần trụi” của người thực thi quyền bính.

Hãy sống và luôn nhớ đặc tính trung tâm của Chúa Kitô, căn tính Tin Mừng của đời sống thánh hiến. Hãy giúp đỡ các cộng đoàn của quý chị em sống “sự xuất hành” ra khỏi chính mình trên một con đường thờ phượng và phục vụ, trước tiên xuyên qua ba trụ cột của đời sống của quý chị em.

Đức vâng phục, xét như là lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, trong sự thôi thúc nội tâm của Chúa Thánh Thần, được Giáo Hội chứng thực, đồng thời chấp nhận rằng sự vâng phục cũng ngang qua các trung gian nhân loại. Quý chị em hãy nhớ rằng mối tương quan quyền bính-vâng phục nằm trong khung cảnh rộng lớn hơn của mầu nhiệm Giáo Hội và nó là một sự vận dụng cụ thể mầu nhiệm đó trong chức năng trung gian của Giáo Hội (x. Bộ các Dòng Tu và Hội đời sống tông đồ,  Sự phục vụ của quyền bính và lòng vâng phục, số 12).

Đức nghèo khó xét như là việc vượt quá mọi thói ích kỷ trong lô-gíc của Tin Mừng, vốn dạy tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng. Sự nghèo khó như là sự chỉ dẫn cho toàn thể Giáo Hội rằng không phải chúng ta xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa, không phải những phương tiện nhân loại làm cho Vương Quốc này lớn lên, nhưng trước tiên chính sức mạnh, ân sủng của Chúa, Đấng đang hành động xuyên qua sự yếu đuối của chúng ta. Vị Tông đồ các dân ngoại khẳng định : “Ơn Ta đủ cho con, quả thế, sức mạnh của Ta được biểu lộ trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).

Sự nghèo khó dạy cho biết liên đới, chia sẻ và bác ái, và cũng được diễn tả trong sự tiết độ/giản dị và niềm vui về điều chính yếu, để đề phòng các ngẫu tượng vật chất vốn làm mờ tối đi ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Sự nghèo khó mà ta học biết với những người hèn mọn, người nghèo, bệnh tật, và tất cả những ai đang sống trong những vùng ngoại vi của cuộc sống. Sự nghèo khó lý thuyết không được ích gì. Sự nghèo khó được học biết bằng cách chạm đến thân xác của Chúa Kitô nghèo, nơi những người hèn mọn, bệnh tật, nơi các trẻ em.

Và rồi đức khiết tịnh xét như là một đặc sủng quý giá, vốn mở rộng sự tự do trao hiến cho Thiên Chúa và tha nhân, với sự hiền lành, lòng nhân từ, sự gần gũi của Chúa Kitô. Sự khiết tịnh vì Nước Trời cho thấy làm thế nào đời sống tình cảm nằm trong một sự tự do chín chắn và trở thành một dấu chỉ của thế giới sắp đến để luôn làm rạng ngời tính tối thượng của Thiên Chúa.

Nhưng cho phép tôi nói,  một đức khiết tịnh “phong nhiêu”, một đức khiết tịnh sinh ra những người con thiêng liêng trong Giáo Hội. Người nữ tu thánh hiến là một người mẹ, người được thánh hiến phải là người mẹ chứ không phải là một “cô gái già”! Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi nói như thế, nhưng đặc tính mẹ của đời sống thánh hiến này là quan trọng, tức sự phong nhiêu này! Chớ gì niềm vui của sự phong nhiêu thiêng liêng này đánh động cuộc sống của quý chị em; hãy trở thành những người mẹ, nhưng hình ảnh của Đức Maria là Mẹ và của Giáo Hội là Mẹ. Ta không thể hiểu Đức Maria mà không có tính hiền mẫu này, ta không thể hiểu Giáo Hội mà không có đặc tính mẹ này và quý chị em là một hình ảnh của Đức Maria, của Giáo Hội.

2. Yếu tố thức hai mà tôi muốn nhấn mạnh trong việc thực thi quyền bính, đó là sự phục vụ: chúng ta không bao giờ được quyên rằng quyền bính đích thực, dù là ở cấp độ nào, đều là sự phục vụ, vốn có đỉnh cao rạng ngời của nó trên Thập Giá. Đức Bênêđíctô XVI, bằng một sự khôn ngoan sâu xa, đã nhiều lần nhắc cho Giáo Hội rằng nếu, thông thường, đối với con người, quyền bính đồng nghĩa với chiếm hữu, thống trị, thành công, thì đối với Thiên Chúa, quyền bính luôn đồng nghĩa với phục vụ, khiêm nhường, yêu thương; điều đó muốn nói bước vào trong lô-gíc của Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình rửa chân cho các Tông đồ (x. Buổi đọc Kinh Truyền Tin, 29.2.2012) và đã nói với các môn đệ của Ngài: “Các con biết rằng vua chúa trần gian thì thống trị dân…còn các con không được như thế – đó chẳng phải là chủ để của cuộc hội nghị của quý chị em sao? “Giữa các con thì không được như thế” – nhưng ai muốn làm lớn trong các con sẽ là người phục vụ các con, và ai muốn là người đứng đầu thì sẽ là người tôi tớ của các con” (Mt 20, 25-27).

Chúng ta hãy nghĩ đến sự thiệt hại mà những con người của Giáo Hội đã gây ra cho Dân Thiên Chúa, họ vốn là những kẻ kiếm chác, những kẻ có óc địa vị, “sử dụng” dân, Giáo Hội, anh chị em của mình – những người mà họ phải phục vụ – , như một bàn đạp cho lợi ích riêng tư và tham vọng cá nhân của họ. Nhưng những người đó đang gây ra thiệt hại lớn lao cho Giáo Hội.

Quý chị em hãy luôn biết thực thi quyền bính bằng việc đồng hành, tìm hiểu, trợ giúp, yêu thương; bằng việc ôm lấy mọi người, đặc biệt là những người thấy mình cô đơn, bị loại trừ, khô khan, những vùng ngoại vi hiện sinh của tâm hồn con người. Hãy luôn gìn vào Thập Giá: chính ở đó mà hệ tại mọi quyền bính trong Giáo Hội, ở đó chính Chúa đã trở nên người tô tớ cho đến độ trao hiến hoàn toàn chính mình.

3. Sau cùng, đặc tính Giáo Hội như là một trong những chiều kích cấu thành của đời sống thánh hiến, chiều kích vốn phải luôn được lấy lại và đào sâu trong suốt cuộc đời. Ơn gọi của quý chị em là một đặc sủng nền tảng đối với con đường của Giáo Hội, và việc một người nam hay nữ được thánh hiến không “cảm thông” với Giáo Hội là điều không  thể  được. Một sự “cảm thông” với Giáo Hội đã sinh ra chúng ta trong phép Rửa; một sự “ cảm thông” với Giáo Hội vốn tìm thấy sự diễn tả con thảo của nó trong sự trung thành với Huấn quyền, trong sự hiệp thông với các vị Mục tử và với Đấng kế vị thánh Phêrô, Giám mục Rôma, dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất. Việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng không bao giờ – và đối với mọi Kitô hữu – là một hành vi cô lập. Điều đó là quan trọng: đối với mọi Kitô hữu, việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng không bao giờ là một hành vi cô lập, hay là hành vi của một nhóm người, cũng không phải, như Đức Phaolô nhắc nhớ rõ, là hành vi của bất kỳ nhà loan báo Tin Mừng nào, “ bằng vào một sự gợi hứng cá nhân, nhưng trong sự hiệp thông với sứ mạng cảu Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội” (Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 80). Và Đức Phaolô VI đã nói tiếp: “Đó là một sự chẽ đôi phi lý khi nghĩ sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, bước theo Chúa Giêsu bên ngoài Giáo Hội, yêu mến Chúa Giêsu mà không yêu mến Giáo Hội” (x. ibid., số 16).

Quý chị em hãy cảm thấy sự trách nhiệm mà quý chị em có để chăm lo cho việc đạo tạo của các Dòng của quý chị em trong học thuyết lành mạnh của Giáo Hội, trong tình yêu của Giáo Hội, trong tinh thần Giáo Hội.

Nói tóm lại, đặc tính trung tâm của Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài, quyền bính như là sự phục vụ yêu thương, “cảm thông” trong và với Giáo Hội Mẹ: ba chỉ dẫn mà tôi mong muốn để lại cho quý chị em và đồng thời một lẫn nữa thêm vào đó lòng biết ơn của tôi đối với công việc của quý chị em vốn không luôn dễ dàng. Giáo sẽ là thế nào nếu không có quý chị em? Giáo Hội sẽ thiếu tính hiền mẫu, sự trìu mến, lòng hiền lành! Trực giác của người mẹ.

Quý chị em thân mến, chị em hãy chắc chắn rằng tôi quý mến quý chị em. Tôi cầu nguyện cho quý chị em, nhưng xin quý chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Tôi xin gởi lời chào thăm các cộng đoàn của quý chị em, nhất là những chị em bệnh tật và các chị em trẻ. Tôi khích lệ tất cả chị em hãy can đảm (parresia) và hân hoan bước theo Tin Mừng của Chúa Kitô. Hãy vui tươi, bởi vì thật đẹp khi bước theo Chúa Giêsu, thật đẹp khi trở nên một hình ảnh sống động của Đức Mẹ, và của Hội Thánh phẩm trật là Mẹ Thánh của chúng ta. Xin cám ơn.

Tý Linh chuyển ngữ

Nguồn : ZENIT

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31