DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ CỦA HIỆP HỘI DƯỢC SĨ BỆNH VIỆN Ý : QUYỀN PHẢN ĐỐI LƯƠNG TÂM KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC THƯƠNG LƯỢNG

Written by xbvn on Tháng Mười 15th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Hôm 14/10/2021, Đức Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên của một hội nghị do Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện Ý tổ chức. Đức Thánh Cha đã chỉ ra ba con đường để họ tiếp tục nỗ lực của mình như là một con đường nên thánh hằng ngày, qua việc phục vụ âm thầm trong cầu nguyện và tình yêu, cũng như lưu tâm đến chiều kích đạo đức cá nhân và xã hội trong việc thực thi chuyên môn của mình, mà cụ thể Đức Thánh Cha bảo vệ quyền phản đối lương tâm của họ, và kêu gọi họ đừng để bị ảnh hưởng bởi não trạng coi thường sự sống con người trong xã hội hôm nay.

Đức Thánh Cha kết thúc diễn văn của mình bằng cách nhấn mạnh : « Việc quản lý các nguồn lực và chăm sóc để không vứt bỏ những gì được giao phó trong bàn tay của mỗi cá nhân dược sĩ, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, nhưng còn đạo đức nữa, tôi có thể nói là nhân văn,  rất nhân văn nữa ».

Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chào mừng anh chị em đến đây !

Tôi xin cảm ơn Chủ tịch Hiệp hội Dược Bệnh viện Ý và các Dịch vụ Dược phẩm của Cơ quan Y tế về những lời phát biểu của ông thay mặt cho tất cả anh chị em. Cảm ơn anh chị em ! Anh chị em đã đến từ  khắp nước Ý tham dự Hội nghị của mình, đại diện cho các thực tại khác nhau. Hội nghị trước tiên và trên hết là một cơ hội cho anh chị em trao đổi quan điểm, nhưng còn là một cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống y tế công cộng của quốc gia, một yếu tố cần thiết trong việc đảm bảo công ích và sự phát triển xã hội của một đất nước. Và tất cả những điều này trong bối cảnh của đại dịch, vốn đã thay đổi và sẽ thay đổi cách chúng ta lập kế hoạch, tổ chức và quản lý y tế và chăm sóc sức khỏe. Về phương diện này, tôi xin chỉ ra ba con đường để tiếp tục nỗ lực của anh chị em.

Con đường thứ nhất được lấy từ hình ảnh người chủ quán trong dụ ngôn Người Samaritanô Nhân hậu : ông được nhờ tiếp nhận người bị thương và chăm sóc anh ta cho đến khi người Samaritanô trở lại (x. Lc 10, 35). Nơi nhân vật này, chúng ta có thể thấy hai khía cạnh quan trọng trong công việc của dược sĩ bệnh viện : thói quen hàng ngày và phục vụ âm thầm. Đây là những khía cạnh chung đối với nhiều công việc khác, vốn đòi hỏi lòng kiên nhẫn, tính kiên định và sự chính xác, và là những khía cạnh ít có sự hài lòng về vẻ bên ngoài, ít được nhìn thấy. Thói quen hàng ngày và phục vụ âm thầm ít được nhìn thấy, chúng ta có thể nói : ít được nhìn thấy. Chính vì lý do này, nếu chúng được đồng hành bằng việc cầu nguyện và tình yêu, thì chúng sẽ tạo nên « sự thánh thiện hàng ngày ». Vì không có câu nguyện và tình yêu – như anh chị em biết rõ – thói quen này trở nên vô vị. Nhưng với tình yêu, được làm với tình yêu và cầu nguyện, nó dẫn đến sự thánh thiện « ngay bên cạnh » : những vị thánh vô danh ở khắp mọi nơi bởi vì họ làm tốt những gì họ phải làm.

Con đường thứ hai liên quan đến chiều kích đặc thù của dược sĩ bệnh viện, đó là vai trò chuyên môn của họ, hay chuyên môn sau tốt nghiệp. Cùng với bác sĩ lâm sàng, chính dược sĩ bệnh viện nghiên cứu, thử nghiệm, đề nghị những lộ trình mới ; luôn luôn tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Điều này bao hàm khả năng hiểu bệnh lý và bệnh nhân,  xác định loại thuốc và liều lượng, đôi khi đối phó với những tình huống phức tạp nhất. Thực ra, dược sĩ có thể tính đến những ảnh hưởng tổng thể, vốn còn hơn là chỉ tổng hợp của các loại thuốc cá nhân cho những bệnh lý khác nhau. Đôi khi – tùy thuộc vào cấu trúc – có sự gặp gỡ với bệnh nhân, lúc khác nhà thuốc bệnh viện là một trong những bộ phận vô hình làm cho mọi việc hoạt động, nhưng con người phải luôn là người nhận được sự chăm sóc của anh chị em.

Con đường thứ ba liên quan đến chiều kích đạo đức của nghề nghiệp, trong hai khía cạnh : cá nhân xã hội.

Trên bình diện cá nhân, dược sĩ, mỗi người trong anh chị em, sử dụng các dược chất vốn có thể trở thành chất độc. Ở đây, đó là vấn đề thực thi cảnh giác liên lỉ, để mục tiêu luôn là sự sống toàn vẹn của bệnh nhân. Anh chị em luôn phục vụ sự sống con người. Trong một số trường hợp, điều này dẫn đến sự phản đối lương tâm, vốn không phải là sự bất trung, nhưng trái lại trung thành với nghề nghiệp của anh chị em, nếu có lý do chính đáng. Ngày nay, hơi có xu hướng nghĩ rằng có lẽ đó là một cách tốt để hủy bỏ sự phản đối lương tâm. Nhưng đây là chỗ sâu thẳm đạo đức của mọi chuyên viên y tế và điều này không bao giờ được thương lượng, đó là trách nhiệm tối hậu của các chuyên viên y tế. Và đó cũng là một lời tố cáo những bất công gây thiệt hại cho mạng sống vô tội và vô phương bảo vệ. (1) Đó là một vấn đề rất tế nhị, đòi hỏi cả năng lực và sự ngay thẳng lớn lao. Đặc biệt, gần đây tôi đã có dịp trở lại chủ đề phá thai. (2) Anh chị em biết rằng tôi rất rõ ràng về điểm này : đó là một tội giết người và không hợp pháp để trở thành đồng phạm. Phải nói rằng, bổn phận của chúng ta là gần gũi với mọi người, bổn phận tích cực của chúng ta : gần gũi các hoàn cảnh, đặc biệt các phụ nữ, để họ không nghĩ đến giải pháp phá thai, bởi vì, trên thực tế, đó không phải là giải pháp. Rồi sau mười, hai mươi, ba mươi năm, cuộc sống sẽ gởi cho anh chị em hóa đơn tính sổ. Và anh chị em phải ở trong tòa giải tội để hiểu cái giá của việc này, vốn rất cay đắng.

Đây là bình diện đạo đức cá nhân. Rồi có bình diện công bằng xã hội, cũng rất quan trọng : « Các chiến lược y tế, nhằm theo đuổi công lý và công ích, phải bền vững về mặt kinh tế và đạo đức. (3) Chắc chắn, ở Cơ quan Y tế Quốc gia Ý, Một không gian lớn được dành cho khả năng tiếp cận phổ quát của việc chăm sóc, nhưng dược sĩ – ngay cả trong phẩm trật quản lý và điều hành – không chỉ là người thi hành. Vì thế, tiêu chí quản lý và tài chánh không phải là yếu tố duy nhất được xem xét. Nền văn hóa vứt bỏ không được tác động đến nghề nghiệp của anh chị em. Và đây là một lĩnh vực khác mà chúng ta phải luôn cảnh giác. « Thiên Chúa, Cha của chúng ta, đã trao cho chúng ta nhiệm vụ bảo vệ trái đất – không phải vì tiền bạc, nhưng vì chính chúng ta : vì những người nam và người nữ. Chúng ta có nhiệm vụ này ! Tuy nhiên, những người nam và người nữ bị hy sinh cho những thần tượng của lợi nhuận và hưởng thụ : đó là ‘nền văn hóa vứt bỏ’ ». (4) Ngay cả người cao tuổi : cho một nửa số thuộc và cuộc sống của bạn bị rút ngắn lại…Đó là sự loại bỏ, đúng vậy. Sự quan sát này, ban đầu liên quan đến môi trường, thậm chí còn áp dụng nhiều hơn cho sức khỏe của con người.

Việc quản lý các nguồn lực và chăm sóc để không vứt bỏ những gì được giao phó trong bàn tay của mỗi cá nhân dược sĩ, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, nhưng còn đạo đức nữa, tôi có thể nói là nhân văn, rất nhân văn nữa. Hãy nghĩ đến việc quan tâm đến các chi tiết, đến việc mua sắm và bảo quản các sản phẩm, đến việc sử dụng và áp dụng đúng đắn cho những người đang cần gấp. Hãy nghĩ đến mối quan hệ với các nhân viên khác nhau – các quản lý khoa, các y tá, bác sĩ và bác sĩ gây mê – và với tất cả các cơ cấu liên quan. Tôi cảm ơn anh chị em vì chuyến thăm này, và tôi hy vọng rằng anh chị em có thể tiếp tục công việc của mình, vốn rất nhân văn, rất đáng kính trọng, rất cao cả và thường rất âm thầm đến độ không ai để ý đến. Cảm ơn anh chị em rất nhiều ! Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em. Và anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

______________

(1)  Xem Hội đồng Tòa Thánh về các Nhân viên chăm sóc y tế  (về Chăm sóc mục vụ y tế),  New Charter for Health Care Workers (Hiến chương mới cho các Nhân viên chăm sóc Y tế) (2017) số. 60.

(2) Xem Cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Bratislava (15/9/2021) .

(3) Hội đồng Tòa Thánh về các Nhân viên chăm sóc y tế  (về Chăm sóc mục vụ y tế),  New Charter for Health Care Workers (Hiến chương mới cho các Nhân viên chăm sóc Y tế) (2017) số 92.

(4) Tiếp kiến chung, ngày 5/6/2013.

 

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31