DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN KHÓA HỌC VỀ TÒA TRONG DO TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO TỔ CHỨC

Written by xbvn on Tháng Ba 9th, 2024. Posted in Linh mục, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Hôm 8/3/2024, Đức Phanxicô tiếp kiến các tham dự viên khóa học về Tòa Trong do Tòa Ân giải Tối cao tổ chức. Trong diễn văn của mình, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của Kinh Ăn năn tội dưới ba khía cạnh : lòng ăn năn thống hối, niềm tin tưởng và lòng quyết tâm. Đặc biệt, khi nói về  những lời quyết tâm, ngài giải thích :Những lời này thể hiện một ý hướng, chứ không phải một lời hứa. Thật vậy, không ai trong chúng ta có thể hứa với Chúa là sẽ không phạm tội nữa, và điều được đòi hỏi để nhận được ơn tha thứ không phải là sự bảo đảm về sự bất khả phạm tội, nhưng là một quyết tâm hiện tại, được thực hiện với ý hướng ngay thẳng vào lúc xưng tội. Hơn nữa, đó là một cam kết mà chúng ta luôn thực hiện với lòng khiêm nhường, như những lời “và nhờ ơn Chúa” nhấn mạnh. Thánh Gioan Maria Viannê, Cha sở xứ Ars, thường lặp lại rằng “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta dù Ngài biết chúng ta sẽ lại phạm tội”” (*).

Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào mừng anh chị em !

Tôi vui mừng được gặp anh chị em nhân dịp Khóa học hàng năm về Tòa Trong, do Tòa Ân giải Tối cao tổ chức. Tôi xin gửi lời chào thân ái tới Đức Hồng y Mauro Piacenza, trưởng Tòa Ân giải, tới Đức ông nhiếp chính Nykiel, tới các vị giám chức, các quan chức và nhân viên của Tòa Ân giải, đoàn linh mục xá giải thông thường và ngoại thường của các Vương cung thánh đường Giáo hoàng ở Rôma, và tới tất cả anh chị em đang tham gia khóa học.

Trong bối cảnh Mùa Chay và, đặc biệt, trong Năm Cầu nguyện chuẩn bị cho Năm Thánh, tôi muốn đề nghị anh chị em cùng nhau suy nghĩ về một lời kinh đơn giản và phong phú, thuộc về di sản của dân thánh trung thành của Thiên Chúa, và điều mà chúng ta sẽ đọc trong nghi thức Hòa giải: Kinh ăn năn tội (Act of Contrition).

Bất chấp ngôn ngữ hơi lỗi thời, thậm chí có thể bị hiểu sai trong một số cách diễn đạt, lời kinh này vẫn bảo tồn tất cả sự thích đáng của nó, cả về mục vụ lẫn thần học. Ngoài ra, tác giả của nó là Thánh Alphonsô Maria de’ Liguori vĩ đại, bậc thầy về thần học luân lý, một mục tử gần gũi với mọi người và là một con người có sự quân bình tuyệt vời, xa rời với cả não trạng nhiệm nhặt lẫn não trạng phóng túng.

Tôi sẽ tập trung vào ba thái độ được diễn tả trong Kinh ăn năn tội, mà tôi nghĩ có thể giúp chúng ta suy nghĩ về mối quan hệ của chúng ta với lòng thương xót của Thiên Chúa: lòng ăn năn thống hối trước Thiên Chúa, niềm tín thác vào Ngài và lòng quyết tâm không tái phạm.

Thứ nhất: lòng ăn năn thống hối. Nó không phải là kết quả của việc tự lý giải bản thân, cũng không phải là của mặc cảm tâm lý về tội lỗi, nhưng hoàn toàn phát sinh từ nhận thức về sự khốn khổ của chúng ta trước tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, trước lòng thương xót vô biên của Ngài. Thật vậy, chính cảm nghiệm này đã thúc đẩy tâm hồn chúng ta cầu xin Ngài tha thứ, tin tưởng vào tình phụ tử của Ngài, như lời kinh thưa lên: “Lạy Thiên Chúa của con, con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa”, và sau đó nói thêm, “vì chúng (tội lỗi, ctcnd) đã xúc phạm đến Chúa, là Thiên Chúa của con, Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng”. Trên thực tế, nơi con người, ý thức về tội lỗi tỷ lệ với nhận thức về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa: càng cảm nhận được sự dịu dàng của Ngài, chúng ta càng mong muốn được hiệp thông trọn vẹn với Ngài và sự xấu xa của sự dữ trong cuộc sống của chúng ta càng trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Và chính nhận thức này, được mô tả là “ăn năn” hay “ái hối” (contrition, ăn năn vì lòng yêu mến Chúa, ctcnd), đã thôi thúc chúng ta suy nghĩ về bản thân và các việc làm của mình, cũng như hoán cải. Chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, và về phần chúng ta, chúng ta cũng không bao giờ mệt mỏi cầu xin sự tha thứ!

Thái độ thứ hai: lòng tin tưởng. Trong Kinh ăn năn tội, Thiên Chúa được mô tả là “trọn tốt trọn lành vô cùng và rất đáng với tất cả tình yêu của con”. Thật tuyệt vời khi được nghe, từ môi miệng của một hối nhân, sự thừa nhận cả sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa cũng như tính tối thượng của Ngài, trong đời sống của mình, về tình yêu dành cho Ngài. Yêu mến “trên hết mọi sự” thực sự có nghĩa là đặt Thiên Chúa ở trung tâm của mọi sự, như ánh sáng trên đường đi và là nền tảng cho mọi trật tự giá trị, phó thác mọi sự cho Ngài. Và đây là tính tối thượng vốn truyền cảm hứng cho mọi tình yêu khác: đối với nhân loại và công trình tạo dựng, bởi vì ai yêu mến Thiên Chúa thì yêu mến anh em mình (x. 1 Ga 4, 19-21), và luôn tìm kiếm hạnh phúc của mình, trong công lý và hòa bình.

Khía cạnh thứ ba: quyết tâm. Nó diễn tả ý muốn của hối nhân không tái phạm tội đã phạm (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1451), và tạo khả năng cho một bước chuyển quan trọng từ úy hối (attrition, ăn năn vì sợ hình phạt, ctcnd) đến ái hối, từ đau buồn chưa trọn đến đau buồn trọn hảo (x. ivi., 1452-1453). Chúng ta thể hiện thái độ này bằng cách nói: “Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ không phạm tội nữa”. Những lời này thể hiện một ý hướng, chứ không phải một lời hứa. Thật vậy, không ai trong chúng ta có thể hứa với Chúa là sẽ không phạm tội nữa, và điều được đòi hỏi để nhận được ơn tha thứ không phải là sự bảo đảm về sự bất khả phạm tội, nhưng là một quyết tâm hiện tại, được thực hiện với ý hướng ngay thẳng vào lúc xưng tội. Hơn nữa, đó là một cam kết mà chúng ta luôn thực hiện với lòng khiêm nhường, như những lời “và nhờ ơn Chúa” nhấn mạnh. Thánh Gioan Maria Viannê, Cha sở xứ Ars, thường lặp lại rằng “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta dù Ngài biết chúng ta sẽ lại phạm tội”. Và ngoài ra, nếu không có ân sủng của Ngài, thì sẽ không thể có hoán cải nào, chống lại mọi cám dỗ của chủ nghĩa Pêlagiô, cũ hay mới.

Cuối cùng, tôi muốn anh chị em chú ý đến lời kết tuyệt vời của kinh này: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót”. “Thiên Chúa” và “lòng thương xót” giống như những từ đồng nghĩa, và điều này mang tính quyết định! Thiên Chúa là lòng thương xót (x. 1Ga 4, 8), lòng thương xót là danh Ngài, là dung nhan của Ngài. Thật tốt cho chúng ta khi luôn nhớ điều này: trong mọi hành vi thương xót, trong mọi hành vi yêu thương, khuôn mặt của Thiên Chúa xuất hiện.

Các bạn thân mến, nhiệm vụ được giao phó cho các bạn trong tòa giải tội thật đẹp đẽ và quan trọng, bởi vì nó làm cho các bạn có thể giúp đỡ rất nhiều anh chị em cảm nghiệm được vị ngọt của tình yêu Thiên Chúa. Do đó, tôi khuyến khích các bạn hãy sống mỗi lần giải tội như một khoảnh khắc ân sủng độc nhất và không thể lặp lại, và trao ban ơn tha thứ của Chúa một cách quảng đại, với sự niềm nở ân cần, tình phụ tử và, tôi dám nói, ngay cả với sự dịu dàng của người mẹ.

Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện và nỗ lực để đảm bảo rằng năm chuẩn bị cho Năm Thánh này có thể chứng kiến ​​lòng thương xót của Chúa Cha nảy nở trong nhiều tâm hồn và ở nhiều nơi, để Thiên Chúa ngày càng được yêu mến, nhìn nhận và ca ngợi hơn.

Tôi cảm ơn anh chị em vì công việc tông đồ mà anh chị em đang thực hiện – hoặc sẽ sớm được giao phó cho một số người trong anh chị em. Xin Đức Mẹ, Mẹ của lòng thương xót, đồng hành cùng anh chị em. Tôi cũng cầu nguyện cho anh chị em, và tôi chúc lành cho anh chị em từ trái tim tôi. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

————————————–

Bản Kinh ăn năn tội bằng tiếng Anh:

Act of Contrition

O my God, I am heartily sorry for having offended Thee, and I detest all my sins because of thy just punishments, but most of all because they offend Thee, my God, who art all good and deserving of all my love. I firmly resolve with the help of Thy grace to sin no more and to avoid the near occasion of sin. Amen.

(phiên bản truyền thống)

—————–

hoặc:

My God,
I am sorry for my sins with all my heart.
In choosing to do wrong
and failing to do good,
I have sinned against you
whom I should love above all things.
I firmly intend, with your help,
to do penance,
to sin no more,
and to avoid whatever leads me to sin.
Our Savior Jesus Christ suffered and died for us.
In his name, my God, have mercy.

(từ nghi thức sám hối)

—————————————-

(*) Những lời này cũng nằm trong đường hướng câu trả lời của Đức Thánh Cha cho một nghi vấn của các Đức Hồng y như sau:

5) Nghi vấn liên quan đến lời khẳng định “sự tha thứ là một quyền của con người” và việc Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nghĩa vụ giải tội cho mọi người và luôn luôn, đến độ việc ăn năn sám hối không phải là điều kiện cần thiết cho việc giải tội theo bí tích.

Người ta hỏi liệu giáo huấn của Công đồng Trentô, theo đó, để bí tích giải tội có hiệu lực, hối nhân cần phải ăn năn thống hối, bao gồm việc chê ghét tội đã phạm với ý định không phạm tội nữa hay không (Phần XIV, Chương IV: DH 1676), vẫn còn hiệu lực hay không, đến độ linh mục phải hoãn việc giải tội khi thấy rõ rằng điều kiện này không được đáp ứng.

Câu trả lời của Đức Thánh Cha cho câu hỏi thứ năm

a) Việc ăn năn sám hối là cần thiết để bí tích giải tội có hiệu lực và bao hàm ý định không phạm tội. Nhưng ở đây không có toán học nào cả và tôi phải nhắc anh em một lần nữa rằng tòa giải tội không phải là cơ quan hải quan. Chúng ta không phải là những ông chủ, nhưng là những người quản lý khiêm tốn các bí tích nuôi dưỡng các tín hữu, bởi vì những ân huệ này từ Chúa, thay vì thánh tích phải canh giữ, là những trợ giúp của Chúa Thánh Thần cho cuộc sống của con người.

b) Có nhiều cách để bày tỏ sự ăn năn sám hối. Thông thường, đối với những người có lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề, việc nhận tội là một cực hình tàn nhẫn, nhưng sự kiện đơn giản đi xưng tội cũng là biểu trưng của sự ăn năn và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa.

c) Tôi cũng muốn nhắc lại rằng “đôi khi chúng ta phải trả giá rất nhiều để dành chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong việc mục vụ” (Amoris laetitia 311), nhưng chúng ta phải học điều đó. Theo Thánh Gioan Phaolô II, tôi cho rằng chúng ta không nên đòi hỏi nơi các tín hữu những ý hướng sửa chữa quá chính xác và chắc chắn, những ý hướng cuối cùng trở nên trừu tượng hoặc thậm chí say mê bản thân, nhưng ngay cả khả năng dự đoán về một lần sa ngã mới “cũng không gây tổn hại đến tính xác thực của ý hướng” (Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức Hồng Y William W. Baum và gửi những người tham gia khóa học hằng năm của Tòa Ân Giải, ngày 22 tháng 3 năm 1996, 5).

d) Cuối cùng, phải làm rõ rằng tất cả những điều kiện thường đặt ra cho việc xưng tội nói chung không được áp dụng khi người đó đang ở trong tình trạng hấp hối hoặc với năng lực trí tuệ và tâm thần rất hạn chế.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30