DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO PHONG TRÀO HIỆP THÔNG VÀ GIẢI PHÓNG: TRỌNG TÂM KHÔNG PHẢI LÀ ĐẶC SỦNG, NHƯNG LÀ CHÚA KITÔ

Written by xbvn on Tháng Bảy 30th, 2023. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Văn kiện Giáo Hội

Quảng trường thánh Phêrô

Thứ Bảy, ngày 7 tháng 3 năm 2015

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tôi mến chào tất cả anh chị em và hết lòng cảm ơn vì tình mến nồng ấm của mọi người! Tôi gửi lời chào thân ái đến các Đức Hồng Y và Giám mục. Tôi xin chào Cha Julián Carron, Chủ tịch Huynh đoàn của anh chị em, và cảm ơn ngài vì những lời ngài đã phát biểu với tôi thay mặt cho tất cả mọi người; và tôi cũng cảm ơn Cha, thưa Cha Julián, vì bức thư tốt lành mà Cha đã viết cho mọi người, mời họ đến tham dự. Cảm ơn Cha rất nhiều!

Ý nghĩ đầu tiên của tôi hướng đến Vị sáng lập của anh chị em, Đức Ông Luigi Giussani, tưởng nhớ kỷ niệm 10 năm ngày sinh của ngài trên Trời. Tôi biết ơn Đức Ông Giussani vì nhiều lý do khác nhau. Lý do trước tiên và mang tính cá nhân hơn là điều tốt lành mà người này đã làm cho tôi và đời linh mục của tôi, nhờ việc đọc những cuốn sách và bài viết của ngài. Lý do khác chính là những tư tưởng của ngài mang tính nhân văn sâu sắc và chạm đến ước muốn sâu thẳm nhất của con người. Anh chị em biết, với Đức Ông Giussani, kinh nghiệm gặp gỡ thật quan trọng làm sao: một cuộc gặp gỡ không phải với một ý tưởng, nhưng là với một Ngôi Vị, với Đức Giêsu Kitô. Vì thế, ngài đã giáo dục sự tự do, hướng đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô ban cho chúng ta sự tự do đích thực. Nói về cuộc gặp gỡ làm tôi nhớ đến bức tranh “Ơn gọi của Thánh Matthêu”, bức tranh Carravagio tại nhà thờ Saint Louis of the French, mà tôi đã từng dành nhiều thời giờ đứng trước nó mỗi khi đến Rôma. Không ai trong họ có mặt ở đó, kể cả thánh Matthêu, người tham lam tiền bạc, có thể tin vào thông điệp nơi ngón tay chỉ vào ngài, thông điệp nơi ánh mắt nhìn vào ngài với lòng xót thương và chọn gọi ngài bước theo Người. Ngài cảm thấy ngạc nhiên về cuộc gặp gỡ này. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đến và mời gọi chúng ta, là như vậy.

Mọi sự trong đời sống chúng ta, ngày nay cũng như thời Chúa Giêsu, bắt đầu với một cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ với Người thợ mộc thành Nazarét này, một con người giống như hết thảy mọi người và đồng thời cũng khác biệt. Chúng ta hãy xem Tin Mừng thánh Gioan, nơi nói về cuộc gặp gỡ đầu tiên của các môn đệ với Chúa Giêsu (x. 1, 35-42). Thánh Anrê, Gioan, Simon: chính các ngài cảm thấy mình được nhìn vào tận đáy lòng, được biết đến cách mật thiết, và điều này tạo cho các ngài sự ngạc nhiên, một sự kinh ngạc mà ngay lập tức khiến các ngài cảm thấy gắn kết với Người… Hay sau sự Phục Sinh, khi Đức Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21, 15), và Phêrô đáp: “Thưa có”; lời “thưa có” này không phải là kết quả nơi sức mạnh của ý chí, nó cũng không đến chỉ bởi quyết định của con người Simon: trước hết, nó phát xuất từ Ân sủng, chính cái “đi trước” (primerear) này, cái đi trước của Ân sủng đó. Đây là sự khám phá mang tính quyết định đối với Thánh Phaolô, Thánh Augustinô, và rất nhiều vị thánh khác: Chúa Giêsu Kitô luôn là người đầu tiên, Người đi trước (primareas) chúng ta, Người chờ đợi chúng ta, Chúa Giêsu Kitô luôn đi trước chúng ta; và khi chúng ta đến, Người đã chờ đợi sẵn. Người như đóa hoa hạnh nhân: đóa hoa trổ bông trước tiên và báo hiệu mùa xuân đến.

Chúng ta không thể hiểu được động lực của cuộc gặp gỡ này nếu sự ngạc nhiên và sự gắn kết được gợi lên mà không có lòng thương xót. Chỉ ai đã được âu yếm bởi sự dịu dàng của lòng thương xót mới thực sự biết được Chúa. Nơi chốn ưu tiên của cuộc gặp gỡ nằm nơi sự âu yếm của lòng thương xót Chúa Giêsu đối với tội lỗi của tôi. Đó là lý do vì sao anh chị em đã từng nghe tôi nói, một vài lần, rằng nơi chốn cho điều này, nơi đặc biệt của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô chính là tội lỗi của tôi. Ý muốn đáp trả và thay đổi, vốn có thể làm nảy sinh một đời sống khác, đến từ cái ôm đầy lòng xót thương này. Luân lý Kitô giáo không phải là một nỗ lực tự nguyện, vĩ đại, của người quyết định trở nên nhất quán và cố tìm cách làm như vậy, một kiểu thách thức cô lập trước thế giới. Không. Đó không phải là luân lý Kitô giáo, nó là một điều gì khác. Luân lý Kitô giáo là một sự đáp trả, nó là sự đáp trả chân thành trước lòng thương xót đầy kinh ngạc, không đoán trước được – thậm chí ‘bất công’ theo tiêu chuẩn của con người – của Đấng hiểu thấu tôi, biết rõ sự bội tín của tôi và cũng yêu tôi như trước, đánh giá cao tôi, ôm ấp tôi, gọi tôi một lần nữa, hy vọng vào tôi, và mong đợi nơi tôi. Luân lý Kitô giáo không phải là không bao giờ ngã gục, nhưng luôn là một sự trỗi dậy, nhờ bàn tay Người đỡ lấy chúng ta. Đây cũng là đường lối của Giáo hội: để cho lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa được biểu lộ. Tôi đã từng nói trong những ngày gần đây với các tân Hồng Y: “Đường lối của Giáo hội là không kết tội ai vĩnh viễn; nhưng tuôn đổ dầu thơm của lòng thương xót của Thiên Chúa trên những ai cầu xin nó với lòng chân thành. Đường lối của Giáo hội chính là bỏ lại bốn bức tường phía sau và đi tìm những người ở xa, những ai về căn bản nằm ở “vùng ngoại ô” của cuộc sống. Đó là hoàn toàn chấp nhận lối tiếp cận của Thiên Chúa”, vốn là lối tiếp cận của lòng thương xót (Bài giảng, ngày 15 /2/ 2015).

Hôm nay anh chị em cũng đang kỷ niệm 60 năm thành lập Phong trào của mình, “được sinh ra trong Hội Thánh” – như Đức Bênêdict XVI đã nói – “không phải nhờ ý chí của một phẩm trật có tổ chức nhưng bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ được đổi mới với Đức Kitô và vì thế, chúng ta có thể nói, nhờ sự thúc đẩy  rốt cục bắt nguồn từ Chúa Thánh Thần” (Diễn văn cho các thành viên của Phong trào Hiệp thông và Giải phóng, ngày 24 tháng 3 năm 2007; nhà xuất bản ORE, ngày 4 tháng 4 năm 2007, tr. 5).

Trải qua 60 năm, đặc sủng ban đầu vẫn chưa đánh mất đi tính trẻ trung và sức sống của nó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trọng tâm không phải là đặc sủng, trọng tâm chỉ có một, đó là Đức Giêsu, Đức Giêsu Kitô! Khi tôi đặt phương pháp thiêng liêng của tôi, hành trình thiêng liêng của tôi, cách tôi hoàn thành nó vào trung tâm, tôi sẽ rời bỏ cuộc hành trình. Mọi linh đạo, mọi đặc sủng trong Giáo hội phải “ra khỏi trung tâm”: Chỉ có Chúa ở trung tâm! Vì lẽ này, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, khi thánh Phaolô nói về đặc sủng, về thực tại tốt đẹp nhất của Giáo hội, của Thân Thể Mầu Nhiệm, ngài kết thúc bằng việc nói về tình yêu, về điều phát xuất từ Thiên Chúa, điều thực sự thuộc về Người, và cho phép chúng ta bắt chước Người. Đừng bao giờ quên điều này, phải ra khỏi trung tâm.

Vì thế, đặc sủng không được giữ trong bình nước chưng cất! Lòng trung thành với đặc sủng không có nghĩa là “làm tê liệt nó” – ma quỷ là kẻ “làm tê liệt”, đừng quên điều đó! Trung thành với đặc sủng cũng không hàm nghĩa là viết nó trên một tấm da và đóng khung nó lại. Việc nhắc đến di sản mà Đức Ông Giussana để lại cho anh chị em không thể bị giản lược thành một bảo tàng lưu trữ các hồ sơ, các quyết định được đưa ra, các quy tắc ứng xử. Chắc chắn nó đòi hỏi trung thành với truyền thống, nhưng, như Mahler nói, trung thành với truyền thống “không phải là tôn thờ những đống tro tàn mà là truyền lại ngọn lửa”. Đức Ông Giussani sẽ chẳng bao giờ thứ lỗi cho anh chị em nếu mỗi người đánh mất đi sự tự do và biến mình thành hướng dẫn viên bảo tàng hay những kẻ thờ tro tàn. Hãy truyền lại ngọn lửa của ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên đó và hãy tự do.

Như thế, đặt trọng tâm vào Đức Kitô và vào Tin Mừng, anh chị em có thể trở thành những cánh tay, bàn tay, đôi chân, khối óc và con tim của một Giáo hội “đi ra”. Đường lối của Giáo hội chính là bỏ lại đằng sau những bức tường và đi tìm những ai xa cách, ở những vùng ngoại biên, để phục vụ Đức Giêsu nơi mỗi người bị gạt ra bên lề, bị bỏ rơi, không có niềm tin, bị thất vọng bởi Giáo hội, một tù nhân của thói ích kỷ của chính mình.

“Đi ra” cũng có nghĩa là bỏ đi tính quy ngã, dưới mọi hình thức của nó. Nó có nghĩa là học biết lắng nghe những ai không giống chúng ta, học hỏi từ mọi người, với lòng khiêm tốn chân thành. Khi chúng ta trở nên nô lệ cho thói tự quy ngã, rốt cuộc chúng ta cũng nuôi dưỡng một “linh đạo được dán nhãn”: “Tôi thuộc ACL” (phong trào Hiệp thông và Giải phóng). Đây là nhãn hiệu. Khi chúng ta rơi vào hàng ngàn cái bẫy giăng sẵn cho chúng ta bởi sự hài lòng của việc quy ngã; bởi việc nhìn vào chính mình nơi tấm gương soi vốn dẫn chúng ta đến sự mơ hồ và biến chúng ta thành những ông bầu đơn thuần trong một tổ chức phi chính phủ.

Các bạn thân mến, tôi muốn khép lại bằng hai câu nói đầy ý nghĩa của Đức Ông Giussani, một câu nói từ đầu và một từ cuối đời của ngài.

Câu đầu tiên: “Chưa bao giờ trong lịch sử, Kitô giáo được xem là các lập trường bất biến cần phải bảo vệ, liên quan đến cái mới như một phản đề thuần túy; Kitô giáo là khởi đầu của ơn cứu độ, tiếp nhận cái mới và giữ gìn nó” (x. Porta la speranza. Primi scritti, Genoa 1967, 119). Lời này chắc hẳn vào khoảng năm 1967.

Câu thứ hai là từ năm 2004: “Chẳng những tôi không có ý định “thành lập” bất cứ điều gì, mà tôi còn tin rằng thiên tài của Phong trào tôi từng chứng kiến được sinh ra đang cảm nhận được tính cấp bách phải tuyên bố sự cần thiết phải quay trở về với những điều căn bản của Kitô giáo, nói cách khác, đó là một niềm say mê đối với sự kiện Kitô giáo như vốn có nơi các yếu tố ban đầu của nó, và không gì hơn ngoài điều đó” (x. Thư gởi cho Đức Gioan Phaolô II nhân dịp kỷ niệm 50 năm của Phong trào Hiệp thông và Giải phóng, ngày 26 tháng 1 năm 2004).

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Trinh Nữ che chở anh chị em. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Cảm ơn anh chị em.

————————————————-

Cồ Ngọc Hải chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30