ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, CUỘC TĨNH TÂM KITÔ GIÁO LÀ THỜI GIAN TÁI SINH

Written by xbvn on Tháng Hai 16th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đức Thánh Cha Phanxicô viết lời tựa cho cuốn sách mới nhất của Austen Ivereigh, “Điều đầu tiên phải làm là thuộc về Thiên Chúa: Tĩnh tâm với Đức Giáo hoàng Phanxicô,” được Loyola Press phát hành hôm thứ Ba ngày 13 tháng 2. Chúng tôi xuất bản toàn văn tiếng Pháp được dịch từ bản gốc  tiếng Anh.

Giáo hoàng Phanxicô

Chính qua kinh nghiệm sống của mình mà Thánh Inhaxiô Loyola đã thấy rất rõ ràng rằng mỗi Kitô hữu đều tham gia vào một trận chiến xác định cuộc đời mình. Đó là một cuộc chiến đấu để vượt qua cám dỗ khép kín nơi chính mình, để tình yêu của Chúa Cha có thể cư ngụ trong chúng ta. Khi chúng ta dành chỗ cho Chúa, Đấng cứu chúng ta khỏi thói tự mãn, chúng ta mở lòng ra với toàn thể công trình tạo dựng và mọi thụ tạo. Chúng ta trở thành kênh dẫn sự sống và tình yêu của Chúa Cha. Chỉ khi đó chúng ta mới nhận ra cuộc sống thực sự là gì: một món quà từ Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta cách sâu xa và mong muốn chúng ta thuộc về Ngài và thuộc về nhau.

Trận chiến này đã được Chúa Giêsu chiến thắng cho chúng ta, qua cái chết ô nhục của Người trên Thập Giá và qua sự Phục Sinh của Người. Như vậy, Chúa Cha đã mạc khải một cách dứt khoát và mãi mãi rằng tình yêu của Ngài mạnh hơn mọi quyền lực của thế gian này. Tuy nhiên, việc chấp nhận chiến thắng này và cụ thể hóa nó vẫn còn là một thách thức: chúng ta tiếp tục bị cám dỗ rời xa ân sủng này, sống theo lối trần tục trong ảo tưởng là mình tối cao và tự mãn. Tất cả những cuộc khủng hoảng chết người này đang bao vây chúng ta trên toàn thế giới, từ cuộc khủng hoảng sinh thái đến chiến tranh, ngang qua những bất công đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương, đều bắt nguồn từ việc chúng ta từ chối thuộc về Thiên Chúa và người lân cận.

Giáo hội giúp chúng ta bằng nhiều cách để chống lại cơn cám dỗ này. Các truyền thống và giáo huấn của Giáo hội, các thực hành cầu nguyện, xưng tội và việc cử hành Bí tích Thánh Thể thường xuyên là “những kênh ân sủng” giúp chúng ta đón nhận những hồng ân mà Chúa Cha muốn tuôn đổ trên chúng ta.

Trong số những truyền thống này, có những cuộc tĩnh tâm, và trong số đó có Linh thao của Thánh Inhaxiô Loyola.

Do những áp lực và căng thẳng không ngừng của một xã hội cạnh tranh đầy ám ảnh, những cuộc tĩnh tâm nhằm “sạc lại pin của chúng ta” đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, một khóa tĩnh tâm Kitô giáo rất khác với một sự nghỉ ngơi “sức khỏe”. Trung tâm của sự chú ý không phải là chúng ta, mà là Thiên Chúa, Mục Tử Nhân Lành, Đấng thay vì đối xử với chúng ta như những cỗ máy, lại đáp ứng những nhu cầu sâu xa nhất của chúng ta như những đứa con yêu dấu của Ngài.

Tĩnh tâm là thời điểm mà Đấng Tạo Hóa nói trực tiếp với các thụ tạo của Ngài, thổi bùng lên tâm hồn chúng ta bằng “tình yêu và lời ca ngợi” của Ngài để chúng ta có thể “phục vụ Thiên Chúa tốt hơn trong tương lai,” theo như lời của Thánh Inhaxiô (SE 15). Tình yêu và phục vụ: đây là hai chủ đề lớn của Linh thao. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta, phá vỡ xiềng xích của chúng ta để chúng ta có thể bước đi với Người như những môn đệ và bạn đồng hành của Người.

Khi nghĩ đến hoa trái của Linh thao, tôi thấy Chúa Giêsu nói với người bại bên hồ Bết-da-tha: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” (Ga 5, 1-16). Đó là một mệnh lệnh phải được tuân theo, và đó đồng thời là lời mời gọi ngọt ngào và yêu thương nhất của Người.

Người đàn ông này đã bị tê liệt nội tâm. Anh cảm thấy mình như một kẻ thất bại trong một thế giới đầy đối thủ và cạnh tranh. Hiềm thù và cay đắng trước những gì mình quý mến đã bị từ chối, anh là tù nhân của lôgic của thói tự mãn, tin chắc rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào anh và sức mạnh của chính anh. Và vì những người khác mạnh hơn và nhanh hơn anh, nên anh rơi vào tuyệt vọng. Nhưng chính tại đó, Chúa Giêsu đã đến gặp anh với lòng thương xót và thúc đẩy anh thoát khỏi chính mình. Một khi đã mở lòng đón nhận quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu, chứng tê liệt cả bên trong lẫn bên ngoài của anh đều được chữa lành. Anh đứng dậy và bước đi, ca ngợi Thiên Chúa và làm việc cho Vương quốc của Người, thoát khỏi huyền thoại về sự tự mãn và học cách phụ thuộc nhiều hơn vào ân sủng của Người mỗi ngày. Và đây là cách anh trở thành một môn đệ, không chỉ có khả năng đối mặt tốt hơn với những thách thức của thế giới này, mà còn thách thức thế giới hành động theo lôgic của quà tặng và tình yêu.

Với tư cách là Giáo hoàng, tôi muốn khuyến khích chúng ta “trước tiên” thuộc về Thiên Chúa, rồi thuộc về công trình tạo dựng và đồng loại chúng ta, đặc biệt là những người đang kêu cầu chúng ta. Đây là lý do tại sao tôi muốn ghi nhớ hai cuộc khủng hoảng lớn của thời đại chúng ta: sự suy thoái của ngôi nhà chung của chúng ta và những cuộc di cư và di tản ồ ạt của người dân. Cả hai đều là triệu chứng của “cuộc khủng hoảng không thuộc về” được mô tả trong những trang này. Vì lý do tương tự, tôi đã muốn khuyến khích Giáo hội khám phá lại món quà của truyền thống Giáo hội về tính hiệp hành, bởi vì khi Giáo hội mở ra cho Chúa Thánh Thần, Đấng nói trong Dân Chúa, thì toàn thể Giáo hội đứng dậy và bước đi, ca ngợi Thiên Chúa và góp phần vào việc lên ngôi của Vương quốc của Ngài.

Tôi rất vui khi thấy những chủ đề này hiện diện rất rõ ràng trong “Điều đầu tiên phải làm là thuộc về Thiên Chúa”, gắn liền với những chiêm niệm của Thánh Inhaxiô vốn đã đào luyện tôi trong nhiều năm qua. Austen Ivereigh đã thực hiện một việc phục vụ tuyệt vời bằng cách tập hợp các bài suy niệm từ các cuộc tĩnh tâm mà tôi đã giảng cách đây nhiều thập niên và những giáo huấn của tôi với tư cách là Giáo hoàng. Do đó, ông cho phép chúng soi sáng các Linh thao của Thánh Inhaxiô.

Bây giờ không phải là lúc lùi bước và đóng cửa lại. Tôi thấy rõ Chúa mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình, đứng dậy và bước đi. Ngài yêu cầu chúng ta đừng rời mắt khỏi những đau khổ và nước mắt của thời đại chúng ta, nhưng hãy bước vào đó, mở ra những kênh ân sủng của Ngài. Mỗi người chúng ta, nhờ phép rửa tội, là một trong những kênh này. Vấn đề là mở nó và giữ cho nó mở. Ước gì tám ngày mà bạn có thể tận hưởng từ tình yêu của Người, giúp bạn nghe được tiếng gọi của Chúa để trở thành nguồn sự sống, hy vọng và ân sủng cho người khác, và nhờ đó khám phá ra niềm vui đích thực của cuộc đời bạn. Mong sao bạn tìm thấy “magis” (cái hơn nữa) mà Thánh Inhaxicô nói đến, cái “hơn nữa” này vốn kêu gọi chúng ta khám phá chiều sâu tình yêu của Thiên Chúa trong món quà lớn lao hơn của chính chúng ta. Và mỗi khi bạn nhớ đến điều đó, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể giúp chúng ta luôn trước tiên thuộc về Thiên Chúa.

——————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30