ĐỨC CHA ANTOINE DE ROMANET : « NGÀY NAY LÝ THUYẾT VỀ « CHIẾN TRANH CHÍNH ĐÁNG » TỎ RA KHÔNG CÒN PHÙ HỢP »

Written by xbvn on Tháng Mười 14th, 2020. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Thế Giới, Tý Linh

Trong thông điệp « Fratelli Tutti », Đức Phanxicô đã đặt lại vấn đề tính hữu ích của học thuyết của Giáo hội về « chiến tranh chính đáng » (la guerre juste/chiến tranh công bằng, chiến tranh phù hợp với công lý, ctcnd). Đức cha Antoine de Romanet, Giám mục tuyên úy quân đội, hoàn toàn tán thành với quan điểm này.

La Croix : Đức Cha hiểu thế nào về sáu đoạn trong thông điệp « Fratelli Tutti » (các số từ 256 đến 262), bàn về « sự bất công của chiến tranh » và học thuyết về « chiến tranh chính đáng » ?

Đức cha Antoine de Romanet : Thông điệp « Fratelli Tutti » là một văn kiện có tính ngôn sứ mà tôi gặp thấy trong mỗi một đoạn của nó, cách riêng những đoạn nhấn mạnh tính cấp bách và sự nghiêm trọng khi đối diện với những thách đố to lớn của thời nay. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng lý thuyết về « chiến tranh chính đáng », mà thánh Tôma Aquinô (1225-1274) đã là nhà tư tưởng lớn thời trung cổ tiếp theo sau thánh Augustinô (345-430) bàn đến, và trong nhiều thế hệ đã dùng để đánh giá tính luân lý của một hoàn cảnh xung đột xét về ý hướng, phương tiện và hệ quả của nó, ngày nay tỏ ra, về một mặt nào đó, là không còn phù hợp.

La Croix : Hệ tại điều gì mà nhưng tiêu chí này từ nay đã lỗi thời ?

Đức cha Antoine de Romanet : Các vũ khí hiện đại tạo nên một hoàn cảnh mới mẻ tận căn mà mời gọi một lối tiếp cận rộng rãi và toàn diện hơn nhiều, và như thế ngay cả khi bối cảnh quốc tế và chiến lược được đánh dấu bởi « sự trở lại của chiến tranh » hay của  « tình trạng chiến tranh ». Từ nay chiến tranh đã có một sức mạnh hủy diệt đến độ nó làm sụp đổ các tiêu chí biện minh truyền thống của nó.

Vả lại, vào thời điểm chiến tranh giữa các Nhà nước có xu hướng bị thay thế bởi những hình xung đột khác (các cuộc tấn công mạng mà không ai nhận trách nhiệm, những cuộc tấn công khủng bố, « những vùng xám xung đột », các cuộc chiến tranh dân sự, những cuộc can thiệp nhân đạo có vũ trang…),  thì diễn từ về chiến tranh chính đáng có còn được áp dụng không ?

La Croix : Đúng vậy, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến sự kiện rằng với sự phát triển vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học và công nghệ kỹ thuật, thì từ nay chiến tranh có một sức mạnh hủy diệt khó kiểm soát « vốn tác động đến nhiều nạn nhân dân sự ». Lập luận này chẳng phải là đặc biệt quan trọng để làm cho khái niệm « chiến tranh chính đáng » không còn chính đáng nữa ?

Đức cha Antoine de Romanet : Truyền thống về chiến tranh chính đáng đã được khai triển ở Châu Âu vào thời Trung Cổ bằng việc phối hợp những yếu tố thần học, pháp lý và chính trị được vay mượn nơi các truyền thống Rôma và Kitô giáo để vạch khung cho việc lâm chiến. Sáu tiêu chí được giữ lại : thẩm quyền hợp pháp ; lý do chính đáng (chính nghĩa, công bằng) ; tính tương xứng ; cơ hội thành công khả thi ; phương thế cuối cùng ; ý hướng ngay thẳng. Liên quan đến việc tiến hành cuộc chiến, nó cho thấy sự tương xứng với cuộc tấn công (hay với sự đe dọa phải chịu), sự phân biệt giữa những người tham chiến và không tham chiến và việc cấm tất cả các phương tiện xấu tự bản chất (diệt chủng, vũ khí vi trùng hay hóa học). Sau cùng, một cuộc chiến tranh phải mong muốn thiết lập hòa bình trong một thời gian lâu dài và đảm bảo sự hòa hợp giữa các Nhà nước, tạo điệu kiện cho sự triển nở của một xã hội quốc tế dựa trên luật pháp, điều mà Đức Phanxicô không ngừng kêu gọi.

Lý thuyết « chiến tranh chính đáng » cho rằng không thể tách rời luân lý ra khỏi cuộc chiến, và dẫn đến một hệ thống các giá trị liên quan đến sự biện minh về mặt luân lý cho cuộc chiến, điều mà  có thể soi sáng cũng như gây lo lắng, và mở cửa  cho những thao túng đáng sợ nhất. Nó nhấn mạnh sự kiện rằng những chính trị gia quyết định cuộc chiến cũng như những quân nhân tiến hành cuộc chiến không đời nào phớt lờ tầm quan trọng luân lý của hành động của họ.

La Croix : Cuối cùng, có còn phải hình dung chiến tranh như là một « giải pháp » không ?

Đức cha Antoine de Romanet : Thành ngữ « chiến tranh chính đáng » có xu hướng biến mất khỏi các văn kiện của Huấn quyền trong một thời gian nào đó. Chắc chắn, như sách Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy, « bao lâu nguy cơ chiến tranh vẫn còn, và bao lâu không có một uy quyền quốc tế có thẩm quyền và có trong tay đủ lực lượng, thì người ta sẽ không thể khước từ quyền tự vệ chính đáng của các nhà cầm quyền, một khi đã tận dụng mọi khả năng dàn xếp hòa bình » (số 2308). Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo cũng dạy rằng « mỗi công dân và mỗi nhà cầm quyền đều có nghĩa vụ làm việc để tránh chiến tranh » (số 2308). « Những người dấn thân phục vụ quê hương trong đời sống quân đội, là những đầy tớ của an ninh và của sự tự do của các dân tộc. Nếu họ chu toàn nhiệm vụ, họ sẽ thật sự góp phần cho ích chung của quốc gia và cho việc duy trì hòa bình » (số 2310).

Vả lại, thành ngữ « chiến tranh chính đáng » là mơ hồ. Chiến tranh không phải là một phương tiện bình thường của các mối tương quan giữa các Nhà nước, và hòa bình đích thực không đạt được bằng vũ khí. Tính từ « chính đáng » (juste = công bằng) làm cho nghĩ rằng có « những cuộc chiến tốt », đang khi mọi cuộc chiến trước tiên đều là một bi kịch vốn tiêu diệt những người nghèo nhất và những người bé nhỏ nhất.

La Croix : Nhưng trong một số hoàn cảnh chiến tranh chẳng phải là một « điều xấu ít hơn » ?

Đức cha Antoine de Romanet : Nhiều yếu tố suy tư vốn làm nên « chiến tranh chính đáng » vẫn còn tính thời sự, vì chúng mời gọi tìm kiếm không biết mệt mỏi một nền hòa bình ổn định và đích thực, được đón nhận và chia sẻ. Theo nghĩa này, các tiêu chí truyền thống từ nay là đối tượng của một lối giải thích cực kỳ nghiêm nhặt, chẳng hạn khước từ không đưa « chiến tranh phòng ngừa » vào phạm vi « phòng vệ chính đáng ».

Do đó, Đức Giáo hoàng tố giác mối nguy hiểm, bởi các lý thuyết « chiến tranh chính đáng », có tham vọng mang lại tính hợp pháp cho một số hành vi chiến tranh bằng cách sử dụng các tiêu chí được giải thích cách lạm dụng để biện minh cho chúng về mặt luân lý.

La Croix : Cuối cùng, làm thế nào hiểu sáu đoạn này của « Fratelli Tutti » ?

Đức cha Antoine de Romanet : Đức Giáo hoàng khai triển mệnh lệnh về một tình huynh đệ phổ quát đích thực và việc tìm kiếm công ích của mọi quốc gia và dân tộc, công ích vốn sẽ luôn lớn hơn là sự thêm vào đơn thuần các lợi ích cá nhân của mỗi người. Vì điều gì chúng ta phải chấp nhận từ bỏ bản thân vì lợi ích của tất cả ? Làm thế nào mọi người trở thành tha nhân của mình vượt qua các biên giới con người, văn hóa hay địa lý ? Những câu hỏi này mà Tin Mừng đặt ra có tính thời sự mới mẻ, có tính cách sống còn, vào thời điểm mà sự toàn cầu hóa và sự tiến bộ công nghệ kỹ thuật đặt nhân loại đứng trước thực tại về sự thống nhất của số phận của mình.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo nhật báo La Croix, ngày 13/10/2020).

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31