ĐỨC CHA MICHEL AUPETIT : « TÌNH HUYNH ĐỆ LÀ MỘT QUYẾT ĐỊNH PHẢI THỰC HIỆN »

Written by xbvn on Tháng Tám 13th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Tại Pháp, cuộc Hành hương Lộ Đức toàn quốc được tổ chức bởi Dòng Đức Mẹ Lên Trời sẽ bắt đầu từ ngày 12/8/2021 với chủ đề « tình huynh đệ ». Đức cha Michel Aupetit, Tổng Giám mục Paris, chủ sự năm nay, nhấn mạnh sự cần thiết tìm lại những nền tảng của một giá trị thường bị phá vỡ trong Giáo hội và trong xã hội.

La Croix : Năm nay Đức Cha sẽ chủ sự cuộc Hành hương Lộ Đức toàn quốc mà chủ đề « Mọi người được mời gọi đến tình huynh đệ » của nó vang lên một  cách đau đớn sau vụ sát hại cha Olivier Maire bởi một người mà ngài đã chấp nhận cho tạm trú. Đức Cha đã phản ứng thế nào trước sự kiện bi thảm này ?

Đức cha Michel Aupetit : Rõ ràng là bằng một nỗi đau buồn rất lớn. Dù lý do là gì đi nữa, thì xung năng chết chóc của Cain giết Abel em mình vẫn luôn thời sự. Điều đó lại đặt chúng ta trước mầu nhiệm to lớn về sự dữ. Khi Thiên Chúa hỏi kẻ tội phạm : « Em ngươi đâu ? », thì anh ta trả lời : « Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi ? ». Vâng, chúng ta là những người canh giữ tất cả anh chị em của chúng ta và câu trả lời có giá trị duy nhất cho tất cả những bạo lực này được Chúa Giêsu-Kitô mang lại : « Những gì các ngươi làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây, đó là làm cho chính Ta. »

La Croix : Đức Cha có hiểu một số người Công giáo cho rằng đòi hỏi tình huynh đệ cũng phải đi kèm với một sự khôn ngoan nào đó, có lẽ sự ngôn ngoan này đã thiếu đi do thiếu quan tâm đến hành trình của người đàn ông này vốn đã từng phóng hỏa nhà thờ chánh tòa Nantes ?

Đức cha M. Aupetit : Chúa Giêsu đã trở thành anh em của mọi người, không có ngoại lệ. Cũng như trong một gia đình, người ta không thể chọn anh em và chị em của mình. Người ta chỉ học biết yêu thương họ. Sự khôn ngoan là một đức tính hàng đầu vốn đòi hỏi khiêm tốn nhiều. Sự khiêm tốn thúc đẩy chúng ta không nghĩ mình là người thông suốt mọi sự và bàn hỏi với những người có thẩm quyền về sự phân định của họ. Có lẽ đó là những gì mà người linh mục này đã làm khi nhận được lời khuyên của các thẩm phán và các bác sĩ tâm thần, những người đã chuyên nghiệp theo dõi người đàn ông mà ngài đã đón tiếp.

La Croix : Liên quan đến tình huynh đệ, được đề cao trong suốt cuộc « Hành hương toàn quốc » này, Đức Cha không có cảm giác rằng đôi khi nó bị phá vỡ cách nghiêm trọng trong Giáo hội, như những căng thẳng nảy sinh từ việc Đức Giáo hoàng Phanxicô công bố Tự sắc Traditionis Custodes, về việc cử hành hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, vừa cho thấy ?

Đức Cha M. Aupetit : Vâng, tình huynh đệ bị phá vỡ, nhưng không chỉ trong Giáo hội. Cuộc khủng hoảng y tế đã làm xuất hiện trong xã hội những khái niệm « cử chỉ rào cản », « giữ khoảng cách » đến nỗi tất cả các ủy viên hội đồng thành phố mà tôi gặp đều nói với tôi : làm thế nào chúng ta sẽ tái lập tình huynh đệ ?

Liên quan đến Tự sắc của Đức Giáo hoàng, tôi nghĩ rằng Đức Phanxicô đã công bố nó nhân danh sự hiệp nhất mà ngài là người đảm bảo, bằng cách trao lại quyền bính cho các Giám mục trong các giáo phận của mình. Chính nghi thức không bị đặt vấn đề nhưng các tín hữu với những nhạy cảm khác nhau phải có thể gặp lại nhau xung quanh phụng vụ, cho dù phụng vụ được diễn tả  dưới những hình thức khác nhau. Những gì cần phải nhìn vào trước tiên, đó là Chúa Kitô, chứ không phải cách thức mà người ta cử hành hay tôn kính Ngài.

La Croix : Đức Cha hiểu thế nào về những chia rẽ thường xuyên giữa các nhạy cảm khác nhau trong Giáo hội ?

Đức cha M. Aupetit : Trước tiên, tôi cảm nhận chúng một cách đau đớn. Những gì quy tụ chúng ta thì quan trọng hơn nhiều những gì chia rẽ chúng ta. Lịch sử cho thấy điều đó : sự hiệp nhất của Giáo hội là một công trình phải luôn được bắt đầu lại.

Thiện chí tập thể rõ ràng là hữu ích nhưng nhất là cần phải để mình được vượt qua bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần : chân lý không phải là một khái niệm mà ta có thể quăng ra trước mặt người khác. Chân lý là một ngôi vị, là Chúa Kitô. Nó không thể để mình bị khép kín, vì chúng ta phải luôn học hỏi từ người khác. Viên đá đầu tiên của sự hiệp nhất, đó là lòng khiêm tốn.

La Croix : Trong giáo phận của Đức Cha, năm nay Đức Cha đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng do Đức Cha quyết đóng cửa trung tâm mục vụ Saint-Merry, do những người Công giáo được coi là cấp tiến điều hành. Đức Cha rút ra bài học nào từ đó ?

Đức cha M. Aupetit : Sau khi ba Cha sở liên tiếp từ nhiệm – một cha gợi lên bầu khí hận thù mà ngài chưa bao giờ chứng kiến trước đó và một cha khác buộc phải nghỉ ngơi trong ba tháng -, tôi đã phải đưa ra quyết định, dĩ nhiên là đau đớn.

Quả thật, trung tâm mục vụ Saint-Merry đã là nơi tiên phong trong việc đón tiếp người nghèo và những người sống bên lề xã hội. Tôi tin rằng, bằng cách giao phó, từ ngày 1/9, giáo xứ cho cộng đoàn Sant’Egidio, một cộng đoàn hướng đến những người mong manh nhất và người di dân, thì một truyền thông nào đó đang được giữ mãi.

La Croix : Chúng ta có thể làm gì để cải thiện, trong Giáo hội và cả trong toàn thể xã hội, « nền văn hóa về tình huynh đệ » này mà Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến trong thông điệp Fratelli tutti ?

Đức cha M. Aupetit : Tình huynh đệ dựa trên tình phụ tử chung. Trong một gia đình, các anh chị em không chọn nhau ; tuy nhiên, họ học cách yêu thương nhau. Điều đó có thể là một con đường phải theo. Khi tôi còn là cha sở, tôi vui mừng khi thấy rằng một giáo sư y khoa gần gũi với một người giúp việc Ta-mun : điều đó không thể tồn tại nơi khác. Chúng ta có may mắn là một tôn giáo của tình bằng hữu.

Chúa Giêsu nói : « Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy », không thể tin được, phải không ? Đó không phải là một tình bạn phụ thuộc vào một mối quan hệ thân mật của linh hồn, như Montaigne sẽ nói, tình bạn này có nguồn mạch nơi Thiên Chúa, Đấng đã chọn chúng ta. Tình bạn, đó không phải là một đà nhiệt huyết của tâm hồn, đó là một quyết định phải thực hiện. Đó là những gì phân biệt đối tác với tha nhân…

La Croix : Các luật đạo đức sinh học cũng như việc tiêm vắc xin chống covid-19, trong số các chủ đề khác, đang tạo ra những rạn nứt trong xã hội, cho thấy không thể đạt được sự đồng thuận.  Đâu là những suy tư mà chúng gợi hứng cho  Đức Cha về diễn từ mà Giáo hội phải phát biểu?

Đức cha M. Aupetit : Tất cả các chủ đề này, như việc bảo vệ môi trường, chất vấn về những giới hạn của sự toàn năng của con người. Vả lại, Giáo hội không phải là người duy nhất quan tâm đến các vấn đề đó. Đối với tôi, cảnh báo cách sáng suốt về những giới hạn này dường như là một công trình cứu rỗi chung, ngay cả khi những chủ đề này ít làm cho công chúng quan tâm. Cần có ai đó lên tiếng, (đó là ) những gì chúng ta đang làm, ít nhiều thành công…

Cách rộng lớn hơn, những gì làm chúng ta bận tâm, đó là làm thế nào mỗi người có thể tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội. Chúng ta hãy lắng nghe cách chăm chú các hình thức phản đối khác nhau vốn diễn tả một cảm giác bị hạ thấp, bị mất uy tín. Tôi cũng ngạc nhiên bởi ước ao của các thế hệ trả không muốn theo con đường vạch sẵn, nhưng là đáp lại những khát vọng sâu xa của họ, những khát vọng dân dần bộc lộ trong suốt cuộc đời của họ.

La Croix : Khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022 sắp mở ra vào đầu năm học, Đức Cha muốn nói gì với các ứng viên tương lai không ?

Đức Cha M. Aupetit : Tôi không chắc mình có đủ tư cách đưa ra lời khuyên cho họ, chúng ta hãy khiêm tốn… Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cần phải cho phép người Pháp tìm lại được sự nhiệt thành để lên kế hoạch dài hạn. Đất nước chúng ta thật tuyệt vời và thậm chí chúng ta không biết nhận ra điều đó nữa.

Chúng ta cũng phải thanh thản xem lại lịch sử của chúng ta, đôi khi rất đau đớn, để hiểu rằng nó là nguồn gốc của những gì chúng ta là hôm nay. Di sản này không xấu lắm. Đất nước chúng ta đã luôn thoát ra được để vươn cao, tại sao ngày nay nó lại không mấy như thế ?

La Croix : Trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Phanxicô đưa ra chẩn đoán rằng việc thiếu tình huynh đệ trước hết là do đánh mất ý thức về lịch sử…

Đức cha M. Aupetit : Thật vậy, sự kiện chỉ dừng lại ở cái tức thời nhất thiết dẫn đến xung đột vì cái nhìn của chúng ta chỉ hướng đến những khó khăn phải giải quyết. Nhìn vào quá khứ buộc phải hướng lên cao. Đối với tôi, ngày nay điều đó dường như rất cần thiết.

La Croix : Chúng ta hãy trở lại Lộ Đức một lát. Đối với Đức Cha, Đền Thánh biểu thị điều gì ?

Đức Cha M. Aupetit : Khi tôi còn là Giám mục ở Nanterre, cứ hai năm tôi đến Lộ Đức một lần cùng với giáo phận. Cách đây bốn năm, chị dâu của tôi, bị khuyết tật phải ngồi xe lăn, đã đi cùng chúng tôi. Rung động trước những gì chị ấy thấy, chị đã nói với tôi : « Ở đây thế giới thật ngược đời ! » Và tôi đã trả lời cho chị ấy rằng : « Không, đây mới thật là thế giới, các bệnh nhân và người khuyết tật được ở hàng đầu như họ phải được như thế trong xã hội ». Tôi đã luôn nhận thấy điều đó thật phi thường.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo nhật báo La Croix, ngày 12/8/2021)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30