ĐỨC PHANXICÔ, CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B: BA BỆNH PHONG CỦA TÂM HỒN

Written by xbvn on Tháng Hai 12th, 2024. Posted in Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Trong thánh lễ phong thánh cho Mẹ Antula, Đức Phanxicô, khi giải thích các bài đọc trong ngày, đã cảnh báo chống lại ba “bệnh phong của tâm hồn”: sợ hãi, thành kiến ​​và lòng sùng đạo sai lầm. Và đó là một cơn cám dỗ lớn lao thời nay: “một căn bệnh khiến chúng ta trở nên vô cảm với tình yêu, với lòng trắc ẩn, vốn hủy hoại chúng ta bởi “sự bại hoại” của tính ích kỷ, của những ý tưởng định kiến, sự thờ ơ và không bao dung”. Chính khi để cho Chúa Kitô chạm đến mình mà chúng ta trở thành những chứng nhân cho tình yêu cứu độ, như vị thánh mới người Argentina đã làm.

Sau bài hát Veni Creator, Đức Hồng y Marcello Semerara, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, tiến về phía Đức Thánh Cha Phanxicô để đọc công thức truyền thống xin Đức Thánh Cha ghi tên Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa vào sổ các thánh. Cùng với ngài là bà Silvia Correale, cáo thỉnh viên về án phong thánh cho người được gọi là Mẹ Antula.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng tôn kính về cuộc đời của vị thánh đầu tiên người Argentina, giải thích rằng thánh nữ đã được Chúa Giêsu “chạm đến” biết bao trong các cuộc Linh thao, trong bối cảnh nghèo khó về vật chất và luân lý. Chính trên “sự chạm đến” mà Đức Phanxicô đã tập trung suy tư, giải thích về các bài đọc của Chúa Nhật VI Thường niên năm B, trích từ sách Lêvi (Lv 13, 1-2.45-46) và Tin Mừng Thánh Marcô (Mc 1, 40-45), cả hai đều gợi lên những người phong cùi.

Ba « bệnh phong của tâm hồn »

Đức Thánh Cha lưu ý : bệnh phong cùi là “một căn bệnh dẫn đến sự hủy hoại dần dần về mặt thể chất của con người và thật không may, thái độ bị gạt ra ngoài lề xã hội vẫn thường gắn liền với nó ở một số nơi”. “Bệnh phong cùi và bị gạt ra ngoài lề xã hội: đây là hai tệ nạn mà Chúa Giêsu muốn giải thoát con người mà Ngài gặp trong Tin Mừng.” Bị bỏ mặc một mình, người cùi bị kết án phải sống biệt lập. Chính nỗi sợ bị ô nhiễm bởi anh ta và những thành kiến, theo đó Thiên Chúa sẽ trừng phạt anh ta vì một lỗi lầm, đã đẩy anh ta ra ngoài lề xã hội. Thêm vào đó là nỗi sợ bị ô uế nếu chạm vào anh ta. Một thái độ mà Đức Phanxicô đã mô tả là “lòng sùng đạo sai lầm”.

Sợ hãi, thành kiến ​​và lòng sùng đạo sai lầm là ba nguyên nhân gây ra sự bất công lớn, ba “bệnh phong cùi của tâm hồn” khiến những người yếu đuối đau khổ và loại bỏ họ như cặn bã”, Đức Giáo hoàng giải thích và đồng thời nhấn mạnh rằng đó không phải là “một quá khứ đã qua”. “Chúng ta gặp bao nhiêu người đau khổ trên vỉa hè các thành phố của chúng ta! Và biết bao nỗi sợ hãi, thành kiến ​​và thiếu nhất quán, ngay cả nơi những người tin và tự gọi mình là Kitô hữu, góp phần làm họ tổn thương nhiều hơn!”.

Chạm đến và chữa lành

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy nhìn vào thái độ của Chúa Giêsu, Đấng chạm đến và chữa lành. Khi chạm vào người phong cùi, Chúa Kitô đảo ngược vai trò: người bệnh, sau khi được chữa khỏi, có thể đến gặp các tư tế và được nhận lại vào cộng đoàn; trái lại, Chúa Giêsu sẽ không còn có thể vào bất kỳ nơi nào có người ở. Đức Phanxicô giải thích thêm : Chúa có thể “chữa lành từ xa”, nhưng “Người không như vậy, con đường của Người là con đường tình yêu trở nên gần gũi với những người đau khổ, tiếp xúc, chạm đến vết thương của họ”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha hỏi các tín hữu : “Chúng ta, những người yêu mến và bước theo Chúa Giêsu, có biết lấy làm của mình “cái chạm đến” của Người không?”. Và ngài cảnh báo chống lại những cám dỗ muốn xa lánh người khác, tự thu mình vào “những bức tường “phúc lợi” của mình”. Do đó, Đức Phanxicô đã tố cáo “bệnh phong của tâm hồn” vốn là một cơn cám dỗ lớn lao thời nay: “một căn bệnh khiến chúng ta trở nên vô cảm với tình yêu, với lòng trắc ẩn, vốn hủy hoại chúng ta bởi “sự bại hoại” của tính ích kỷ, của những ý tưởng định kiến, sự thờ ơ và không bao dung”. Sau khi chạm vào, Chúa Giêsu đã chữa lành. “Chính khi để cho Chúa Giêsu chạm đến mình mà chúng ta được chữa lành từ bên trong, trong tâm hồn mình,” Đức Thánh Cha một lần nữa nhắc lại và đồng thời mời gọi chúng ta để cho Chúa chạm đến mình qua Lời của Người và các Bí tích. Điều này phải được thực hiện qua lời cầu nguyện, bằng cách đặt câu hỏi này: “Tôi có để Chúa Giêsu chạm đến “bệnh phong” của tôi để Người có thể chữa lành cho tôi không?”

Mama Antula, “người tiên phong của Chúa Thánh Thần

Đức Phanxicô nhấn mạnh thêm rằng việc tái sinh thể xác và linh hồn là những phép lạ không đòi hỏi phải “thực hiện những hình thức hoành tráng và ngoạn mục”. Ngược lại, đó là một phép lạ “xảy ra trước hết nơi lòng bác ái tiềm ẩn của cuộc sống hằng ngày: lòng bác ái được cảm nghiệm trong gia đình, nơi làm việc, tại giáo xứ và trường học, trên đường phố, trong văn phòng và cửa hàng; lòng bác ái không tìm kiếm sự công khai và không cần những tràng pháo tay, vì tình yêu là đủ”.

Mẹ Antula “đã đi bộ hàng ngàn cây số, qua sa mạc và những con đường nguy hiểm để mang Chúa đến. Ngày nay, đối với chúng ta, Mẹ là mẫu mực của lòng nhiệt thành tông đồ và gan dạ”, Đức Thánh Cha nhắc lại và ca ngợi Mẹ là “người tiên phong của Chúa Thánh Thần”. “Trong thời gian các tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất, Chúa Thánh Thần đã thắp lên trong Mẹ ngọn lửa truyền giáo dựa trên niềm tin vào Chúa Quan Phòng và sự kiên trì. Mẹ cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse và để không làm ngài quá mệt mỏi, Mẹ đã cầu xin lời chuyển cầu của Thánh Gaétan de Thiene. Vì lý do này, Mẹ đã thể hiện lòng sùng kính đối với vị thánh này và hình ảnh đầu tiên của ngài đã đến Buenos Aires vào thế kỷ 18. Nhờ Mẹ Antula, vị thánh này, người chuyển cầu của Chúa Quan Phòng, đã đi vào các gia đình, khu dân cư, phương tiện giao thông, cửa hàng, nhà máy và tâm hồn, để mang lại một cuộc sống xứng đáng qua lao động, công lý và lương thực hàng ngày trên bàn ăn của người nghèo”.

Tý Linh

(theo Olivier Bonnel – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30