ĐỨC PHANXICÔ CÔNG BỐ TÔNG THƯ VỀ PHỤNG VỤ

Written by xbvn on Tháng Sáu 30th, 2022. Posted in Phụng vụ, Thế Giới, Tý Linh

Hôm 29/6/2022, Đức Phanxicô đã công bố Tông thư « Tôi đã mong muốn bằng một mong muốn lớn lao », mang lại những hướng suy tư về cử hành phụng vụ. Một năm sau khi công bố Tự sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ, đặc biệt qua việc đào tạo.

Tông huấn mới « Desiderio Desideravi » (Tôi đã mong muốn bằng một mong muốn lớn lao) trở lại ý nghĩa sâu xa của cử hành thánh lễ, như nó đã xuất hiện từ Công đồng Vatican II.

Bản văn, gồm 65 đoạn, nhìn lại kết quả của khóa họp khoáng đại của Bộ Phụng Tự vào tháng 2/2019. Nó theo sau Tự sắc Traditionis custodes, được công bố ngày 16/7/2021, tái khẳng định tầm quan trọng của sự hiệp thông trong Giáo hội xung quanh nghi lễ do cải cách phụng vụ hậu Công đồng.

Đức Thánh Cha cho thấy, Tông thư này không phải là một chỉ dẫn mới hay một kim chỉ nam với những chuẩn mực đặc thù. Nó muốn mang lại nhiều hướng suy tư để hiểu vẻ đẹp của cử hành phụng vụ và vai trò của nó trong việc loan báo Tin Mừng. Nó kết thúc bằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô : « Chúng ta hãy từ bỏ các cuộc luận chiến của mình để cùng nhau lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội. Chúng ta hãy bảo vệ sự hiệp thông của chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục ngạc nhiên thán phục  trước vẻ đẹp của phụng vụ ».

Tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ

Đức Thánh Cha viết, đức tin Kitô giáo hoặc là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu hằng sống, hoặc không. Phụng vụ bảm đảm cho chúng ta khả năng của một cuộc gặp gỡ như thế : « Chúng ta không cần ký ức mơ hồ về Bữa Tiệc Ly :chúng ta cần hiện diện trong bữa tiệc này ». Đức Thánh Cha nhắc lại tầm quan trọng của Hiến chế « Sacrosanctum Concilium » của Vatican II, đã đưa đến việc tái khám phá sự hiểu biết thần học về Phụng vụ. Ngài mời gọi toàn thể dân Thiên Chúa tái khám phá vẻ đẹp của Phụng vụ : « Tôi muốn vẻ đẹp của cử hành Kitô giáo và những hệ quả cần thiết của nó trong đời sống của Giáo hội không bị biến dạng bởi sự hiểu biết hời hợt và giảm thiểu về giá trị của nó hay, tệ hơn nữa, bởi việc công cụ hóa nó để phục vụ cho một cái nhìn ý thức hệ, bất kể nó là gì. »

Sau khi cảnh báo chống lại « tính trần tục thiêng liêng », được nuôi dưỡng bởi thuyết ngộ đạo và tuyết tân Pélagio, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng tham gia và hy tế Thánh Thể « không phải là một thành tích cá nhân, như thể chúng ta có thể khoe khoang về điều đó trước mặt Thiên Chúa hay trước mặt anh chị em của chúng ta ». Cũng thế, « Phụng vụ không liên quan gì đến chủ nghĩa luân lý khổ hạnh » : chính món quà của Chúa Phục Sinh, được đón nhận cách ngoan ngoãn, làm cho cuộc sống của chúng ta nên mới mẻ.

Tuy nhiên, việc tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ này không được dẫn chúng ta đến chỗ « tìm kiếm một chủ nghĩa thẩm mỹ nghi lễ vốn chỉ vui mừng trong việc chăm lo hình thức bên ngoài », cũng không nhầm lẫn giữa « sự đơn giản của nghi lễ » với « sự tầm thường cẩu thả » hay tăng thêm một « chủ nghĩa chức năng thực tiễn ».

Ngạc nhiên trước mầu nhiệm vượt qua : một yếu tố thiết yếu của hành động phụng vụ

Làm thế nào sống trọn vẹn hành động phụng vụ ? Hướng suy tư thứ hai của Tông  thư này, sự cần thiết đối với giáo dân cũng như hàng giáo sĩ là ngạc nhiên trước mầu nhiệm vượt qua. Để làm điều này, « mỗi khía cạnh của cử hành phải được quan tâm (…) và mỗi quy tắc chữ đỏ phải được tuân giữ », Đức Thánh Cha yêu cầu.

Sự ngạc nhiên trước mầu nhiệm vượt qua, hiện diện trong đặc tính cụ thể của các dấu chỉ bí tích, không phải là một kiểu rối loạn trước một thực tại mù mờ hay một nghi thức bí ẩn, Đức Thánh Cha nhắc nhở. Trái lại, đó là « sự ngạc nhiên khi đối diện với sự kiện rằng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được mạc khải cho chúng ta trong cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu ».

Cần phải đào tạo thần học nghiêm túc

Đức Thánh Cha ghi nhận, đối mặt với thách thức của chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa chủ quan và cả chủ nghĩa tâm linh trừu tượng, con người hiện đại đã mất đi khả năng dấn thân trong hành động tượng trưng. Chính thực tế này của thế giới hiện đại mà Giáo hội đã muốn đương đầu tại Công đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha nói : « Không phải ngẫu nhiên mà nỗ lực suy tư lớn lao này của Công đồng đại kết – vốn là biểu hiện cao nhất của tính hiệp hành trong Giáo hội và trong đó tôi được kêu gọi, cùng với tất cả anh chị em, trở  thành người gìn giữ sự phong phú – đã bắt đầu bằng một suy tư về Phụng vụ ».

Gần 57 năm sau, sẽ là « tầm  thường khi đọc thấy những căng thẳng, không may có mặt xung quanh việc cử hành, như là một khác biệt đơn giản giữa các nhạy cảm khác nhau đối với một hình thức nghi lễ (…). Vấn đề trước hết là giáo hội học », Đức Thánh Cha nhận định. Quy chiếu đến những căng thẳng nổi lên sau khi công bố Tự sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha cho rằng « đằng sau các cuộc chiến về nghi lễ có ẩn chứa những quan niệm khác nhau về Giáo hội ».

Tuy nhiên, với tư cách là người  Công giáo, chúng ta không thể « công nhận tính hợp thức của Công đồng và không đón nhận cuộc cải cách phụng vụ nảy sinh từ « Sacrosanctum Concilium » ». Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha coi bổn phận của mình là khẳng định rằng các sách phụng vụ được ban hành bởi Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách diễn đạt duy nhất của Nghi thức Rôma.

Về việc đạo tạo phụng vụ, Đức Thánh Cha phân biệt hai khía cạnh : đào tạo cho phụng vụ và đào tạo qua phụng vụ. « Việc đào tạo cho phụng vụ là chức năng so với việc đào tạo qua phụng vụ vốn là điều thiết yếu ». Nếu đã làm được nhiều việc liên quan đến việc đào tạo về phụng vụ, thì Đức Thánh Cha yêu câu tiếp tục nỗ lực phổ biến kiến thức này ra ngoài giới đại học, « một cách dễ tiếp cận, để mỗi tín hữu có thể lớn lên trong sự hiểu biét ý nghĩa thần học của Phụng vụ ».

Nghệ thuật cử hành

Đức Thánh Cha giải thích tiếp : điều đặc biệt quan trọng là giáo dục sự hiểu biết về các biểu tượng, vốn luôn khó khăn đối với con người hiện  đại. Một cách để làm điều đó « chắc chắn là quan tâm đến nghệ thuật cử hành ». Nghệ thuật cử hành này không được học bằng cách theo một khóa học về giao tiếp trước đám đông hay giao tiếp thuyết phục, nhưng đòi hỏi « một sự tận tâm cẩn thận cho việc cử hành bằng cách để cho việc cử hành truyền tải nghệ thuật của nó cho chúng ta ». Đức Thánh Cha đề cập thoáng qua chỗ đứng của sự thinh lặng trong cử hành, « có tầm quan trọng tuyệt đối », vốn « thúc đẩy ăn năn và ước muốn hoán cải ».

Đức Thánh Cha kết thúc Tông thư bằng cách mời  gọi « tất cả các giám mục, linh mục và phó tế, các nhà đào tạo ở các chủng viện, các giảng viên của các phân khoa thần học và các trường thần học, tấ cả các giáo lý viên, giúp đỡ dân thánh của Thiên Chúa kín múc từ những gì luôn là nguồn gốc đầu tiên của linh đạo Kitô giáo ». Ngài tái khẳng định những gì đã được thiết lập trong Tự sắc Traditionis custodes, để « Giáo hội có thể dâng lên, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cùng một lời cầu nguyện duy nhất có khả năng diễn tả sự hiệp nhất của mình ». Lời cầu nguyện duy nhất này là Nghi thức Rôma kết quả của cuộc cải cách của Công đồng, và được thiết lập bởi Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31