ĐỨC PHANXICÔ : « TRUYỀN THÔNG, ĐÓ LÀ LÀM CHO CON NGƯỜI ÍT CÔ ĐƠN HƠN VÀ MANG LẠI TIẾNG NÓI CHO NGƯỜI BỊ LOẠI TRỪ »

Written by xbvn on Tháng Mười Một 13th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Gặp gỡ các nhân viên và các tham dự viên khóa họp khoáng đại của Bộ Truyền thông, Đức Phanxicô đã đưa ra những chìa khóa cho một sự truyền thông tốt : nó phải làm cho tính đa dạng các quan điểm được khả thi, tìm cách bảo vệ sự hiệp nhất và sự thật, chống lại sự vu khống, bạo lực bằng lời nói, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa chính thống quá khích.

Hôm 12/11/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Bộ Truyền thông của Vatican, một Bộ tập hợp các cơ cấu khác nhau như Radio Vatican-Vatican News, nhật báo Osservatore Romano, Văn phòng báo chí Tòa Thánh hay LEV, nhà in Vatican.

Đức Thánh Cha đã chuẩn bị bài diễn văn, nhưng ngài muốn ứng khẩu hơn. Trong bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha đề cập đến Thượng hội đồng, nằm ở trung tâm chủ đề của đại hội khoáng đại, « Thượng hội đồng và truyền thông : một con đường phải được phát triển », giải thích rằng « Thượng hội đồng không chỉ là việc thực thi truyền thông, cũng không phải là một mưu toan suy nghĩ lại Giáo hội với lôgíc của đa số và thiểu số phải đồng thuận ».

« Trái lại, yếu tính của con đường hiệp hành hệ tại ở một chân lý cơ bản mà chúng ta không bao giờ được quên : nó nhắm lắng nghe, hiểu và thực hành ý muốn của Thiên Chúa ». Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng « chỉ trong cơ cấu sống động của các mối tương quan trong Giáo hội mà chúng ta trở nên có khả năng lắng nghe và hiểu được Chúa là Đấng đang nói với chúng ta ».

Chiều kích hiệp hành là một chiều kích cấu thành Giáo hội, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời nhắc lại rằng Thánh Kinh « đầy những câu chuyện về những người nam và người nữ mà đôi khi chúng ta tưởng tượng sai lầm là như những anh hùng cô độc ». Nhưng Abraham cũng như Môise hay Đức Maria đã chu toàn sứ mạng của mình trong chiều kích tương quan.

Phát triển chiều kích cộng đồng

« Sự đóng góp của truyền thông chính là làm cho khả thi chiều kích cộng đồng này, khả năng tương quan này, ơn gọi liên kết này », Đức Thánh Cha giải thích. Một sự truyền thông có sứ mạng thúc đẩy sự gần gũi, mang lại tiếng nói cho người bị loại trừ, lôi kéo sự chú ý đến những gì chúng ta thường vứt bỏ và bỏ qua. Như thế, Đức Thánh Cha đã khai triển ba đường hướng để suy nghĩ về ý nghĩa của một truyền thông đức hạnh.

« Nhiệm vụ đầu tiên của truyền thông phải làm cho con người ít cô đơn hơn ». Nếu nó không giảm bớt cảm giác cô đơn, thì lúc đó nó chỉ là « giải trí ». Chỉ một Giáo hội dìm mình vào thực tại mới thực sự biết những gì nơi tâm hồn của con người đương thời. Do đó, « mọi cuộc truyền thông đích thực đều được thực hiện trước hết bởi sự lắng nghe cụ thể, nó được làm nên bởi những cuộc gặp gỡ, những khuôn mặt, những câu chuyện. Nếu chúng ta không biết cách sống trong thực tại, thì chúng ta sẽ chỉ tự hạn chế mình vào việc chỉ ra từ trên cao những hướng mà không ai chịu nghe.  Truyền thông phải là một trợ giúp đắc lực cho Giáo hội, để sống cụ thể trong thực tại, bằng cách thúc đẩy sự lắng nghe và can thiệp vào những vấn đề lơn của người nam và người nữ hôm nay ».

Thách thức thứ hai được Đức Thánh Cha chỉ ra là « mang lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói ». « Rất thường, chúng ta là những chứng nhân về những hệ thống truyền thông gạt ra bên lề và kiểm duyệt những gì không thoái mái và những gì chúng ta không muốn thấy ». Giáo hội, nhờ Chúa Thánh Thần, biết rõ rằng nhiệm vụ của mình là ở với những người rốt hết, và môi trường sống tự nhiên của mình là « vùng ngoại vi hiện sinh ».

Mang lại tiếng nói cho những người nghèo nhất

« Chúa Giêsu không bao giờ bỏ qua những người bất hợp pháp đủ loại », Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời chất vấn liệu « với tư cách Giáo hội, chúng ta cũng biết mang lại tiếng nói cho những anh chị em này không, liệu chúng ta biết lắng nghe họ không, liệu chúng ta biết phân định ý muốn của Thiên Chúa với họ không, và do đó nói với họ một Lời cứu độ không ».

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Bộ Truyền thông : « Rất thường, những  người nhìn Giáo hội từ bên ngoài bị bối rối bởi những căng thẳng khác nhau đang tồn tại trong đó ». « Ước gì chúng ta cũng phải có khả năng truyền thông sự mệt mỏi này mà không có tham vọng giải quyết hay che giấu nó ».

Truyền thông cũng phải cho phép sự đa dạng các quan điểm, bằng cách luôn tìm cách bảo vệ sự hiệp nhất và sự thật, và bằng cách chống lại sự vu khống, bạo lực bằng lời nói, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa chính thống quá khích mà, dưới chiêu bài trong thành với sự thật, cuối cùng chỉ gieo rắc chia rẽ và bất hòa . Và Đức Thánh Cha giải thích rằng « công việc của Bộ không chỉ là kỹ thuật », nhưng còn liên quan đến chính cách « trở thành Giáo hội ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31