KHI THÁNH KINH CHẤT VẤN MỐI TƯƠNG QUAN CỦA CHÚNG TA VỚI CÁC SINH VẬT KHÔNG PHẢI CON NGƯỜI

Written by xbvn on Tháng Sáu 9th, 2023. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thánh Kinh, Thế Giới, Tý Linh

Tại Paris, vào ngày 8/6/2023, đã khai mạc một cuộc hội thảo chuyên đề quy tụ các chuyên viên Thánh Kinh Công giáo và Tin Lành. Họ suy tư về cách thức Thánh Kinh đưa ra những con đường mới giải thích thần học về mối tương quan của chúng ta với các sinh vật không phải con người (động vật, thực vật, không gian tự nhiên).

Cách thức Thánh Kinh nói về động vật, thực vật và không gian tự nhiên mời gọi chúng ta thay đổi cái nhìn để tìm thấy chỗ đứng đúng đắn của chúng ta trong công trình tạo dựng. Đó là mục đích của hội nghị chuyên đề quốc tế được tổ chức ở Paris từ ngày 8 đến 11/6/2023 bởi Trung tâm Centre Sèvres – Phân khoa của Dòng Tên ở Paris, Học viện Thần học của Tin Lành và Học viện Công giáo Paris, về chủ đề : « Kể chuyện sinh vật : Thánh Kinh trong viễn cảnh phê bình thi văn sinh thái (écopoétique) ».

Thuật ngữ « écopoétique » chỉ một nhánh của phân tích văn học. Được áp dụng vào bản văn Thánh Kinh, lối tiếp cận này làm sáng tỏ cách thức mà các sinh vật không phải con người được đưa vào một câu chuyện, do đó mở ra những con đường mới mẻ giải thích thần học.

Đưa ra những ý tưởng mới mẻ

Vào thời điểm khủng hoảng khí hậu, các chuyên viên Thánh Kinh dựa vào các bản văn Thánh Kinh. « Trí tưởng tượng của chúng ta, kinh nghiệm của chúng ta, tương quan của chúng ta với công trình tạo dựng không còn giống như một thế kỷ trước – và cách thức chất vấn Thánh Kinh của chúng ta cũng vậy », Céline Rohmer, chuyên viên về Tân Ước ở Học viện Thần học Tin Lành ở Montpelier, nhấn mạnh.

Béatrice Oiry, chuyên viên chú giải Thánh Kinh ở Học viện Công giáo Paris, giải thích : « Cuộc hội thảo này là một dạng phương pháp hiến kế tập thể giữa các thành viên của mạng lưới các đại học nói tiếng Pháp của chúng tôi, vốn quy tụ những người Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ và Quebec. Sự kỳ diệu của một cuộc hội thảo, đó là chia sẻ trong ba ngày những gì chúng tôi đã nhận thấy mới mẻ về vấn đề này và đưa ra những ý tưởng mới mẻ ».

Đối với giám đốc phân ban khoa học Thánh Kinh của Học viện Công giáo Paris, cuộc hội thảo này cũng đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô « đổi mới trí tưởng tưởng và sự hiểu biết của chúng ta về những mối liên hệ với tự nhiên và làm phong phú sự đóng góp mà Thánh Kinh có thể mang lại cho việc đổi mới nền thần học về tạo dựng ».

« Chúa Giêsu nói với chúng ta về mối quan hệ của chúng ta với những yếu tố này »

Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta rằng số phận của chúng ta được liên kết cách chặt chẽ trên bình diện vật chất cũng như tinh thần. Céline Rohmer nói tiếp : « Trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu, thường là vấn đề về thực vạt, cây cối, chim, cá…Điều đó không chỉ do thực tế là Ngài đang nói với một công chúng nông dân, chăn nuôi và ngư dân. Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta về mối tương quan của chúng ta với các yếu tố này. Ngài sử dụng hình ảnh thực vật và động vật để đưa ra ánh sáng thực tại của cuộc sống con người ». Bà nói thêm : việc đề cập đến hoa huệ ngoài đồng, trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu (1), khiến chúng ta cảnh giác. « Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi cái nhìn : con người không phải ở trung tâm nhưng trong mối liên hệ với tự nhiên, mà vẻ đẹp của nó biểu lộ lòng thương xót và sự quan phòng chan chứa của Thiên Chúa ».

Sự kiện đáng chú ý, đó là Chúa Kitô dùng hình ảnh hạt giống để nói về Nước Thiên Chúa và số phận của Ngài (2) ; thánh Phaolô dùng nó để có gắng giúp cho hiểu sự phục sinh thân xác là gì (3). Béatrice Oiry nói : « Để diễn tả thực tại kỳ diệu của đức tin Kitô giáo mà chúng ta không thể diễn tả bằng lời, Chúa Giêsu đề cập đến một thực tại vốn thuộc về hoạt động thường ngày nhất của những người nông dân này ».

Các tác giả Thánh Kinh thiệt lập mối liên hệ chặt chẽ giữa lối hành xử của con người và sự màu mỡ của đất đai. Béatrice Oiry nhấn mạnh : « Khi con người thực hiện sự bất công, đất đai sẽ khô cằn. Sau khi Cain giết chết Abel, Thiên Chúa đã cho ông biết rằng máu của người em vô tội đổ ra đã làm cho đất đai trở nên cằn cỗi : « Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa » (Stk 4, 12) ».

Sự xuất hiện của Chúa Kitô, mà sức mạnh của Ngài được thể hiện trong sự yếu đuối (2Cr 12, 9), « đặt vấn đề cách triệt để » về cách hành xử của chúng ta : « Khi con người thực thi quyền lực và sức mạnh của mình trên thiên nhiên, với tất cả sự tàn phá kèm theo, bản văn Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta lạc đường như thế nào. Nó cho phép chúng ta điều chỉnh lại mối quan hệ của chúng ta với con người và với các sinh vật không phải con người ». 

—————————————–

 (1) « Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! » (Mt 6, 28-30.)

(2) « Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được » (Mt 13,31-32.) « Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác » (Ga 12, 24).

(3) « Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn: giống nào hình thể nấy » (1 Cr 15, 35-38).

Tý Linh

(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30