KINH NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM C: LẮNG NGHE, BIẾT, ĐI THEO VÀ BẮT CHƯỚC CHÚA GIÊSU

Written by xbvn on Tháng Năm 8th, 2022. Posted in Giáo dân, Giáo lý, Linh mục, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Trong buổi đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 8/5/2022, Đức Phanxicô mời gọi dừng lại suy niệm về mối dây liên kết tồn tại giữa Chúa và mỗi một người chúng ta qua ba động từ “nghe, biết, theo”, và mời gọi chúng ta bắt chước Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Nói về Ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi, Đức Thánh Cha cho thấy ngày này liên quan đến các ơn gọi không chỉ linh mục và tu sĩ, nhưng còn hôn nhân gia đình.

“Cách riêng, – Đức Thánh Cha kêu gọi -,  tôi dâng những đau khổ và nước mắt của dân tộc Ucraina cho Đức Thánh Trinh Nữ. Trước sự điên rồ của chiến tranh, mỗi ngày chúng ta hãy tiếp tục lần hạt Mân Côi cho hòa bình”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về mối dây liên kết tồn tại giữa Chúa và mỗi một người chúng ta (x. Ga 10, 27-30). Khi làm vậy, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh dịu dàng, một hình ảnh đẹp về người mục tử ở với con chiên. Và ngài giải thích nó bằng ba động từ: Chúa Giêsu nói, “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (c. 27). Ba động từ: nghe, biết, theo. Chúng ta hãy xem xét ba động từ này.

Trước tiên, con chiên nghe tiếng của người mục tử. Sáng kiến luôn đến từ Chúa. Mọi sự đến từ ân sủng của Ngài: chính Ngài kêu gọi chúng ta đến hiệp thông với Ngài. Nhưng sự hiệp thông này xảy đến nếu chúng ta mở lòng ra để lắng nghe. Nếu chúng ta điếc, thì Ngài không thể ban cho chúng ta sự hiệp thông này. Chúng ta hãy mở lòng ra để lắng nghe, bởi vì lắng nghe ngụ ý sự sẵn sàng, nó ngụ ý sự ngoan ngoãn, nó ngụ ý dành thời gian cho đối thoại. Ngày nay, chúng ta bị tràn ngập bằng những ngôn từ và bởi sự cấp bách phải luôn có gì để nói hoặc làm. Rất thường khi hai người đang nói chuyện và một người không đợi được người kia nói hết suy nghĩ của mình, nhưng cắt ngang câu nói của người kia, và đáp lời…Nhưng nếu chúng ta không cho phép người khác nói, thì sẽ không có sự lắng nghe. Đây là một căn bệnh của thời đại chúng ta. Ngày nay, chúng ta bị tràn ngập bằng những ngôn từ, bởi sự cấp bách phải luôn có gì để nói hoặc làm. Chúng ta sợ sự thinh lặng.  Thật khó lắng nghe nhau dường nào! Lắng nghe cho đến cùng, để cho người khác phát biểu ý kiến, lắng nghe trong gia đình chúng ta, lắng nghe ở trường học, lắng nghe ở nơi làm việc, và ngay cả trong Giáo hội! Nhưng đối với Chúa, trước hết cần thiết phải lắng nghe. Ngài là Ngôi Lời của Chúa Cha, và Kitô hữu là một người con biết lắng nghe, được kêu gọi để sống với Lời Chúa trong tầm tay. Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có phải là người con biết lắng nghe không, có dành thời gian cho Lời Chúa không, có dành chỗ và sự quan tâm cho anh chị em của chúng ta không, có biết cách lắng nghe cho đến khi người khác nói xong không, mà không cắt ngang những gì người khác đang nói. Những ai lắng nghe người khác cũng biết cách lắng nghe Chúa và ngược lại. Và họ cảm nghiệm được điều gì đó rất đẹp, đó là chính Chúa đang lắng nghe – Ngài lắng nghe chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Ngài, khi chúng ta tâm sự với Ngài, khi chúng ta kêu cầu Ngài.

Do đó, lắng nghe Chúa Giêsu trở thành cách để chúng ta khám phá ra rằng Ngài biết chúng ta. Đây là động từ thứ hai liên quan đến mục tử nhân lành. Ngài biết chiên của mình. Nhưng điều này không chỉ có nghĩa rằng Ngài biết nhiều điều về chúng ta. Biết theo nghĩa Thánh Kinh cũng có nghĩa là yêu thương. Nó có nghĩa rằng “trong khi Ngài đọc con người nội tâm của chúng ta”, Chúa yêu thương chúng ta, Ngài không lên án chúng ta. Nếu chúng ta lắng nghe Ngài, thì chúng ta khám phá điều này: Ngài yêu thương chúng ta. Cách để khám phá tình yêu của Chúa là lắng nghe Ngài. Như thế, mối tương quan của chúng ta với Ngài sẽ không còn là vô cảm, lạnh lùng hay trơ tráo nữa. Chúa Giêsu đang tìm kiếm một tình bạn ấm áp, sự tin tưởng, thân mật. Ngài muốn mang lại cho chúng ta một nhận thức mới mẻ và kỳ diệu – đó là biết rằng chúng ta luôn được Ngài yêu thương và, vì thế, chúng ta không bao giờ bị bỏ mặc cô độc một mình. Ở với người mục tử nhân lành cho phép chúng ta cảm nghiệm những gì Thánh vịnh đã nói: “Dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng” (Tv 23, 4). Trên hết, Ngài nâng đỡ chúng ta trong những đau khổ của chúng ta, những khó khăn của chúng ta, những khủng hoảng của  chúng ta – vốn u tối – bằng cách cùng chúng ta vượt qua chúng. Và vì thế, đặc biệt chính trong những hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta được Chúa biết đến và yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có để cho Chúa biết tôi không? Tôi có dành chỗ cho Ngài trong cuộc sống của tôi không? Tôi có mang những gì tôi đang sống đến cho Ngài không? Và tôi có ý tưởng nào về Ngài sau nhiều lần tôi đã cảm nghiệm được sự gần gũi của Ngài, lòng trắc ẩn của Ngài, sự dịu dàng của Ngài? Rằng Chúa ở gần, Chúa là mục tử nhân lành?

Cuối cùng, động từ thứ ba: con chiên lắng nghe, và khám phá ra họ được biết đến, nên đi theo: họ lắng nghe, họ cảm nghiệm được rằng họ được Chúa biết đến và họ đi theo Chúa, mục tử của họ. Những người đi theo Chúa Kitô làm gì? Họ đi nơi đâu Ngài đi, cùng một con đường, cùng một hướng. Họ đi tìm kiếm những ai bị lạc mất (x. Lc 15, 4), quan tâm đến những người ở xa, mang vào lòng hoàn cảnh của những ai đau khổ, biết cách khóc với người khóc, họ đưa tay ra cho tha nhân, vác họ lên vai mình. Còn tôi? Tôi có để Chúa Giêsu yêu thương tôi không, và bằng cách cho phép Ngài yêu thương tôi, tôi có chuyển từ yêu thương Ngài sang bắt chước Ngài không? Xin Đức Thánh Trinh Nữ giúp chúng ta lắng nghe Chúa Kitô, biết Ngài luôn hơn nữa và đi theo Ngài trên con đường phục vụ. Lắng nghe Ngài, biết Ngài, đi theo Ngài.

—————————-

Sau kinh Nữ Vương Thiên Đàng:

[…]

Hôm nay là Ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi, có chủ đề « Được kêu gọi để xây dựng gia đình nhân loại ». Ước mong cộng đoàn Kitô hữu trên mọi lục địa cầu nguyện xin Chúa ban các ơn gọi linh mục, đời sống thánh hiến, chọn lựa trở thành nhà truyền giáo, và hôn nhân. Đây là ngày, mà qua bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta cảm thấy được gọi đi theo Chúa Giêsu, nói lời xin vâng với Ngài, noi gương Ngài để khám phá niềm vui dâng hiến mạng sống mình, phục vụ Tin Mừng cách vui tươi và nhiệt thành. Trong bối cảnh này, tôi muốn mở rộng lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi đến các tân linh mục của giáo phận Rôma, đã được phong chức sáng nay ở Vương cung thánh đường thánh Gioan Latêranô. 

Ngay bây giờ, nhiều tín hữu đang tụ tập xung quanh bức ảnh Đức Maria được tôn kính ở Đền Thờ Pompei, để cầu xin lời khẩn cầu phát ra từ trái tim của Chân phước Bartolo Longo. Quỳ gối trong tinh thần trước bức ảnh Đức Trinh Nữ, tôi phó thác cho Mẹ lòng khát khao nồng nàn về hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới đang chịu tham họa chiến tranh điên rồ. Cách riêng, tôi dâng những đau khổ và nước mắt của dân tộc Ucraina cho Đức Thánh Trinh Nữ. Trước sự điên rồ của chiến tranh, mỗi ngày chúng ta hãy tiếp tục lần hạt Mân Côi cho hòa bình. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để họ có thể không đánh mất “cảm xúc của những người” muốn hòa bình và biết rõ rằng vũ khí không bao giờ đạt được nó, không bao giờ”.

[…]

Hôm nay là Ngày của Mẹ ở nhiều quốc gia. Chúng ta hãy yêu thương nhớ đến những người mẹ của chúng ta – một tràng pháo tay dành cho những người mẹ của chúng ta – ngay cả những người mẹ không còn ở với chúng ta ở trên trần gian này, nhưng đang sống trong tâm hồn chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta, tình cảm của chúng ta, và những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của chúng ta dành cho tất cả những người mẹ của chúng ta 

——————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31