KINH NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM C : HÃY BẮT ĐẦU LẠI VỚI CHÚA GIÊSU

Written by xbvn on Tháng Năm 1st, 2022. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Thưa anh chị em, khi tấm lưới trong cuộc đời chúng ta trống rỗng, thì đó không phải là lúc để cảm thấy buồn tiếc cho bản thân, để vui chơi, để trở lại với những thú tiêu khiển cũ. Đó là lúc để bắt đầu lại với Chúa Giêsu, đó là lúc tìm lại can đảm để bắt đầu lại, đó là lúc phải ra khơi lại lần nữa với Ngài. » Đó là lời khuyên của Đức Phanxicô trong buổi đọc Kinh Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 1/5/2022.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chúc ngày Chúa Nhật vui vẻ!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 21, 1-19) kể lại cuộc hiện ra lần thứ ba của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các Tông đồ. Đó là một cuộc gặp gỡ diễn ra bên bờ Hồ Galilê, và trên hết liên quan đến Simon Phêrô. Tất cả bắt đầu với việc ông nói với các môn đệ khác : « Tôi đi đánh cá đây » (c. 3). Không có gì lạ về điều này, vì ông là một ngư dân, nhưng ông đã bỏ công  việc này từ lúc ông bỏ lại lưới trên bờ hồ đó để đi theo Chúa Giêsu. Và bây giờ, trong khi Đấng Phục Sinh đang chờ đợi, Phêrô, có lẽ hơi thất vọng, đã đề nghị với những người khác rằng ông sẽ trở lại với cuộc sống trước đây. Và những người khác đã chấp nhận : « Chúng tôi cùng đi với anh ». Nhưng « đêm đó không không bắt được gì » (c. 3).

Điều này có thể xảy ra cho chúng ta, vì mệt mỏi, thất vọng, có lẽ vì lười biếng, để quên Chúa và bỏ bê những chọn lựa lớn lao mà chúng ta đã thực hiện, để tự bằng lòng với điều gì đó khác. Chẳng hạn, không dành thời gian để trò chuyện cùng với nhau trong gia đình, thích những trò tiêu khiển cá nhân hơn ; chúng ta quên cầu nguyện, để bản thân bị lôi cuốn vào những nhu cầu của riêng mình ; chúng ta bỏ bê việc bác ái, với lý do là những cấp bách hằng ngày. Nhưng, khi làm thế, chúng ta nhận thấy mình thất vọng : đó là nỗi thất vọng mà Phêrô đã cảm thấy, với những tấm lưới trống rỗng, giống như ông. Đó là con đường đưa anh chị em thụt lùi, và không làm cho anh chị em thỏa mãn.

Và Chúa Giêsu đã làm gì với Phêrô ? Ngài trở lại bờ hồ nơi Ngài đã chọn ông, Anrê, Giacôbê và Gioan. Ngài không quở trách họ – Chúa Giêsu không quở trách, Ngài luôn chạm đến tâm hồn – nhưng dịu dàng gọi các môn đệ : « Này các con* » (c. 5). Rồi Ngài mời họ, như trước đó, hãy can đảm thả lưới một lần nữa. Và lần này lưới đầy những cá. Thưa anh chị em, khi tấm lưới trong cuộc đời chúng ta trống rỗng, thì đó không phải là lúc để cảm thấy buồn tiếc cho bản thân, để vui chơi, để trở lại với những thú tiêu khiển cũ. Đó là lúc để bắt đầu lại với Chúa Giêsu, đó là lúc tìm lại can đảm để bắt đầu lại, đó là lúc phải ra khơi lại lần nữa với Ngài. Luôn luôn đối mặt với sự thất  vọng, hay một cuộc sống đã phần nào mất đi ý nghĩa của nó – « hôm nay tôi cảm thấy như thể tôi đã lùi lại phía sau » –  hãy lên đường một lần nữa với Chúa Giêsu, hãy bắt đầu lại, hãy ra chỗ nước sâu ! Ngài đang chờ đợi bạn. Và Ngài chỉ nghĩ về bạn, về tôi, về mỗi người trong chúng ta.

Phêrô đã cần đến “cú sốc” đó. Khi ông nghe Gioan kêu lên: “Chúa đó!” (c. 7), ông lập tức nhảy xuống nước và bơi về phía Chúa Giêsu. Đó là một cử chỉ yêu thương, bởi vì tình yêu vượt lên trên sự hữu ích, tiện lợi hay bổn phận; tình yêu tạo nên điều kỳ diệu, nó truyền cảm hứng cho lòng nhiệt thành sáng tạo, trao ban nhưng không. Bằng cách này, trong khi Gioan, người trẻ nhất, nhận ra Chúa, thì chính Phêrô, người lớn tuổi nhất, đã nhảy xuống lao về phía Ngài. Trong cú nhảy đó có tất cả sự nhiệt thành mới tìm thấy của Simon Phêrô.

Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi chúng ta đến một động lực mới – mọi người, mỗi người trong chúng ta – Ngài mời gọi chúng ta nhảy vào điều thiện hảo mà không sợ mất mát điều gì, không tính toán quá nhiều, không đợi người khác bắt đầu. Tại sao? Đừng chờ đợi người khác, bởi vì để đi ra gặp gỡ Chúa Giêsu, chúng ta cần phải bấp bênh. Chúng ta cần phải bấp bênh với lòng can đảm, phục hồi bản thân, nhưng phục hồi bản thân bấp bênh, chấp nhận rủi ro. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có khả năng bộc phát lòng quảng đại, hay tôi kiềm chế những thôi thúc của trái tim mình và khép kín bản thân trong thói quen, trong sợ hãi? Hãy nhảy vào, hãy nhảy xuống nước. Đây là lời hôm nay từ Chúa Giêsu.

Rồi, vào cuối đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu hỏi Phêrô, ba lần, câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” (cc. 15-16). Chúa Phục Sinh cũng hỏi chúng ta hôm nay: Con có yêu mến Thầy không? Bởi vì vào lễ Phục Sinh, Chúa Giêsu muốn tâm hồn chúng ta cũng được phục sinh; bởi vì đức tin không phải là một vấn đề hiểu biết, nhưng là tình yêu. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi bạn, tôi, chúng ta, những người có những tấm lưới trống rỗng và sợ bắt đầu lại một lần nữa; không có can đảm nhảy xuống nước và có lẽ đã mất đi động lực của chúng ta. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi. Từ đó trở đi, Phêrô ngừng đánh bắt cá mãi mãi và cống hiến bản thân để phụng sự Thiên Chúa và anh chị em của mình đến độ hiến dâng mạng sống của mình ở đây, nơi chúng ta ở hiện nay. Và về phần chúng ta, chúng ta có muốn yêu mến Chúa Giêsu không?

Xin Đức Mẹ, Đấng đã sẵn sàng nói “xin vâng” với Chúa, giúp chúng ta tái khám phá sự thôi thúc để làm điều thiện.

——————————–

Sau Kinh Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha kêu goi:

Hôm nay bắt đầu tháng dành kính Mẹ Thiên Chúa. Tôi xin mời tất cả các tín hữu và các cộng đoàn hãy lần chuỗi Mân Côi cho hòa bình mỗi ngày trong tháng Năm. Tư tưởng của tôi hướng đến thành phố Mariupol ở Ucraina, “thành của Đức Maria”, bị đánh bom và phá hủy một cách man rợ. Một lần nữa, từ nơi đây, tôi tiếp tục yêu cầu rằng các hành lang nhân đạo an toàn phải được bố trí cho người dân bị mắc kẹt trong các xưởng luyện thép ở thành phố đó. Tôi đau khổ và thương khóc khi nghĩ đến những đau khổ của người dân Ucraina, và các đặc biệt, những người yếu nhất, người già và  trẻ em. Thậm chí có những báo cáo khủng khiếp về các trẻ em bị trục xuất và đưa đi đày.

Và trong khi chúng ta đang chứng kiến một sự thoái hóa rùng rợn của nhân loại, tôi phân vân, cùng với rất nhiều người đau khổ lo âu, liệu hòa bình có thực sự đang được tìm kiếm hay không; liệu có mong muốn tránh một cuộc leo thang bằng lời nói và quân sự liên tục hay không; liệu mọi thứ đang được thực hiện hết sức có thể để làm im tiếng vũ khí hay không. Tôi xin anh chị em, chúng ta đừng đầu hàng trước lôgíc của bạo lực, trước vòng xoáy tai ác của vũ khí. Cầu mong cho con đường đối thoại và hòa bình được thực hiện! Chúng ta hãy cầu nguyện.

Và hôm nay là Ngày Lao Động. Cầu mong nó sẽ là một sự kích thích để canh tân các nỗ lực để đảm bảo rằng lao động có phẩm giá ở mọi nơi và cho mọi người. Và cầu mong thế giới lao động truyền cảm hứng cho ý chí phát triển một nền kinh tế hòa bình. Và tôi xin nhớ đến những  công nhân đã chết tại nơi làm việc: đó là một thảm kịch lan rộng, có lẽ quá nhiều.

Ngày mốt, 3/5, là Ngày Tự do Báo chí Thế giới của UNESCO. Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà báo, những người đã trả giá bằng chính mạng sống của mình để phục vụ quyền này. Năm ngoái, 47 nhà báo đã bị giết trên toàn thế giới, và hơn 350 người bị bỏ tù. Xin gởi lời cảm ơn đặc biệt đến những người can đảm đưa tin cho chúng ta về những vết thương của nhân loại.

….

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

———————————–

* “Này các con” : bản gốc tiếng Hy Lạp là “Παιδια” (enfants, children), ctcnd.

Tags: , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31