KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM B: TÌM KIẾM, Ở LẠI VÀ LOAN BÁO CHÚA GIÊSU

Written by xbvn on Tháng Một 17th, 2024. Posted in Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới

Hôm Chúa Nhật ngày 14 /1/2024, Đức Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy noi gương các môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Người, trong đó có Phêrô và Anrê, được tường thuật trong Tin Mừng Gioan, chất vấn mỗi người về mối quan hệ của chính họ với Chúa và đưa ra ba động từ để trả lời cho mối quan hệ đó: tìm kiếm, ở lại, loan báo. Cách tiếp cận “một trái tim rộng mở, tìm kiếm, không thỏa mãn hay hài lòng” là điều cần thiết đối với Đức Thánh Cha, để những người theo Chúa Kitô không phải là những “người đi theo” hời hợt, mà là những người tự vấn và để mình được chất vấn bởi Lời của Người.”

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, mừng ngày Chúa Nhật!

Hôm nay, Tin Mừng trình bày cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với những môn đệ đầu tiên (x. Ga 1, 35-42). Khung cảnh này mời gọi chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của mỗi người với Chúa Giê-su. Từng người trong chúng ta đều đã có được cuộc gặp gỡ đầu tiên với Ngài, khi còn là một đứa trẻ, một thiếu niên, một người trẻ, hay người trưởng thành… Tôi đã gặp Chúa lần đầu vào lúc nào? Hãy gắng nhớ lại điều này một chút. Để rồi, suy nghĩ này, ký ức này giúp làm mới lại niềm vui bước đi theo Ngài và tự hỏi, – bước theo Đức Giê-su nghĩa là trở nên môn đệ của Ngài – và trở nên môn đệ của Ngài thì có ý nghĩa gì? Theo bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra ba từ: Kiếm tìm Đức Giê-su, ở lại với Đức Giê-su và loan báo Đức Giê-su. Kiếm tìm, ở lại, loan báo.

Trước hết là kiếm tìm. Hai môn đệ, nhờ lời chứng của Gioan Tẩy Giả, bắt đầu bước theo Chúa Giê-su; Ngài ‘thấy các ông đi theo mình, thì hỏi, “Các anh tìm gì thế?” (c. 38). Đó là những lời đầu tiên mà Đức Giê-su nói với các ông: tiên vàn, Ngài mời họ nhìn vào bên trong, để tự hỏi về niềm ước ao họ mang trong lòng. “Các anh tìm gì thế?”. Chúa không hề muốn làm một cuộc tuyển mộ, Ngài cũng chẳng muốn thu nhận những môn đệ hời hợt; Chúa muốn những con người biết tự vấn và để cho Lời của Ngài thách đố chính mình. Vì thế, để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, trước hết cần phải tìm kiếm Ngài, thật cần thiết để kiếm tìm Ngài, để rồi mang lấy một con tim sâu sắc, cởi mở, chứ không phải là một cõi lòng tự mãn hay chán ngấy.

Các môn đệ đầu tiên đó đang kiếm tìm gì thông qua động từ thứ hai: ở lại? Các ông không tìm tin tức hay thông tin về Thiên Chúa, cũng chẳng kiếm những dấu chỉ hay phép lạ nào đó, nhưng họ mong mỏi gặp Đức Giê-su, gặp gỡ Đấng Mêssia, để trò chuyện với Ngài, để được ở với Ngài, để lắng nghe Ngài. Câu hỏi đầu tiên họ đặt ra là gì vậy? “Thầy ở đâu?” (c.38). Và Đức Ki-tô mời họ đến ở với Ngài: “Đến mà xem” (c.39). Cư ngụ, ở lại với Ngài: đó là điều quan trọng nhất đối với người môn đệ của Chúa. Nói vắn lại, đức tin chẳng phải là một lý thuyết, không; nó là một sự gặp gỡ – đích thực là một cuộc đối thoại. Đức tin đưa dẫn đến việc xem thấy nơi Chúa ở, và ngụ lại với Ngài. Gặp Chúa và ở lại với Ngài.

Kiếm tìm, ở lại, và sau cùng, loan báo. Các môn đệ đã tìm kiếm Chúa, rồi họ đi đến và ở lại suốt đêm với Ngài. Và bấy giờ, họ loan báo. Như thế, các ông trở lại và loan báo. Kiếm tìm, ở lại, loan báo. Tôi có tìm kiếm Đức Giê-su không? Tôi có ở lại với Ngài chăng? Liệu tôi đủ can đảm để loan báo về Đức Giê-su không? Cuộc gặp gỡ đầu tiên của các môn đệ với Đức Giê-su thật là một cảm nghiệm mạnh mẽ đến nỗi hai môn đệ này mãi in sâu về mốc thời gian: “lúc đó khoảng giờ thứ mười” (c. 39). Điều này cho phép chúng ta nhìn thấy được sức mạnh của cuộc gặp gỡ. Và lòng các ông chứa chan niềm vui sướng đến độ ngay lập tức họ cảm thấy nhu cầu cần phải sẻ chia món quà mà mình vừa nhận lãnh. Thật vậy, một trong hai ông là Anrê, đã không chần chừ chia sẻ niềm vui đó cho em mình.

Anh chị em quý mến, hôm nay chúng ta cũng hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa. Mỗi người trong chúng ta đã có được cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, trong gia đình hay ở bên ngoài… Tôi đã gặp Chúa khi nào? Chúa đã chạm đến lòng tôi lúc nào? Và chúng ta hãy tự hỏi: liệu chúng ta còn là những người môn đệ say mê Chúa, kiếm tìm Chúa không hay chúng ta chỉ an cư trong một đức tin được hình thành do bởi những thói quen? Chúng ta có ở lại với Ngài trong cầu nguyện, có biết cách để ở với Ngài trong thinh lặng không? Tôi có biết cách để ở với Chúa trong cầu nguyện, trong thinh lặng hay không? Và rồi, chúng ta có cảm nhận được niềm khát khao sẻ chia, loan báo vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa không?

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, người môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su, ban cho chúng ta lòng khao khát tìm kiếm Chúa, niềm ước mong ở lại với Ngài, và ước muốn loan báo về Ngài.

Sau khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Tôi chào thăm tất cả anh chị em, các cư dân thành Roma và những khách hành hương từ Ý và nhiều nơi trên thế giới. Cách đặc biệt, tôi chào đón các thành viên của tổ chức Hermandad Sacramental de Nuestra Señora de los Remedios  đến từ Villarrasa, Tây Ban Nha.

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ sạt lỡ đất ở Côlômbia.

Và chúng ta cũng nhớ đến những người đang hứng chịu tội ác chiến tranh ở rất nhiều nơi trên hoàn cầu, đặc biệt ở Ucraina, Palestin và Israel. Khởi đầu năm mới này, chúng ta hãy biến các vũ khí vẫn đang gây nên chết chóc và huỷ hoại thành những nguyện ước cho hoà bình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nắm quyền trên các cuộc xung đột này biết suy ngẫm một thực tế rằng chiến tranh không phải là phương cách để giải quyết vấn đề, bởi vì nó chỉ gieo rắc cái chết cho thường dân và phá huỷ các thành thị lẫn cơ sở hạ tầng. Nói cách khác, chiến tranh ngày hôm nay tự nó là một tội ác chống lại nhân loại. Chúng ta đừng lãng quên điều này: chiến tranh tự nó là một tội ác chống lại nhân loại. Con người cần hoà bình! Thế giới cần hoà bình! Cách đây vài phút, tôi đã nghe về chương trình “A Sua Immagine”, Cha Faltas, Đại diện Hạt Dòng Thánh Địa tại Giêrusalem: ngài nói về vấn đề giáo dục vì hoà bình. Chúng ta phải giáo dục vì hoà bình. Có thể thấy rằng chúng ta – toàn thể nhân loại – vẫn chưa được giáo dục cho đủ để ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện để có được ân sủng này: giáo dục vì hoà bình.

Tôi cầu chúc tất cả mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Xin không quên cầu nguyện cho tôi. Chúc buổi trưa ngon miệng và hẹn gặp lại!

——————————

Cồ Ngọc Hải dịch

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31