KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B: ĐỀN THỜ LÀ NHÀ, HAY ĐỀN THỜ LÀ CHỢ?

Written by xbvn on Tháng Ba 4th, 2024. Posted in Năm B, Tâm linh, Thế Giới

Trong Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 3/3/2024, Đức Phanxicô đã tập trung vào sự tương phản giữa “nhà và chợ”, minh họa hai cách đến với Chúa: một cách phản ánh mối quan hệ xa cách và thương mại với Thiên Chúa; và cách kia, gần gũi và tin tưởng hơn nhiều. Từ đó, ngài mời gọi các tín hữu hãy xây dựng trong chúng ta và xung quanh chúng ta nhiều nhà hơn và bớt chợ búa hơn, trước hết là với Thiên Chúa, sau đó là lan tỏa tình huynh đệ.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay, Tin Mừng cho chúng ta thấy một khung cảnh khá gay gắt: Đức Giê-su xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Ga 2, 13-25), Đức Giê-su trục xuất những người bán buôn, lật tung bàn của những kẻ đổi tiền, và răn đe mọi người khi nói, “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (c. 16).  Chúng ta hãy chú tâm một chút đến sự tương phản giữa nhà chợ: thật vậy, đây là hai phương cách khác biệt để tiếp cận Chúa.

Trong đền thờ, được hiểu như là chợ, để cảm thấy phải lẽ với Chúa, tất cả những gì người ta phải làm là mua một con chiên, trả tiền và thiêu nó trên đống than ở bàn thờ. Người ta mua, trả tiền, thiêu và sau đó mọi người trở về nhà. Trái lại, trong đền thờ, được hiểu như là nhà, xảy ra ngược hẳn: chúng ta đến đó để gặp gỡ Chúa, gần gũi với Người, với anh chị em của mình, để sớt chia buồn vui. Vả lại, ở chợ, mọi giá cả đều được thương lượng, trong khi đó ở nhà, chẳng có việc tính toán nào; ở chợ, người ta tìm kiếm cái mình thích, còn ở nhà, ta cho đi cách quảng đại. Và hôm nay, Đức Giê-su trở nên gay gắt bởi Ngài không chấp nhận rằng đền thờ-chợ búa  lại thế chỗ cho đền thờ – mái nhà, Ngài không chấp nhận rằng mối tương quan với Thiên Chúa lại trở nên xa cách và mang tính thương mại thay vì thân mật và tin tưởng, Ngài cũng không chấp nhận rằng những quầy bán hàng lại thế chỗ cho bàn ăn gia đình, cũng như giá cả thế chỗ cho những cái ôm chào, và tiền bạc thay thế cho sự âu yếm. Và vì sao Đức Giê-su không chấp nhận điều này? Bởi vì, bằng cách này, một rào cản được tạo ra giữa Thiên Chúa và con người cũng như giữa anh chị em với nhau, trong khi đó, Đức Ki-tô đã đến để mang lại sự hiệp thông, lòng thương xót vốn là sự tha thứ, và mang sự gần gũi nữa.

Lời mời gọi ngày hôm nay, cũng như cho hành trình mùa Chay của chúng ta, là dựng xây một ý thức sâu sắc hơn về mái nhàbớt đi ý thức về chợ búa trong chính chúng ta lẫn xung quanh chúng ta. Trước hết là hướng về Thiên Chúa, bằng cách cầu nguyện nhiều, như đứa trẻ tin tưởng gõ cửa Người Cha mà không mỏi mệt, chứ không như phường buôn bán tham lam và đầy ngờ vực. Vì thế, tiên vàn, bằng cách cầu nguyện. Và sau đó bằng cách lan tỏa tình huynh đệ: có một nhu cầu lớn lao về tình huynh đệ!

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: trước hết, lời cầu nguyện của tôi tựa như điều gì? Phải chăng nó là một cái giá cần được trả, hay là một khoảnh khắc tin tưởng buông mình, mà không phải nhìn vào đồng hồ? Và mối tương quan của tôi với người khác ra làm sao? Liệu tôi có thể cho đi mà không mong chờ đền đáp? Tôi có thể thực hiện bước tiến đầu tiên để phá vỡ những bức tường im lặng và những nỗi trống vắng của khoảng cách không? Chúng ta phải tự vấn mình những câu hỏi này.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta ‘dựng xây nên một mái nhà’ với Thiên Chúa, ở giữa chúng ta và xung quanh chúng ta.

—————————————————

Sau kinh Truyền Tin:

Anh chị em quý mến!

Hằng ngày, tôi vẫn mang trong lòng mình nỗi xót xa, đau thương của những người dân ở Palestine và Israel, vì tình trạng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hàng ngàn người chết, bị thương, mất nơi ăn chốn ở, và sự tàn phá to lớn gây ra đau khổ, và điều này để lại những hậu quả khủng khiếp trên những người bé nhỏ và yếu thế, đang xem thấy tương lai của họ bị phá hoại. Tội tự hỏi: liệu chúng ta có thực sự nghĩ đến việc có thể dựng xây nên một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách này không? Chúng ta có thực nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được hòa bình không? Hãy làm ơn, đủ rồi! Chúng ta hãy nói lên rằng: làm ơn, quá đủ rồi! Hãy dừng lại! Tôi khuyến khích việc tiếp tục đàm phán cho một sự ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và trong toàn khu vực đó, để các con tin có thể được trả tự do ngay và trở về với những người thân yêu đang lo lắng đợi chờ, và thường dân có thể tiếp cận an toàn với viện trợ nhân đạo đang thật sự cấp bách. Và xin chúng ta đừng quên đất nước Ukraina đang chịu khốn khổ, nơi có rất nhiều người chết mỗi ngày. Có quá nhiều khổ đau ở đó.

Ngày 5 tháng Ba đánh dấu Ngày Quốc tế nhận thức về Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân lần thứ hai. Biết bao nguồn tài nguyên bị lãng phí cho việc chi tiêu quân sự, được coi là hậu quả của tình hình hiện tại, đáng buồn thay vẫn tiếp tục gia tăng! Tôi chân thành hy vọng rằng cộng đồng quốc tế nhận thức được việc giải trừ quân bị trước hết là một nghĩa vụ: Việc giải trừ là một trách nhiệm luân lý. Chúng ta hãy ghi nhớ rõ điều này trong tâm trí. Và điều này đòi hỏi lòng can đảm của mọi thành viên trong đại gia đình các quốc gia hầu chuyển từ trạng thái cân bằng của sự sợ hãi sang trạng thái cân bằng của niềm tin.

Tôi chào mừng tất cả anh chị em, những cư dân thành Roma và các khách hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Cách riêng, tôi gửi lời chào đến các sinh viên trường Universidade Senior của Vila Pouca de Aguiar ở Bồ Đào Nha, các sinh viên của học viện “Rodriguez Monino” ở Badajoz và các nhóm giáo xứ đến từ Ba Lan.

Tôi cũng chào thăm những anh chị em vừa được thêm sức từ Rosolina, thuộc giáo phận Chioggia, cùng với các thành viên trong gia đình của họ; các tín hữu từ Padua, Azzano Mella, Capriano và Fenili, Taranto, và giáo xứ Thánh Alberto Cả ở Roma.

Cầu chúc tất cả một ngày Chúa Nhật an lành. Xin không quên cầu nguyện cho tôi. Chúc buổi trưa ngon miệng, và hẹn gặp lại!

————————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30