KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẤT IV THƯỜNG NIÊN NĂM C: ĐỨC TIN NGANG QUA SỰ SẴN SÀNG ỨNG TRỰC VÀ LÒNG KHIÊM TỐN

Written by xbvn on Tháng Một 31st, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Chúa Giêsu “không được tìm thấy bởi những ai tìm kiếm phép lạ – nếu chúng ta tìm kiếm phép lạ, chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa Giêsu – bởi những ai tìm kiếm những cảm giác mới lạ, những kinh nghiệm lạ thường, những điều lạ lùng; …. Không, họ sẽ không tìm thấy Ngài. Thay vào đó, Ngài chỉ được tìm thấy bởi những ai chấp nhận đường lối và những thách thức của Ngài, mà không phàn nàn, không nghi ngờ, không chỉ trích và với khuôn mặt buồn thườn thượt”.

Đức Phanxicô khẳng định như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật IV Thường Niên, ngày 30/1/2022, và ngài nêu lên bà góa ở Sarepta và tướng Naaman, người Syria, như là mẫu gương của một đức tin sẵn sàng và khiếm tốn để đón nhận “đường lối của Thiên Chúa và  các ngôn sứ của Ngài”. Nói cách khác, “Chúa Giêsu đòi hỏi anh chị em chấp nhận Ngài trong thực tại hằng ngày mà anh chị em đang sống; trong Giáo hội hôm nay, như nó là”.

Đức Thánh Cha cho thấy “nguy cơ là ở chỗ chúng ta trở nên quen thuộc, chúng ta quen với Chúa Giêsu. Và theo cách này, làm thế nào chúng ta đã lớn lên quen thuộc? Chúng ta khép mình lại, chúng ta khép mình lại trước sự mới mẻ của Ngài, trước khoảnh khắc Ngài gõ cửa chúng ta và yêu cầu chúng ta điều gì đó mới mẻ”. Và ngài khuyên: “Chúa luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên: đây là vẻ đẹp của cuộc  gặp gỡ với Chúa Giêsu. Thay vào đó, Chúa yêu cầu chúng ta có một tâm trí rộng mở và một tâm hồn đơn sơ.”

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Phụng vụ hôm nay, bài Tin Mừng kể lại bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu ở quê nhà Nadarét của Ngài. Kết cục thật cay đắng: thay vì nhận được sự tán thành, Chúa Giêsu nhận được sự thiếu thấu hiểu và thậm chí là sự thù địch (x. Lc 4, 21-30). Người dân làng của Ngài, thay vì mời lời sự thật, đã muốn phép lạ và những dấu chỉ kỳ diệu. Chúa không thực hiện chúng và họ đã hắt hủi Ngài, bởi vì họ nói họ đã biết Ngài từ khi còn nhỏ: Ngài là con của ông Giuse (x.c.22),…. Vì thế, Chúa Giêsu thốt ra một câu vốn đã trở thành tục ngữ: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (c.24).

Những lời này cho thấy rằng sự thất bại của Chúa Giêsu không hoàn toàn bất ngờ. Ngài biết người dân của mình, Ngài biết tấm lòng của người dân của mình, Ngài biết rủi ro mà Ngài đang gặp phải, Ngài ý thức được sự hắt hủi này. Và, vì thế, chúng ta có thể phân vân: nhưng nhếu như thế này, nếu Ngài đã thấy trước một sự thất bại, tại sao Ngài lại về quê hương của mình? Tại sao lại làm điều tốt cho những ngời không sẵn lòng chấp nhận bạn? Đó là một câu hỏi mà chúng ta quá thường tự hỏi mình. Nhưng đó là một câu hỏi giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa tốt hơn. Đối diện với sự khép kín của chúng ta, Ngài không rút lui: Ngài không kìm hãm tình yêu của mình. Đối diện với sự khép kín của  chúng ta, Ngài tiến tới. Chúng ta thấy điều này phản ảnh nơi các bậc cha mẹ, họ nhận thức được sự vô ơn của con cái mình, nhưng không ngừng yêu thương chúng và làm điều tốt cho chúng vì yêu thương. Thiên Chúa cũng thế, nhưng ở một mức độ cao hơn nhiều. Và hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta tin tưởng vào điều tốt, đừng bỏ qua ý định làm điều tốt nào.

Tuy nhiên, nơi những gì xảy ra ở Nadarét, chúng ta cũng tìm thấy điều gì khác. Sự thù địch đối với Chúa Giêsu từ phía người dân của Ngài gợi lên trong chúng ta: họ không chào đón – nhưng còn chúng ta thì sao? Để chứng thực điều này, chúng ta hãy nhìn vào những mô hình chấp nhận mà Chúa Giêsu đề nghị hôm nay, cho chúng ta và cho những người đồng hương của Ngài. Họ là hai người ngoại quốc: một bà góa từ Sarepta ở Sidon và Naaman, người Syria. Cả hai người đều chào đón các ngôn sứ: trước tiên là ngôn sứ Êlia, thứ đến là ngôn sứ Êlisa. Nhưng đó không phải là một sự đón nhận dễ dàng, nó đã trải qua những thử thách. Bà góa đón  tiếp Êlia, bất chấp nạn đói và cho dù ngôn sứ đang bị bách hại (x. 1V 17, 7-16), ông bị bách hại vì lý do chính trị và tôn giáo. Mặt khác, Naaman, dù là một người ở bậc cao nhất, nhưng đã chấp nhận yêu cầu của ngôn sứ Êlisa, người đã khiến ông phải hạ mình, tắm bảy lần trong một con sông (x. 2V 5, 1-14), như thể ông là một đứa trẻ con không biết gì. Nói tóm lại, bà góa và Naaman đã chấp nhận qua sự sẵn sàng và lòng khiêm tốn. Cách thức đón nhận Thiên Chúa là luôn sẵn sàng, đón tiếp Ngài và khiêm tốn. Đức tin ngang qua đây: sự sẵn sàng và lòng khiêm tốn. Bà góa và Naaman đã không từ chối đường lối của Thiên Chúa và  các ngôn sứ của Ngài; họ ngoan ngoãn, không cứng nhắc và khép kín.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng đi theo con đường của các ngôn sứ: Ngài tự giới thiệu mình như chúng ta không mong đợi. Ngài không được tìm thấy bởi những ai tìm kiếm phép lạ – nếu chúng ta tìm kiếm phép lạ, chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa Giêsu – bởi những ai tìm kiếm những cảm giác mới lạ, những kinh nghiệm lạ thường, những điều lạ lùng; những người tìm kiếm một đức tin được tạo nên từ quyền lực và các dấu hiệu bên ngoài. Không, họ sẽ không tìm thấy Ngài. Thay vào đó, Ngài chỉ được tìm thấy bởi những ai chấp nhận đường lối và những thách thức của Ngài, mà không phàn nàn, không nghi ngờ, không chỉ trích và với khuôn mặt buồn thườn thượt. Nói cách khác, Chúa Giêsu đòi hỏi anh chị em chấp nhận Ngài trong thực tại hằng ngày mà anh chị em đang sống; trong Giáo hội hôm nay, như nó là; nơi những ai gần gũi anh chị em mỗi ngày; nơi thực tại của những ai nghèo túng, nhưng những vấn đề của gia đình anh chị em, nơi cha mẹ của anh chị em, nơi con cái của anh chị em, nơi ông bà, bằng cách đón nhận Thiên Chúa ở đó. Ngài ở đó, mời gọi chúng ta thanh tẩy bản thân trong dòng sông của sự sẵn sàng ứng trực và trong nhiều bể tắm lành mạnh của lòng khiêm tốn. Cần khiêm tốn để gặp gỡ Thiên Chúa, để chúng ta được Ngài gặp gỡ.

Và chúng ta, chúng ta đang đón tiếp hay chúng ta giống với những người đồng hương của Ngài, những người tin rằng họ đã biết mọi sự về Ngài? “Tôi đã học thần học, tôi đã tham gia khóa học giáo lý đó…Tôi biết mọi sự về Chúa Giêsu!” Vâng, như một kẻ ngốc! Đừng ngu ngốc, anh chị em không biết Chúa Giêsu. Có lẽ, sau nhiều năm là những người tin, chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết rõ Chúa, với các ý tưởng và phán đoán của chúng ta, rất thường xuyên. Nguy cơ là ở chỗ chúng ta trở nên quen thuộc, chúng ta quen với Chúa Giêsu. Và theo cách này, làm thế nào chúng ta đã lớn lên quen thuộc? Chúng ta khép mình lại, chúng ta khép mình lại trước sự mới mẻ của Ngài, trước khoảnh khắc Ngài gõ cửa chúng ta và yêu cầu chúng ta điều gì đó mới mẻ, và muốn đi vào với anh chị em. Chúng ta phải ngừng bám vào các lập trường của mình. Và khi một người có một tâm trí cởi mở, một tâm hồn đơn sơ, thì ngời đó có khả năng ngạc nhiên, kinh ngạc. Chúa luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên: đây là vẻ đẹp của cuộc  gặp gỡ với Chúa Giêsu. Thay vào đó, Chúa yêu cầu chúng ta có một tâm trí rộng mở và một tâm hồn đơn sơ. Xin Đức Mẹ, mẫu gương của sự khiêm tốn và sự ứng trực, chỉ cho chúng ta con đường đón tiếp Chúa Giêsu.

—————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31