KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C : HÃY CẨN THẬN VỚI THÓI SAY MÊ BẢN THÂN VÀ NÃO TRẠNG PHÔ TRƯƠNG

Written by xbvn on Tháng Mười 23rd, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Người Pharisiêu và người thu thuế liên quan chặt chẽ đến chúng ta. Nghĩ đến họ, chúng ta hãy nhìn lại chính mình : chúng ta hãy xác minh xem, trong chúng ta, như nơi người Pharisiêu, có sự xác tín về sự công chính của chính mình, điều khiến chúng ta coi thường người khác không ». Đức Phanxicô mời gọi người Kitô hữu tự chất vấn như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 23/10/2022, và đồng thời cảnh giác mọi người trước cám dỗ « say mê bản thân và não trạng phô trương dựa trên hư danh, khiến ngay cả chúng ta là những Kitô hữu, những linh mục và giám mục » luôn có cái tôi trên môi miệng chúng ta.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn với hai nhân vật chính, một người Pharisiêu và một người thu thuế (Lc 18, 9-14), tức là một người mộ đạo và một người tội lỗi công khai. Cả hai người đều lên Đền Thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ người thu thuế mới thực sự nâng mình lên với Chúa, bởi vì anh ta khiêm tốn hạ mình trong sự khiêm hạ của chính mình và thể hiện bản thân như mình là, không đeo mặt nạ, với sự nghèo nàn của mình. Do đó, chúng ta có thể nói rằng dụ ngôn nằm giữa hai chuyển động, được diễn tả bằng hai động từ : đi lên và  đi xuống.

Chuyển động đầu tiên là đi lên. Quả thế, bản văn bắt đầu bằng câu nói : « Có hai người lên đền thờ cầu nguyện » (c. 10). Khía cạnh này gợi lại nhiều đoạn trong Thánh Kinh, trong đó để gặp Chúa, người ta lên núi trước sự hiện diện của Ngài : Abraham lên núi để dâng của lễ ; Môisê lên núi Sinai để nhận các Giới răn ; Chúa Giêsu lên núi nơi Ngài biến hình. Vì thế, đi lên diễn tả nhu cầu của tâm hồn tách mình ra khỏi cuộc sống phẳng lặng để hướng về Chúa ; vươn lên khỏi cao nguyên của cái tôi của chúng ta để hướng lên Thiên Chúa, giải thoát bản thân khỏi cái « tôi » của chính mình ; thu thập những gì chúng ta sống trong thung lũng để mang nó ra trước mặt Chúa. Đây là « đi lên », và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta đi lên.

Nhưng để sống cuộc gặp gỡ với ngài và được biến đổi bằng lời cầu nguyện, để đi lên với Thiên Chúa, một chuyển động thứ hai là cần thiết : đi xuống. Như thế nào ? điều này có nghĩa là gì ? Để đi lên đến Ngài, chúng ta phải đi xuống vào trong bản thân chúng ta : vun trồng sự chân thành và lòng khiêm tốn của tâm hồn mà mang lại cho chúng ta một cái nhìn trung thực về sự yếu đuối và nghèo nàn bên trong của chúng ta. Quả thế, trong sự khiêm tốn chúng ta trở nên có khả năng mang những gì chúng ta thực sự là đến cho Thiên Chúa, mà không tự phụ : những vết thương, những tội lỗi và những khốn khổ đang đè nặng tâm hồn chúng ta, và để cầu xin lòng thương xót của Ngài để Ngài có thể chữa lành chúng ta, phục hồi chúng ta và nâng chúng ta lên. Chính Ngài sẽ nâng chúng ta lên, chứ không phải chúng ta. Chúng ta càng hạ mình khiêm tốn, thì Thiên Chúa càng nâng chúng ta lên.

Quả thế, người thu thuế trong dụ ngôn đã khiêm tốn dừng lại ở đàng xa (x. c.13) – anh ta không đến gần, anh ta xấu hổ – anh ta xin sự tha thứ, và Chúa nâng anh ta lên. Thay vào đó, người Pharisiêu tự tán dương mình, tự tin, xác tín rằng mình tốt : đứng thẳng, ông ta bắt đầu chỉ nói với Chúa về chính mình, tự ca tụng mình, liệt kê tất cả những việc đạo đức tốt lành mà ông làm, và khinh thường người khác : « Con không giống như kẻ đó… ». Bởi vì đây là những gì mà sự kiêu ngạo thiêng liêng thực hiện. « Nhưng thưa cha, tại sao cha nói với chúng còn về sự kiêu ngạo thiêng liêng ? » Bởi vì tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào cái bẫy này. Nó khiến anh chị em nghĩ mình là công chính và xét đoán người khác. Đây là sự kiêu ngạo thiêng liêng : « Tôi tốt lành, tôi tốt hơn người khác : người này làm thế này, người kia làm thế kia… ». Và bằng cách này, mà không nhận ra, anh chị em tôn thờ cái tôi của mình và xóa bỏ Thiên Chúa của anh chị em. Nó tập trung vào bản thân mình. Đây là lời cầu nguyện không có lòng khiêm tốn.

Đức Phanxicô mời các bạn trẻ Bồ Đào Nha ở bên cạnh ngài, và trước mặt mọi người, Đức Thánh Cha là người đầu tiên đăng ký tham dự Ngày quốc tế giới trẻ sẽ diễn ra ở Lisbon vào tháng 8/2023.

Thưa anh chị em, người Pharisiêu và người thu thuế liên quan chặt chẽ đến chúng ta. Nghĩ đến họ, chúng ta hãy nhìn lại chính mình : chúng ta hãy xác minh xem, trong chúng ta, như nơi người Pharisiêu, có sự xác tín về sự công chính của chính mình (x. c. 9), điều khiến chúng ta coi thường người khác không. Chẳng hạn, nó xảy ra khi chúng ta tìm kiếm những lời khen ngợi và luôn lập danh sách những công trạng và việc làm tốt lành của mình, khi chúng ta quan tâm đến việc chúng ta xuất hiện như thế nào hơn là việc chúng ta như thế nào, khi chúng ta để mình bị mắc kẹt bởi thói say mê bản thân và não trạng phô trương. Chúng ta hãy cẩn thận với thói say mê bản thân và não trạng phô trương, dựa trên hư danh, khiến ngay cả chúng ta là những Kitô hữu, những linh mục và giám mục, luôn có một lời trên môi miệng chúng ta. Lời nào ? « Tôi » : « Tôi đã làm điều này, tôi đã viết điều kia, tôi đã nói nó, tôi đã hiểu được nó trước bạn »….Ở đâu có quá nhiều cái « tôi », ở đó có quá ít Thiên Chúa. Ở đất nước của tôi, những người này được gọi là « Tôi, với tôi, cho tôi, chỉ mình tôi », đây là tên của những người đó. Và ngày xưa họ thường nói về linh mục nào giống như thế, tự cho mình là trung tâm, và người ta từng nói đùa rằng, « Khi ngài xông hương, ngài làm ngược lại, ngài xông hương cho bản thân mình ». Nó là như vậy đó ; thậm chí nó làm cho anh chị em có vẻ lố bịch hơn.

Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, người tôi tớ khiêm nhường của Chúa, hình ảnh sống động về những gì Chúa muốn thực hiện, hạ bệ những kẻ quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ khiêm nhường (x. Lc 1, 52).

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31