KINH TRUYỀN TIN LỄ HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ 2022 : HỌC CÁCH TRỞ THÀNH KITÔ HỮU DẦN DẦN QUA THỬ THÁCH

Written by xbvn on Tháng Sáu 30th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm 29/6/2022, kính trọng thể hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, Đức Phanxicô đề cập đến hành trình thiêng liêng của các ngài. Cả hai đều cho thấy rằng trở thành Kitô hữu không phải là một « cuộc dạo chơi trong công viên », nhưng « có một “thời gian học nghề” của đức tin », là bước đi cách kiên nhẫn và khiêm tốn, « học cách trở thành Kitô hữu một cách dần dần, đặc biệt qua những thời gian thử thách ».

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, kính trọng thể hai Thánh Bổn mạng của Rôma, tường thuật lại những lời mà thánh Phêrô nói với Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Đó là một lời tuyên xưng đức tin, mà thánh Phêrô tuyên bố không phải dựa trên sự hiểu biết nhân loại của ngài, nhưng bởi vì Thiên Chúa Cha đã mạc khải điều đó cho ngài (x. c.17). Đối với ngư phủ Simon, được gọi là Phêrô, đó là khởi đầu của một cuộc hành trình: quả thực phải còn lâu nữa  trước khi tầm hiểu biết những lời đó mới đi sâu vào cuộc đời của ngài, dấn thân ngài cách trọn vẹn. Có một “thời gian học nghề” của đức tin, tương tự như của đức tin chúng ta, vốn cũng tác động đến các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúng ta cũng tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng nó cần thời gian, sự kiên nhẫn, và khiêm tốn nhiều để lối suy nghĩ và hành động của chúng ta hoàn toàn tuân theo Tin Mừng.

Thánh Phêrô Tông đồ đã cảm nghiệm được điều này ngay lập tức. Chỉ sau khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu loan báo rằng Ngài sẽ phải chịu đau khổ và bị kết án tử, Phêrô đã chối bỏ viễn cảnh này, mà ngài cho là không tương thích với Đấng Mêsia. Thậm chí ngài cảm thấy buộc phải quở trách Thầy, Đấng sẽ nói với ngài: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (c.23).

Chúng ta hãy xét xem: điều tương tự có xảy ra với chúng ta không? Chúng ta lặp đi lặp lại Kinh Tin Kính, chúng ta nói nó với niềm tin, nhưng khi đối diện với những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, mọi sự dường như chao đảo. Chúng ta có khuynh hướng phản đối Chúa, nói với Người rằng điều đó là không đúng, rằng phải có những cách khác, trực tiếp hơn, ít vất vả hơn. Chúng ta cảm nghiệm sự giằng xé của người tin, tin vào Chúa Giêsu, tin cậy nơi Người; nhưng đồng thời cảm thấy rằng thật khó đi theo Người và bị cám dỗ tìm kiếm những con đường khác với những con đường của Thầy. Thánh Phêrô đã trải nghiệm bi kịch nội tâm này, và ngài cần thời gian và sự trưởng thành. Thoạt đầu, ngài kinh hoàng khi nghĩ đến thập giá; nhưng vào cuối đời, ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa, thậm chí đến độ bị đóng đinh – theo truyền thống – lộn ngược, để không bằng Thầy.

Thánh Phaolô Tông đồ cũng đã có con đường riêng của mình, và ngài cũng đã trải qua sự trưởng thành đức tin chậm rãi, trải nghiệm những thời điểm không chắc chắn và nghi ngờ. Sự hiện ra của Đấng Phục Sinh trên đường đến Damas, vốn đã thay đổi ngài từ một kẻ bắt bở thành một Kitô hữu, phải được xem như là khởi đầu của một cuộc hành trình trong đó thánh Tông đồ phải đương đầu với những khủng hoảng, thất bại, và những dằn vặt triền miên về những gì ngài gọi là “một cái gai trong thân xác” (x. 2Cr 12, 7). Cuộc hành trình đức tin không bao giờ là một cuộc dạo chơi trong công viên, đối với bất kỳ ai, không phải đối với thánh Phêrô hay thánh Phaolô, không phải cho bất kỳ Kitô hữu nào. Cuộc hành trình đức tin không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên, nhưng thay vào đó là những đòi hỏi, đôi khi gian nan. Ngay cả thánh Phaolô, người đã trở thành Kitô hữu, cũng phải học cách trở thành Kitô hữu một cách dần dần, đặc biệt qua những thời gian thử thách.

Dưới ánh sáng của kinh nghiệm này của các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, tôi có làm như thế với ý thức rằng tôi phải luôn học hỏi, hay tôi cho rằng mình “đã hiểu hết rồi”? Và thêm nữa: trong những khó khăn và thử thách, tôi có nản lòng, tôi có phàn nàn, hay tôi học cách biến chúng thành một cơ hội để lớn lên trong niềm tin tưởng vào Chúa? Thật vậy, như thánh Phaolô viết, vì Người đã giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và đưa chúng ta an toàn về thiêng đàng (x. 2Tm 4, 18). Xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông đồ, dạy chúng ta noi gương các ngài bằng cách tiến bộ từng ngày trên con đường đức tin.

—————————————————-

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Mỗi ngày tôi mang trong trái tim tôi đất nước Ucraina thân yêu và bị dày vò, đất nước tiếp tục bị gây đau khổ bởi những cuộc tấn công man rợ, như cuộc tấn công trung tâm mua sắm Kremenchuk. Tôi cầu nguyện để cuộc chiến tranh điên rồ này có thể sớm kết thúc, và tôi tiếp tục lời mời gọi kiên trì, không mệt mỏi, trong việc cầu nguyện cho hòa bình: xin Chúa mở ra những con đường đối thoại mà con người không muốn hay không thể tìm thấy! Và chúng ta đừng lơ là trong việc đến cứu trợ người dân Ucraina đang chịu đau khổ rất nhiều.

Trong những ngày gần đây, một số đám cháy đã bùng phát ở Rôma do nhiệt độ rất cao, trong khi ở nhiều nơi hạn hán đang là một vấn đề nghiêm trọng gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hoạt động nông nghiệp và môi trường. Tôi hy vọng rằng các biện pháp cần thiết sẽ được áp dụng để đối phó với những trường hợp khẩn cấp và ngăn ngừa những trường hợp khẩn cấp trong tương lai. Tất cả những điều này khiến chúng ta suy nghĩ về việc bảo vệ môi trường, vốn là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Đó không phải là mốt nhất thời, đó là một trách nhiệm: tương lai của trái đất nằm trong tay chúng ta và do quyết định của chúng ta.

Hôm nay, số đầu tiên của “L’Osservatore di strada”, nguyệt san mới của nhật báo “L’Osservatore Romano”, đang được phân phát tại quảng trường đây. Trên tờ báo này, những người hèn kém nhất trở thành nhân vật chính: thực tế là người nghèo và bên lề xã hội tham gia vào việc biên soạn, viết lách, cho phép mình được phỏng vấn, làm sáng lên các trang của nguyệt san này, được cung cấp miễn phí. Nếu ai muốn cho cái gì, thì họ có thể cho cách tự nguyện, nhưng hãy lấy nó cách tự do bởi vì đó là công việc tốt đẹp xuất phát từ thường dân, từ người nghèo, như là biểu hiện của những người bị gạt ra bên lề xã hội.

——————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31