LINH MỤC CÓ THỂ NÊN THÁNH KHÔNG? (2)

Written by lcd on Tháng Tám 22nd, 2020. Posted in Linh mục, Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thiên Phong

Đề tài 2:     NÊN THÁNH – MỤC TIÊU TỐI HẬU CỦA SỨ MẠNG KITÔ GIÁO

  1. ‘Nên thánh’: Gạn đục khơi trong từ ngữ và ý niệm

– Hơn 50 năm sau Công đồng Vatican II, dường như nhiều Kitô hữu vẫn nghi ngờ về tiếng gọi nên thánh dành cho mình! Sự nhầm lẫn này thật tai hại, và có nhiều lý do để người ta nhầm lẫn như thế. Có thể vì người ta nghĩ rằng thánh thiện là chuyện cao xa, siêu phàm đối với phận mỏng của mình. Có thể vì quan niệm nên thánh là phải nên giống y như các thánh. Có thể vì thấy nên thánh thì bất lợi cho cuộc sống thực tế. Cũng có thể vì dị ứng, thất vọng, do kinh nghiệm một số kiểu ‘thánh’ xung quanh mình quá nghiệt ngã và phi nhân… Đôi khi người ta chế giễu cả những người nói về việc nên thánh! Cũng có một lý do lịch sử, rất quan trọng: đó là, trong nhiều thế kỷ, trong Giáo hội vẫn khá phổ biến cái quan niệm rằng người giáo dân không có bổn phận phải nên thánh, và nên thánh là việc của thiểu số ‘ưu tú’ mà thôi.

– Thực ra, Kitô hữu theo Chúa Giêsu để trở nên gì nếu không là nên thánh? “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Ở đây dường như Chúa Giêsu chỉ lặp lại điều đã được nêu rõ từ lâu trước đó: “Vì chính Ta là Giavê Thiên Chúa của các ngươi, các ngươi sẽ ở như người thánh và các ngươi hãy là thánh, vì Ta là thánh” (Lv 11,44-45; x. 1Pr 1,16). Hơn nữa, Chúa Giêsu còn thẳng thắn nhấn mạnh với các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Cần nhắc lại rằng các kinh sư và những người Pharisêu là những người đặc biệt đạo đức của Do thái giáo thời đó.

– Đức Phanxicô nói về nên thánh như là ‘trở nên thánh’… Từ ‘nên thánh’ trong ngôn ngữ chúng ta thật là hay, gọn và gần gũi để nói đến chiều hướngtiến trình của con đường này (x. GE 3 và 22)… Có thể tham khảo: “Thành giả, thiên chi đạo dã; thành chi giả, nhân chi đạo dã” (Trung Dung, 20), nghĩa là: ‘Hoàn thiện là đạo của trời, trở nên hoàn thiện: đạo người xưa nay’. Và Friedrich Nietzsche: “L’homme est quelque chose qui doit être dépassé”. Quả thật, từ “nên thánh” trong tiếng Việt là một từ ngữ bình dị nhất để nói về đời sống Kitô hữu. Từ “nên thánh” đặc biệt xác đáng và hàm súc. Nó nói về một tiến trình không ngừng cho phép mình được biến đổi để kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa, Đấng Thánh duy nhất (x. GE 22). Sự biến đổi này hệ tại việc để cho Chúa Giêsu chiếm lấy mình, như kinh nghiệm của Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nói cách khác, chính Chúa Giêsu – trong mức độ Người sống trong tôi – là sự thánh thiện của tôi. Ai cũng được mời gọi nên thánh. Vâng, và cần phải xác nhận rằng: Ai cũng có thể nên thánh!

-Nói cho cùng, mục đích của sứ mạng Giáo hội là nên thánh (chính bản thân Giáo hội và mọi người trong thế giới, trong tư cách cộng đoàn và cá nhân)… Kinh Thánh, thần học, luân lý, cơ chế Giáo hội, mục vụ, phụng vụ, loan báo Tin Mừng là để nên thánh, chẳng nhằm gì khác (x. Ep 1,4)… Trong Tông huấn Gaudete et exsultate, Đức Phanxicô dẫn lời Léon Bloy: “Bi kịch thảm hại duy nhất trong đời sống, đó là không nên thánh!” (số 34). Lưu ý từ “duy nhất” ở đây! Nó muốn nói rằng hễ không nên thánh thì mọi thành công khác, bất kể là gì, cũng đều vô nghĩa, còn hễ nên thánh thì dù cuộc đời thế nào cũng là trọn vẹn ý nghĩa.

  1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay

Tháng 3 năm 2018, Đức Phanxicô công bố Tông huấn Gaudete et exsultate (GE), về lời mời gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, một văn kiện rất thiết thực, gần gũi và đầy tính khích lệ mọi người hiểu và sống ơn gọi nên thánh trong mọi hoàn cảnh đời thường của mình. Để ý rằng đây không phải là một Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng, và nó được Đức Phanxicô chèn vào giữa các giáo huấn chuyên biệt khác, điều này gợi lên tầm quan trọng nền tảng và phổ quát của nó. Ngay từ đầu, Đức thánh cha khẳng định mạnh mẽ: “Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không hài lòng với một hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh” (GE 1).

Tông huấn trên là quà tặng đặc biệt, đáng được mọi Kitô hữu, nhất là các linh mục hôm nay đón nhận và đọc đi đọc lại với lòng trân trọng. Bản văn gồm 5 chương:

Chương 1 nói về con số đông đảo và sự gần gũi của các thánh (‘đám mây chứng nhân’), có rất nhiều thánh ‘vô danh’ chứ không chỉ có các thánh hữu danh; về tính cá vị của tiếng gọi nên thánh, mỗi người mỗi cách không ai giống ai; về đời sống thường ngày là khung cảnh nên thánh trong tầm tay của mọi người; về sứ mạng của mỗi người cũng chính là nẻo đường thánh thiện của người đó, và mức độ thánh thiện tùy ở mức độ cho phép mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô chiếm lấy mình; và về nên thánh chính là nên người, trong ý nghĩa sâu xa nhất của ơn gọi làm người theo mặc khải Kitô giáo.

Chương 2 nhấn mạnh bản chất ân sủng của sự thánh thiện, và cảnh giác về ‘hai kẻ thù tinh vi’ của con đường nên thánh hôm nay, đó là xu hướng dựa vào sự hiểu biết của trí năng (ngộ đạo hiện đại) và xu hướng dựa vào những nỗ lực của ý chí con người (Pêlagiô). [Tham khảo thêm: Thư của Bộ Giáo lý Đức tin Placuit Deo, 3: “Một hình thái mới của thuyết Pêlagiô đang được truyền bá trong thời đại chúng ta, theo đó cá nhân được hiểu là tự trị triệt để, tự coi như mình cứu lấy chính mình, mà không nhận thức rằng ở bình diện sâu thẳm nhất của hữu thể, mình phụ thuộc vào Thiên Chúa và người khác. Theo lối suy tư này, ơn cứu độ tùy thuộc vào sức riêng của cá nhân, hoặc vào những cơ cấu thuần túy nhân loại, không có khả năng tiếp nhận tính mới mẻ của Thần Khí Thiên Chúa.[5] Mặt khác, một hình thái mới của thuyết Ngộ đạo trình bày một mẫu thức về ơn cứu độ thuần túy nội tâm, đóng kín trong tính duy chủ quan của nó.[6] Theo mẫu thức này, ơn cứu độ hệ tại việc tự hoàn thiện bản thân, “nhờ tri thức, có khả năng vượt lên trên xác thịt của Chúa Giêsu, đạt tới những mầu nhiệm thần tính bí ẩn.”]

Chương 3 tiếp cận Các Mối Phúc như những nẻo đường thánh thiện theo Tin Mừng, trong đó Mối Phúc về lòng thương xót được thấy là trung tâm và cốt lõi, mà sự quảng diễn Mối Phúc này được gặp thấy trong câu chuyện Phán xét chung với ‘Tiêu Chuẩn Lớn’ (x. Mt 25,31-46).

Chương 4 lược kể một số dấu hiệu rõ nhất và đáng chú ý nhất của sự thánh thiện ngày nay; đó là: sự kiên trì, nhẫn nại và hiền hòa, niềm vui và khiếu hài hước, tinh thần dũng cảm và say mê, cảm thức cộng đoàn, tâm hồn cầu nguyện…

Chương 5 đề cập bản chất con đường nên thánh là một cuộc chiến đấu thiêng liêng (lưu ý sự hiện hữu và hoạt động của ma quỉ) – điều này giả thiết việc phát huy ơn phân định không ngừng trong mọi việc lớn và nhỏ, để nhận biết và làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Hình như trong lịch sử Giáo hội, chưa từng có giáo hoàng hay Công đồng nào đưa ra một văn kiện giáo huấn chuyên đề về ‘nên thánh’ hay ‘sự thánh thiện’! Gaudete et exsultate (19.3.2018) của Đức Phanxicô vì thế có một ý nghĩa độc đáo. Một phản hồi khá phổ biến nghe được sau khi Tông huấn này được công bố, đó là: “Ôi, Đức thánh cha nói về ‘nên thánh’ nghe thật dễ dàng và gần gũi, có cao xa gì đâu!” Thiết tưởng đó là một dấu hiệu tích cực và lạc quan về sự hưởng ứng của các tín hữu trước thao thức vừa nền tảng vừa cập nhật này của vị cha chung.

  1. Một vài trích dẫn chính lời của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không hài lòng với một hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh (GE 1)… Bi kịch thảm hại duy nhất trong đời sống, đó là không nên thánh (GE 34, Léon Bloy)… Sự thánh thiện không làm cho bạn ít là người hơn, vì đó là một gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa (GE 34)… Sự thánh thiện mà Chúa mời gọi bạn sẽ lớn lên xuyên qua các cử chỉ nhỏ nhoi (GE 16)… Mức độ thánh thiện của một người là mức độ mà Mầu nhiệm Đức Kitô chiếm lĩnh được nơi người ấy (GE 21)…

Đời sống không có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng (GE 27)… Bất cứ gì được làm do bởi bức xúc, kiêu ngạo hay bởi nhu cầu gây ấn tượng cho người khác thì không dẫn tới sự thánh thiện (GE 28)…

Sự hoàn thiện của một người không được đo lường bởi thông tin hay kiến thức mà họ sở đắc, nhưng bởi chiều sâu đức ái của họ (GE 37)… Khi một ai đó có câu trả lời cho mọi vấn đề, thì đó là dấu hiệu rằng họ không đang ở trên con đường đúng đắn (GE 41)… Chúng ta không thể cho rằng mình biết Thiên Chúa không ở đâu (GE 42)… Bạn học là để sống, thần học và sự thánh thiện không thể tách rời nhau (GE 45)… Ân sủng, chính bởi vì dựa trên tự nhiên, không làm cho chúng ta trở thành siêu nhân ngay lập tức (GE 50)…

Khi người ta nhận được ân sủng, thì ân sủng nhận được ấy không thể do người ta xứng đáng (GE 54)…

Nghèo khó trong tâm hồn, đó là thánh thiện (GE 70)… Cư xử với sự hiền lành và khiêm nhường, đó là thánh thiện (GE 74)… Biết cách khóc than với tha nhân, đó là thánh thiện (GE 76)… Đói khát sự công chính, đó là thánh thiện (GE 79)… Biết nhìn và hành động với lòng thương xót, đó là thánh thiện (GE 82)… Giữ một trái tim tự do khỏi tất cả những gì làm ố nhiễm tình yêu, đó là thánh thiện (GE 86)… Gieo rắc sự bình an khắp xung quanh mình, đó là thánh thiện (GE 89)… Chấp nhận sống con đường của Tin Mừng hằng ngày, dù có thể phải trả giá, đó là thánh thiện (GE 94)…

Lòng thương xót là trái tim đang đập của Tin Mừng (GE 97)… Cách tốt nhất để xem việc cầu nguyện của chúng ta có chân thực hay không, đó là xem mức độ mà đời sống chúng ta được biến đổi trong ánh sáng của lòng thương xót (GE 105)… Nếu chúng ta quá quan tâm chính mình, chúng ta sẽ không còn thời giờ cho người khác (GE 107, Têrêsa Calcutta)… Kitô giáo trước hết là cái phải được thực hành (GE 109)…

Các thánh không phung phí năng lực vào việc phàn nàn những điểm yếu của người khác (GE 116)… Các thánh nhìn thấy người khác tốt hơn mình (GE 116)… Nếu không hạ mình, sẽ không có khiêm nhường hay thánh thiện (GE 118)… Các thánh không rụt rè, rầu rĩ, chua chát hay u uất, cũng không mang một vẻ mặt thê thảm, các ngài rất vui tươi và đầy khiếu hài hước lành mạnh (GE 122)…

Lòng dũng cảm và sự can đảm của người tông đồ là một phần thiết yếu của sứ mạng (GE 131)… Đời sống chung được hình thành bởi những điều nhỏ nhặt thường ngày (GE 143)… Tôi không tin vào sự thánh thiện mà không có cầu nguyện (GE 147)…

Quỉ không cần ám chúng ta. Nó đầu độc chúng ta với nọc độc hận thù, u uất, tham lam và đồi bại (GE 161)… Những ai chọn giữ trung lập, những ai hài lòng với sự ít ỏi, sẽ không bao giờ đứng vững (GE 163)… Chiến thắng của Kitô giáo luôn luôn là một thập giá (GE 163)… Sự hư hỏng tâm linh thì tệ hại hơn cả sự sa ngã của một tội nhân, vì đó là một dạng mù quáng làm cho người ta cảm thấy thỏa mãn và yên ổn (GE 165)…

Phân định là một ân ban mà chúng ta phải cầu xin (GE 166)… Chúng ta cần phân định mọi lúc, để có thể nhận ra kế hoạch mà Chúa sắp xếp, và không bỏ hụt những gợi ý Ngài ban cho (GE 169)… Việc phân định thiêng liêng liên quan đến nhiều hơn là thiện ích đời này của tôi (GE 170)… Việc phân định trong cầu nguyện phải xuất phát từ một thái độ sẵn sàng lắng nghe (GE 172)… Phân định không phải là để khám phá xem chúng ta có thể thu nhận gì thêm từ đời sống này, nhưng là để nhận ra bằng cách nào chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mạng được ủy thác cho mình qua Phép Rửa (GE 174)…

Có thể nhận ra, Chương 2 về “Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện” (từ số 35 đến 62) dành cho mọi người, nhưng nhắm trước hết là những người hữu trách trong Giáo hội, trong đó có các linh mục.

Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31