MƯỜI LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ ĐƯA RA CHỌN LỰA ĐÚNG ĐẮN
Trong cuộc sống hằng ngày, làm thế nào thực hiện chọn lựa tốt và đưa ra quyết định đúng đắn ? Với tư cách là tu sĩ dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời bằng cách kín múc trong kho tàng của linh đạo Inhaxiô. Ngài đưa ra 10 chìa khóa để giúp phân định.
Từ ngày 31/8/2022 đến 4/1/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành mười bốn buổi tiếp kiến chung cho loạt bài giáo lý về sự phân định, nghệ thuật đưa ra chọn lựa đúng đắn. Suy tư của ngài về sự phân định dựa vào kinh nghiệm của thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556).
Đức Thánh Cha nói : « Sự phân định tỏ ra như một bài tập của trí tuệ, của kỹ năng và cả ý chí, để nắm bắt thời cơ thích hợp : đây là những điều kiện để đưa ra một chọn lựa tốt. Cần có trí tuệ, kỹ năng và cả ý chí để đưa ra một chọn lựa tốt » (1).
- Cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ và thân mật
« Cầu nguyện là một sự trợ giúp cần thiết cho việc phân định thiêng liêng » vốn cho phép « nói với Chúa cách đơn sơ và thân mật, như người ta nói với một người bạn ». Đó là « đi vào sự thân mật với Chúa, bằng một tình cảm tự phát ».
Không cần những lời đao to búa lớn, không cần đọc kinh « như con vẹt », lời cầu nguyện của chúng ta có thể đơn sơ như một nụ cười hay một lời chào.
Một dấu hiệu không đánh lừa : « Khi tôi gặp Chúa trong lời cầu nguyện, tôi trở nên vui mừng. (…) Trái lại, buồn bã, hay sợ hãi, là những dấu hiệu xa rời Ngài là Thiên Chúa » (3).
- Biết mình
Để đưa ra chọn lựa đúng đắn, còn phải biết mình. « Nó liên quan đến các khả năng của con người chúng ta: trí nhớ, trí tuệ, ý chí, tình cảm » (4). Chúng ta phải chú ý đến « cách hành động của chúng ta », « những tình cảm chi phối chúng ta », « những tư tưởng lặp đi lặp lại điều kiện hóa chúng ta, mà thường chúng ta không biết. »
Làm thế nào để đạt được nó ? Bằng cách vào cuối ngày nhìn lại « hành trình của cảm xúc » : « Điều gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi trong ngày hôm nay? (…) Điều gì đã khiến tôi phản ứng ? Điều gì đã làm tôi buồn ? Điều gì làm tôi vui ? Có điều gì sai và tôi có làm tổn hại người khác không ? »
Không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được điều đó một mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị việc đồng hành thiêng liêng, công việc « sẽ giúp vạch trần những hiểu lầm, thậm chí là nghiêm trọng, trong lòng tự trọng của chúng ta và trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. » Điều đó « nêu bật nhiều suy nghĩ tiêu cực thường chi phối và làm rối loạn chúng ta (…), để chúng ta có thể cảm thấy được Chúa yêu thương và quý trọng như chúng ta là, có khả năng làm những điều tốt đẹp cho Người ».
- Đọc lại cuốn sách của đời mình
Đức Thánh Cha mô tả điều đó cách rất hay như sau : « Cuộc đời của chúng ta là « cuốn sách » quý giá nhất được ban cho chúng ta, một cuốn sách mà thật không may nhiều người không đọc, hay đúng hơn, họ đọc quá muộn, trước khi chết. Tuy nhiên, chính trong cuốn sách đó mà người ta tìm thấy những gì người ta tìm kiếm một cách vô nghĩa ở nơi khác » (5).
Cách đọc này tập trung vào ý nghĩa của các sự kiện. Phân định, đó là vượt ra ngoài hành động cụ thể để đặt nó trong bối cảnh rộng lớn hơn : « Tư tưởng này đến từ đâu ? Bây giờ tôi đang cảm thấy gì, nó đến từ đâu ? Nó dẫn tôi về đâu, bây giờ tôi đang nghĩ gì ? Tôi đã gặp nó khi nào chưa ? Nó có phải là điều gì mới chỉ xuất hiện trong tâm trí tôi bây giờ không, hay tôi đã tìm thấy nó vào những lần khác ? Tại sao nó dai dẳng hơn những thứ khác ? Với điều này, cuộc sống đang muốn nói với tôi điều gì ? ».
Cách này giúp xua đuổi « những tư tưởng khiến chúng ta xa rời mình », và « những thông điệp định kiến làm hại chúng ta » (tôi vô dụng, mọi sự tồi tệ đối với tôi, tôi sẽ không bao giờ thành công).
Đức Phanxicô nói : dừng lại và nhận ra những gì đi qua cuộc đời chúng ta cũng sẽ « cho phép nhận thấy những phép lạ nhỏ mà Thiên Chúa nhân lành thực hiện mỗi ngày cho chúng ta », cũng như « những hướng khả thi khác vốn củng cố hương vị nội tâm, sự bình an và tính sáng tạo».
Câu chuyện về các sự kiện trong cuộc đời chúng ta cũng cho phép chúng ta « nắm bắt được những sắc thái và chi tiết quan trọng, vốn có thể tiết lộ chúng là những trợ giúp có giá trị, cho đến nay vẫn được che giấu ».
- Lắng nghe ước muốn sâu xa của mình
Đức Thánh Cha giải thích thêm (6) : phân định là « một hình thức tìm kiếm, và việc tìm kiếm luôn bắt nguồn từ một thứ mà chúng ta đang thiếu nhưng chúng ta lại biết cách nào đó, thứ mà chúng ta trực giác được… Ước muốn là nỗi hoài niệm về sự viên mãn vốn không bao giờ tìm thấy được sự lấp đầy trọn vẹn, và là dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta… Nó gợi lên một sự đau khổ, một sự thiếu thốn, và đồng thời là một sự căng thẳng để đạt tới điều thiện hảo chúng ta đang thiếu.» Được hiểu như thế, ước muốn của chúng ta do đó là « chiếc la bàn cho phép hiểu tôi đang ở đâu và tôi đi về đâu ». Biết rằng, « khác với sự thèm muốn hay cảm xúc nhất thời, ước muốn kéo dài theo thời gian, thậm chí lâu dài, và có xu hướng được cụ thể hóa ».
Để chạm tới ước muốn sâu xa nhất, chúng ta có thể để cho câu hỏi của Chúa Giêsu với người mù thành Giêricô vang lên trong lòng mình : « Anh muốn tôi làm gì cho anh ?» (Mc 10, 51). Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Khi đối thoại với Chúa, chúng ta học cách hiểu những gì chúng ta thực sự muốn trong cuộc sống của mình » .
- Nhận biết sự an ủi đích thực
Trên con đường « tìm kiếm sự thiện đích thực của chúng ta » (7), người tín hữu biết rằng mình đang đi đúng đường khi cảm nghiệm được « sự an ủi » được biểu lộ bằng sự bình an và niềm vui bền vững.
Đức Thánh Cha cho thấy : « Sự an ủi thiêng liêng là một kinh nghiệm sâu xa về niềm vui nội tâm, vốn cho phép nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự… Đó không bao giờ là điều gì đó tìm cách ép buộc ý chí của chúng ta, đó cũng không phải là một sự hưng phấn thoáng qua… Sự an ủi trước tiên liên quan đến niềm hy vọng, nó hướng tới tương lai… Sự an ủi thúc đẩy bạn tiến về phía trước và làm những điều mà vào lúc phiền muộn, bạn sẽ không thể làm được ; nó thúc đẩy bạn thực hiện bước đầu tiên. »
- Đừng để mình bị đánh lừa bởi sự an ủi giả tạo
Cần phải học phân biệt « sự an ủi giả tạo », thường được biểu lộ bằng một « sự nhiệt tình thoáng qua », « sụp đổ và biến mất ». Sự an ủi giả tạo để lại « sự trống rỗng » và thường dẫn đến « khép kín nơi chính mình, và không quan tâm đến người khác ».
Mối nguy hiểm, đó là tìm kiếm sự an ủi « như một mục đích tự thân, một cách ám ảnh, và chúng ta quên đi Chúa của sự an ủi ». Mối nguy như thế sẽ là sống mối tương quan với Thiên Chúa « một cách trẻ con, khi tìm kiếm lợi ích riêng của chúng ta, cố gắng giảm thiểu Thiên Chúa thành một đối tượng cho việc sử dụng và hưởng thụ riêng của chúng ta, quên đi món quà đẹp nhất là chính Thiên Chúa .»
- Giải mã kinh nghiệm phiền muộn
Ngược với sự an ủi, sự phiền muộn là một tình trạng rối loạn, lo lắng, bất mãn, buồn chán, nản lòng…Nó có thể mang một thông điệp ẩn giấu vốn có thể giúp chúng ta điều chỉnh lại hướng đi của mình. Đức Thánh Cha nói : « Sự buồn phiền đôi khi đóng vai trò đèn đỏ : « Hãy dừng lại, dừng lại ! Đèn đỏ. Dừng lại » (8).
« Sự rung động của tâm hồn » này có thể trở thành một « cơ hội tăng trưởng » : « Thiên Chúa chạm đến tâm hồn và điều gì đó trỗi dậy trong bạn, sự buồn phiền, sự hối hận về điều gì đó, và đó là lời mời gọi bắt đầu một cuộc hành trình ». Tại sao tôi buồn phiền ? Điều gì gây ra sự phiền muộn của tôi ?
- Đừng nản lòng
Cần phải tiếp tục tỉnh thức khi chúng ta trải qua tình trạng phiền muộn. « Đối với ai (…) có ước muốn làm điều thiện, sự buồn phiền là một trở ngại mà tên cám dỗ muốn là chúng ta nản lòng ». Trong trường hợp này, cần phải hành động « theo cách hoàn toàn trái ngược với những gì đã được gợi ý, quyết tâm theo đuổi những gì chúng ta đã đề xuất làm (…) ». Chúng ta không thể thay đổi hướng đi trong cơn bão : « Một quy tắc khôn ngoan nói rằng đừng thay đổi khi bạn phiền muộn. Chính thời gian sẽ theo sau, hơn là tâm trạng vào thời điểm này, sẽ cho thấy căn cứ của các chọn lựa của chúng ta hay không ».
- Nhận ra những dấu hiệu của một quyết định đúng đắn
Sau khi phân định những thuận lợi và khó khăn của quyết định được đưa ra, hãy chú ý đến các chuyển động trong tâm hồn (sự an ủi, sự phiền muộn), sau khi cầu nguyện, đến lúc phải quyết định (9).
Quyết định là đúng đắn khi :
→ Nó không được đưa ra dưới tác động của « sợ hãi », của sự « tống tiền về mặt tình cảm » hay « sự ép buộc » ;
→ Nó mang lại « sự bình an kéo dài theo thời gian (…). Một sự bình an mang lại sự hòa hợp, hiệp nhất, hăng say, nhiệt thành » ;
→ Nó mang lại cảm giác « ở đúng chỗ đứng của mình trong cuộc sống », trong sự « thanh thản tinh thần », với khả năng có thể đương đầu « những khó khăn nảy sinh bằng một nghị lực và sức mạnh tâm hồn mới mẻ » ;
→ Nó khiến chúng ta được « tự do với những gì đã được quyết định, sẵn sàng chất vấn nó, thậm chí từ bỏ nó khi đối diện với những lời từ chối có thể xảy ra, bằng cách tìm thấy ở đó một giáo huấn khả thi từ Chúa ».
- Tiếp tục tỉnh thức
Một khi quyết định được đưa ra, cần phải tiếp tục tỉnh thức. Chúa Kitô mời gọi các môn đệ tỉnh thức (Lc 12, 35-37). Đức Thánh Cha giải thích : « Đây không phải là một nguy hiểm thuộc trật tự tâm lý, nhưng là tâm linh, một cạm bẫy thực sự của thần dữ » (9).
Tỉnh thức, đó là « giữ gìn tâm hồn chúng ta và hiểu những gì đang diễn ra bên trong ». Đó là « thái độ thông thường cần được chấp nhận trong cách cư xử của cuộc sống, để những chọn lựa tốt của chúng ta, đôi khi được tiến hành sau một cuộc phận định đầy đòi hỏi, được thực hiện cách kiên trì và nhất quán, và sinh hoa kết trái. ». Vì nguy hiểm đang rình rập những ai « quá tự tin về mình, mất đi sự khiêm tốn canh giữ lòng mình », và quên cậy trông vào ơn Chúa. (10)
Ba phương thế để duy trì tỉnh thức :
→ Dựa vào Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo hội : những điều này giúp chúng ta « đọc được những gì đang khuấy động trong tâm hồn chúng ta, học cách nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và phân biệt tiếng nói này với những tiếng nói khác vốn có vẻ sinh động đối với sự chú ý của chúng ta, nhưng cuối cùng lại khiến chúng ta bối rối.» Phương thế tốt nhất để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa ? Đọc một đoạn Tin Mừng, năm phút mỗi ngày, thậm chí một phút cũng đủ… « Hãy để Lời Chúa đến gần tâm hồn anh chị em ».
→ Sống tương quan với Thiên Chúa như một mối tương quan tình bạn. « Ngài muốn chúng ta trở nên bạn hữu của Ngài. Tình bạn với Thiên Chúa có thể thay đổi tâm hồn. … Khi chúng ta cảm nghiệm được điều này, thì trái tim của chúng ta tan chảy và những nghi ngờ, những sợ hãi, những cảm giác bất xứng bị tan biến. Không gì có thể cản trở tình yêu thương đến từ việc tiếp xúc với Chúa này. »
→ Xin « ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện trong chúng ta và dạy dỗ chúng ta, làm cho Lời Chúa mà chúng ta đọc trở nên sống động, gợi lên những ý nghĩa mới mẻ, mở những cánh cửa xem ra bị đóng lại, chỉ ra những lối đi trong cuộc sống mà dường như chỉ có bóng tối và bối rối. »
Đức Thánh Cha kết luận : « Mục tiêu của sự phân định là nhận ra ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc sống của tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi không bao giờ đơn độc, và nếu tôi đang chiến đấu, thì đó là vì tiền cược của trò chơi là rất cao. Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta.»
————————-
(1) Bài giáo lý số 1. Phân định nghĩa là gì ?
(2) Linh Thao § 53.
(3) Bài giáo lý số 3. Sự thân mật với Chúa.
(4) Bài giáo lý số 4. Biết mình; và số 14. Đồng hành thiêng liêng
(5) Bài giáo lý số 6. Cuốn sách của cuộc đời mình
(6) Bài giáo lý số 5. Ước muốn
(7) Bài giáo lý số 9. Sự an ủi ; và số 10. Sự an ủi đích thực.
(8) Bài giáo lý số 7. Sự phiền muộn; và số 8. Tại sao chúng ta phiền muộn ?
(9) Bài giáo lý số 11. Xác nhận quyết định đúng đắn
(10) Bài giáo lý số 12. Tỉnh thức
——————————————-
Tý Linh
(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO