NGƯỜI CÔNG GIÁO AFGHANISTAN LÀ AI ?

Written by xbvn on Tháng Tám 17th, 2021. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Là thừa sai dòng thánh Barnabê và là linh mục Công giáo cuối cùng ở Afghanistan, cha Giovanni Scalese, người Ý, hôm 14/8/2021, đã mạnh mẽ kêu gọi cầu nguyện cho đất nước Afghanistan, hôm trước ngày thủ đô Kabul bị Taliban chiếm giữ. Trong lãnh thổ Hồi giáo, cộng đồng Công giáo này, bao gồm các công dân nước ngoài, có rất ít người thực hành đạo.

« Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho Afghanistan ». Ở micro của Radio Vatican, giọng nói của cha Scalese, 64 tuổi, linh mục duy nhất ở Afghanistan, biểu lộ, hôm 14/8, một nỗi lo âu bất lực. « Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng ».

Là Bề trên từ năm 2014 của miền truyền giáo địa phương biệt lập, giống với một giáo phận, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, được Đức Gioan-Phaolô II thiết lập vào năm 2002, ngài đã không thể làm chứng, vào giai đoạn này, về những nguy hiểm tức thời đối với cộng đồng Công giáo địa phương. Cộng đồng này, bao gồm những công dân nước ngoài, có rất ít người thực hành đạo, thường quy tụ trong ngôi nhà nguyện duy nhất của đất nước, nằm ở Tòa đại sứ Ý ở Kabul.

Sau sự sụp đổ của các lực lượng chính phủ và cuộc chạy trốn ra nước ngoài của Tổng thống Ashraf Ghani, nhiều tín hữu đã – hay từ nay phải – được sơ tán để hồi hương. Năm 2018, cha Scalese đã cho biết : « Giáo hội Afghanistna được tạo nên bởi cộng đồng quốc tế, bao gồm các nhân viên ngoại giao và kỹ thuật. Cách đây chừng mười năm, cũng có nhiều công nhân nước ngoài – nhất là người Phi Luật Tân -, đã phải rời khỏi đất nước, vì họ bị coi là ăn cắp việc làm của người Afghanistan. Ngày nay, chỉ còn một số người ».

« Afghanistan chưa bao giờ là một đất nước Kitô hữu. Ngày nay, ít ra là cách chính thức, không còn Kitô hữu Afghanistan nữa (…). Từ khi được thiết lập, miền truyền giáo Công giáo chưa bao giờ rửa tội cho bất kỳ công dân Afghanistan nào. Làm việc đó có nghĩa là mạo hiểm mạng sống của họ », cha nói tiếp và đồng thời nhắc lại lúc đó rằng điều ba của Hiến pháp Afghanistan quy định rằng « không có luật nào có thể trái ngược với tín ngưỡng và quy định của tôn giáo thánh thiêng của Hồi giáo ». Ở Afghanistan, sự bội giáo và việc chiêu dụ tín đồ sẽ bị trấn áp cách nghiêm khắc.

Về mặt lịch sử, sự tồn tại của một số Tòa Giám mục trên lãnh thổ Afghanistan có từ thế kỷ thứ III. Cha Scalese cho biết : « Giữa thế kỷ V và VI, ít ra bảy giáo phận đã được thành lập, thuộc về điều mà chúng ta gọi là ‘Giáo hội Đông Phương’, hay Nestoriô. Vào thế kỷ VII, đã có cuộc chinh phục Hồi giáo, nhưng nó không đưa đến sự biến mất lập tức của Kitô giáo. Sự hiện diện Kitô giáo chỉ bị xóa sổ khỏi Afghanistan vào thế kỷ XIV. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, có một cộng đồng Armênia ở Kabul ». Các giáo sĩ dòng Thánh Phaolô – dòng truyền giáo được thiết lập ở Milanô vào thế kỷ XVI, cũng được biết dưới danh  xưng Barnabê -, đã đến Afghanistan vào năm 1933.

Sau buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 15/8/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ mối quan tâm lo lắng cho Afghanistan. Kêu gọi các tín hữu cầu xin « Thiên Chúa của hòa bình » để « tiếng ồn ào của vũ khí ngưng đi và để các giải pháp có thể được tìm thấy ở bàn đối thoại », ngài còn nhấn mạnh rằng đó là cách duy nhất để « người dân tử vì đạo của đất nước này » có thể trở về nhà mình và « sống trong hòa bình và an ninh trong sự tôn trọng hoàn toàn đối với người khác »

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30