SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO LẦN THỨ 95 : « CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ NÍN LẶNG VỀ ĐIỀU CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ NGHE » (Cv 4, 20)

Written by xbvn on Tháng Mười 15th, 2021. Posted in Sứ điệp, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

“Ơn gọi truyền giáo không phải là điều gì đó của quá khứ hay là một kỷ niệm lãng mạn của ngày xa xưa. Hôm nay, Chúa Giêsu cần đến những tâm hồn có khả năng sống ơn gọi của mình như là một câu chuyện tình yêu đích thực, làm cho họ đi ra đến các vùng ngoại biên của thế giới và trở thành những sứ giả và những dụng cụ của lòng trắc ẩn. Và đó là lời kêu gọi mà Ngài nói với mọi người, cho dù không theo cùng một cách thức.” Đó là lời kêu gọi của Đức Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Giáo 2021.

Và đồng thời, ngài cũng nhắc nhở : “Chúng ta hãy nhớ rằng có những vùng ngoại biên vốn gần chúng ta, ở trung tâm một thành phố, hay trong chính gia đình của mình. Cũng có một khía cạnh mở ra phổ quát của tình yêu không phải là địa lý nhưng là hiện sinh. Luôn luôn, nhưng đặc biệt vào thời gian đại dịch này, điều quan trọng là phát triển khả năng thường ngày mở rộng phạm vi của chúng ta, đạt tới những người mà tự nhiên chúng ta không cảm thấy như là một phần của “trung tâm lợi ích của chúng ta”, cho dù họ ở gần chúng ta (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 97). Sống sứ mạng, đó là mạo hiểm phát triển chính những tâm tình của Chúa Kitô Giêsu và cùng với Ngài tin rằng người ở bên cạnh tôi cũng là anh chị em của tôi. Ước gì tình yêu trắc ẩn của Ngài cũng đánh thức tâm hồn chúng ta và làm cho hết thảy chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo.”

Nhất là “trong thời gian đại dịch này, đối diện với cám dỗ che giấu và biện minh cho sự dửng dưng và vô cảm nhân danh một sự giãn cách xã hội lành mạnh, thì sứ mạng của lòng trắc ẩn, có khả năng biến sự giãn cách cần thiết thành một nơi gặp gỡ, săn sóc và thăng tiến, là cấp bách.”

 “Vào Ngày thế giới truyền giáo, được cử hành mỗi năm vào ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng Mười, với lòng biết ơn chúng ta nhớ đến tất cả những người mà chứng tá đời sống của họ giúp chúng ta canh tân sự cam kết của chúng ta khi chịu bí tích rửa tội, muốn trở thành những tông đồ quảng đại và vui tươi của Tin Mừng. Đặc biệt chúng ta nhớ đến những người đã có thể lên đường, rời bỏ vùng đất và gia đình của mình để Tin Mừng có thể nhanh chóng và không sợ hãi đạt tới các dân tộc và các thành thị xa xôi nhất nơi mà có nhiều cuộc sống đang khao khát lời phúc lành.”

Dưới đây là Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2021:

Anh chị em thân mến,

Khi chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, khi chúng ta nhận ra được sự hiện diện Hiền Phụ của Ngài trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, thì chúng ta không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng ta đã thấy và đã nghe.Mối tương quan của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, nhân tính của Ngài được mạc khải cho chúng ta trong mầu nhiệm nhập thể, trong Tin Mừng của Ngài và trong cuộc Vượt qua của Ngài cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương nhân loại chúng ta đến mức nào và biến niềm vui và đau khổ của chúng ta, ước vọng và ưu sầu của chúng ta thành của Ngài như thế nào (x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, số 22). Trong Chúa Kitô, tất cả đều nhắc nhở chúng ta rằng thế giới mà chúng ta đang sống và nhu cầu cứu chuộc của nó không xa lạ với Ngài và cũng mời gọi chúng ta cảm thấy mình là phần chủ động của sứ mạng này: “Vậy các ngươi hãy đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22, 9); không ai là xa lạ, không ai có thể cảm thấy mình xa lạ hay xa rời với tình yêu trắc ẩn này.

Kinh nghiệm của các Tông đồ

Lịch sử loan báo Tin Mừng bắt đầu bằng việc say mê tìm kiếm Chúa, Đấng kêu gọi và muốn khai mở với mỗi người, ở nơi họ sống, một cuộc đối thoại tình bạn (x. Ga 15, 12-17). Các Tông đồ là những người đầu tiên tường  thuật cho chúng ta điều đó, thậm chí còn nhớ ngày giờ họ đã gặp Ngài: “Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều” (Ga 1, 39). Tình bạn với Chúa, thấy Ngài chữa lành các bệnh nhân, ăn uống với người tội lỗi, nuôi dưỡng người đói khổ, gần gũi người bị loại trừ, chạm đến những người ô uế, đồng hóa với những người túng thiếu, mời gọi đến các mối phúc, giảng dạy cách mới mẻ và đầy uy quyền, đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ, có khả năng khơi lên sự ngạc nhiên và một niềm vui rộng mở và nhưng không vốn không thể kìm lại. Như ngôn sứ Giêrêmia đã nói, kinh nghiệm này là ngọn lửa rực cháy của sự hiện diện năng động của Ngài trong tâm hồn chúng ta, thúc đẩy chúng ta đến sứ mạng, cho dầu đôi khi nó bao hàm những hy sinh và những hiểu lầm (x. 20, 7-9). Tình yêu thì luôn luôn chuyển động và khiến chúng ta chuyển động để chia sẻ lời loan báo tốt đẹp nhất, nguồn mạch hy vọng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1, 41).

Với Chúa Giêsu, chúng ta đã thấy, đã nghe và đã cảm nhận rằng mọi sự đều có thể khác đi. Ngay hôm nay, Ngài đã khai mở thời kỳ sắp đến bằng cách nhắc nhở cho chúng ta một đặc tính thiết yếu của bản tính nhân loại của chúng ta, vốn rất thường bị quên lãng: “Chúng ta đã được tạo dựng cho sự viên mãn vốn chỉ được đạt tới trong tình yêu” (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 68). Thời đại mới khơi dậy một đức tin có khả năng cổ võ những sáng kiến và rèn luyện các cộng đồng từ những người nam và người nữ vốn học lãnh lấy trách nhiệm về sự mỏng giòn của mình và của tha nhân, bằng cách thăng tiến tình huynh đệ và tình bạn xã hội (x. ibid., số 67). Cộng đoàn Giáo hội cho thấy vẻ đẹp của mình mỗi khi nhắc nhớ với lòng biết ơn rằng Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4, 19). “Tình yêu thương trìu mến này của Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên và, tự bản chất, chúng ta không thể sở hữu hay áp đặt sự ngạc nhiên cảm mến. […] Chỉ bằng cách này mà phép lạ của sự nhưng không, của việc trao hiến chính mình cách nhưng không, mới có thể được thực hiện. Ngay cả lòng nhiệt huyết truyền giáo không bao giờ có thể đạt được do một sự lý luận hay tính toán. Sự kiện đặt mình trong “tình trạng truyền giáo” là một phản ảnh của lòng biết ơn” (Sứ điệp cho Các Hội Giáo hoàng truyền giáo, 21/5/2020).

Thế nhưng, thời gian đã không phải luôn luôn dễ dàng; các Kitô hữu đầu tiên đã bắt đầu đời sống đức tin của mình trong một bầu khí thù nghịch và khó khăn. Những câu chuyện về việc bị gạt ra bên lề xã hội và giam cầm đan xen với sự kháng cự bên trong và bên ngoài mà có vẻ mâu thuẫn và thậm chí phủ nhận những gì họ đã thấy và đã nghe; nhưng điều đó, thay vì là một khó khăn hay một trở ngại làm cho họ rút lui hay khép kín nơi chính mình, đã thúc đẩy họ biến mọi phiền toái, trái nghịch và khó khăn thành cơ hội truyền giáo. Những giới hạn và những trở ngại đã trở nên một nơi ưu việt để xức dầu mọi sự và mọi người bằng Thánh Thần của Chúa.

Không có gì và không ai có thể xa lạ với lời loan báo giải thoát. Chúng ta có chứng tá sống động cho tất cả điều đó trong sách Công vụ Tông đồ, cuốn sách mà các môn đệ truyền giáo luôn giữ trong tay. Đó là cuốn sách kể lại làm thế nào hương thơm Tin Mừng đã được lan tỏa nơi mình đi qua, khơi dậy niềm vui mà chỉ Chúa Thánh Thần mới có thể mang lại cho chúng ta. Sách Công vụ Tông đồ dạy chúng ta sống những thử thách bằng cách bám lấy Chúa Kitô, để làm cho chín chắn hơn “niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hành động  trong mọi hoàn cảnh, ngay cả ở giữa những thất bại hiển nhiên bên ngoài” và sự vững tin rằng “ai hiến mình và phó thác cho Thiên Chúa bằng tình yêu chắc chắn sẽ phong nhiêu” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 279).

Bởi thế, đối với chúng ta cũng vậy: thời điểm hiện nay của lịch sử chúng ta cũng không dễ dàng. Cơn đại dịch đã phơi bày và làm gia tăng nỗi đau thương, sự cô đơn, sự nghèo khổ và những bất công mà biết bao người đã phải chịu, và đã vạch trần những an toàn giả tạo của chúng ta cũng như những chia rẽ và phân cực đang âm thầm xâu xé chúng ta. Những người mong manh và tổn thương nhất còn cảm nghiệm hơn nữa sự tổn thương và mong manh của mình. Chúng ta đã trải qua sự chán nản, sự vỡ mộng, sự mệt mỏi; và ngay cả sự cay đắng của người dễ ngã theo người khác (conformiste) vốn lấy đi niềm hy vọng, đã có thể xâm chiếm cái nhìn của chúng ta. Nhưng chúng ta, “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa; và chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” (x. 2 Cr 4, 5). Đó là lý do vì sao chúng ta nghe âm vang trong các cộng đoàn và gia đình của chúng ta Lời sự sống đang vang vọng trong tâm hồn chúng ta và nói với chúng ta: “Ngài không ở đây, Ngài đã phục sinh” (Lc 24, 6); Lời hy vọng phá tan mọi thuyết tất định và, đối với những ai để cho mình được chạm đến, [Lời này] mang lại sự tự do và sự táo bạo cần thiết để đứng vững và tìm kiếm cách sáng tạo mọi cách thức khả thể để sống lòng trắc ẩn, vốn là “dấu chỉ bí tích” của sự gần gũi của Thiên Chúa đối với chúng ta, Đấng không bỏ rơi ai bên vệ đường.

Trong thời gian đại dịch này, đối diện với cám dỗ che giấu và biện minh cho sự dửng dưng và vô cảm nhân danh một sự giãn cách xã hội lành mạnh, thì sứ mạng của lòng trắc ẩn, có khả năng biến sự giãn cách cần thiết thành một nơi gặp gỡ, săn sóc và thăng tiến, là cấp bách. “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20), lòng thương xót, mà chúng ta đã được đối xử, được biến thành điểm quy chiếu và khả tín cho phép chúng ta tìm thấy lại đam mê chung để tạo nên “một cộng đoàn thuộc về và liên đới mà chúng ta sẽ dành thời gian, công sức và của cải” (Thông điệp Fratelli tutti, số 36). Chính Lời của Ngài hằng ngày cứu chuộc và giải thoát chúng ta khỏi những lý do khiến chúng ta khép kín nơi sự hoài nghi thấp hèn nhất: “Chẳng quan trọng gì, sẽ không có gì thay đổi”. Và đối diện với câu hỏi: “Tại sao tôi lại phải từ bỏ sự an toàn của tôi, sự tiện nghi của tôi và những thú vui của tôi nếu tôi không thể thấy bất kỳ kết quả quan trọng nào?”; thì câu trả lời vẫn luôn như vậy: “Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và Ngài tràn đầy quyền năng. Chúa Giêsu thực sự đang sống” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 275). Và Ngài cũng muốn chúng ta được sống, có tình huynh đệ và có khả năng đón nhận và chia sẻ niềm hy vọng này. Trong bối cảnh hiện nay, có một nhu cầu cấp bách về những người loan truyền niềm hy vọng, những người mà được Chúa xức dầu, có khả năng nhắc nhở một cách ngôn sứ rằng không ai được cứu một mình.

Như các Tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi, chúng ta cũng tự nhủ bằng tất cả sức lực của mình: “Chúng tôi không thể nín lặng về điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20). Tất cả những  gì chúng ta đã lãnh nhận, tất cả những gì Chúa đã ban cho chúng ta dần dần, Ngài đã ban cho chúng ta để chúng ta phát huy chúng và trao ban chúng cách nhưng không cho người khác. Như các Tông đồ đã thấy, đã nghe và đã chạm đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu (x. 1Ga, 1-4) thế nào, thì ngày nay chúng ta có thể chạm đến thân xác đau khổ và vui tươi của Chúa Kitô trong lịch sử mỗi ngày như thế và khuyến khích chúng ta chia sẻ với mọi người một số phận hy vọng, là đặc tính không thể nghi ngờ vốn nảy sinh từ sự kiện biết mình được Chúa đồng hành. Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta không thể giữ Chúa cho riêng mình: sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội diễn tả giá trị trọn vẹn và công khai của mình trong việc biến đổi thế giới và trong việc bảo vệ công trình tạo dựng.

Một lời mời gọi đến mỗi người chúng ta

Chủ để của Ngày thế giới truyền giáo năm nay, “Chúng tôi không thể nín lặng về điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20), là một lời mời gọi đến mỗi người chúng ta hãy “đảm nhận trách nhiệm này” và cho người ta biết những gì chúng ta có trong tâm hồn. Sứ mạng này đã và đang luôn luôn là căn tính của Giáo hội: “Giáo hội tồn tại để loan báo Tin Mừng” (Thánh Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 14). Đời sống đức tin của chúng ta bị suy yếu đi, mất đi tính ngôn sứ và khả năng ngạc nhiên cảm mến và biết ơn này trong sự cô lập bản thân hay bằng việc khép kín nơi những nhóm nhỏ. Bằng sự năng động của nó, nó đòi hỏi một sự mở ra tăng dần, có khả năng đạt tới và ôm lấy mọi người.

Các Kitô hữu tiên khởi, không hề nhượng bộ cho cám dỗ khép kín nơi tầng lớp ưu tuyển, đã được Chúa lôi cuốn và bằng đời sống mới mà Ngài đã mang lại để đi khắp thiên hạ và làm chứng cho điều mà họ đã thấy và đã nghe: Nước Thiên Chúa đã đến gần. Họ đã làm điều đó với lòng quảng đại, lòng biết ơn và sự cao thượng của người gieo, biết rằng những người khác sẽ hưởng hoa trái của sự dấn thân và sự hy sinh của họ. Đó là lý do tại sao tôi thích nghĩ rằng “ngay cả những người mong manh nhất, những người giới hạn nhất và những người bị tổn thương nhất cũng có thể là [những nhà truyền giáo] theo cách thức của họ, bởi vì cần phải luôn để cho sự thiện hảo được thông truyền, ngay cả khi nó cùng tồn tại với nhiều sự mong manh” (Tông huấn Christus vivit, số 239).

Vào Ngày thế giới truyền giáo, được cử hành mỗi năm vào ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng Mười, với lòng biết ơn chúng ta nhớ đến tất cả những người mà chứng tá đời sống của họ giúp chúng ta canh tân sự cam kết của chúng ta khi chịu bí tích rửa tội, muốn trở thành những tông đồ quảng đại và vui tươi của Tin Mừng. Đặc biệt chúng ta nhớ đến những người đã có thể lên đường, rời bỏ vùng đất và gia đình của mình để Tin Mừng có thể nhanh chóng và không sợ hãi đạt tới các dân tộc và các thành thị xa xôi nhất nơi mà có nhiều cuộc sống đang khao khát lời phúc lành.

Chiêm ngắm chứng tá truyền giáo của họ khích lệ chúng ta can đảm và thiết tha cầu xin “Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Quả thế, chúng ta ý thức rằng ơn gọi truyền giáo không phải là điều gì đó của quá khứ hay là một kỷ niệm lãng mạn của ngày xa xưa. Hôm nay, Chúa Giêsu cần đến những tâm hồn có khả năng sống ơn gọi của mình như là một câu chuyện tình yêu đích thực, làm cho họ đi ra đến các vùng ngoại biên của thế giới và trở thành những sứ giả và những dụng cụ của lòng trắc ẩn. Và đó là lời kêu gọi mà Ngài nói với mọi người, cho dù không theo cùng một cách thức. Chúng ta hãy nhớ rằng có những vùng ngoại biên vốn gần chúng ta, ở trung tâm một thành phố, hay trong chính gia đình của mình. Cũng có một khía cạnh mở ra phổ quát của tình yêu không phải là địa lý nhưng là hiện sinh. Luôn luôn, nhưng đặc biệt vào thời gian đại dịch này, điều quan trọng là phát triển khả năng thường ngày mở rộng phạm vi của chúng ta, đạt tới những người mà tự nhiên chúng ta không cảm thấy như là một phần của “trung tâm lợi ích của chúng ta”, cho dù họ ở gần chúng ta (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 97). Sống sứ mạng, đó là mạo hiểm phát triển chính những tâm tình của Chúa Kitô Giêsu và cùng với Ngài tin rằng người ở bên cạnh tôi cũng là anh chị em của tôi. Ước gì tình yêu trắc ẩn của Ngài cũng đánh thức tâm hồn chúng ta và làm cho hết thảy chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo.

Xin Đức Maria, người môn đệ truyền giáo đầu tiên, làm gia tăng nơi tất cả những người đã chịu phép rửa tội ước muốn trở thành muối và ánh sáng trên vùng đất của chúng ta (x. Mt 5, 13-14).

Đền thờ Gioan Latêranô, ngày 6 tháng Giêng năm 2021, ngày lễ kính trọng thể Chúa Hiển Linh.

PHANXICÔ

(Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31