TẠI ATHENS, NHỮNG LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO THIỂU SỐ: THIỂU SỐ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ VÔ NGHĨA

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 5th, 2021. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Vào tối đầu tiên trong chuyến tông du đến Hy Lạp, hôm 4/12/2021, Đức Phanxicô đã có nhiều lời khích lệ và lời khuyên đối với cộng đồng Công giáo thiểu số ở Hy Lạp. Một lần nữa ngài cũng xin lỗi Chính Thống giáo về những lỗi lầm trong quá khứ và kêu gọi sự hiệp nhất Kitô hữu.

Đừng nản lòng và hãy nhìn vào điểm yếu của mình như một sức mạnh. Đó như là tóm tắt những lời khuyên của Đức Thánh Cha đối với người Công giáo Hy Lạp. Tại nhà thờ chánh tòa Saint-Denys, ở Athens, trong cuộc gặp gỡ với các thành phần khác nhau của Giáo hội Công giáo Hy lạp, Đức Thánh Cha đã đưa ra nhiều lời khích lệ cho các tín hữu Công giáo ở đây, vốn chỉ là một thiểu số so với các Kitô hữu Chính Thống giáo.

Đối với Đức Thánh Cha, « là thiểu số – và trên toàn thế giới, Giáo hội là thiểu số – không có nghĩa là vô nghĩa ». Thừa nhận rằng đôi khi có « sự mệt mỏi » và « thất đoạt » khi « là một cộng đoàn nhỏ bé, hay một Giáo hội với ít nguồn lực, tiến bước trong một khung cảnh không phải lúc nào cũng thuận lợi ».

Tại Hy Lạp, Giáo hội Công giáo có một cơ cấu pháp lý, như các niềm tin khác và tôn giáo khác như Chính Thống giáo, chỉ từ năm 2014. Nước này có tổng cộng 130 000 người Công giáo, chủ yếu theo nghi lễ Latinh, trên tổng dân số 10,8 triệu dân.

« Chúng ta không được đòi hỏi phải có một tinh thần chinh phục »

Đức Thánh Cha nhắc lại lịch sử của thánh Phaolô đã đến Athens để loan báo Tin Mừng cho các nhà thông thái. « Khi đến Athens, ngài bị coi là một gã lang băm và một vị khách không được mong muốn ». Nhưng « ngài không để cho sự nản lòng thắng được mình ».

Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Đối với chúng ta, với tư cách là Giáo hội, chúng ta không được đòi hỏi phải có một tinh thần chinh phục hay chiến thắng, vinh quang của số đông hay hào quang trần tục. Tất cả điều đó đều nguy hiểm. Đó là cám dỗ của não trạng hiếu thắng ».

« Chúc lành cho sự nhỏ bé »

Đức Thánh Cha đã khích lệ « chúc lành cho sự nhỏ bé », mời gọi các tín hữu trở thành « men » hay « hạt cải » như trong Thánh Kinh. Chỉ như thế mà họ sẽ kháng cự lại « nỗi ám ảnh về vẻ bề ngoài, về khả năng được nhìn thấy rõ ». Ngài nói : « Là một Giáo hội nhỏ bé biến chúng ta thành một dấu chỉ hùng hồn của Tin Mừng », và đồng thời mời gọi hãy « đi theo con đường mà Chúa đã mở ra, là con đường của sự nhỏ bé : của sự tự hủy (kénose), sự tự hạ, sự hạ mình ».

Nhưng đối với Đức Thánh Cha, vai trò của người Công giáo thiểu số còn đi xa hơn. Theo ngài, họ có nhiệm vụ đối thoại với các thành phần khác nhau của xã hội. Ngài khích lệ họ « tạo nên sự hiệp thông giữa những sự khác biệt nhân bản, văn hóa và tôn giáo ». « Thách thức là phát triển niềm đam mê đối với toàn thể, dẫn chúng ta – Công giáo, Chính Thông giáo, các anh chị em của các niềm tin khác – lắng nghe nhau, ước mơ và làm việc với nhau, và vun trồng sự thần bí của tình huynh đệ ». Đức Thánh Cha nhắc lại phong cách của thánh Phaolô là đề nghị chứ không áp đặt : Thái độ của thánh Phaolô « bắt đầu bằng việc đón nhận người khác : chúng ta đừng quên rằng « ân sủng đòi hỏi văn hóa, và ân huệ của Thiên Chúa nhập thể trong nền văn hóa của người đón nhận ân sủng » ».

Một « lời xin lỗi » nữa đối với Chính Thống giáo

Trước đó vào buổi chiều, Đức Thánh Cha đã chứng minh ý muốn đối thoại với Chính Thống giáo này, sau khi gặp gỡ Đức Thượng Phụ Hiéronymos II của Chính Thống giáo Athens và toàn Hy Lạp.

Lấy làm tiếc vì người Công giáo và Chính Thông giáo đã « lớn lên xa cách nhau », được nuôi dưỡng bởi « những nọc độc của thế gian » như « cỏ lùng của sự nghi ngờ », Đức Thánh Cha một lần nữa đã xin lỗi « vì những lỗi lầm mà nhiều người Công giáo mắc phải ». Một điều đã từng được Đức Gioan-Phaolô II thực hiện vào năm 2001 khi ngài tông du Athens. Chính Thống giáo thường cáo buộc người Công giáo cướp phá Constantinople.

Đối với Đức Thánh Cha, sự hòa giải là điều khả thi. « Các tông đồ, sợ hãi và do dự, đã được hòa giải với nhau », khi không còn đau lòng về cuộc Thương khó vì đã « thấy Chúa phục sinh trước mắt mình ».  Một cách thức vượt qua khỏi « sự tiêu cực và những thành kiến của quá khứ » bằng cách « nhìn thực tại với cái nhìn mới mẻ ».

Như thường lệ, Đức Giáo hoàng đặt những tiến bộ có thể về sự hiệp nhất Kitô hữu, không phải trên bình diện những tranh luận thần học, nhưng trên cơ sở đức ái. « Chúng ta hãy phát triển cùng nhau những hình thức hợp tác trong đức ái, hãy cởi mở và cộng tác về những vấn đề đạo đức và xã hội để phục vụ con người của thời đại chúng ta ».

« Làm thế nào chúng ta có thể làm chứng cho thế giới về sự hòa hợp của Tin Mừng nếu chúng ta, những Kitô hữu, vẫn còn xa cách ? Làm thế nào chúng ta có thể loan báo tình yêu của  Chúa Kitô, Đấng tập hợp mọi người, nếu chúng ta không hiệp nhất với nhau ? »

Một dấu hiệu của sự căng thẳng đã ăn sâu vào tâm trí, đó là khi Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào Tòa Giám mục Chính Thống giáo, một linh mục Chính Thống giáo đã kêu lên : « Giáo hoàng, ông là một kẻ lạc giáo ! », trước khi bị cảnh sát nhanh chóng bắt giữ.

Tý Linh

(theo nhật báo La CroixVatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31