TẠI HUNGARY, ĐỨC PHANXICÔ CẢNH GIÁC NÃO TRẠNG HIẾU THẮNG NƠI NGƯỜI KITÔ HỮU VÀ MỜI GỌI THANH TẨY LÒNG ĐẠO CỦA CHÚNG TA

Written by xbvn on Tháng Chín 13th, 2021. Posted in Giáo lý, Luân lý, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong suốt ngày tông du đầu tiên ở Trung Âu, 12/9/2021, ở Budapest, Đức Phanxicô đã khuyến khích những người đối thoại với ngài vừa phải « bén rễ sâu » vừa « rộng mở ». Ngài đặc biệt kêu gọi các Kitô hữu đừng giảm thiểu Kitô giáo thành việc « bảo vệ hình ảnh của mình », nhưng biến Kitô giáo thành nơi mở ra khai phóng.

« Chúa Giêsu lay động chúng ta, Ngài không bằng lòng với những lời tuyên xưng đức tin ! ». Trước cộng đoàn đông đảo thinh lặng dưới ánh mặt trời trên quảng trường Anh Hùng, ở Budapest, Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp : « Ngài yêu cầu chúng ta thanh tẩy lòng đạo của chúng ta. » Hôm Chúa Nhật 12/9/2021, trong thánh lễ bế mạc Hội nghị Thánh Thể quốc tế lần thứ 52, Đức Thánh Cha đã gởi một sứ điệp rõ ràng cho người Công giáo Hungary. Có thể tóm tắt sứ điệp như sau : xưng mình là Công giáo thì chưa đủ, nhưng còn phải để cho Chúa Giêsu « hướng dẫn » mình.

Cũng trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha cho thấy Chúa Giêsu là một người tôi tớ chịu đóng đinh, chứ không phải là một đấng thiên sai quyền lực, để từ đó nhắc nhở các Kitô hữu : « Chúng ta cũng thế, chúng ta muốn một vị thiên sai quyền lực thay vì là một người tôi tớ chịu đóng đinh ». Đức Thánh Cha cho thấy « thập giá không bao giờ chạy theo thời  trang : ngày nay cũng như trong quá khứ. Nhưng thập giá chữa lành từ bên trong ». Chính đứng trước Đấng chịu đóng đinh mà chúng ta cảm nghiệm về một cuộc chiến đấu nội tâm đầy ích lợi, cuộc xung đột găy gắt giữa « suy nghĩ theo Thiên Chúa » và « suy nghĩ theo người phàm ». Một mặt, có lôgíc của Thiên Chúa vốn là lôgíc của tình yêu khiêm hạ : « Con đường của Thiên Chúa từ bỏ mọi áp đặt, mọi phô trương và não trạng hiếu thắng, nó luôn hướng đến thiện ích của người khác, cho đến hy sinh bản thân », Đức Thánh Cha khẳng định. Mặt khác, có « tư tưởng theo người phàm » : đó là lôgíc của thế gian, gắn lền với danh dự và đặc lợi đặc quyền, hướng đến danh tiếng và thành công. Chính tầm quan trọng và sức mạnh mới đáng kể ở đây, những gì thu hút sự chú ý của đám đông và biết tỏ ra khoe khoang, hơn người trước mặt người khác.

Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi gần 100 000 tín hữu đang lắng nghe ngài đừng giảm thiểu Kitô giáo thành việc « bảo vệ hình ảnh của chúng ta », nhưng biến nó thành một « nơi rộng mở khai phóng » (décentrement libérateur). Những tuyên bố này của Đức Thánh Cha sau khi gặp gỡ Thủ tướng Hungary. « Tôi đã xin Đức Giáo hoàng đừng để cho Hungary Kitô giáo đánh mất chính mình », ông đã viết trên Facebook sau cuộc hội kiến kéo dài khoảng 40 phút giữa chính phủ của ông với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Việc đón tiếp người di cư không được đề cập

Trong buổi hội kiến này, được Vatican mô tả là « thân thiện », Viktor Orban đã trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô một bản sao của lá thư được vua Béla IV gởi cho Đức Innôcentê IV vào năm 1250. Trong lá thư này, vua nước Hungary lúc đó đã xin Đức Giáo hoàng giúp ông đối mặt với những cuộc xâm lược của người Tatar đang đe dọa Hungary Kitô giáo.

Ở Hungary, Đức Thánh Cha không bao giờ đề cập trực tiếp việc đón tiếp người di cư, nhưng ngài đã nhiều lần ám chỉ rõ ràng đến việc đón tiếp tha nhân, đồng thời vẫn đảm bảo « cội rễ » Kitô giáo. « Thánh giá, được trồng xuống đất, ngoài việc mời gọi chúng ta bén rễ sâu, còn vươn cao và vươn xa », Đức Thánh Cha nhắc nhở trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tiếp theo sau Thánh lễ, trước khi khuyến khích những người đang nghe ngài « bám sâu vào và mở ra, bén rễ sâu và tôn trọng ».

Nhiều lần, ngài cũng ca ngợi giá trị của sự đa dạng trong xã hội. Ngài nói với các Giám mục Hungary : « Sự đa dạng luôn có chút đáng sợ ». Một nỗi sợ mà không được nhượng bộ. Ngài khẳng định : « Đứng trước sự đa dạng văn hóa, sắc tộc, chính trị và tôn giáo, có thể có hai thái độ, khép kín trong một thái độ phòng vệ cứng nhắc những gì chúng ta gọi là căn tính của chúng ta, hay mở ra gặp gỡ với người khác và cùng nhau vun trồng ước mơ về một xã hội huynh đệ ».

 « Hơi hướng hận thù »

Để soi sáng cho lời kêu gọi về tình huynh đệ của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham chiếu rộng rãi đến quá khứ của Hungary, và cách riêng đến hoàn cảnh của các cộng đồng Do thái. Nếu 75 000 đến 100 000 người Do Thái sống ở đó ngày nay đang giữ những mối tương quan tốt đẹp với chính phủ tại chỗ, vốn đã ủng hộ việc xây dựng nhiều hội đường Do Thái, thì họ vẫn được ghi dấu cách sâu xa bởi cuộc thảm sát Shoah. Từ tháng 5 đến tháng 7/1944, 440 000 người Do Thái đã bị đưa đến các trại tập trung, « vực thẳm đen tối nhất và đồi bại nhất của nhân loại », Đức Thánh Cha khẳng định -, mà hai nhà văn Elie Wiesel và Imre Kertesz là những người sống sót.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở trước các vị hữu trách tôn giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo, rằng cần phải rút ra những bài học của lịch sử bi thảm này cho ngày hôm nay : « Mỗi lần ta có cám dỗ nuốt chửng người khác, thì ta đã không xây dựng nhưng là hủy diệt ».

Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô lên án « những hơi hướng hận thù » muốn « hủy diệt » tình huynh đệ. « Tôi nghĩ đến não trạng bài Do Thái đang lưu hành ở Châu Âu và nơi khác. Đó là một mưu toan cần phải dập tắt. » Chính vì thế, đối với Đức Thánh Cha, các nhà chức trách tôn giáo phải là « nguồn gốc của hòa bình và là men hiệp nhất », để « giúp đỡ người đương thời với chúng ta đón nhận nhau và yêu thương nhau ». Một chương trình rất đòi hỏi.

Tý Linh

(theo nhật báo La CroixVatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30