TẠI SAO GỌI LINH MỤC LÀ « CHA » ?

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 1st, 2022. Posted in Linh mục, Thế Giới, Tý Linh

Cách gọi « cha » dành cho các linh mục là một di sản của đời sống đan tu.

Cách gọi « cha » không trái với lời dạy của Chúa Giêsu sao ?

« Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời » (Mt 23, 9). Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì thói quen gọi linh mục là « cha » thực sự mâu thuẫn với chỉ dẫn này của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu nhắm đến trong đoạn Tin Mừng này, mà bối cảnh của nó là cuộc luận chiến với người Pharisêu, đó là tước hiệu « Rabbi » (từ tiếng Do Thái « rab », « lớn ») được các môn đệ kính trọng dành cho một người thầy và người Pharisêu thích được gọi…Nói cách khác, sự cám dỗ đối với một người thầy hay một bậc thầy tâm linh là kiêu ngạo về tri thức hay sự khôn ngoan ; và, đối với người môn đệ, là rơi vào sự mê hoặc, để mình bị trẻ con quá và bị thao túng.

Như thế, vấn đề ở đây, đó không phải là tình phụ tử thiêng liêng, một thực tại đã có từ xa xưa vào thời Cổ đại, và trải qua một sự phát triển mới mẻ trong Kitô giáo ; đó là cách thức để sống nó. Thánh sử cảnh báo chống lại « nguy cơ chiếm đoạt những gì đang và vẫn là món quà của Thiên Chúa ». Cha François-Régis Wilhélem (1), thần học gia của Học viện Đức Mẹ Sự Sống, lưu ý: « Chỉ một mình Thiên Chúa là Cha, chính từ Ngài mà mọi tình phụ tử phát sinh. Chỉ một mình Thiên Chúa là thầy chân lý, là người hướng dẫn, là tiến sĩ, nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô ».

Truyền thống Kitô giáo đã hiểu tình phụ tử này như thế nào ?

Người ta không thấy bất cứ phản đối nào với việc sử dụng tước hiệu này nơi các Giáo phụ, dấu hiệu cho thấy các ngài không tìm thấy sự bất tương hợp nào ; trái lại, như cha Armand Veilleux, dòng Xitô, cho thấy, các thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã luôn dùng nó liên quan đến việc truyền tải Lời Chúa.

Người ta còn tìm thấy mối liên hệ này với phát biểu từ thế kỷ IV nơi các Giáo phụ sa mạc. Các Kitô hữu muốn sống tính cách triệt để của Tin Mừng « dưới bóng của một người cha thiêng liêng », đã đến thăm các đan sĩ đầu tiên của Kitô giáo, nổi tiếng về sự khôn ngoan của họ, với lời thỉnh cầu này : « Abba, xin nói cho con một lời »…Qua đó, họ lấy lại từ « abba » (« bố ») trong tiếng Aram, được Chúa Giêsu sử dụng để nói với Cha của Ngài. Cha Armand Veilleux ghi nhận : « Không ai tự phong mình là cha. Chính các môn đệ, khi xin một lời của một trưởng lão, biến người đó thành một người cha ».

Như bất kỳ truyền thống tâm linh nào, cách gọi này sẽ dần dẫn mang một hình thức thể chế. Với sự xuất hiện của đời sống đan sĩ, xung quanh thánh Pacôme ở Ai Cập, vai trò người cha thiêng liêng này được truyền đến cộng đồng, thông qua một quy luật chung lấy cảm hứng từ Tin Mừng, abba/abbé (viện phụ) chịu trách nhiệm đảm bảo rằng mỗi đan sĩ thực sự được đào tạo bởi quy luật này.

Tu luật của thánh Biển Đức diễn tả rõ truyền thống này : « Hỡi con, hãy lắng nghe các giới luật của thầy (…), hãy vui lòng đón nhận giáo huấn của một người cha tốt như thế ». Ở đây, ngài nói về Chúa Kitô, Đấng là người cha đích thực của các đan sĩ, viện phụ là đại diện của Người, được họ chọn để dẫn dắt họ trên con đường Tin Mừng.

Sự hình thành tên gọi này đã là như thế nào ?

Theo truyền thống này, các tu sĩ (2) đã giữ cách gọi « cha » và thậm chí là « cha đáng kính » ít nhất từ thế kỷ XVII và vẫn còn cho đến Công đồng Vatican II, Daniel-Odon Hurel, giám đốc nghiên cứu của CNRS, nhấn mạnh (3). Chẳng hạn, ngay từ những ngày đầu của Dòng, các tu sĩ dòng Tên đã gọi nhau là « cha ».

Trái lại, liên quan đến các linh mục triều (hay giáo phận) (4), sự hình thành của cách gọi này là một « vấn đề hóc búa thực sự » đối với các sử gia, vì, như Daniel-Odon Hurel công nhận, « nó thuộc về thực hành truyền khẩu của các tín hữu ».

Tước hiệu danh dự trong tiếng Latinh « Dominus », có nghĩa là thầy hay ngài, sẽ đưa đến tiếng Pháp là « dom » (đối với các viện phụ), « sieur » (ông, ngài), « monsieur » (ông, ngài), « monseigneur » (đức ông, đức cha)… Sử gia Nicole Lemaître ghi nhận : « Vào thế kỷ XVI-XVII, ‘Monsieur’ là cách gọi thông thường đối với các linh mục, giám mục và hồng y. ‘Monseigneur’ thỉnh thoảng xuất hiện nhưng hiếm khi và dành cho các công tước hơn ».

Từ « Monsieur Vincent » (de Paul) đến cha sở đồng quê Bernanos : quá trình chuyển đổi dần dần từ « Monsieur » sang « Monsieur l’abbé » phải có từ thế kỷ XVIII. Theo một số người, nó được giải thích bởi hào quang mà các tu sĩ đã luôn luôn có, ở Pháp, trong thế giới thế tục.

Gọi tên một người, đó quả thực là nói lên điều gì đó về danh tính của họ. Và ngay cả trong môi trường thế tục, các tín hữu chưa bao giờ bỏ cách gọi « cha » trong tương quan với linh mục mà họ nhìn nhận một tình phụ tử thiêng liêng. Công đồng Trentô ở thế kỷ XVI, trường phái tu đức Pháp vào thế kỷ XVII đã nhấn mạnh đến cái nhìn rất cao cả về chức linh mục, thế kỷ XIX cũng thế với linh lục là « Alter Christus », « một Chúa Kitô khác ».

Như thế trong việc xưng tội, người ta thưa với Thiên Chúa thông qua linh mục bằng cách nói với ngài « thưa Cha ». Và trong linh hướng, cũng không hiếm việc người được linh hướng gọi như thế đối với người đồng hành với mình. Chẳng hạn, vào thập niên 1930, nhà thần bí Marthe Robin, khi xin cha Faure (abbé Faure) làm linh hướng cho mình, đã viết cho ngài : « Thưa ngài quản xứ và là Cha thiêng liêng kính mến. Con là người con hoang đàng, như ngài có thể thấy vì không được phép, không hỏi ngài liệu ngài có muốn không, con gọi ngài là « Cha » ! » Nicole Lemaître cho biết, người ta có lẽ cũng sử dụng danh hiệu này trong giới Công giáo Tiến hành dành cho các cố vấn thiêng liêng, nhưng « không phải một cách có hệ thống ».

Cuối cùng, vào khoảng thời Vatican II mà « Monsieur l’abbé » (hay « monsieur le curé » (ngài quản  xứ)) nhường chỗ cho « cha » hay « thưa cha », trong cách sử dụng phổ biến đối với các linh mục (và ngay cả các giám mục), ngoại trừ trong giới truyền thống chủ nghĩa. Nhưng thật nghịch lý, một số người lưu ý rằng ngày nay « Monsieur l’abbé » được chấp nhận tốt hơn nhiều trong bối cảnh thế tục…Đối với một số người, nói « thưa cha » với một linh mục sẽ thu hút hơn nhiều so với việc gọi linh mục là « monsieur l’abbé ».

———————————-

(1) « Le prêtre, témoin de la paternité de Dieu », Prêtres diocésains n° 1363, 1998.

(2) Ngoại trừ các tu sĩ dòng Đaminh gọi nhau là « frères » (anh em) .

(3) Ông đã đặc biệt hướng dẫn cuốn Guide pour l’histoire des ordres et congrégations religieuses, Brepols, 468 p.

(4) Nói chung, trước công đồng Vatican II, “người ta sử dụng tước hiệu « cha » đối với các tu sĩ, và « monsieur le curé », « monsieur l’abbé » hay « monsieur le vicaire » cho các linh mục giáo phận – mà người ta chỉ gọi là « cha » trong khuôn khổ của bí tích Hòa Giải, với công thức nổi tiếng : « Lạy cha, xin cha tha tội cho con vì con là kẻ có tội ». Sau Công đồng, não trạng đã thay đổi, người ta ít chú ý đến hình thức hơn. … Tước hiệu « cha » mang một chiều kích dân chủ hóa, đơn giản hóa hơn là thực sự mong muốn tư cách làm cha » (nguồn : https://www.lavie.fr/christianisme/eglise/pere-frere-monsieur-labbe-comment-les-pretres-veulent-ils-etre-appeles-80255.php).

—————————————————-

Tý Linh

(theo Céline Hoyeau, nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31