THÁNH LỄ Ở ATHENS : THIÊN CHÚA KẾT HỢP VỚI NHỮNG AI NHÌN NHẬN MÌNH NHỎ BÉ VÀ NGHÈO KHỔ

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 6th, 2021. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Hôm 5/12/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật II Mùa Vọng ở Phòng hòa nhạc Megaron, trước sự hiện diện của khoảng 2000 người, do hạn chế về khoảng cách vì đại dịch. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã dừng lại ở hai chiều kích : sa mạc và sự hoán cải.

« Ơn cứu độ không bắt đầu ở Giêrusalem, Athens hay Rôma, nhưng trong sa mạc », Đức Thánh Cha giải thích khi nói về hoạt động của Gioan Tẩy Giả. Trái với những gì nhiều người nghĩ, và những gì mà các nhà chức trách tôn giáo thời Chúa Kitô nghĩ, « có uy quyền, có học thức và nổi tiếng không phải là một bảo đảm để làm đẹp lòng Thiên Chúa ; nhưng trái lại có thể dẫn đến cao ngạo và gạt bỏ Ngài. Trái lại, thà nghèo trong tâm hồn, như sa mạc nghèo nàn. Chúa yêu thích sự nhỏ bé và khiêm nhường », Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Sự tỏ mình của Chúa trong sa mạc chứ không ở những nơi đông người và quyền lực cho thấy một sứ điệp nghịch lý nhưng an ủi : « Hôm nay cũng như hôm qua, Thiên Chúa hướng cái nhìn đến nơi đâu nỗi buồn và sự cô đơn ngự trị. Chúng ta cảm nghiệm điều đó trong cuộc sống của mình : hiếm khi Ngài đến với chúng ta trong những tràng pháo tay, khi chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình. Ngài đặc biệt đến với chúng ta trong những lúc thử thách. Ngài viếng thăm chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn, trong sự trống rỗng của chúng ta vốn mở ra cho Ngài không gian, trong sa mạc hiện sinh của chúng ta ».

Thiên Chúa kết hợp với chúng ta trong sự nhỏ bé của chúng ta

« Không có nơi nào mà Thiên Chúa không muốn viếng thăm. Và hôm nay chúng ta chỉ có thể vui mừng khi thấy Ngài chọn sa mạc, để kết hợp với chúng ta trong sự nhỏ bé của chúng ta, để Ngài yêu thương, và trong sự khô cằn của chúng ta, để Ngài muốn tưới mát ! Vì thế, các bạn thân mến, đừng sợ sự nhỏ bé, vì vấn đề không phải là nhỏ bé hay ít ỏi, nhưng là mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân. Và đừng sợ sự khô cằn, vì Thiên Chúa cũng không sợ nó, chính ở đó mà Ngài đến với chúng ta », Đức Thánh Cha nhấn mạnh khi nói với cộng đoàn Công giáo Hy Lạp nhỏ bé.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha khải triển một suy từ về sự hoán cải, một chủ đề có thể xem ra « không thoải mái » bởi vì, thông thường, « chúng ta giảm thiểu việc hoán cải thành một nỗ lực luân lý, như thể nó chỉ là hoa trái của nỗ lực cá nhân của chúng ta. Vấn đề là ở đó, việc chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình. Đó cũng là nơi mà sự buồn chán thiêng liêng và sự thất đoạt làm tổ. Chúng ta muốn hoán cải, trở nên tốt hơn, vượt lên trên những khiếm khuyết của chúng ta, thay đổi, nhưng chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không thực sự có khả năng và, bất chấp thiện chí của chúng ta, chúng ta luôn vấp ngã ». Kinh nghiệm thất đoạt này cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô, khi ngài ở Hy Lạp, ngài đã viết : « Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm.» (Rm 7, 19).

Hoán cải có nghĩa là vượt qua những thành kiến của chúng ta

Dt nói tiếp : « Ngôn ngữ tuyệt đẹp của anh chị em, tiếng Hy Lạp, có thể giúp chúng ta nhờ vào  từ nguyên của động từ « hoán cải », « métanoéin » được gặp thấy trong Tin Mừng. Nó gồm giới từ « metà », ở đây nghĩa là « vượt lên trên », và động từ « noéin », nghĩa là « suy nghĩ ». Hoán cải, đó là suy nghĩ vượt lên trên, đó là vượt qua lề thói suy nghĩ của chúng ta, vượt qua những sơ đồ tâm trí theo thói quen của chúng ta ».

Hoán cải, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, « đó là khước từ tin rằng chúng ta chúng ta bị định sẵn chìm đắm trong sự bất ổn của sự xoàng xĩnh. Đó không phải là phó mặc cho những ám ảnh nội tâm, vốn đặc biệt hiện diện trong những lúc thử thách, để làm cho chúng ta nản lòng và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không thành công, rằng mọi sự sẽ tồi tệ và trở nên thánh thiện không dành cho chúng ta. Không phải thế, vì Thiên Chúa đang ở đó. Cần phải tin tưởng vào Ngài, vì chính Ngài vượt bên trên chúng ta, là sức mạnh của chúng ta ».

« Chúng ta xin ơn tin tưởng rằng với Thiên Chúa mọi sự sẽ thay đổi, Ngài sẽ chữa lành nỗi sợ hãi của chúng ta, chữa lành các vết thương của chúng ta ». « Chúng ta hãy cầu xin Mẹ của chúng ta, Đấng Thánh Thiện vẹn toàn, giúp chúng ta trở nên, giống như Mẹ, những chứng nhân của niềm hy vọng, những người gieo rắc niềm vui xung quanh chúng ta. Không chỉ khi chúng ta hạnh phúc và cùng nhau, nhưng mỗi ngày, trong những sa mạc mà chúng ta đang sống. Bởi vì  chính ở đó, nhờ ân sủng Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta được mời gọi hoán cải và triển nở », Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng cách củng cố đức tin của cộng đoàn  Công giáo Hy Lạp thiểu số như thế.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cảm ơn người dân Hy Lạp đón tiếp ngài. Ngài nói : « Phát xuất tiếng Hy Lạp một từ cho toàn thể Giáo hội, tóm tắt ân ban của Chúa Kitô : « Eucaristia » (lời tạ ơn), như thế, đối với Kitô hữu chúng ta, lời tạ ơn được ghi khắc ở trung tâm đức tin và cuộc sống của chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần biến toàn con người và hành động của chúng ta thành một « Kinh Tạ Ơn », một lời tạ ơn Thiên Chúa và một ân ban tình yêu cho anh chị em của chúng ta ».

 Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31