THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ : « TRỞ THÀNH LINH MỤC LÀ ĐIỀU CÓ Ý NGHĨA »

Written by xbvn on Tháng Tám 5th, 2021. Posted in Huế, Linh mục, Lm Võ Xuân Tiến, Ơn gọi, Tu sĩ, Tý Linh, Đại Chủng Viện Huế

Ngày thứ Tư 4/8/2021, lúc 8g sáng, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục giáo phận Huế, đã chủ tế Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 8 thầy Phó tế tại Đại Chủng viện Huế. Sau gần 50 năm, Đại Chủng viện Huế lại chứng kiến một thánh lễ truyền chức Linh mục tại ngôi nhà nguyện rất thân thiết với bao nhiêu thế hệ Chủng sinh và Linh mục. Đại dịch covid-19 đã « đưa » thánh lễ này đến ngôi nhà nguyện nhỏ bé, nhưng thật ấm cúng, vì đây là mái trường xuất thân của các Thầy tiến chức. Nhưng đồng thời, nó cũng giúp cho các Thầy tiến chức có sự thinh lặng nội tâm sâu xa hơn để, như lời nhắc nhở của Đức Tổng Giuse, tập trung vào điều cốt lõi là thuộc trọn về Chúa hơn. Khung cảnh và hoàn cảnh, thời gian và không gian làm cho thánh lễ truyền chức này thêm sâu lắng, giàu cảm xúc và ý nghĩa.

« Chợt nhận ra mình là người yêu của Chúa »

Trong các bài thánh ca dâng hiến được mở lên sáng sớm ngày 4/8, tôi chợt để ý đến lời ca của bài « Từng bước con đi lên » : « Từng bước con đi lên, hồn lâng lâng thần nhạc trầm lắng Chúa ơi ! Nghe nước mắt ngọt ngào, vì chợt nhật ra, vì chợt nhận ra mình là người yêu của Chúa » ! Bản nhạc của Xuân Thảo-Văn Chi càng đưa tâm hồn mọi người rạo rực, hân hoan bước vào bầu khí linh thiêng của ngày trọng đại của Giáo phận Huế. Còn hơn thế, nó nhắc nhở về điều cốt lõi của thánh lễ này : « Chợt nhận ra mình là người yêu của Chúa ». Cái « chợt nhận ra » này không phải lúc nào cũng cảm nhận được, nhưng chính vào khoảnh khắc nào đó, Thiên Chúa thật sự khẽ chạm đến trái tim của một người, làm cho tâm hồn « chợt nhận ra » trong tâm tình cảm mến tri ân tình thương bao la và gần gũi của Thiên Chúa, hay nói như cảm nghiệm của thánh Gioan Maria Viannê, « Linh mục là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu ».  Cần đến giây phút « chợt nhận ra » này để ơn gọi dâng hiến không còn là một thói quen tà tà của thường ngày, nhưng trào dâng một sự năng động nội tâm, thúc đẩy mạnh mẽ tiến bước trong niềm vui của đời dâng hiến. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả nét « chợt nhận ra » qua lời mời gọi « biết ngạc nhiên » : « Không mở ra cho sự mới mẻ và nhất là cho những điều ngạc nhiên bất ngờ của Thiên Chúa, không có ngạc nhiên, thì đức tin trở thành một thứ kinh cầu chán ngấy, dần dần tàn lụi và  trở thành một thói quen, một thói quen xã hội…Ngạc nhiên là gì ? Ngạc nhiên là những gì xảy ra trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa : « Tôi đã gặp được Chúa ». Chúng ta hãy đọc Tin Mừng : rất thường, những người gặp Chúa Giêsu và nhận biết Ngài, đều cảm thấy ngạc nhiên. Đó là như chứng nhận bảo đảm rằng cuộc gặp gỡ này là đích thực, nó không phải là lối mòn thói quen » (Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 4/7/2021).

Ngôn sứ Giêrêmia đã diễn tả khoảnh khắc « chợt nhận ra » này bằng một ngôn ngữ khác : « Trước khi cho ngươi thành hình trong trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa người, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân » (Gr 1, 5). Với giây phút « chợt nhận ra » này, ngôn sứ Giêrêmia, dù cảm thấy yếu hèn và bất lực, vẫn đáp lời mời gọi của Chúa để bắt đầu hành trình hoán cải và biến cuộc đời mình thành « quà tặng » cho tha nhân. Lịch sử của con người rất thường được sinh động bằng những khoảnh khắc « chợt nhận ra » này, chúng làm hoán cải và thay đổi một con người, chúng đánh dấu bước ngoặt lịch sử một con người, một xã hội.

« Chợt nhận ra » mình là cộng tác viên của Chúa

Trong bài giảng nhắc đến ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia, Đức Tổng Giuse mời gọi các Thầy tiến chức ý thức và an tâm về « gien » hay « nguồn gốc thần linh » của khoảnh khắc « chợt nhận ra » này trong ơn gọi của mình : đó là chính Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô, qua Bí tích Truyền Chức Thánh, đã nâng sự yếu hèn của thân phận con người. Để một khi chợt nhận ra tiếng gọi đầy yêu thương của Chúa, thì « Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi ; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi  » (Gr 1, 7-8). Đức Tổng Giuse cho thấy, lời đảm bảo của Thiên Chúa cho một ơn gọi như thế không phải là Thiên Chúa làm thay mọi sự, nhưng là để hướng người ấy đến một sứ mạng, sứ mạng cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa với những năng lực Chúa ban. Sự cộng tác này được thể hiện bằng hai cách.

Về mặt bản thân, người được gọi phải chứng tỏ « sự tiến bộ ». Đức Tổng cảnh giác : « Nếu sau một thời gian làm linh mục mà không thấy mình tiến bộ, thì đó là một sai lầm lớn ». Thời gian có thể làm hao mòn áo lễ, chén thánh, dĩa thánh, nhưng « lòng nhiệt huyết của tâm hồn không được cũ đi, không được thoái hóa đi, thêm những tính hư thói xấu ». Ưu tư của Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng nằm trong ưu tư rộng lớn của Giáo hội về đời sống nhân bản của người linh mục.  Đức Bênêđíctô XVI trong Thư các Chủng sinh đã lưu ý : « Thực hành các đức tính nhân bản nền tảng là một yếu tố chủ yếu của hành trình của các con ». Với Đức Phanxicô, ngài không ngừng kêu gọi các Kitô hữu và cách riêng những người sống đời thánh hiến luôn biết thể hiện « phong cách Tin Mừng » trong cuộc sống của mình, một phong cách không còn tìm kiếm bản thân cách ích kỷ, ẩn núp trong tính trần tục thiêng liêng, nhưng biết khiêm tốn mở ra, quan tâm đến tha nhân, mang vào mình mùi chiên, biết sống gần gũi, dịu dàng, thương xót, cho đi và phục vụ.

Và đây cũng chính là khía cạnh thứ hai của việc cộng tác với ơn Chúa mà Đức Tổng Giuse mời gọi mọi người, đặc biệt các Thầy tiến chức, thể hiện trong cuộc sống của mình : chứng từ bác ái, yêu thương, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng mà đại dịch covid-19 gây nên. Một tình yêu thương dâng hiến, phục vụ, bén rễ sâu trong tình yêu thương và hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, không phân biệt tôn giáo, văn hóa, sắc tộc, chính trị, giàu nghèo, nhưng sống mối tương quan không biên giới với anh chị em đồng loại. Đức Cha Chủ tịch đặc biệt kêu gọi các tân Linh mục tương lai hãy xác tín điều này : giữ mối tương quan yêu thương với Ba Ngôi Thiên Chúa và với đoàn chiên là điều bảo đảm cho hạnh phúc của đời Linh mục. Ở đây, vang vọng bài hát « Chúa đã xức dầu » của Linh mục Ân Đức mà giọng ca tuyệt vời của các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cất lên : « Chúa đã xức dầu và thánh hiến con, cho con làm người của Chúa…., từ nay xin Chúa dùng con như khí cụ Tình Yêu nhiệm mầu. Cho con nồng nàn gắn bó tin yêu chìm vào biển cả Giêsu …. Từ nay Chúa ơi, con nguyện sống theo gương Ngài. Tình yêu hiến dâng cho đi chẳng chút từ nan…, vì đoàn chiên Chúa con hiến mạng sống ».

Thật là một thánh lễ sâu lắng, giàu cảm xúc và ý nghĩa ! Việc « chợt nhận ra mình là người yêu của Chúa » đã đưa đến « chợt nhận ra » mình là cộng tác viên của Chúa, và qua đó « chợt nhận ra » mình cần được Chúa thánh hóa để trở nên quà tặng cho đi theo phong cách sống của Tin Mừng. Tất cả những điều đó phải chăng không đủ để cho chúng ta xác tín như Đức Bênêđíctô XVI rằng « trở thành linh mục là điều có ý nghĩa » (Thư gởi các Chủng sinh) ?

Xin cho các Linh mục chúng con và tất cả những ai sống đời thánh hiến, cách riêng các tân Linh mục, được ơn “chợt nhận ra” này, để « được vẹn câu thề trước mặt Chúa và Hội Thánh Người, thề hứa sống đời linh mục thánh thiện, trong tư cách lãnh đạo cộng đoàn là người tôi tớ khiêm tốn phục vụ » (lời dẫn đầu lễ của cha MC Matthêu Phan Văn Tùng).

Tý Linh

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30