THƯ ĐHY MAURO PIACENZA, CHỦ TỊCH BỘ GIÁO SĨ, GỞI CÁC CHỦNG SINH NHÂN DỊP MÙA CHAY

Written by xbvn on Tháng Hai 14th, 2013. Posted in Linh mục, Tâm linh, Tý Linh

Các chủng sinh thân mến,

Mùa Chay mà chúng ta sắp cử hành là thời gian cao điểm của năm, thời gian được ban cho chúng ta để chuẩn bị gặt hái tốt hơn những hoa trái của mầu nhiệm Thương Khó, Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Những hoa trái này có thể được tóm kết trong các nhân đức chiếu sáng trong hành vi tột cùng, kinh khủng và đồng thời cao cả, của sự trao hiến của Con Thiên Chúa, bị hạ nhục và đâm thâu trên thập giá. Chúa Giêsu đã nói : « Nếu ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày và theo tôi. […] Ai mất mạng sống mình vì tôi, người ấy sẽ cứu được nó » (Lc 9, 23.24). Lời này chất vấn mọi người chịu phép rửa muốn sống cách đích thực tiếng gọi trở thành Kitô hữu mà họ lãnh nhận, vốn là tiếng gọi nên thánh. Nhưng lời đó đặc biệt khuyến khích được sống cho đến cùng tất cả những ai đã được Thiên Chúa chọn gọi để tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô là Thầy, Thủ Lãnh và Mục Tử : « Ngài kêu gọi đến với Ngài những ai Ngài muốn […] để họ ở với Ngài, để Ngài sai họ đi rao giảng, với quyền xua đuổi ma quỷ » (Mc 3, 13-15). Vì thế, mỗi bạn trẻ, khi bước vào Chủng viện với tư cách là người chịu phép rửa rồi, và còn hơn nữa với tư cách là người được kêu gọi, phải biết suy niệm và biến lời này thành của mình.

« Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại cho anh em một khuôn mẫu để anh em dõi bước theo Ngài » (1Pr 2, 21).  « Bước theo » Chúa Kitô, theo nghĩa đen, có nghĩa là bước đi với Ngài, ở nơi Ngài đi, như Ngài đi. Vì thế, đó là một sự dấn thân mà, từ điểm xuất phát, đã đòi hỏi sự hy sinh, vì một sự trao hiến tình yêu hoàn toàn, như tình yêu của Con Thiên Chúa dành cho chúng ta, không thể không gặp những khó khăn, sự thiếu thấu hiểu, sự cười nhạo, sự bách hại. Từ đó, điều kiện chấp nhận thập giá trong đời thường, nếu ta muốn thực sự là môn đệ của Ngài, bằng việc đối lập với tất cả những gì, ở bên ngoài và trong chúng ta, vốn đi ngược lại với luật của Thánh Thần : « Tôi  xin nói với anh em : hãy bước đi dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần và anh em sẽ không còn thỏa mãn tính đam mê của xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với tinh thần và tinh thần ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt ; đôi bên đối kháng nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn » (Gl 5, 16-17).

Do đó, những thực hành sám hối là một thời gian rất quý báu cần phải sống để cảm nghiệm khả năng tự hiến của mình và, đồng thời, để « tập luyện » thực hiện điều đó cách trọn vẹn. Mùa Chay chỉ là một trong những thời gian này nhưng, dù sao, nó là một thời gian rất đặc biệt : việc chiêm ngắm Người Tôi Tớ đau khổ, đặc biệt qua việc thực hành Đàng Thánh Giá, dạy cho chúng ta không chỉ chấp nhận nhưng còn yêu mến sự hy sinh, nếu nó được thực thi bằng tình yêu Chúa Kitô và anh chị em chúng ta – theo gương của ông Simon người Kyrênê (Mt 27, 32 ; Mc 15, 21 ; Lc 23, 26) và tất cả những gì sự khôn ngoan bao đời của các thánh xác nhận đối với chúng ta -, như là sự cộng tác và nâng đỡ cho những đau khổ và kế hoạch cứu độ của Ngài.

Quả thế, đó là yếu tính sâu xa nhất của căn tính linh mục : linh mục là một người-sống-cho-Thiên-Chúa và, đồng thời, và chính vì thế, một người-sống-cho-anh-chị-em-của-mình. Ai chuẩn bị cho thừa tác vụ thánh phải luôn mang trong tâm trí mình tất cả những điều này. Mọi sự phóng đại, mọi lệch hướng, mọi sự bất tuân theo yếu tính của thừa tác vụ thánh luôn là hệ quả không thể tránh khỏi của sự lìa xa – với trí khôn và con tim, với tinh thần và hành động – với chân lý thánh thiêng này.

Phương tiện, qua đó sự trao hiến trọn vẹn chính mình này được thực hiện và được nuôi dưỡng, theo gương Chúa Kitô và với sức mạnh đến từ Ngài, chắc chắn là Bí tích Thánh Thể. Bí tích này là « nguồn mạch và là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu » (Lumen gentium, số 11) nhưng, còn hơn nữa, của đời sống linh mục. Quả thế, có thể nói, linh mục không chỉ là người « sinh ra » Thánh Thể, nhưng, còn hơn nữa, là người đồng nhất hóa với Thánh Thể và, qua đời sống của mình, trở thành sự hiện diện huyền nhiệm của Thánh Thể. Chúng ta hầu như có thể nói rằng chính linh mục được kêu gọi trở thành thánh thể, sự trao hiến tình yêu cho Cha vì phần rỗi thế gian. Chính vì thế, trong Sắc lệnh Optatam Totius của Công đồng Vatican II, liên quan đến việc đào tạo các ứng viên thừa tác vụ thánh, chúng ta đọc thấy ở số 8 : « Họ hãy sống mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô để, một ngày nào đó, biết dẫn đưa dân sẽ được giao phó cho họ đến với Chúa Kitô ». « Mầu nhiệm Vượt qua này được cử hành và được xây dựng trong Thánh Lễ và được sống trong đời thường, trong mối tương quan với bạn hữu, trong sự vâng phục bề trên, trong sự tận tâm dấn thân học hành và cộng đoàn, trong đời sống cầu nguyện, và còn cả trong gia đình, giáo xứ, trong những khung cảnh khác nhau của đời thường. Cách chung chung, trong sự ngoan ngoãn qua đó chúng ta để cho Chúa Giêsu hướng dẫn bằng cách luôn hướng mắt về Ngài (Dt 12,2).

Vì thế, ước gì Mùa Chay, mùa sám hối và cầu nguyện, cũng là một thời gian để nội tâm hóa cách sâu xa mối tương quan giữa Thánh Thể và ơn gọi và để sống hiến lễ thường ngày của Thánh Lễ như là sự trao hiến chính mình, bằng việc làm tăng giá trị thời gian hiện tại trong viễn ảnh của tương lai vĩnh cửu.

Nguyện xin Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể tuyệt hảo, Mẹ rất dịu dàng của mỗi môn đệ yêu mến của Con Mẹ, đồng hành với quý thầy tất cả và giúp đỡ quý thầy, qua mẫu gương và sự cầu bàu của Mẹ, hiểu biết sự quyến rũ khôn tả của sự cao trọng mà quý thầy được kêu gọi đến !

 13/02/2013

Thứ Tư Lễ Tro

Hồng y MAURO PIACENZA

Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30