« TÔI KHÔNG ĐI LỄ NỮA VÌ TÔI KHÔNG CÒN CẢM THẤY GÌ Ở ĐÓ NỮA »

Written by xbvn on Tháng Bảy 30th, 2023. Posted in Phụng vụ, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Việt Nam

Việc chúng ta tham dự Thánh lễ không nên tùy thuộc vào cảm xúc tôn giáo chốc lát của mình, càng hơn thế nữa vì Bí tích gia tăng nơi chúng ta tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Ngày nay, mệnh lệnh «  cảm thấy » cưỡng bức lương tâm. Tính tự phát, tính cảm xúc được khuyến khích với quy mô chưa từng có. Chẳng hạn, đó là vấn đề « thích » vào khoảnh khắc bài đăng mới nhất của một người quen trên mạng xã hội.  Sự lệch hướng này thậm chí còn ảnh hưởng đến lãnh vực tôn giáo đến mức « kinh nghiệm sống » đã trở thành quan trọng hơn các bài học giáo lý. Đôi khi chúng ta nghe nói : « Tin Mừng là một kinh nghiệm trước khi là một giáo thuyết ». Theo quan niệm này về đời sống Kitô hữu, niềm phó thác và sự dạt dào của con tim có thể dễ dàng không cần đến kiến thức hợp lý về các mầu nhiệm đức tin. Điều cốt yếu là yêu mến Chúa Giêsu mà không thúc đẩy suy tư xa hơn. Người ta gọi trào lưu này là chủ nghĩa duy tín.

Tuy nhiên, khi ưu tiên cho cảm xúc đến chỗ làm phương hại mọi kiến thức giáo lý, người Công giáo có nguy cơ bị mất phương hướng khi không còn cảm thấy bất kỳ cảm giác hài lòng nào trong khi thờ phượng. Nếu họ vẫn « khô khan » trong khi cộng đoàn cử hành những kỳ công của Chúa vào Chúa Nhật, thì điều đó phải chăng có nghĩa là họ không còn đức tin nữa ? Nếu họ không còn cảm thấy sự nồng nhiệt nơi bản thân trong Thánh lễ, thì điều đó phải chăng có nghĩa là các mầu nhiệm được cử hành là không chân thật, hay họ phải ưu tiên một niềm tin khác, hay một trào lưu khác của Kitô giáo, một lời tuyên tín khác ?

Thiên Chúa hành động trong chúng ta

Thật không may, đó là kết luận được rút ra bởi một số người giữ đạo đã đặt cược quá nhiều vào « cảm thấy ». Theo họ, cái cảm thấy này sẽ là thước đo của đức tin nơi họ : « Nếu tôi không cảm thấy gì, nếu tôi vẫn trơ như đá, thì đó là vì tôi không có hoặc không còn đức tin nữa. » Nhưng việc đánh giá đức tin của chúng ta, theo cách đó, dựa trên cảm tính bên trong của chúng ta sẽ có thể trở thành một phản xạ nguy hiểm. Quả thế, đó là khiến chọn lựa căn bản của toàn bộ cuộc sống của chúng ta, tức là đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, dựa trên nội tâm của chúng ta và những gì chúng ta cảm nhận về nó. Qua đó, chúng ta quên rằng không phải chúng ta ban đức tin cho mình, nhưng chính Thiên Chúa thông truyền đức tin cho chúng ta.

Hơn nữa, mức độ tâm linh sâu sắc theo đó đức tin hành động không được đo lường bằng những gì tâm trí chúng ta cảm nhận được. Tại sao ? Bởi vì Thiên Chúa hành động sâu xa trong chúng ta từ khi chúng ta được rửa tội và rất thường hành động của Người trong tâm trí chúng ta vẫn bị che khuất khỏi chúng ta. Không chỉ Thiên Chúa không áp đặt, nhưng hơn nữa, từ khi chúng ta thưa « xin vâng » với Người, Người thiết lập nơi cư ngụ của Người trong chúng ta và đồng thời canh chừng không làm chúng ta bất ổn vì Người luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Nhiều đến nỗi rất thường xảy ra rằng các linh hồn tràn đầy Thiên Chúa không còn nhận thấy sự hiện diện của Người trong họ nữa.

Tính chủ quan của chúng ta không phải là thước đo đức tin của mình

Những nhận xét này là rất quan trọng để đánh giá ảnh hưởng của việc « cảm thấy » nơi chúng ta trong Thánh lễ. Gặp khó khăn khi « bước vào » cuộc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể không phải là dấu hiệu cho thấy đức tin của chúng ta « đã mất » và chỗ đứng của chúng ta không còn trong cộng đoàn nữa. Hãy coi chừng đánh giá quá cao tính chủ quan của mình ! Nó không phải là thước đo đức tin của chúng ta, và càng không phải là thước đo của chân lý của Chúa Kitô ! Không phải vì tôi không có cảm giác đặc biệt nào vào lúc nâng cao Mình Máu Thánh Chúa hay trong lúc truyền phép mà Chúa Kitô không thực sự hiện diện giữa chúng ta. Đặc biệt, điều quan trọng là phải xác tín rằng các Bí tích có mục đích gia tăng đức tin và đức ái nơi chúng ta, chứ không phải để kiểm tra mức độ mãnh liệt của chúng ta tại thời điểm nào đó ! Trong Thánh lễ, Chúa Kitô hành động trong chúng ta ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc cử hành, và thậm chí còn hơn thế nữa nếu chúng ta rước Mình Thánh Người, và điều này bất kể sự nhạy cảm của chúng ta vào thời điểm đó. Do đó, từ chối đi lễ bởi vì chúng ta không cảm thấy gì ở đó vào ngày Chúa Nhật trước là hoàn toàn không đúng. Việc gia tăng đức tin và đức ái của chúng ta không tùy thuộc vào chúng ta, chính Thiên Chúa sẽ đảm nhận việc đó. Chúng ta đừng đảo ngược trật tự nhân quả. Điều quan trọng nhất là nguyên nhân (Thiên Chúa), chứ không phải là kết quả (cảm xúc của tôi hay sự thiếu cảm xúc của tôi) – ngay cả khi việc duy trì đức tin đòi hỏi thiện chí của tôi.

Hơn nữa, như đã nói trên đây, đức tin và đức ái không được đánh giá dựa trên cảm xúc. Một người mẹ không thường xuyên hớn hở hạnh phúc, nhưng điều đó không ngăn cản bà chăm sóc con cái mọi ngày trong cuộc sống của mình, cống hiến hết mình không ngừng. Cũng thế, chúng ta không cần ở trong tình trạng nồng nhiệt thiêng liêng để bày tỏ lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu bằng cách đi lễ.

Tý Linh chuyển ý

(nguồn : Jean-Michel Castaing, Aleteia)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30