UCRAINA : KHÔI PHỤC TÍNH KHẢ TÍN CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VÀ TÁI LẬP SỰ TIN TƯỞNG LẪN NHAU

Written by xbvn on Tháng Năm 13th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Bà Francesca Di Giovanni (*), Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh phụ trách về các quan hệ đa phương, nhận định thế giới có thể như thế nào sau cuộc xung đột Nga và Ucraina : canh tân các tổ chức quốc tế và tìm kiếm đối thoại, từ một hoàn cảnh bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các nước lớn và các nước nhỏ.

Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina, bên cạnh nỗi đau khổ của thảm kịch đang diễn ra, đã tạo nên một bầu không khí bất ổn và hoang mang trong cộng đồng quốc tế, nhất là do sự can thiệp yếu kém của các tổ chức quốc tế, bắt đầu từ Liên hiệp quốc (LHQ), vốn không thể đưa trở lại con đường thương lượng, một cuộc xung đột gây ra cái chết và sự tàn phá, nhưng còn thúc đẩy sự bất ổn chính trị và kinh tế. Về vấn đề này và những vấn đề khác, Radio Vatican – Vatican News đã trao đổi với bà Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh.

Radio Vatican : Người ta có cảm giác rằng ONU từ lâu đã bị tê liệt và im lăng trong cuộc khủng hoảng này. Tại sao điều đó đã xảy ra ? Người ta vẫn có thể tin tưởng vào vai trò nền tảng của các tổ chức quốc tế ?

Francesca Di Giovanni : Các tổ chức này có thể và phải tiếp tục đóng một vai trò trong các mối tương quan quốc tế. Cuộc khủng hoảng hiện nay mà chúng ta đang chứng kiến chỉ phần nào do trách nhiệm của các tổ chức, nhưng đúng hơn trách nhiệm của các Nhà nước tạo nên chúng và quyết định chính sách và hoạt động của họ. Vấn đề lớn nhất là các Nhà nước đã mất khả năng lắng nghe nhau, thích áp đặt những ý tưởng hay lợi ích của riêng mình, mà trên thực tế đang hạn chế hay điều kiện chúng. Chính  Đức Giáo hoàng đã nhiều lần nói đến « thực dân hóa ý thức hệ », và bất hạnh thay việc thực dân hóa mới này đã tìm được một mảnh đất màu mỡ nơi các tổ chức quốc tế, cũng do sự xúi giục của một số Nhà nước.

Chúng ta phải bắt đầu nói chuyện lại, lắng nghe nhau và cả suy nghĩ về chỗ đứng của nhau. Khi chúng ta nói về các tổ chức quốc tế, chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng công việc của họ không chỉ giới hạn trong việc duy trì hòa bình và an ninh. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến các vấn đề phát triển, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình…. Vì thế, có nhiều việc phải làm, và sức ì hay sự tê liệt của LHQ thể hiện rõ ở một số lãnh vực, thậm chí là sơ cấp, trong khi nó tiếp tục nơi các lãnh vực khác, mặc dù  « sự mệt mỏi » của nó rất được cảm nhận.

Radio Vatican : Làm thế nào mang lại cho LHQ một khả năng hoạt động và quyết định, dựa trên hòa bình thế giới, vốn vượt quá tình trạng bế tắc hiện nay do những quyền phủ quyết khác nhau ? Chính Đức Giáo hoàng gần đây đã nói về sự bất lực của LHQ…

 Francesca Di Giovanni : Khi nói về hòa bình và an ninh quốc tế, tổ chức đầu tiên được nghĩ đến là LHQ và, cách riêng, Hội đồng bảo an. Chúng ta biết rằng việc cải tổ Hội đồng bảo an đã được thảo luận từ nhiều năm qua, các giải pháp tiếp tục được đề xuất, ít nhiều đứng vững được, nhưng, cho đến hiện tại, vẫn chưa đạt được sự đồng thuận nào. Mặc dù điều đó là cấp bách hơn bao giờ hết, cũng như đáng làm.

Tiếp đến, cần phải nhớ rằng cũng có OSCE, một tổ chức được thành lập đặc biệt cho an ninh và hợp tác giữa các Nhà nước. Nó có 57 Nhà nước thành viên từ ba lục địa, Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Tuy nhiên, hiệu quả của hai tổ chức này, cũng như hiệu quả của tất cả các tổ chức quốc tế, nằm ở ý chí chính trị hiệu quả của các Nhà nước thành viên đối với chúng. Quyền phủ quyết là một công cụ, nhưng điều quan trọng, dĩ nhiên, đó là thiện chí của các Nhà nước khác nhau. Các Nhà nước thành viên của LHQ phải tôn trọng văn tự và tinh thần của Hiến chương LHQ, tức là, tối thiểu, không lặp lại những sai lầm đã gây ra trong hai cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ XX.

Vấn đề lớn nhất là phải giúp cho hiểu – và rút ra những hậu quả của nó trong các lập trường cụ thể – rằng Hiến chương không nên được giải thích trên cơ sở lập trường chính trị hấp dẫn nhất, nhưng đúng hơn dưới ánh sáng của những gì đã xảy ra trong những năm trước khi nó được ký kết, sau Thế Chiến II, để bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi tai họa chiến tranh, bảo vệ các quyền căn bản của con người, phẩm giá và giá trị của nhân vị. Cũng để bảo vệ các quyền bình đẳng của người nam và người nữ, của các quốc gia lớn và nhỏ, bằng cách đón góp vào việc tạo nên những điều kiện trong đó công lý và việc tôn trọng các nghĩa vụ – phát xuất từ các hiệp ước và các nguồn luật quốc tế khác – có hiệu lực, và bằng cách thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong sự tự do lớn lao hơn.

Tòa Thánh đã luôn coi hệ thống LHQ, được xây dựng trên nội dung của Hiến chương của nó, như là công cụ hứa hẹn để xây dựng các mối tương quan lợi ích chung lẫn nhau trong cộng đồng quốc tế. Các Đức Giáo hoàng đã nhiều lần tuyên bố điều đó.

Radio Vatican : Ngày nay, có phải là điều không tưởng khi hy vọng một thế giới không có quân đội và không có vũ trang không ?

 Francesca Di Giovanni : Chúng ta phải trở lên đến cội nguồn của các cuộc xung đột quốc tế. Chúng thường xảy ra do mất đi một yếu tố cơ bản, đó là « sự tin tưởng », một sự tin tưởng phải được xây dựng bằng sự kiên nhẫn và những hành động cụ thể. Đó cũng là trường hợp của cuộc khủng hoảng Nga-Ucraina. Đứng trước nhận thức này, chúng ta phải tự hỏi làm thế nào để yếu tố này không bị phá vỡ, và nếu có « những dụng cụ » nào khác có thể thay thế « sự tin tưởng » cách hiệu quả hay không. Chúng ta hãy bắt đầu bằng sự tin tưởng này. Trước tiên, việc nại đến vũ khí có thể được xem như là một giai đoạn cần thiết để lấp đầy chỗ trống do việc thiếu tin tưởng tạo nên. Thế nhưng, phải công nhận rằng một phương sách như thế chỉ có thể đào sâu khoảng trống này và đưa chúng ta ngày càng xa rời con đường khó khăn của việc xây dựng và củng cố lòng tin, và cuối cùng là chính an ninh quốc tế.

Thứ hai, và điều đó cho phép chúng ta đưa ra một câu trả lời cho câu hỏi khác về « làm thế nào để sự tin tưởng không thể bị phá vỡ », chúng ta phải xem xét rằng những sự tương tùy mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế mà chúng ta ngày càng nhận thức được, không chỉ về kinh tế, nhưng còn xã hội, môi trường, y tế, khiến chúng ta nhận ra rằng, như Đức Thánh Cha đã nói, « tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền ». Con thuyền này là ngôi nhà  chung của chúng ta và ngày càng trở nên cấp thiết hơn là chúng ta phải tìm ra những phương thế chăm sóc nó và cùng nhau quản lý nó.

Việc quản lý không tốt ngôi nhà chung của chúng ta chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả tại hại cho tất cả mọi người, cho dù mỗi người có bao nhiêu vũ khí hay tài nguyên. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến những hiện tượng như biến đổi khí hậu và sự lây lan của đại dịch. Hoặc là chúng ta cùng nhau « chiến đấu », hoặc là tất cả chúng ta sẽ là kẻ thua cuộc. Và cả ở đó nữa, sự tin tưởng trở nên một đặc quyền thiết yếu. Đó là lý do tại sao Tòa Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không tiết kiệm bất cứ nỗ lực nào để thăng tiến một « nền sinh thái toàn diện » đích thực và một « an ninh toàn diện » nhất quán. Khái niệm sau cùng này không nhằm giới hạn an ninh chỉ ở mức « phòng thủ bằng vũ trang », nhưng khẳng định rằng nó phải là « toàn diện », tức là tùy theo những nghĩa khác nhau của an toàn lương thực, môi trường, y tế, kinh tế và xã hội…, làm nổi bật sự tương tùy sâu xa này đã được đề cập trên đây.

Vì thế, trong tiến trình này, điều cần thiết là phải xây dựng và  củng cố sự tin tưởng thông qua việc đối thoại, đa phương nhưng cả liên văn hóa, dựa trên sự tôn trọng giữa các nền văn hóa khác nhau, có khả năng thúc đẩy làm phong phú lẫn nhau.

Radio Vatican : Người ta nói rằng cuộc chiến tranh ở Ucraina sẽ làm thay đổi đáng kể các mối tương quan quốc tế. Thế giới sẽ ra sao sau cuộc xung đột này, mà người ta hy vọng rằng nó sẽ kết thúc sớm nhất có thể ?

 Francesca Di Giovanni : Thật khó để dự đoán hậu xung đột sẽ như thế nào ở một giai đoạn mà không thể biết nó sẽ phát triển như thế nào và sẽ kết thúc ra sao. Hy vọng vẫn là nó kết thúc càng nhanh càng tốt, hết sức có thể mà không gây ra những nạn nhân mới, vì mỗi khoảnh khắc trôi qua là một khoảnh khắc quá mức. Cuộc xung đột ở Ucraina cũng là kết quả của các mối quan hệ quốc tế bị rạn nứt từ nhiều năm qua. Trên thực tế, không có bất kỳ cuộc xung đột nào mà không xuất phát từ đâu.

Chính xác hơn, đó là hậu quả của những hành động và quyết định đã được tích lũy theo thời gian, trong nhiều năm, và điều này, thật không may, gây thiệt hai cho vô số người vô tội. Điều cấp bách ngày nay là chấm dứt xung đột và khôi phục công lý, rồi chung sức xây dựng lại, không chỉ những gì đã bị tàn phá về mặt vật chất, mà cả những tàn phá mà chiến tranh gây ra trong tâm hồn con người và trong các mối tương quan giữa  các nhóm xã hội và các dân tộc. Điều đó được áp dụng cho cuộc chiến ở Ucraina cũng như cho tất cả các cuộc chiến tranh đang diễn ra vào lúc này và dường như đã bị quên lãng hay cho các cuộc xung đột được gọi là tiềm tàng.

Theo nghĩa này, lời cảnh báo của Đức Giáo hoàng, theo đó chúng ta đang trải qua một « cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh », thật không may là một thực tại. Cần có sự huy động quốc tế được thúc đẩy bởi thiện chí, sự cởi mở cho đối với đối thoại thực sự và, nhất là, một ý muốn bền bỉ chấm dứt các xung đột này bằng cách nỗ lực tái lập hòa bình. Những gì cần phải làm trước hết, đó là một công việc tỉ mỉ để tái lập sự tin tưởng giữa các quốc gia để nhằm đạt tới không phải là một hòa bình bề ngoài, nhưng là một sự hài hòa hiệu quả trong cuộc sống thường ngày. Vì thế, cần phải có một lối tiếp cận gạt bỏ lôgíc của quyền lực và thống trị và thông qua một chính sách đặt phẩm giá của nhân vị ở trung tâm của mọi hành động.

Radio Vatican : Vào năm 1975, hội nghị Helsinki, chứng kiến sự ký kết một văn kiện của 35 Nhà nước, trong  đó có Hoa Kỳ và Liên Xô, đã ổn định mối quan hệ giữa các khối phương Tây và cộng sản. Liệu một sáng kiến như thế có thể giải quyết được những xung đột hiện tại, cho dầu nó đang ở trong một thế giới đã thay đổi rất nhiều so với thế giới gần 50 năm trước ?

 Francesca Di Giovanni : Cần phải nhớ rằng hội nghị Helsinki năm 1975 là kết quả của một tiến trình lâu dài. Những gợi ý đầu tiên cho một hội nghị về an ninh Châu Âu đã có từ đầu thập niên 1950 và đã được chính thức hóa với Kháng nghị Budapest ngày 17/3/1969, do các Nhà nước thành viên của Hiệp nước Varsovie gởi tới các Nhà nước Châu Âu, đề nghị chuẩn bị một cuộc họp toàn Châu Âu, với mục đích tìm ra một giải pháp cho sự chia rẽ của Châu Âu và tạo nên một hệ thống an ninh tập thể vững chắc.

Kháng nghị chỉ ra rằng « hiện tại và tương lai của các dân tộc Châu Âu gắn liền chặt chẽ với việc duy trì và củng cố hòa bình trên lục địa của chúng ta ». Tòa Thánh đã được mời tham dự vào việc chuẩn bị cho một hội nghị như thế và đã có thể mang lại cái nhìn của mình cho các cuộc thảo luận căng thẳng giữa các Nhà nước vốn đã dẫn đến hội nghị Helsinki. Để khởi động một tiến trình đối thoại như thế, luôn có giá trị để vượt lên những tương phản gay gắt, đối với tôi, điều căn bản là nhìn nhận rằng hòa bình giữa các quốc gia, như một giá trị luân lý trước khi là một vấn đề chính trị, « chỉ có thể được thiết lập và củng cố trong sự tôn trọng trọn vẹn trật tự do Thiên Chúa thiết lập » (Gioan XXIII, thông điệp Hòa bình dưới thế), từ đó phát xuất trách nhiệm bảo vệ phẩm giá con người.

Khi chúng ta nói về một hội nghị Helsinki mới, chúng ta đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần, đó là tìm kiếm trong sự đối thoại và với các quyền bình đẳng, những nguyên tắc được chia sẻ và những đảm bảm an ninh hỗ tương dựa trên các thỏa thuận ngoại giao, những gì mà  cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, cho dầu họ có những lợi ích đối lập. Lôgíc mà nói, tất cả các hội nghị về hòa bình đều đòi hỏi những nỗ lực, nhưng cả những hy sinh, một ý muốn cùng nhau tìm ra các thỏa hiệp, nhằm đến lợi ích tối cao là hòa bình.

—————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

——————————–

(* )Bà Francesca Di Giovanni là nữ thứ trưởng đầu tiên của Tòa Thánh, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào ngày 15/1/2020. Bà sinh năm 1953 tại Palermo, tốt nghiệp ngành luật và đã làm việc tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh từ hơn 25 năm nay. Bà làm việc trong phân bộ các mối quan hệ đa phương, đặc biệt liên quan đến các vấn đề di dân và tỵ nạn, công pháp quốc tế về nhân đạo, truyền thông, vấn đề nữ giới, sở hữu trí tuệ, du lịch…

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31