VẮC-XIN, DI DÂN, « HỦY BỎ VĂN HÓA »…NHỮNG LO LẮNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ TÌNH TRẠNG THẾ GIỚI

Written by xbvn on Tháng Một 10th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Thế Giới, Tý Linh, Đức tin & lý trí

Không che giấu những lo lắng của mình, Đức Phanxicô đã khai triển, hôm 10/1/2022, trước các nhà ngoại giao trên toàn thế giới, những mối bận tậm của mình đối với thế giới. Trong số đó : vắc-xin, di dân, sở hữu vũ khí. Lần đầu tiên, ngài bày tỏ sự lo lắng về việc « hủy bỏ văn hóa ».

Đây là buổi tiếp kiến lớn đầu năm ở Vatican. Đức Phanxicô  đã phát biểu khá  dài, vào ngày thứ Hai 10/1/2022, trong nghi thức chúc mừng truyền thống được gởi đến tất cả các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh. Trong bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha đã phác họa một thực trạng rộng lớn của thế giới và gởi tới 183 Nhà nước đang hiện diện trước mặt ngài, một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ, trong khung cảnh cấp bách của đại dịch.

Tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiêm chủng phòng chống covid 19

Mối bận tâm đầu tiên : đại dịch covid-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới và đã cướp đi, vào cuối năm 2021,  sinh mạng của Đức cha Giordano, sứ thần Tòa Thánh, rất được biết đến và được kính trọng trong cộng đồng ngoại giao. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng « ở đâu chiến dịch tiêm chủng hiệu quả đã diễn ra, thì nguy cơ về sự tiến triển nghiêm trọng của căn bệnh đã giảm đi ». Từ đó, tầm quan trọng của việc « tiếp tục nỗ lực để tạo miễn dịch cho dân chúng càng nhiều càng tốt ».

Đó là trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể, dựa trên việc « tôn trọng sức khỏe của người  gần gũi với chúng ta. Việc chăm sóc sức khỏe là một nghĩa vụ đạo đức », Đức Thánh Cha nhấn mạnh và lấy làm tiếc về « những thông tin vô căn cứ » hay « những sự kiện được dựa vào những tài liệu tồi », vốn tạo nên « những ý thức hệ » cắt đứt với « thực tại khách quan của các sự vật » . Chắc chắn, « vắc-xin không phải là công cụ chữa bệnh thần kỳ », nhưng nó là « giải pháp hợp lý nhất để phòng ngừa dịch bệnh ». Đối với các nhà chức trách, Đức Thánh Cha lấy làm tiếc về « việc thiếu kiên định trong các quyết định » và « thiếu rõ ràng trong truyền thông » vốn là những nguồn gốc của « sự lẫn lộn » và « ngờ vực » và đồng thời làm suy yếu « sự gắn kết xã hội bằng cách nuôi dưỡng những căng thẳng mới ».

Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời gọi các Nhà nước và các cơ quan quốc tế để họ thông qua « một chính sách chia sẻ vô vị lợi như là nguyên tắc chính để đảm bảo cho mọi người được tiếp cận với các công cụ chẩn đoán, với vắc-xin và thuốc men ». Cũng thế, ngài mong ước rằng « các quy tắc độc quyền không tạo ra những trở ngại mới đối với việc sản xuất và việc tiếp cận có tổ chức và phù hợp với việc chăm sóc ở cấp độ toàn cầu ».

Một Giáo hoàng lo lắng cho thế giới

Ngài khẳng định : « Một sự dấn thân toàn cầu của cộng đồng quốc tế là cần thiết để toàn thể dân số thế giới được tiếp cận bình đẳng với các chăm sóc y tế thiết yếu và với vắc-xin ».

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục trong thời gian rối ren này, Đức Thánh Cha nhắc lại « nỗi đau »  của mình khi phải thừa nhận rằng những cuộc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên đã diễn ra « trong các môi trường giáo dục khác nhau ». « Đó là những tội ác mà cần phải có ý chí cương quyết để làm sáng tỏ bằng cách xem xét các trường hợp cá nhân, để xác lập trách nhiệm trả lại công lý cho nạn nhân và ngăn chặn những hành động tàn bạo như thế tái diễn trong tương lai ».

Mối bận tâm khác của Đức Thánh Cha là việc đón tiếp người di cư. Nhắc lại các chuyến tông du năm 2021 đến Irắc, Budapest, Slôvakia, Síp và Hy Lạp, một lần nữa ngài đề cập khá dài vấn đề di cư mà ngài đã nói đến ở đảo Lesbos. « Đứng trước những khuôn mặt này, chúng ta không thể tiếp tục dửng dưng và chúng ta không thể núp sau những bức tường và hàng rào thép gai, viện cớ bảo vệ an ninh hay một lối sống ».

Đức Thánh Cha ý thức về những khó khăn mà một số quốc gia gặp phải khi đối diện với làn sóng di cư to lớn, nhưng, ngài nhấn mạnh, « có một sự khác nhau rõ nét giữa đón tiếp, dù là có giới hạn, và đẩy lùi hoàn toàn ». Đối với ngài, cũng cần phải « chinh phục sự dửng dưng và gạt bỏ tư tưởng theo đó người di cư sẽ là vấn đề cho người khác ». Một cách nhìn sự việc dẫn đến « sự mất nhân tính của người di cư » vốn trở thành « con mồi dễ dàng cho tội phạm và những kẻ buôn người », và « thường bị biến thành vũ khí tống tiền chính trị ».

Đối với Đức Thánh Cha, giải pháp cho những cuộc khủng hoảng di cư và khí hậu nằm trong một đáp ứng toàn cầu, được các cấp đa phương hỗ trợ. Nhưng nền ngoại giao đa phương, một ưu tiên của Tòa Thánh, là đối tượng của sự suy yếu trong những năm qua, và do « thiếu hiệu quả của nhiều tổ chức quốc tế ».

Phê bình việc hủy bỏ văn hóa

Một trong những lý do của sự suy yếu này ? « Một hình thức  thực dân hóa ý thức hệ », Đức Thánh Cha trả lời. Lần đầu tiên, Đức Thánh Cha gợi lên « việc hủy bỏ văn hóa » (cancel culture), mà ngài định nghĩa như là « tư tưởng độc nhất buộc phải phủ nhận lịch sử , hay tệ hơn, viết lại nó trên cơ sở các phạm trù hiện đại, đang khi mọi hoàn cảnh lịch sử phải được giải thích theo lối giải thích của thời đó». « Nhân danh việc bảo vệ tính đa dạng, cuối cùng người ta xóa bỏ ý nghĩa của mọi căn tính, với nguy cơ bắt im lặng các lập trường bảo vệ một ý tưởng tôn trọng và quân bình về các tính nhạy cảm khác nhau ».

Về việc sở hữu vũ khí, Đức Thánh Cha cảnh báo : « Đôi khi chúng ta có ảo tưởng rằng việc trang bị vũ khí chỉ đóng vai trò răn đe chống lại những kẻ xâm lược tiềm tàng. Lịch sử, và không may cả hiện tại, dạy cho chúng ta rằng đó không phải là trường hợp. Ai sở hữu vũ khí cuối cùng sớm hay muộn sẽ sử dủng chúng ». Một sự chuyển hướng rõ ràng trong giáo thuyết, là từ lâu đã kết án việc sử dụng vũ khí, nhưng đồng thời nhìn nhận răn đe là một hình thức chính đáng.

Giáo dục để xây dựng hòa bình

Đối với Đức Thánh Cha, giáo dục có một vai trò trong « sự phát triển tinh thần, đạo đức và xã hội của các thế hệ trẻ ». Ngài cũng cảnh giác các thực tại ảo và nhấn mạnh tính cấp bách canh chừng để các công cụ công nghệ được làm nổi bật như thế bởi đại dịch covid-19 không thay thế các mối tương quan nhân bản đích thực. « Trong một vũ trụ mà chỉ có cái « tôi », thì khó có thể có chỗ cho cái « chúng ta » ».

Tý Linh

(theo nhật báo La CroixVatican News)

Tags: , , , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31