DIỄN TỪ, GIÁO HUẤN HAY HỌC THUYẾT XÃ HỘI ?

Written by xbvn on Tháng Mười 25th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Tý Linh

Trung tâm Nghiên cứu và Hành động xã hội (Ceras) tái xuất bản tập văn kiện lớn của mình, có tựa đề « Diễn từ (discours) xã hội của Giáo hội Công giáo,  từ Đức Lê-ô XIII đến Đức Bênêđictô XVI ». Quả thế, nó được bổ sung thêm thông điệp Caritas in veritate, được xuất bản vào đầu mùa Hè 2009. Một số người thắc mắc, phải nói là « học thuyết xã hội » (« doctrine sociale »)? Hay đúng hơn nói « giáo huấn xã hội » (« enseignement social ») ? Hay kiểu nói nào khác nữa ? « Diễn từ xã hội *» đã được chọn gần đây nhằm một sự trung lập nào đó trong cuộc tranh luận rất gay gắt. Trong cuốn Chrétiens penseurs du social, t. III : 1968-1988 (Cerf, 2009), tôi đã dành  cả một chương bàn đến : « Những cuộc tranh luận xung quanh ‘học thuyết xã hội’ ».

Chúng ta biết rằng Công đồng Vatican II đã rất dè dặt. Tránh kiểu nói « học thuyết xã hội », Công đồng chỉ tuyên bố : « Dưới ánh sáng của Chúa Kitô, Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Trưởng Tử giữa mọi loài thọ tạo, Công đồng muốn nói với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để giúp loài người khám phá giải pháp cho những vấn đề lớn của thời đại chúng ta » (GS 10). Một số người đã trách cứ từ ngữ « học thuyết xã hội » muốn đặt những khuyến cáo liên quan đến các thực tại bất tất trên cùng bình diện với các học thuyết lớn của Kitô giáo : Kitô học, Ba Ngôi,…. Họ thích kiểu nói « giáo huấn xã hội » hơn…hay kém hơn nữa.

Thần học gia Claude Geffré đã bênh vực kiểu nói « học thuyết xã hội », theo nghĩa nền thần học giải phóng, hay kể cả thần học chính trị, đã đặt những khẳng định xã hội của Kitô giáo ở chính hàng thần học : đó không phải là những lời phụ tùy…như chúng đã thường từng là như thế trong lối giảng dạy trong các chủng viện. Tuy nhiên, các thần học gia giải phóng đã ít đánh giá cao « học thuyết xã hội » như nó đã tồn tại : đối với họ, học thuyết xã hội xem ra hoàn toàn bảo thủ, được nuôi dưỡng bởi những ảnh hưởng rất trưởng giả trên Giáo hội, từ Đức Lê-ô XIII đến Đức Gioan XXIII – ở Pháp, đó cũng là quan điểm của cha M.D. Chenu. Đối với những người bênh vực thần học giải phóng, ít ra là những người đầu tiên, một khi đã tôn kính Tin Mừng theo nghĩa chặt, thì phải nại đến sự soi sáng của các khoa học xã hội – vả lại, đối với nhiều người, chủ nghĩa mar-xít nằm trong số đó. Lập trường này giải thích rằng chính Đức Gioan-Phaolô II, khi đương đầu với các thần học gia giải phóng ở hội nghị Giám mục Puebla, đã lấy lại kiểu nói « học thuyết xã hội » và bênh vực cách mạnh mẽ khả năng của Giáo hội bày tỏ ý kiến trên mọi vấn đề xã hội… Quả thật, Đức Giáo hoàng đã tuyên bố, một vài năm sau trong thông điệp « Sollicitudo rei socialis » (Quan tâm đến vấn đề xã hội) (SRS 41) : « Giáo hội không đề nghị những hệ thống hay những chương trình kinh tế chính trị », vả lại, nó không muốn trình bày một « ý thức hệ » : tuy nhiên, nó có « một lời để nói » « về bản chất, những điều kiện, những đòi hỏi và những mục đích của sự phát triển đích thực và cũng về những trở ngại ngăn cản sự phát triển này », lời này làm nên « học thuyết xã hội » của nó.

Tuy nhiên, kiểu nói này vẫn hạn chế đối với Đức Gioan-Phaolô II. Quả thế, trong thông điệp « Centesimus annus » (CA, Bách chu niên), năm 1991, ngài đã lấy lại « những nguyên tắc » được Đức Lê-ô XIII trình bày, ngài nói thêm : « Mối ưu tư mục vụ đã đưa tôi đến chỗ đề nghị phân tích một  số biến cố gần đây của lịch sử. Không cần nhấn mạnh rằng việc để tâm xem xét diễn tiến của các biến cố […] thuộc bổn phận của các Mục tử. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn diễn tả những phán đoán dứt khoát khi khai triển những xem xét đó, vì tự chúng, chúng không nằm trong khuôn khổ riêng của huấn quyền » (CA 3). Do đó, ngài rất có lý để dùng kiểu nói « học thuyết xã hội » cách thận trọng, bằng cách hết sức tránh đặt tất cả những gì được nói trong những văn kiện này trên cùng một bình diện. Từ đó, cũng (nảy sinh) sự thận trọng đối với một số thuật ngữ được dùng để chỉ chúng và mối quan tâm trình bày theo thời gian toàn bộ tập văn kiện mà việc xuất bản này mang lại. Hơn nữa, hai chọn lựa này cho phép làm cho nó có thể tiếp cận hơn « đối với những người thiện chí ».

Jean-Yves Calvez, Jésuite (1927-2010)

—————————–

Tý Linh chuyển ngữ

————–

* Đây là chọn lựa của CERAS. Tuy nhiên, các văn kiện của các Đức Giáo hoàng từ Đức Gioan-Phaolô II cho đến Đức Phanxicô đã dùng hai kiểu nói « doctrine sociale » và « enseignement social » để chỉ một thực tại duy nhất mà không phân biệt gì nhiều. Trong Thông điệp « Caritas in veritate » của Đức Bênđíctô XVI, từ ngữ « doctrine sociale » thậm chí còn được dùng nhiều hơn.

Bộ Giáo dục Công giáo, trong văn kiện “Những định hướng cho việc nghiên cứu và giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội trong việc đào tạo linh mục“, năm 1988, đã bàn về vấn đề này như sau:

“Trước tiên, chúng ta sẽ lưu ý rằng trong tập « Những Định hướng » này, hai thuật ngữ : « học thuyết xã hội » (doctrine sociale) và « giáo huấn xã hội » (enseignement social) của Giáo hội sẽ được dùng cách không phân biệt. Chúng ta biết những sắc thái được bao hàm trong mỗi thuật ngữ này. Quả thế, « học thuyết » nhấn mạnh đến khía cạnh lý thuyết của vấn đề hơn, và « giáo huấn » nhấn mạnh đến khía cạnh lịch sử và thực tiễn, thế nhưng cả hai từ ngữ đều muốn chỉ cùng một thực tại. Việc sử dụng xen kẽ chúng trong Huấn quyền của Giáo hội về xã hội, Huấn quyền long trọng cũng như thông thường, của Giáo hoàng và Giám mục, cho thấy sự tương đương hỗ tương.” (số 1). (ctcnd)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30