ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC TÍN HỮU GIÁO PHẬN RÔMA : TÍNH HIỆP HÀNH DIỄN TẢ BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Chín 19th, 2021. Posted in Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong một diễn văn cho các tín hữu của giáo phận Rôma, Đức Phanxicô mô tả tiến trình hiệp hành sẽ bắt đầu vào tháng 10/2021 và tầm quan trọng của Giáo phận đang khi Giáo hội cùng nhau làm việc để cảm nhận bản thân là một phần « của một dân tộc lớn lao duy nhất ».

Nói với khoảng 4000 tín hữu giáo phận Rôma hôm 18/9/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Thượng hội đồng sắp đến, có chủ đề « Về một Giáo hội hiệp hành : hiệp thông, tham gia, sứ mạng », như là một hành trình trong đó toàn thể Giáo hội đều được dấn thân.

Thượng hội đồng sẽ diễn ra giữa tháng 10/2021 đến tháng 10/2023 ; lộ trình của nó đã được quan niệm như là « một sự năng động lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở mọi cấp trật của Giáo hội, bao hàm toàn thể dân Thiên Chúa », Đức Thánh Cha lưu ý.

Giai đoạn đầu tiên

Giai đoạn đầu tiên của tiến trình (10/2021-4/2022) là giai đoạn liên quan đén các Giáo hội khác nhau ở các giáo phận. « Đó là lý do tạo sao tôi ở đây, với tư cách là Giám mục của anh chị em, để chia sẻ, vì điều quan trọng là giáo phận Rôma dấn thân cách xác tín vào hành trình này », Đức Thánh Cha tuyên bố.

Ngài đã giải thích rằng « tính hiệp hành diễn tả bản chất của Giáo hội, hình thức, phong cách, sứ mạng của Giáo hội ». Quả thế, từ « hiệp hành » chứa đựng tất cả những gì chúng ta phải hiểu : « bước đi cùng nhau ».

Sách Công vụ Tông đồ

Quy chiếu đến sách Công vụ Tông đồ như là « ‘thủ bản’ đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội học », Đức Thánh Cha ghi nhận rằng nó kể lại câu chuyện về một con đường khởi đầu ở Giêrusalem và, sau một hành trình lâu dài, kết thúc ở Rôma. Con đường này kể lại lịch sử trong đó Lời Chúa và con người hướng sự chú ý và đức tin của họ đến Lời này, bước đi cùng nhau. « Tất cả mọi người đều là một nhân vật chính », Đức Thánh Cha nêu rõ, và « không ai có thể bị coi như chỉ là vai phụ ». Đôi khi cần thiết ra đi, đổi hướng, vượt lên trên những xác tín cầm giữ chúng ta và ngăn cản chúng ta chuyển động và bước đi cùng nhau.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận rằng những vấn đề được đặt ra để tổ chức con số gia tăng của các Kitô hữu, và « nhất là để chu cấp cho nhu cầu của người nghèo ». Đức Thánh Cha nói bằng cách trích dẫn sách Công vụ Tông đồ rằng, cách thức tìm ra một giải pháp « là triệu tập hội đồng các môn đệ và đưa ra quyết định bổ nhiệm bảy người sẽ dấn thân toàn thời gian trong tác vụ phục vụ, trong việc phục vụ bàn ăn ».

Giai đoạn giáo phận

Trở lại tiến  trình hiệp hành, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng giai đoạn giáo phận là rất quan trọng vì nó bao hàm việc lắng nghe của toàn thể những người chịu phép rửa tội. Ngài nhấn mạnh : « có nhiều phản đổi cần phải vượt lên trên hình ảnh về một Giáo hội được phân chia cách cứng nhắc giữa lãnh đạo và cấp dưới, giữa người dạy và người phải học, mà quên rằng Thiên Chúa thích đảo ngược các vị trí. Việc bước đi cùng nhau sẽ khám phá chiều ngang như đường hướng hành động hơn là chiều dọc ».

Cảm thức đức tin

« Cảm  thức đức tin (tiếng Latinh : « sensus fidei ») coi trọng mỗi người trong phẩm giá của chức năng ngôn sứ của Chúa Giêsu-Kitô để chúng ta có thể phân định đâu là những con đường của Tin Mừng trong hiện tại ».

Ngài giải thích rằng « việc thực thi ‘sensus fidei’ không thể bị giảm thiểu thành việc trao đổi và so sánh các ý kiến mà chúng ta có thể có về đề tài này hay đề tài kia, về khía cạnh giáo thuyết này hay khía cạnh giáo thuyết kia, hay quy tắc kỷ luật này hay quy tắc kỷ luật kia ». « Ý tưởng phân biệt giữa đa số và thiểu số không thể chiếm ưu thế ».

Ngài nói tiếp : « Điều cần thiết là cảm thấy mình là thành viên của một dân tộc lớn lao duy nhất vốn là nơi đón nhận những lời hứa của Thiên Chúa », « mở ra cho một tương lai đang chờ đợi mọi người để tham dự vào bàn tiệc được Thiên Chúa chuẩn bị cho mọi dân tộc ». Ở đây, Đức Thánh Cha nói, ngài muốn nhấn mạnh rằng ngay cả về khái niệm « dân Thiên Chúa », có thể có những lối giải nghĩa cứng nhắc và đối kháng, vẫn bị nhốt kín trong ý tưởng về một sự độc quyền, một đặc ân, như đã xảy ra với lối giải thích khái niệm « tuyển chọn », mà các ngôn sứ đã sửa chữa, chỉ ra cách phải hiểu nó cách đúng đắn như thế nào. Đó không phải là một đặc ân, nhưng là một ân huệ mà một người lãnh nhận vì mọi người, mà chúng ta  đã lãnh nhận cho những người khác, một trách nhiệm.

Đừng để bất kỳ ai ở bên ngoài hay đằng sau

Quả thế, trong tiến trình hiệp hành, việc lắng nghe phải tính đến « sensus fidei », nhưng nó không được coi thường tất cả « những trực giác » này được thể hiện nơi đâu người ta không mong đợi chúng : có thể có một « trực giác không có tư cách công dân », nhưng không vì thế mà nó kém hữu hiệu hơn.

Đức Thánh Cha kết luận : « Tôi đã đến đây để khuyến khích anh chị em thực hiện tiến trình hiệp hành này cách nghiêm túc và để nói với anh chị em rằng Chúa Thánh Thần cần đến anh chị em. Hãy lắng nghe Ngài bằng cách anh chị em lắng nghe nhau và đừng để bất kỳ ai ở bên ngoài hay đằng sau. Điều này không chỉ có giá trị đối với những người hiện diện, nhưng còn đối với toàn thể Giáo hội, vốn không được củng cố chỉ bằng cải cách các cơ cấu, đưa ra những chỉ dẫn, đề ra các cuộc hội thảo, hay bằng nhiều chỉ thị và chương trình, nhưng Giáo hội còn tái khám phá rằng mình là một dân muốn bước đi cùng nhau, giữa Giáo hội và với nhân loại. Một dân , dân của Rôma, vốn bao hàm sự đa dạng của mọi dân tộc và mọi thân phận : thật là sự phong phú phi thường, trong tính phức tạp của nó ! »

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31