ĐỨC PHANXICÔ: TÔI KHÔNG NÓI VỀ CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC, TÔI ĐANG NÓI VỀ VĂN HÓA

Written by xbvn on Tháng Chín 5th, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Trên chuyến bay từ Mông Cổ trở về Rôma ngày 4/9/2023, trả lời cho câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn ANSA liên quan đến phát biểu của Đức Thánh Cha với giới trẻ Công giáo Nga mà một số người cho rằng ngài tôn vinh chủ nghĩa đế quốc và tán thành các chính sách của tổng thống Putin, Đức Thánh Cha đã làm sáng tỏ vấn đề này và qua đó cảnh giác các ý thức hệ trên thế giới và cả trong Giáo hội. Dưới đây là câu hỏi của phóng viên Gasparroni và câu trả lời của Đức Thánh Cha :

Fausto Gasparroni (ANSA): Trọng kính Đức Thánh Cha, những phát biểu của Đức Thánh Cha với giới trẻ Công giáo Nga về Nước Nga vĩ đại, di sản của những nhân vật như Peter Đại đế và Catherine II, gần đây đã gây ra một cuộc tranh luận. Đây là những tuyên bố – có thể nói – khiến người Ucraina nổi cáu, chúng cũng gây ra hậu quả trong lĩnh vực ngoại giao và phần nào được coi là sự tôn vinh chủ nghĩa đế quốc Nga và một dạng tán thành các chính sách của Putin. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha tại sao Đức Thánh Cha cảm thấy cần phải đưa ra những tuyên bố này, liệu Đức Thánh Cha có cân nhắc việc đưa ra chúng hay không, liệu Đức Thánh Cha có lặp lại chúng hay không; và ngoài ra, để rõ ràng hơn, Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết Đức Thánh Cha nghĩ gì về chủ nghĩa đế quốc và đặc biệt là chủ nghĩa đế quốc Nga không?

Đức Thánh Cha Phanxicô :

Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh của những lời này: cuộc đối thoại với giới trẻ Nga. Và khi kết thúc cuộc đối thoại này, tôi đã đưa ra cho họ một thông điệp, một thông điệp mà tôi luôn lặp đi lặp lại: hãy đảm nhận di sản của họ. Điểm đầu tiên: hãy đảm nhận di sản của bạn. Tôi lặp đi lặp lại điều tương tự ở mọi nơi. Cũng chính với cái nhìn này mà tôi cố gắng đưa ông bà và con cháu vào cuộc đối thoại: hãy để con cháu đảm nhận di sản. Đó là điều tôi nói ở mọi nơi và đó là thông điệp tôi gửi đi. Điểm thứ hai là làm rõ di sản: thực ra, tôi đã nói về ý tưởng nước Nga vĩ đại, vì di sản Nga rất tốt, rất đẹp. Hãy nghĩ đến văn học, âm nhạc, cho đến tận Dostoevsky, người nói với chúng ta ngày nay về chủ nghĩa nhân văn trưởng thành; di sản này đã đảm nhận chủ nghĩa nhân văn này, vốn đã phát triển trong nghệ thuật và văn học. Đó sẽ là điểm thứ hai khi tôi nói về di sản, phải không? Điểm thứ ba, có lẽ không vui lắm, nhưng đang nói về nước Nga vĩ đại theo nghĩa không phải địa lý mà là văn hóa, tôi nhớ lại những gì chúng tôi đã được dạy ở trường: Peter I, Catherine II. Và còn điểm thứ ba này, vốn có lẽ không hoàn toàn đúng. Tôi không biết. Hãy để các nhà sử học cho chúng ta biết. Nhưng đó là một bổ sung tôi nghĩ đến vì tôi đã học nó ở trường. Điều tôi đã nói với những người Nga trẻ tuổi là hãy đảm nhận di sản của họ, hãy nhận lấy di sản của họ, nghĩa là không mua được nó ở nơi khác. Đảm nhận di sản của riêng mình. Và thật là một di sản vĩ đại mà nước Nga đã để lại: văn hóa Nga có vẻ đẹp tuyệt vời, có chiều sâu lớn lao; và nó không nên bị xóa bỏ vì lý do chính trị. Có những năm đen tối ở nước Nga, nhưng di sản vẫn luôn như vậy, trong tay. Tiếp đến, bạn nói về chủ nghĩa đế quốc. Tôi không nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc khi nói điều đó, tôi đang nói về văn hóa, và việc truyền đạt văn hóa không bao giờ có tính chất đế quốc, không bao giờ; nó luôn là một cuộc đối thoại và tôi đang nói về điều đó. Đúng là có những đế quốc muốn áp đặt ý thức hệ của mình. Tôi nhắm đến điều đó: khi văn hóa được chắt lọc và biến thành ý thức hệ, đó là chất độc. Văn hóa được sử dụng nhưng được chắt lọc thành ý thức hệ. Cần phải phân biệt giữa văn hóa của một dân tộc và tiếp đến những ý thức hệ được sinh ra nơi một triết gia hay một chính trị gia của dân tộc này. Và tôi nói điều này với mọi người, kể cả với Giáo hội. Thông thường, các ý thức hệ được đưa vào Giáo hội nhằm tách Giáo hội ra khỏi đời sống bắt nguồn từ gốc rễ và hướng lên cao; chúng tách rời Giáo hội ra khỏi ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Một tư tưởng học không thể được thể hiện, nó chỉ là một ý tưởng. Nhưng ý thức hệ thay thế nó và trở thành chính trị, nó thường trở thành chế độ độc tài, phải không? Nó trở nên không có khả năng đối thoại, hòa hợp với các nền văn hóa. Và đó là điều mà các chủ nghĩa đế quốc làm. Chủ nghĩa đế quốc luôn được củng cố trên cơ sở một ý thức hệ. Trong Giáo hội cũng vậy, chúng ta phải phân biệt giữa giáo lý và ý thức hệ: giáo lý đích thực không bao giờ mang tính ý thức hệ, không bao giờ; nó bắt nguồn từ dân thánh và trung tín của Thiên Chúa; ngược lại, ý thức hệ tách rời khỏi thực tại, tách rời khỏi con người… Tôi không biết liệu tôi đã trả lời được chưa.

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31