ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: BÀI GIẢNG TRONG BUỔI CANH THỨC HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Chín 9th, 2013. Posted in Thế Giới, Xuân Tịnh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một cuộc canh thức ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình với tín hữu Roma và những người hành hương đến thành phố nầy hôm Thứ bảy, 7-9-2013. Sau đây là bài giảng của ngài:

“Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp” (St 1,12,18,21,25). Trình thuật Kinh Thánh về thuở ban đầu của lịch sử thế giới và của con người nói với chúng ta về một Thiên Chúa nhìn vào tạo vật, trong một ý nghĩa thưởng ngoạn nó, và thốt lên: “Nó tốt đẹp”. Điều nầy cho phép chúng ta đi vào cõi lòng của Thiên Chúa và, cách chính xác là từ trong cõi lòng của Ngài, để đón nhận sứ điệp nầy.

Chúng ta có thể tự hỏi rằng: Sứ điệp nầy có ý nghĩa gì? Nó nói điều gì với tôi, với bạn, với tất cả chúng ta?

1. Nó nói với chúng ta cách đơn giản rằng, trong lòng trí của Thiên Chúa, thế giới của chúng ta là “căn nhà hòa hợp và hòa bình”, và đó chính là không gian mà mọi người có thể tìm thấy nơi chốn thích hợp của họ và cảm thấy “ở nhà mình”, bởi vì nó “tốt đẹp”. Tất cả mọi tạo vật hình thành một sự thống nhất hòa hợp và tốt đẹp, nhưng trên hết nhân loại, được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, là một gia đình, trong đó những mối tương quan được biểu lộ bằng một tình huynh đệ đích thực không chỉ bằng lời nói: người kia là một người anh, người chị hay người em của tôi để yêu thương, và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, -Ngài là Tình Yêu, sự trung thành và sự tốt lành- , phản ánh mọi mối tương quan nhân loại và đem đến sự hòa hợp cho toàn thể tạo vật. Thế giới của Thiên Chúa là một thế giới ở đó mọi người cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác, đối với thiện ích của người khác. Tối hôm nay, trong suy nghĩ, chay tịnh và cầu nguyện, mỗi người chúng ta trong sâu thẳm tâm hồn phải tự hỏi mình: Đây có thật sự là thế giới mà tôi mong muốn không? Đây có thật sự là thế giới mà chúng ta tất cả đang ấp ủ trong tâm hồn mình không? Có phải thế giới mà chúng ta mong muốn thật sự là một thế giới hòa hợp và hòa bình, trong chính bản thân chúng ta, trong mối tương quan với người khác, trong những gia đình, trong những thành phố, trong và giữa những quốc gia hay không? Và rằng không phải tự do đích thực có nghĩa là chọn lựa những cách thức trong thế giới nầy mà nó dẫn đến thiện ích cho tất cả và được hướng dẫn bởi tình yêu hay sao?

2. Nhưng sau đó chúng ta tự hỏi: Có phải đây là thế giới mà chúng ta đang sống không? Tạo vật vẫn còn đó sự xinh đẹp của nó khiến chúng ta kinh ngạc và nó vẫn là một công trình tốt lành. Nhưng cũng có “bạo lực, chia rẽ, bất đồng, chiến tranh”. Điều nầy xảy ra khi con người, đỉnh cao của tạo vật, ngừng chiêm ngắm vẻ đẹp và sự tốt lành, và rút lui vào sự ích kỷ của mình. Khi con người chỉ nghĩ về mình, về những lợi ích của riêng mình và đặt chính mình vào trung tâm, khi nó để cho mình bị say đắm bởi những ngẫu tượng thống trị và quyền lực, khi nó đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa, trong trường hợp đó mọi mối tương quan đổ bể và mọi sự bị phá hủy; rồi cánh cửa mở ra cho bạo lực, dửng dưng và xung đột. Đây chính xác là những gì mà đoạn sách Sáng Thế muốn dạy chúng ta về lịch sử của sự sa ngã: con người đi vào trong sự xung đột với chính nó, nó nhận ra rằng nó trần truồng và và nó tìm chổ nấp bởi vì nó sợ hãi (x. St 3,10), nó sợ cái nhìn của Thiên Chúa; nó đổ tội cho người đàn bà là thịt của thịt nó (x. St 3,12), nó cắt đứt sự hòa hợp với tạo vật, nó bắt đầu đưa tay mình lên chống lại em mình và giết anh ta. Chúng ta có thể nói rằng từ hòa hợp nó chuyển qua “bất hòa” không? Không, không có chuyện gọi là “bất hòa”; hoặc là có hòa hợp hoặc là chúng ta rơi vào sự hỗn loạn, ở đó có bạo lực, cãi vả, xung đột, sợ hãi…

Chính trong sự hỗn loạn đó Thiên Chúa tra vấn ý thức của con người: “Abel em ngươi ở đâu?” và Ca-in trả lời: “Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?” (St 4,9). Chúng ta cũng được tra vấn câu hỏi nầy, nó cũng tốt cho chúng ta khi tự hỏi: Tôi có thật sự là người gìn giữ anh em tôi không? Vâng các bạn là người gìn giữ anh em của mình! Làm người có nghĩa là săn sóc nhau! Nhưng khi sự hòa hợp bị phá vỡ, một sự biến thái xảy ra: người anh em cần được chăm sóc và yêu thương trở thành một địch thủ để chiến đấu, để giết hại. Bạo lực xảy ra trong thời điểm đó, bao nhiêu cuộc xung đột, bao nhiêu cuộc chiến tranh đã đánh dấu lịch sử của chúng ta! Chúng ta chỉ cần nhìn vào nỗi đau khổ của rất nhiều anh chị em chúng ta. Đây không phải là một sự trùng khớp ngẫu nhiên, nhưng là sự thật: chúng ta đem lại sự hồi sinh của Ca-in trong mỗi hành động bạo lực và trong mỗi cuộc chiến tranh. Tất cả chúng ta! Và ngay cả hôm nay chúng ta đang tiếp tục cái lịch sử xung đột nầy giữa những người anh em, ngay cả hôm nay chúng ta đang đưa cao tay chống lại anh em của chúng ta. Ngay cả hôm nay, chúng ta để cho mình bị hướng dẫn bởi những ngẫu tượng, bởi tính ích kỷ, bởi mối lợi riêng tư của mình, và thái độ nầy đang tồn tại. Chúng ta đã hoàn thiện khí giới của mình, lương tâm chúng ta đã ngủ quên, và chúng ta đã mài giũa ý tưởng để biện minh cho chính mình. Tựa như đó là bình thường, chúng ta tiếp tục gieo rắc sự tàn phá, đau khổ, chết chóc! Bạo lực và chiến tranh chỉ dẫn đến chết chóc, chúng diễn tả sự chết! Bạo lực và chiến tranh là ngôn ngữ của sự chết!

3. Tại thời điểm nầy tôi tự hỏi: có thể thay đổi hướng đi nầy hay không? Chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng xoáy đau khổ và chết chóc nầy không? Chúng ta có thể thêm một lần nữa học lại để bước đi và sống trong những phương thức hòa bình không? Khẩn cầu sự nâng đỡ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ Phần Rỗi Của Dân Roma, Nữ Vương Hòa Bình, tôi nói: Vâng, đó là điều có thể cho tất cả mọi người! Tối hôm nay, từ mọi ngõ ngách của thế giới, tôi muốn lắng nghe chúng ta hét lên: Vâng, đó là điều có thể chó tất cả mọi người! Hay thậm chí tuyệt vời hơn, tôi muốn mỗi người trong chúng ta, -từ người bé mọn nhất đến người cao trọng nhất, gồm cả những người lãnh đạo các quốc gia-, hãy đáp lời: Vâng, chúng tôi muốn điều đó! Niềm tin Kitô giáo thúc đẩy tôi nhìn lên Thánh Giá. Tôi mong muốn tất cả những người nam và người nữ thiện chí biết nhìn lên Thánh Giá dù chỉ là một giây lát mà thôi biết bao! Ở đó chúng ta có thể thấy được sự trả lời của Chúa: bạo lực thì không được trả lời bằng bạo lực, chết chóc thì không được trả lời bằng ngôn ngữ của sự chết. Trong sự thinh lặng của Thánh Giá, tiếng ồn ào của vũ khí ngừng lại và ngôn ngữ của hòa giải, thứ tha, đối thoại, và hòa bình được cất lên. Tối hôm nay, tôi khẩn cầu Chúa cho chúng ta những Kitô hữu, và anh chị em các tôn giáo khác của chúng ta, và mọi người nam người nữ thiện chí, thét lên cách mạnh mẽ rằng: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là con đường dẫn đến hòa bình! Mọi người hãy rung động để nhìn vào tận thẳm sâu của lương tâm mình và lắng nghe lời nói nầy: Hãy để lại đàng sau mối lợi riêng làm chai cứng trái tim của bạn, hãy vượt qua sự dửng dưng làm cho lòng bạn vô cảm với tha nhân, hãy chiến thắng lý lẽ chết chóc của bạn, và hãy mở lòng ra để đối thoại và hòa giải. Hãy nhìn đến khổ đau của người anh em để đừng làm tăng thêm nữa, hãy dừng tay của bạn, hãy xây dựng lại sự hài hòa đã bị tan vỡ; và tất cả những điều nầy sẽ đạt được không phải bằng xung đột nhưng bằng gặp gỡ! Cầu mong cho tiếng ồn của vũ khí ngưng đi! Chiến tranh luôn luôn đánh dấu sự thất bại của hòa bình, đó luôn là sự thất bại của nhân loại. Hãy để cho lời của Đức Gioan-Phaolô II lại vang lên: “Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng nữa, đừng bao giờ!… Chiến tranh đừng bao giờ xảy ra nữa, đừng bao giờ có chiến tranh nữa!” (Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, 1965). “Hòa bình diễn tả chính nó trong hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý nhưng nó được nuôi dưỡng bởi hy sinh cá nhân, lòng khoan dung, thương xót và tình yêu” (Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình, 1975). Thứ tha, đối thoại, hòa giải – đó là ngôn ngữ của hòa bình, trên đất nước Syria thân yêu, ở Trung Đông, trên toàn thế giới! Chúng ta hãy cầu xin cho sự hòa giải và hòa bình, chúng ta hãy làm việc cho sự hòa giải và hòa bình, và tất cả chúng ta, ở mọi nơi, hãy trở nên những người nam và những người nữ của hòa giải và hòa bình! Amen.

XT (theo Radio Vatican)

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30